Dove – cựu “viện sỹ” VKHVN
Hiệu Minh xin gộp 3 comment của bạn đọc
có nick là Dove, người từng du học ở Liên Xô và hiểu khá rõ đất nước
này, thành một bài viết. Xin cảm ơn anh Dove về những đóng góp quí giá
này.
Lời nguyền của Rosa Luxemburg
Viết entry này tôi chợt nhớ đến K. Popper mà bạn Tịt Tuốt nhắc đến
trong một comment về một quan niệm chuẩn xác theo kiểu Đức. Dân chủ thực
sự là kết quả của một quá trình vô cùng gian lao để xây dựng 2 hệ thống
thiết chế:
- Hệ thống thiết chế đảm bảo quyền lực tối hậu của nhân dân trong việc thành lập chính phủ của mình;
- Hệ thống thiết chế cho phép phép xã hội giám sát những
người cầm quyền, bãi miễn họ và thực hiện cải cách mà ko cần đến sử dụng
bạo lực.
Trong bối cảnh lịch sử của nước Nga hồi CM tháng 10, việc xây dựng 2
hệ thống thiết chế mà K. Popper đã đề cập, phải thông qua giai đoạn
chuyên chính vô sản, như quá trình xây dựng thể chế với sự có mặt của
NATO trong bối cảnh của Mùa xuân Ả rập hiện nay.
Đó chính là lí do để một người Đức khác, bà Rosa Luxemburg, đã bỏ
công nghiên cứu vai trò của chuyên chính vô sản trong quá trình xây dựng
các thiết chế dân chủ. Bà đã rút ra một kết luận súc tích và mang tính
thuyết phục đáng kinh ngạc:
“Chuyên chính (vô sản) là chuyên chính của giai cấp chứ không
phải là chuyên chính của một đảng hoặc một tập đoàn. Đó là chuyên chính
để thực hành dân chủ không hạn chế… tiến hành công khai với mức độ tối
đa, được quần chúng nhân dân tham gia một cách tích cực nhất và không bị
ngăn trở.”
Rosa Luxemburg phát biểu tại Moscow
Bà cũng đã sớm cảnh báo với Lenin về kịch bản sụp đổ của mô hình XHCN
theo kiểu Xô viết, ngay từ những ngày nó mới được hình thành, với mức
độ chuẩn xác đáng kinh ngạc:
“Cùng với sự áp chế đời sống chính trị của cả nước, đời sống
Xô-viết nhất định sẽ ngày một tê liệt. Không có bầu cử, thiếu vắng ngành
xuất bản không bị hạn chế và sự tự do hội họp… thì đời sống của bất cứ
tổ chức công cộng nào cũng dần dần bị tiêu diệt, trở thành đời sống
không có linh hồn, chỉ có tầng lớp quan liêu vẫn là nhân tố hoạt động
duy nhất.”
Như vậy, mô hình XHCN theo kiểu Xô viết bị sụp đổ, bởi vì nó đã phạm
phải lời nguyền của Rosa Luxemburg và đã thất bại hoàn toàn trong việc
xây dựng hệ thống thiết chế dân chủ.
Vận dụng một câu thành ngữ Nga có thể kết luận: Liên Xô sụp đổ vì nó
đã có thể bay thấp hơn CNTB nhưng ko thể bay cao như CNXH chân chính.
Đó cũng chính là cách mà Lenin đã đánh giá về những phê phán của phe
Bolsevich về tác phẩm “Phê bình ngắn chính trị” của Rosa Luxemburg: “Dù
có mắc sai lầm gì thì đồng chí ấy vẫn mãi mãi là một con chim ưng. Chim
ưng có thể bay thấp hơn cả gà, nhưng gà không bao giờ có thể bay cao
được như chim ưng.”
Lâu nay, tôi (Dove) bị tê cóng trong mùa đông tư duy vì ko hề được
cái gọi là kinh tế thị trường theo định hướng CNXH sưởi ấm bằng triết
học Đức, CNXH không tưởng Pháp, kinh tế học Anh.
Đọc Perestroika của Tổng Cua làm tôi “cảm lạnh” đến cứng cả tay gõ
bàn phím, rồi đột quỵ vì thấy trên vô tuyến loan tin TW thiếu cán bộ
chiến lược, cho nên thay vì kiểm điểm TBT Nguyễn Phú Trọng hăng hái chỉ
đạo “quy hoạch cán bộ”.
Lại xa rời xu thế thời đại, lại dấn sâu thêm vào lời nguyền của Rosa
Luxemburg. Lí luận thì như thế, chẳng hiểu quy hoạch như thế nào và để
làm gì?
CHXH Liên Xô phát triển trong… tiếu lâm chính trị
Cuối thập niên 1970 đầu 1980, Tổng bí thư Brejnev long trọng tuyên bố
Liên Xô đã hoàn thành thời kỳ quá độ và bước vào giai đoạn xây dựng
CNXH phát triển. Phương tiện thông tin đại chúng hoạt động hết công suất
để quảng bá về CNXH phát triển, các tác phẩm của Brejnev như Đất Nhỏ,
Đất hoang v.v… được phát hành hàng triệu bản.
