Alan Phan
Khi tôi còn làm cho hãng Eisenberg và Hartcourt vào những năm đầu mở cửa của Trung Quốc (1975-1990), chúng tôi được tiếp đón nồng hậu và được mời đầu tư vào những công ty mà chánh phủ TQ cho là “hòn ngọc” giá trị nhất của họ. Đó là những đại công ty có nhà máy lớn như một sân vận động, hàng chục ngàn nhân công, cơ sở văn phòng bề thế… tọa lạc phần lớn tại các vùng khỉ ho gà gáy (kế hoạch tránh các phi vụ ném bom trong chiến tranh). Những doanh nghiệp nhà nước này mang rất nhiều tính chất xã hội và quản lý theo kiểu “cha chung”… nên thua lỗ thường trực.
Trước 1990, không mấy ai trên thế giới suy nghĩ nhiều về tài sản “mềm”, mà đo lường sự thịnh vượng thành công của 1 công ty hay 1 con người qua các đồ chơi sờ mó được như bất động sản, khoáng sản, thực phẩm, xe cộ, điện máy…
Giá trị của tài sản mềm
Do đó, khi Hartcourt đem tiền đầu tư chuyên vào các công ty IT hay truyền thông, nhiều tư vấn TQ cho chúng tôi ngu, đem tiền đi đổ sông Ngô. Ngay đến hôm nay, phần lớn doanh nhân Việt vẫn không nhận ra giá trị mềm của công ty họ. Khi họ chào bán hay mời mọc, họ vẫn khoe nhiều về nhà máy hoành tráng, bao nhiêu hectares đất bao quanh, văn phòng tráng lệ ngay tại trung tâm thành phố và chiếc xe Rolls Royce họ đang lái…
Tôi có đến thăm tập đoàn Foxconn ờ Shenzen hai năm về trước. Nhà máy hiện đại với hơn 30 ngàn nhân công, hệ thống dây chuyền sản xuất và các phòng “sạch” (clean room) vĩ đại trông rất ấn tượng. Sản phẩm lớn nhất họ gia công là các Iphone, Ipad, Ipod cho Apple. Trong khi Apple làm chủ bản quyền trí tuệ và thương hiệu nên kiếm lời khoảng $140 USD mỗi đơn vị Iphone, lợi nhuận của Foxconn khoảng $7 một chiếc.
Hãng Nike có thương vụ lớn nhất toàn cầu về giầy dép và trang phục thể thao. Họ không sở hữu bất kỳ nhà máy nào trên thế giới. Tài sản quý giá nhất là thương hiệu đã xây dựng suốt 50 năm qua và những trung tâm thiết kế và các phòng thí nghiệm hiện đại nhất về công nghệ và sản phẩm. Những công ty có thị giá cao nhất trên thế giới đều là những công ty mà giá trị mềm vượt trội: Google, Microsoft, Facebook, Pfizer, Oracle, IBM… Không một công ty bất động sản nào nằm trong Top 100 (100 công ty hàng đầu).
Tài sản mềm mang giá trị quan trọng nhất trong lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế tương lai.
Nhìn lại Việt nam, liệu chúng ta có thể đánh giá được những tài sản mềm? Vai trò của chúng sẽ ảnh hưởng như thế nào trong chiến lược kinh tế khu vực và toàn cầu? Hãy kiểm điểm.
1. Tài sản con người
Hai yếu tố tạo mũi nhọn cho đội ngũ nhân lực là sáng tạo và năng động. Đây là phạm trù của tuổi trẻ và Việt nam thường hãnh diện với một dân số mà 65% dưới 30 tuổi, trên 50 triệu người. Thêm vào đó, học sinh sinh viên Việt Nam thường tỏa sáng trên các trường trung đại học khắp thế giới. Cộng với giới trẻ trong nước, Việt Nam có 3.8 triệu kiều bào có kinh nghiệm nghề nghiệp cao, 32% tốt nghiệp đại học. Nói chung so với 9 quốc gia còn lại trong khối ASEAN, Việt Nam dẫn đầu về tiềm lực của nhân tài, trên cả Indonesia với gần 250 triệu dân.
Tuy nhiên, sự yếu kém của nền giáo dục lý thuyết từ chương đã làm què quặt tiềm năng này. Công ty Intel đã không tìm ra đủ 180 nhân viên trung cấp cho nhà máy 1 tỷ đô la của họ ở Thủ Đức và phải nhập khẩu một số lớn chuyên viên từ Malaysia và Phi Luật Tân. Các công ty FDI khác tại Việt Nam đều có những than phiền tương tự.
