Chúng
tôi không biết rõ nội dung cụ thể của Hội nghị trung ương 6 khóa XI
hiện đang họp tại cung đình ngoài những lời thông báo tổng quát của ông
Nguyễn Phú Trọng trên các phương tiện truyền thông lề đảng, và thú thực
cũng không để tâm cho lắm. Nhưng các vị lão thành cách mạng thì rất quan
tâm đến mục tiêu và diễn biến của Hội nghị ấy. Thiếu tướng Nguyễn Trọng
Vĩnh là một trong số các vị lão thành đó. Ông vừa gửi đến BVN
một bài viết trình bày một vài quan điểm cá nhân liên quan đến Hội nghị
nói trên. Trên tinh thần tôn trọng ý kiến của một bậc cách mạng đàn anh
suốt đời nêu tấm gương yêu nước nồng nàn và lối sống đạo đức mẫu mực cho
con cháu, chúng tôi xin trân trọng đăng nguyên bài viết của ông, để các
cấp có thẩm quyền và bạn đọc xa gần tham khảo. Qua điện thoại, tác giả
có một lời nhắn đến chúng tôi, rằng ông chịu trách nhiệm hoàn toàn về
những vụ việc dính dáng đến tên tuổi các nhân vật mà bài viết đề cập.
Chúng ta từng tuyên bố: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên
tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, không can thiệp vào nội
bộ của nhau, hợp tác cùng có lợi”. Tuyên bố đó, về chiến lược, sách
lược đều đúng.
Trong quan hệ quốc tế, các quốc gia độc lập, bất kỳ lớn nhỏ đều phải như vậy.
Đáng thất vọng là trong cuộc đàm phán Việt – Trung về bình thường hóa quan hệ lại không thể hiện tinh thần ấy.
Trong
cuộc chiến xâm lược nước ta năm 1979 mà Đặng Tiểu Bình nói là: “Dạy cho
Việt Nam một bài học”, tuy có giết hại được bộ phận đồng bào ta, tàn
phá các tỉnh biên giới miền Bắc nước ta, nhưng cũng bị quân dân ta đánh
cho sứt đầu mẻ trán phải tháo lui. Ta đâu có phải là bại trận mà trong
đàm phán phải đi nước dưới để Trung Quốc đòi ta phải gạt bỏ Ngoại trưởng
Nguyễn Cơ Thạch, đòi không được nhắc đến trận chiến năm 1979… Phái đoàn
ta lại chấp nhận?!
Đại hội VII năm 1991 gạt bỏ
đồng chí Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, một nhà ngoại giao yêu
nước, đầy tài năng và rất cảnh giác với bành trướng, bá quyền Trung
Quốc; mỗi khi đến tháng 2 hàng năm (kỷ niệm Trung Quốc xâm lược vào các
tỉnh biên giới) không dám có phái đoàn lên thắp hương tượng trưng cho
đồng bào chiến sỹ đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc; thậm tệ hơn, chỉ cách đây
vài năm, trước cái ngày Trung Quốc đánh Việt Nam đúng một ngày, bà Phó
chủ tịch Quốc hội còn mở tiệc chiêu đãi Đại sứ Trung Quốc (chiêu đãi
mừng chính cái kẻ, vào đúng ngày này 30 năm trước, đã “quạt lửa” vào mặt
chúng ta, thử hỏi có nước nào rửa cho sạch nhục?). Mỗi người Việt Nam yêu nước đều cảm thấy nhục nhã.
Từ nhiệm kỳ của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Trung Quốc càng dễ can thiệp vào nội bộ nước ta và muốn gì được nấy.
Lãnh
đạo Trung Quốc muốn khai thác bô-xít và chiếm lĩnh điểm chiến lược Tây
Nguyên, được Tổng bí thư chấp nhận ngay mặc dầu chưa có ý kiến tập thể
Bộ Chính trị. Mỗi lần Bộ Chính trị phía ta chuẩn bị dự kiến nhân sự cho
nhiệm kỳ tới, thì thế nào cũng có Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc sang
thăm để thăm dò sự sắp đặt nhân sự mới của ta, khi cần thì gợi ý “khéo”.
Khi dự kiến các chức danh Chính phủ cho nhiệm kỳ Đại hội X, có ý kiến
đề nghị đồng chí Phạm Bình Minh làm Bộ trưởng Ngoại giao thì Tổng bí thư
Nông Đức Mạnh gạt đi, nói rằng “Trung Quốc không đồng ý”, và bố trí
đồng chí Phạm Gia Khiêm.
Khi Trung Quốc cắt cáp
tàu Bình Minh và tàu Viking II của ta thăm dò khảo sát trong thềm lục
địa Việt Nam, nhân dân phẫn nộ biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm
chủ quyền. Tình hình rất căng, đáng ra Trung Quốc phải “hạ nhiệt” thì
phía ta lại cử đặc phái viên Thứ trưởng Ngoại giao sang Trung Quốc có vẻ
cầu hòa. Trung Quốc tỏ ra bực mình vì những cuộc biểu tình, thì sau khi
đặc phái viên về là các cuộc biểu tình bị đàn áp.
Cái
gì Trung Quốc muốn cũng được, cái gì cũng nghe theo ý kiến Trung Quốc,
cái Trung Quốc không bằng lòng thì không dám làm, vậy thì còn gì là độc
lập tự chủ?
Được biết gần đây có việc bổ sung Ủy
viên Bộ Chính trị, có ý kiến trong số người dự định bổ sung, nên có
đồng chí M. thì liền có ý kiến sợ “căng thẳng với Trung Quốc”. Trong vụ
Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến can thiệp gì của Tập Cận Bình không? Nếu có
thì theo Tập Cận Bình hay theo Ban Chấp hành trung ương và theo dân?
Việc của nội bộ chúng ta thì chúng ta tự giải quyết việc gì phải nể vì
ai, theo ai? Nếu không kiên quyết xử lý dứt điểm vấn đề Nguyễn Tấn Dũng
trong thời điểm hiện nay để mắc mưu ông ta thoát khỏi bị xử lý ngay
trong hội nghị trung ương kỳ này và kỳ họp Quốc hội tháng 11 tới thì vô
cùng nguy hại.
Nhớ xưa: Vua và dân một lòng thì
dù quân Nguyên Mông hùng mạnh nhất một thời cũng bị 3 lần đại bại. Hồ
Quý Ly tuy có tư tưởng cải cách tiến bộ, có thành đá, hào sâu, nhưng vì
không được dân ủng hộ nên mất nước.
Không nên
quá sợ Trung Quốc đánh. Thắng bại trong chiến tranh chủ yếu là do thiên
thời, địa lợi, nhân hòa, không chỉ do vũ khí và phương tiện.
Na-pô-lê-ông đã thất bại trước nước Nga, Hít-le đã thất bại trước Liên
Xô, Nguyên Mông và Mỹ đã thất bại trước Việt Nam…
Trung
Quốc có chỗ mạnh nhưng cũng có đầy chỗ yếu. Bối cảnh quốc tế và nội
tình Trung Quốc không thuận cho Trung Quốc gây chiến. Nhưng nếu ta nhu
nhược quá thì Trung Quốc sẽ thực hiện được “bất chiến tự nhiên thành”.
N.T.V.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN