Max Boot
L.V. chuyển ngữ
L.V. chuyển ngữ
Thanh niên Việt Nam xếp hàng mua cà phê Mỹ chứ không vào xem nhà trưng bày “tội ác” của Mỹ.
Tôi vừa đến thăm Việt Nam, chủ yếu là vì tôi quan tâm đến lịch sử của
nước này - và đặc biệt là hai cuộc chiến của Việt Nam trong thế kỷ 20,
cuộc chiến đầu giữa phe Việt Minh chống lại người Pháp và đồng minh bản
xứ, cuộc chiến thứ hai giữa phe Bắc Việt cùng Việt Cộng chống lại Hoa Kỳ
và Nam Việt Nam. Trong quá trình du hành trên khắp nước, từ Hà Nội miền
bắc, Huế miền Trung, đến Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) miền Nam, tôi
cũng đã tìm hiểu được vài thành tựu cũng như thử thách hiện tại của đất
nước này.
Có vô số điều gợi lại những kỷ nguyên của Pháp và Mỹ, từ khách sạn
Metropole thanh nhã thời thuộc địa ở Hà Nội cho đến những đường địa đạo ở
Củ Chi gần Sài Gòn, nơi từng được Việt Cộng sử dụng, hiện là một khu du
lịch. Bất chấp những cải cách kinh tế bắt đầu từ thập niên 80, Việt Nam
vẫn còn là một chính thể Cộng sản vô cùng độc tài, và chính quyền đang
tìm cách củng cố tính chính danh bằng cách kéo dài vai trò của mình
trong việc đánh đổ những thiết kế của Pháp và Mỹ.
Viện Bảo tàng Tội ác Chiến tranh tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể đã
được đổi sang một cái tên nghe trung lập hơn là Viện Bảo tàng Chứng tích
Chiến tranh nhằm trân trọng mối quan hệ ngày càng gần gũi hơn giữa Hà
Nội và Washington, nhưng nó vẫn là thành trì của bộ máy tuyên truyền
chống Mỹ. Nhà trưng bày chỉ chú trọng vào cái gọi là tội ác do quân đội
Mỹ gây ra - một số là sự thật (như Mỹ Lai), - những trưng bày khác được
phóng đại mạnh mẽ hoặc hoàn toàn bịa đặt từ đầu đến cuối. Những bức
tường được gắn đầy những trích dẫn từ những nhân vật như triết gia thiên
tả người Anh Bertrand Russell lên án hành động của Mỹ.
Nguyên một gian nhà chú trọng vào những tàn phá của chất Da cam, loại
thuốc huỷ diệt thực vật do quân đội Hoa Kỳ xịt trong những năm 60, hiện
đang được chính quyền Việt Nam đổ tội cho hầu như bất cứ bào thai dị
dạng trên đất nước này. (Chính quyền Obama vừa đồng ý giúp tẩy rửa những
khu đất bị ô nhiễm chất hoá học gần căn cứ không quân cũ của Hoa Kỳ ở
Đà Nẵng nhưng không thừa nhận bất kỳ trách nhiệm đối với những hệ quả
được xem là có liên quan đến chất Da cam.) Không cần phải nói là chẳng
có một trưng bày nào đề cập đến những tội ác của Cộng sản, ví dụ như
việc giết hại hàng nghìn người dân miền Nam khi lực lượng Cộng sản chiếm
đóng thành phố Huế một thời gian ngắn trong cuộc Tổng Tấn công Tết năm
1968.
Tại dinh tổng thống với phong cách hiện đại nơi các tổng thống Nam
Việt Nam từng ở, có những trưng bày ca ngợi những người lính Bắc Việt
Nam từng phá đổ những cánh cổng bằng xe tăng của Liên Xô. Chẳng một nhắc
nhở nào về hàng triệu người miền Nam sau đấy bị đưa vào những “trại cải
tạo” hoặc là những “thuyền nhân” trên những chiếc thuyền thủng đáy.
Trong khi Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh nhấn mạnh chuyện người Việt
là nạn nhân, những trưng bày tại địa đạo Củ Chi, nơi Việt Cộng ẩn náu
sau khi tấn công quân đội Nam Việt Nam và Mỹ, lại miêu tả người Việt như
những chiến binh dũng cảm. Thậm chí có cả một chiếc tivi chiếu đi chiếu
lại một bộ phim tuyên truyền thời 60 ca ngợi quân Việt Cộng và đương
nhiên chẳng đề cập gì đến mối quan hệ mật thiết của họ với chính quyền
Bắc Việt Nam.