Tuy nhiên, trên toàn cõi Матушка Русь bao la chẳng hề thấy đâu sự
cuồng nhiệt và sự đam mê mà dân Trung Quốc đã thể hiện khi học Mao tuyển
và làm Đại nhẩy vọt.
Dân Nga vốn có đầu óc thực tiễn “trăm nghe ko bằng một thấy” bởi thế
chẳng mảy may đếm xỉa đến CNXH phát triển và trước tác của lãnh tụ. Họ
vẫn cứ nốc vodka, cứ phàn nàn về nạn thiếu nhu yếu phẩm như trong thời
quá độ và “vô tư” hư cấu tiếu lâm chính trị với quy mô đồ sộ chưa từng
thấy trong lịch sử nước Nga và có thể là của nhân loại.
Tôi tin rằng, nếu ghi số lượng chuyện tiếu lâm về Brejnev vào sách Guiness, thì chắc chắn đó sẽ là kỷ lục của mọi thời đại.
Trong khi không khí xây dựng CNXH phát triển mang đậm màu sắc tiếu
lâm đến như vậy, thì tại Trung tâm Tính toán của Viện Hàn lâm và tại
Khoa Toán Cơ của Đại học Lomonosov (МАТ- МЕХ, МГУ) có 3 đại lão gia
không còn tâm trí nào để mà cười. Cả ba từng sang Việt Nam và thăm viện
KHVN của anh Hiệu.
Dorotnisyn và Moiseev
Đó là những chuyên gia về mô phỏng toán học hàng đầu của nước Nga:
viện sĩ Dorodnitxưn, viện sĩ Moiseiev và viện sỹ Sedov. Họ thảo luận về
những nghịch lí của cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp và nhất trí
rằng để nâng cao hiệu quả, cần phải xây dựng mô hình chi tiết của nền
kinh tế Liên Xô.
Nói là làm, Viện sĩ Moiseiev đã có những đóng góp mang tính chất
quyết định. Bằng kết quả mô phỏng toán học, ông đã chứng minh rằng mô
hình chi tiết của nền kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp ko những ko ổn
định mà còn được đặc trưng bởi tính ngẫu nhiên như hiện tượng chảy rối
của chất lỏng, khi số Reynolds vượt quá giá trị tới hạn.
Căn cứ kết quả thu được, có thể rút ra 3 điều kiện về phạm vi áp dụng
có hiệu quả của cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, đó là: 1) Mục
tiêu rõ ràng và khả thi; 2) Các tác động ngẫu nhiên không vượt ra ngoài
tầm kiểm soát và 3) Biện pháp thực hiện là duy nhất.
Để minh họa, xin nêu ra 2 lãnh vực tối quan trọng đối với mọi nền
kinh tế quốc dân, đó là sản xuất nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng:
1) Sản xuất nông nghiệp: Tại Liên Xô vào các năm 1932 – 1933, Stalin
đã thực hiện tập thể hóa toàn diện một cách duy í chí mà ko hề đếm xỉa
đến cả 3 điều kiện nêu trên. Kết quả là khoảng 7 triệu người chết đói.
Nạn đói tại Trung Quốc 1958 – 1961, cũng xẩy ra do nguyên nhân tương tự,
số người chết đói 17,5 – 45 triệu. Trong cả 2 trường hợp, nhân tố ngẫu
nhiên đều là thiên tai, cụ thể là nạn hạn hán. Sau khi Liên Xô tan vỡ,
nước Nga đã phát triển nông nghiệp theo cơ chế thị trường và từ một nước
phải nhập lúa mỳ đã khôi phục lại vị thế quốc gia xuất khẩu lúa mì đứng
thứ 2 thế giới.
2) Sản xuất hàng tiêu dùng: Ở Liên Xô đáp ứng nhu cầu về ô tô, hàng
dệt may, v.v... được đánh giá là bất khả thi đối với các doanh nghiệp
quốc doanh. Bởi vậy kế hoạch sản xuất được lập ra chỉ căn cứ năng lực
của chúng mà ko tính đến các nguồn lực tiềm tàng trong dân. Vậy là có
cầu mà chẳng có cung trở thành căn bệnh trầm kha và cũng là nghịch lí
lớn nhất của cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp.
Những thí dụ này cho thấy rằng cho dù chỉ một trong 3 điều kiện như
đã trình bày ở trên không thể thực hiện được thì cơ chế thị trường đã
phát huy tính ưu việt vượt trội so với cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao
cấp. Từ đó có thể rút ra 2 kết luận, đó là:
1) Việc áp đặt duy ý chí cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp ra
ngoài phạm vi hiệu quả của nó là nguyên nhân làm sụp đổ hạ tầng kinh tế
của mô hình XHCN kiểu Liên Xô;
2) Để xây dựng CNXH phát triển, cần vận dụng một cách có bài bản cơ
chế thị trường với sự cập nhật toàn diện những thành quả tiên tiến của
các nước tư bản.