Thêm vào đó, tư duy sao chép nguyên bản các tư tưởng truyền thống, các công thức khoa học lỗi thời và chánh sách dùng người lấy ngoan ngõan làm chỉ tiêu… đã gây thui chột mọi sáng kiến, mọi đổi mới, mọi tiến bộ. Dù có số lượng giáo sư tiến sĩ cao nhất ASEAN (gần 10 ngàn người), Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế nộp tại Âu Mỹ trong 6 năm qua. Năm 2011, trong khi Singapore với 5 triệu dân đăng ký 648 bằng sáng chế, con số từ Việt Nam là zero cho 90 triệu dân.
2. Thương hiệu quốc gia
Các tên tuổi mà mạng truyền thông Việt không ngừng vinh danh như Vinamilk, Trung Nguyên, Dr. Thanh, Bitis… đều không có một dấu ấn gì trên thương trường quốc tế. Ngay cả Vietnam Airlines đáng lẽ phải là một đầu cầu để phát huy các thương hiệu khác cho Việt Nam trên khắp điểm đến của thế giới đã chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Nhờ vai trò lịch sử trong 2 cuộc chiến tranh Pháp-Mỹ, Việt Nam đã có tiềm năng để nổi tiếng và tạo thiện cảm với nhân dân thế giới. Tuy nhiên sau 37 năm từ ngày chấm dứt chiến tranh, hình ảnh Việt Nam đã mờ dần trong trí nhớ của những thế hệ trẻ sau này. Sự thiếu vắng những thành quả ấn tượng trên mọi lãnh vực từ kinh tế đến khoa học, từ nghệ thuật đến thể thao đã bào mòn thương hiệu Việt Nam.
Nhật Bản phải mất gần 40 năm mới tạo dựng cho Made In Japan một thương hiệu đồng nghĩa với chất lượng sản phẩm và sáng tạo. Trung Quốc cố gắng tạo một thương hiệu quốc gia suốt 35 năm qua. Cho đến nay, kết quả ngược lại với mong ước, các thực phẩm, hóa phẩm Made in China bị tẩy chay trên mọi thị trường, ngay cả tại chính quốc gia họ. Các sản phẩm tiêu dùng khác của TQ đồng nghĩa với giá rẻ và biểu hiện của hàng nhái, hàng giả, hàng dởm…
Một may mắn cho Việt Nam là dù nằm cạnh Trung Quốc và mang nhiều tính chất kinh doanh cẩu thả tương tự, sản phẩm Việt Nam vẫn chưa bị bôi đen trên thế giới. Tuy nhiên, nếu tiếp tục copy ông láng giềng về quản lý chất lượng, thương hiệu chúng ta sẽ là một gánh nặng đè trên giá cả, thay vì hưởng một mức giá cao hơn (premium) như Nhật Bản.
3. Vị thế trên thị trường
Mọi nền kinh tế cũng như doanh nghiệp đều có thể tạo cho mình một thế mạnh trong các thị trường ngách, mà không cần đến các yếu tố cạnh tranh trên. Thí dụ, Thụy Sĩ hay Singapore không có một nền tài chánh lớn mạnh như Mỹ, Anh… cũng không có đội ngũ hay công nghệ gì sáng tạo hơn; nhưng họ biết biến quốc gia nhỏ bé của họ thành một trung tâm tài chánh thế giới qua chánh sách mở rộng mà kín đáo, hiệu năng và minh bạch.
Việt Nam có thể tìm một lợi thế cạnh tranh theo phương thức trên. Dù công nghiệp Việt không thể sánh với Trung Quốc trên rất nhiều phương diện, nhưng các nhà sản xuất Hàn , Nhật đã đầu tư nhiều vào Việt Nam để tránh rủi ro khi bỏ tất cả trứng vào cái giỏ Trung Quốc. Về du lịch, dù không thể cạnh tranh với Thái Lan hay ngay cả xứ nhỏ như Singapore và Mã Lai, Việt Nam có thể đào sâu vào một chiến lược đặc trưng như sinh thái hay thám hiểm hay hưu trí để tạo thị trường.