Trong khi ấy, tại nhà giam Hoả Lò tối tăm, vốn được giới tù binh Mỹ
gọi là Hà Nội Hilton, lại có một tương phản đầy lố bịch: Nhà tù này miêu
tả một cách chính xác những hình thức tra tấn mà các cai ngục người
Pháp sử dụng đối với các tù nhân chính trị người Việt, trong khi lại tô
vẽ đầy sai lạc cách đối xử của quản tù người Việt với các tù nhân quân
sự người Mỹ. Một tấm bảng giới thiệu với khách viếng thăm (không hoàn
toàn đúng văn phạm): “Trong thời kỳ chiến tranh nền kinh tế quốc gia gặp
khó khăn nhưng chính quyền Việt Nam đã thiết lập những điều kiện sống
tốt nhất cho các phi công Hoa Kỳ để họ có được một cuộc sống ổn định
trong giai đoạn tạm giam.” Thôi, đấy cũng là một cách tường thuật những
trò tra tấn dã man mà John McCain, James Stockdale và những tù nhân
chiến tranh khác phải chịu đựng.
Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là chẳng có một khách người Việt
nào tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, địa đạo Củ Chi hay nhà lao Hoả
Lò - những ai đến đấy toàn là người nước ngoài như tôi. Nhưng câu chuyện
lại hoàn toàn khác tại Lăng Hồ Chí Minh hoành tráng ở Hà Nội, nơi hàng
nhóm những khách thăm người Việt đến để chiêm ngưỡng xác ướp của Hồ
(hoặc có thể chỉ là một hình nộm bằng sáp). Chiếc Lăng nằm cận ngôi nhà
sàn giản dị nơi Hồ từng sống và làm việc trong vai trò chủ tịch nước Bắc
Việt Nam. Nói đúng ra thì đa số khách thăm người Việt là những học sinh
trong những chuyến tham quan bắt buộc, nhưng rõ ràng là người dân có
một tình cảm sâu nặng đối với “Bác Hồ”, người mà theo tiêu chuẩn độc tài
của thế giới, lại giản dị và khiêm tốn khác thường. (Ông hẳn rất ghét
chiếc lăng kiểu Lenin vốn được xây dựng và bảo hành với sự giúp đỡ của
người Nga - ông từng yêu cầu một lễ hoả thiêu đơn giản.)
Ngược lại, có vẻ người dân tương đối ít quan tâm đến hai cuộc chiến
Việt Nam - chẳng có gì ngạc nhiên khi tuổi trung bình ở Việt Nam hiện là
28, có nghĩa là đa số người dân xem những cuộc chiến này là lịch sử xa
xưa.
Cùng ngày tôi đến thăm địa đạo Củ Chi và Bảo tàng Chứng tích Chiến
tranh, tôi cũng đã ghé ngang mua một ly cà phê đá ở Sài Gòn, nơi nhiều
người Việt vẫn xem là thành phố lớn nhất nước. Tôi mua ly cà phê (rất
ngon) từ một cửa hàng có tên là NYDC, viết tắt của “New York Desert
Café.” Nó được trang hoàng bằng những bức ảnh của tượng Nữ thần Tự do và
những biểu tượng khác của nước Mỹ. Một chiếc tivi đang chiếu phim “Ice
Age” với phụ đề tiếng Việt, trong khi hàng đám thanh niên thời thượng tụ
tập chung quanh những chiếc Ipad và bánh kem. Bên cạnh là một chi nhánh
The Coffee Bean của Mỹ, cũng đông đúc không kém.
Có một điều gì mang tính biểu tượng về thực tế của giới trẻ thành thị
Việt Nam đang hấp thụ nền văn hoá Mỹ, trong khi chính quyền của họ lại
tiếp tục bám giữ quan điểm của đảng về sự độc ác của chủ nghĩa đế quốc
Mỹ hung hãn. Thậm chí quan điểm này cũng đang dịu đi khi Hà Nội nhận
thấy rằng họ đang cần sự giúp đỡ của Washington để chống lại kẻ thù xâm
lược lâu dài trong lịch sử của mình - Trung Quốc. Điều không thay đổi là
chế độ độc đảng, hiện vẫn được giữ nguyên một cách lố bịch bất chấp
hàng thập niên giải phóng kinh tế. Như tổ chức Theo dõi Nhân quyền lưu
ý:
Chính quyền Việt Nam đã đàn áp một cách có hệ thống quyền tự do
ngôn luận, lập hội và biểu tình hoà bình. Các nhà báo độc lập, các
blogger và các nhà hoạt động nhân quyền nào chất vấn chính sách của
chính quyền, tố cáo quan chức tham nhũng, hoặc kêu gọi những hình thức
dân chủ khác ngoài chính thể độc đảng thì thường xuyên bị công an quấy
nhiễu và theo dõi sát sao, bị bắt biệt giam trong thời gian dài mà không
được quyền tư vấn pháp lý, và bị tuyên án tù nhiều năm vì vi phạm những
luật lệ an ninh nhà nước đầy mơ hồ.