Những cảnh báo rõ ràng của các nhà khoa học đã được phát đi từ 12 năm
trước khi Liên Xô tan vỡ. Rất đáng tiếc là nó không được giới tinh hoa
chính trị của Liên Xô nhận thức đúng với tầm quan trọng đích thực.
Ngày nay VN, sau khoảnh khắc đổi mới quyết liệt và năng động, tưởng
mình thành hổ, đã lại lịm dần vào tình trạng trì trệ với những biến
chứng nguy hiểm. Giải thể IDS, không thèm nghe trí thức, bệnh tình có
triệu trứng giống như Liên Xô thời tiền…sụp đổ.
Viện sĩ Liên Xô mê thạch sùng
Tôi nhớ vào đầu thập niên 1980, tại Vườn trẻ TW ở làng Nghĩa Đô (hồi
đó phụ huynh còn thăm nuôi tấp nập chứ ko đìu hiu như thôn KH-CN bây
giờ), bỗng dưng xuất hiện một ông già Nga đôn hậu, đó là cụ Dorodnitxưn –
Viện sĩ, Giám đốc TT Tính toán, Viện Hàn lâm KH Liên Xô. Nếu liệt kê
hết “kinh nghiệm” của ông già cực kỳ thông thái này, từ khí động học
thiết bị bay đến phê phán Sarkharov thì phải tốn vài entry, đành xin
miễn.
Lại còn nhớ rằng, hồi đó các cây đa cây đề của Vườn trẻ TW rất quan
tâm đến máy tính, còn cụ viện sĩ, bỗng nhiên thờ ơ computer để đam mê…
thạch sùng!!! Cụ hào hứng bày tỏ cảm xúc lần đầu tiên trong đời được tận
mắt trông thấy một sinh vật, có lẽ xuất hiện từ thế giới của hình học
fractal.
Bất chấp mọi quy luật cơ học cái con vật được gọi là thạch sùng đó,
vừa chạy băng trên trần nhà, vừa đớp mồi, vừa cãi nhau chí chóe. Thậm
chí, khi hứng lên, còn làm cả chuyện ấy trong tư thế lộn ngược.
Giá mà biết được, tại sao chúng lại có thể “vô tư” đùa giỡn với định
luật vạn vật hấp dẫn của Newton, thì vấn đề về tính ổn định của thiết bị
thăm dò mặt trăng (Lunakhod) coi như xong.
Thạch sùng tiếc của
Chẳng mấy chốc sau buổi trao đổi cảm tưởng thăm Nhà trẻ TW của cụ
viện sĩ, IOIT bỗng dưng nhận được lệnh tạm đình chỉ tranh luận: máy tính
là cứu cánh hay điều khiển là cứu cánh để cấp tốc tiến hành chiến dịch
bắt thạch sùng phục vụ Lunakhod. Chắc chắn rằng so với chiến dịch bắt
chim sẻ của TQ vào hồi đại nhẩy vọt, IOIT đã đạt được một bước đột phá
cơ bản về huy động chất xám.
Dove ở viện khác, thấy các nàng Kiều của IOIT võ trang bằng cán chổi
và cọc màn xăng xái đi bắt thạch sùng mà lòng dạ nao nao “trâu buộc ghét
trâu ăn”, tuy vậy vẫn đủ tỉnh táo nẩy ra sáng kiến đến IOIT ứng cử chức
vụ “trợ lí thạch sùng”.
Bè lũ Tổng Cua chưa hề có ý tưởng gì về cái job bỗng dưng rơi từ trên
trời xuống này, nhưng do đầu óc cục bộ hẹp hòi đã thẳng thừng quăng đơn
ứng cử của Dove vào sọt rác.
Thế là thạch sùng VN lên máy bay đến nước Nga mà không có trợ lý đủ
kinh nghiệm. Chẳng biết có đóng góp gì cho công nghệ không gian không?
Ai biết, đề nghị giải tỏa bảo mật nhé, đã 30 năm trôi qua rồi đấy.
Chỉ có điều, Viện sỹ Dorodnitxưn không biết thạch sùng từng giầu có
nhưng chỉ vì sỹ diện tưởng mình cái gì cũng có nên tự tin thách đấu bằng
cả cơ nghiệp. Tới lúc hỏi về lọ mẻ thì bỗng ngã ngửa nhà không có. Thua
canh bạc nên trèo tường đi đớp muỗi. Thỉnh thoảng thạch sùng chẹp chẹp
vì tiếc của mà chưa hề lên mặt trăng lần nào.
Tác giả: Dove – cựu “viện sỹ” VKHVN.