Hai ngành nghề tôi tin là Việt Nam có thể dẫn đầu tại ASEAN nếu biết phát triển đồng bộ và sáng tạo. Thứ nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Tạo ra những sản phẩm xanh, sạch, an toàn được đảm bảo bởi những cơ quan kiểm phẩm nổi danh thế giới là bước đầu. Việc giáo dục huấn luyện cho các nông dân những công nghệ mới, những quy trình dùng IT để điều hòa và tiếp liệu, sử dụng đội ngũ tiếp thị trẻ và bén nhậy từ thành phố có thể tạo nên một làn sóng thay đổi bộ mặt của nông thủy sản Việt Nam. Người tiêu dùng tại các nước Á Châu, nhất là tại các nơi có thu nhập cao như Hồng Kông, Nhật, Singapore…đang có nhu cầu rất lớn về an toàn thực phẩm.
Thứ hai là ngành IT (công nghệ thông tin) tại các thành phố lớn bao quanh bởi các đại học tiến bộ và hiện đại. Giáo trình học phải thay đổi và các trung tâm IT phải có những cơ sở hạ tầng tối tân nhất để giúp tính sáng tạo của đội ngũ phát huy đúng mức. Trên hết, luật về bản quyền trí tuệ phải được thắt chặt và nghiêm túc thực thi trên mọi cấp bực của thị trường.
4. Văn hóa gia đình và xã hội
Người Việt Nam có một gắn bó thân tình chặt chẽ với gia đình, làng xóm và đất nước, nên sự đùm bọc và tiếp sức tạo một thế đoàn kết mạnh hơn chủ nghĩa cá nhân của Âu Mỹ. Nhưng đây cũng có thể là một bất lợi vì tầm nhìn bị giới hạn, tâm lý bầy đàn rất cao và quá gần nhau thì cũng dễ gây ra xích mích mâu thuẫn. Một mặt khác, liên hệ với tha nhân ngoài xã hội lớn đang bị tha hóa và xuống cấp trầm trọng, tinh thần công dân trở nên tệ hại với những vấn nạn về tham lam, vô cảm, thói gây ô nhiễm và tư duy ích kỷ.
Nói tóm lại, cơ hội để tạo dựng những tài sản mềm cho Việt Nam hiện diện trên nhiều lãnh vực và tiềm năng của các tài sản này có thể là cú hích đưa kinh tế Việt bắt kịp các láng giềng giầu ở ASEAN trong 1 hay 2 thập kỷ sắp đến. Ba đòi hỏi quan trọng nhất trong quy trình đột phá này:
1. Tư duy của đại đa số người dân phải thay đổi để hiểu rằng cái giá phải trả cho sự thịnh vương tương lai là can đảm vất bỏ ngay lập tức những thói quen tai hại, những tư tưởng lỗi thời và những định kiến sai lầm về kinh tế, xã hội và văn hóa. Một cuộc đổi mới toàn diện từ trí tuệ của trí thức, nông nhân công, trẻ già, giàu nghèo là ưu tiên số một.
2. Thành phần ưu tú và đang được hưởng thụ những thành quả từ sự thay đổi cơ chế phải nắm lấy cơ hội để tạo cho doanh nghiệp mình đang làm chủ hay làm công lĩnh hội được những kiến thức, công nghệ hiện đại, những kỹ cương đạo đức dài hạn, những sáng tạo đột phá trên thị trường và phải bắt đầu xây dựng thương hiệu bền vững.
3. Chánh phủ nên tránh mọi can thiệp vào vận hành kinh tế của tư nhân, hãy tin vào khả năng kinh doanh của người dân, Họ dư sức đưa nền kinh tế này vào quỹ đạo của các nước tiến bộ và qua mặt những đối thủ cạnh tranh tại ASEAN cũng như toàn cầu. Hãy cởi trói cho họ để họ tự lực cánh sinh và đừng áp đặt thêm những gánh nặng không cần thiết qua chánh sách thuế khóa công bằng và thủ tục hành chánh đơn giản minh bạch.
Như Milon Friedman đã nhận xét, ”qua bao nhiêu thời đại với nhiều thể chế kinh tế, không có một hệ thống xã hội nào có thể cải thiện mức sống của người dân nhanh chóng bằng hệ thống tự do để mặc cho người dân tự tỏa sáng sự sáng tạo và lao động của họ“.
T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa
21/9/2012
21/9/2012