Gần đây, khi đất nước đang đối diện với mức tăng trưởng yếu, nạn suy
giảm tín dụng và bong bóng nhà đất, chính quyền đã ra tay đối với những
doanh nhân giàu có với doanh nghiệp đang nặng nợ hoặc thất bại. Họ bị
bắt giữ và truy tố với những tội danh khác nhau, dù có thật hay không,
vốn từng được nhân nhượng trong những năm kinh tế bùng nổ. Thật khó mà
hiểu được vì sao lại có những vụ bắt giữ này trong khi tại Trung Quốc
cũng hoàn toàn chẳng có tính minh bạch và nạn tham nhũng còn tội tệ hơn.
Giới cầm đầu đảng Cộng sản có quan hệ mật thiết với những doanh vụ
thương mại; những cuộc bắt giữ nào có thể phản ánh sự dịch chuyển tài
sản trong Bộ Chính trị, với những doanh nghiệp đồng minh của một số lãnh
đạo đang phải chịu đựng vì sự suy giảm quyền lực chính trị của họ. Hoặc
những vụ bắt giữ này đơn giản là một cố gắng nhằm xoa dịu cơn giận dữ
của công chúng đối với nạn tăng trưởng bị đình trệ.
Những người phương Tây mà tôi trò chuyện ở Thành phố Hồ Chí Minh đã
kinh ngạc đối với nạn tham nhũng đang cực kỳ lộng hành trên khắp Việt
Nam; cũng giống như ở Trung Quốc, điều này đang làm chậm chân quá trình
phát triển về lâu dài của đất nước. Luật lệ pháp quyền chẳng hề tồn tại.
Thay vào đó là luật lệ của quan hệ mật thiết; nếu không doanh nghiệp
của bạn bị ra lệnh đóng cửa hoặc bị trưng thu một cách bí ẩn.
Tình trạng hiện tại đã tạo ra sự bối rối và dung dưỡng thói đi tắt
đối với những ai biết rằng những tuyên truyền Cộng sản mà họ được giáo
dục là dối trá và rằng giới lãnh đạo đất nước chỉ lo trước cho bản thân
và gia đình. Nhưng người Việt chẳng có lựa chọn nào khác, chẳng có một
viễn kiến phi Cộng sản nào để tin cậy vào. Thay vì thế, cũng như những
người dân ở các quốc gia hậu Marxist như Nga và Trung Quốc, họ cho rằng
mọi thứ mình nghe được đều là dối trá và mọi điều đều có thể được chấp
nhận trong quá trình làm giàu cho bản thân.
Giới lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách giải quyết vấn đề chính danh
tương tự bằng cách khuyến khích tinh thần dân tộc trong những tranh chấp
về các hòn đảo ở Nam Hải và Đông Hải vốn được những quốc gia láng giềng
tuyên bố chủ quyền - trong đó có Việt Nam. Bắc Kinh và Hà Nội, cùng với
Đài Bắc đang nghênh chiến đối đầu, đặc biệt là đối với quần đảo Hoàng
Sa, vốn được Việt Nam kiểm soát từ năm 1932 cho đến khi một tiền đồn của
quân đội Nam Việt Nam bị lính Trung Quốc chiếm đánh vào năm 1974. Một
số nước bé có thể đã nhường bước trước sự lấn lướt của Trung Quốc. Nhưng
Việt Nam thì không, họ đã từng đánh lùi cuộc xâm lăng của Trung Quốc
vào năm 1979. Một cuộc chiến tranh Trung-Việt rất có thể xảy ra trong
tương lai khi giới đầu xỏ chính trị của cả hai nước tìm cách củng cố uy
tín dân tộc chủ nghĩa của mình.
Có một cơ hội rõ rệt để Hoa Kỳ tiến gần với Việt Nam hơn và để kiềm
chế sâu hơn hơn sự đi lên của Trung Quốc bằng hàng loạt những liên minh
với các quốc gia chung quanh con rồng đang lên này. Tuy nhiên, đừng quên
rằng Việt Nam là một chính quyền độc đoán, khắt nghiệt và không chính
đáng. Như ta vừa thấy qua tại Ai Cập, những đồng minh như thế không nhất
thiết có thể nhờ tựa về lâu dài.
Nguồn: The Weekly Standards