Huỳnh Thục Vy
"Phàm người ta làm mọi việc ở đời cũng chỉ vì nghĩa hay vì
lợi... Người quân tử chỉ nghĩ đến điều nghĩa mà dốc lòng vào việc thiện.
Dù việc thiện nhỏ thế nào cũng không bỏ qua. Kẻ tiểu nhân thì chỉ nghĩ
đến điều lợi, hễ thấy lợi thì dù ác thế nào cũng thực hiện".
Đó là một câu ghi trên đài tưởng niệm liệt sĩ chống pháp Phước Ninh,
Đà Nẵng. Đọc câu nói mang nặng màu sắc Nho giáo này trong một bài viết,
tôi đã suy nghĩ rất mông lung về những giá trị cổ xưa mà ông cha ta đã
suy tôn trong hành trình “tự Hán hóa” của mình. Đối với nhiều người, có
lẽ câu nói rất ấn tượng, mang tầm vóc một phương châm sống đầy giá trị
và đậm chất luân lý. Nhưng theo tôi, không thể nhận thức đơn sơ về
“nghĩa” hay “lợi” như thế.
1/ Quân tử và nền đức trị
“Quân tử” trong cách hiểu cơ bản nhất của người Trung Hoa xưa, là
người cai trị. Do đó, từ này nguyên khởi được dùng để chỉ những người
thuộc tầng lớp thượng lưu của xã hội quân chủ Trung Hoa và một số quốc
gia du nhập Hán học khác. Với quan điểm đức trị mà Khổng giáo ra sức
truyền bá hay thậm chí là áp đặt, những người cai trị là những kẻ tài
đức vẹn toàn, là những ông vua anh minh mang tầm vóc thánh nhân, là
những ông quan phụ mẫu chi dân. Theo cách dùng ấy, chúng ta hiểu rằng,
quân tử là những người tài đức xuất chúng và có khả năng thống soái
thiên hạ. Sau này, “quân tử” còn được dùng để chỉ những người có trí
tuệ, đức độ, chính trực và hay làm việc nghĩa.
Quả tình, tôi không thích Nho giáo, không thích cả những khái niệm
của nó. Các giá trị Khổng Nho xa lạ và không gây ấn tượng tốt với tôi.
Bởi trong nền văn hóa ấy, người ta luôn miệng nói về đạo đức nhưng không
có bất cứ một định chế khả dĩ nào để bảo vệ những giá trị luân lý ấy.
Cũng chính trong nền văn hóa ấy, nơi mà kẻ cai trị được mặc định là
những người vừa có tài thao lược, vừa có đức hạnh, chúng ta chỉ thấy đầy
dẫy những kẻ bất chấp thủ đoạn để thoán đoạt thiên hạ hoặc ích kỷ hại
nhân. Nào là Lưu Bang giết Hàn Tín sau khi đã thâu tóm thiên hạ về một
mối, Lý Thế Dân giết anh em để lên ngôi hoàng đế…
Thật vậy, đạo đức xã hội không bao giờ được giữ gìn bằng cách hô
hào, mà chỉ bằng thể chế chính trị, bằng luật pháp và phần còn lại được
giao phó cho những định chế xã hội khác như: tôn giáo, giáo dục... Ngày
hôm nay chúng ta biết rằng, động cơ hành động của con người là tự lợi.
Bởi nhận chân ra điều ấy, nhân loại mới tạo lập thể chế dân chủ pháp
trị. Kẻ lãnh đạo không thể trở nên tài đức chỉ vì mang cái danh quân tử.
Ngược lại, ngay từ đầu họ phải được giả định là kẻ xấu, có khả năng lạm
quyền, tư lợi, và phải được kìm chế bởi một cơ chế chính trị nghiêm
khắc. Ở đó, họ bị đặt vào tình huống: nếu họ vi phạm những cam kết với
người dân, hậu quả mà họ lãnh nhận sẽ lớn hơn nhiều so với mối lợi mà họ
có được khi vi phạm. Nhân loại ngày hôm nay không tin tưởng vào những
phẩm giá tốt đẹp được gán (một cách hão huyền) cho kẻ cầm quyền theo
kiểu đức trị. Với thể chế chính trị tự do, người dân dõng dạc tuyên bố
với kẻ cai trị rằng: “Các ông cứ tỏ ra tốt đẹp bề ngoài, còn chúng
tôi không biết thâm tâm các ông mưu tính chuyện gì. Nhưng nếu các ông
làm bậy, các ông sẽ nhận hậu quả nhãn tiền”.
2/ Nghĩa hay lợi
Trở lại với câu nói đã được đề cập ở đầu bài viết, nó hoàn toàn đặt
trên bình diện đức trị của Nho giáo, phản thực tế và phản khoa học. Theo
đó, người ta chia con người thành hai loại: một, hành động vì nghĩa;
hai, hành động vì lợi. Phân loại con người thô thiển như thế sẽ dẫn tới
những ngộ nhận tai hại. Trong mỗi một con người, có cả bản năng vị kỷ và
bản năng cộng đồng. Động cơ, hoài bão và hành động của con người là
tổng thể những mối tương tác của các bản năng này chứ không thể phân
biệt nhị nguyên như trên.
Như đã nói ở trên, trong thực tế, nhân loại có xu hướng hành động vì
lợi ích. Bản thân việc hành động vì lợi không phải là việc xấu xa về
luân lý. Việc xem lợi ích là một giá trị tiêu cực về đạo đức là đi ngược
lại quy luật tự nhiên, và thậm chí là cản trở sự tiến bộ. Đối với nền
văn hóa Khổng Nho, chỉ có những kẻ thấp kém về tư cách và tài năng mới
hành động vì lợi, còn thánh nhân thì hành động vì nghĩa. Nhưng mặc cho
những giáo điều mà họ rêu rao, con người là con người. Mặc cho những
truyền giảng đạo đức to lớn của họ, những kẻ đứng đầu thiên hạ, những
quân vương được lưu danh sử sách, luôn là những người hành động vì lợi.
Ai nói những quân vương độc tài như Tào Tháo, Lưu Bị, Chu Nguyên Chương…
hành động vì nghĩa? Thật trớ trêu, trong một nền văn hóa luôn xiển
dương đạo đức, chính ở đó, đạo đức bị chà đạp thô bạo nhất, và hơn nữa
bị lợi dụng để mang lại lợi ích cho kẻ cầm quyền độc tài.
Người ta quên mất rằng, điều quan trọng là cần phải xác định: “nghĩa”
là nghĩa như thế nào, nghĩa đối với ai; còn “lợi” là lợi gì, lợi ích
cho ai; chứ không phải chỉ nói “nghĩa” và “lợi” chung chung. Và việc
đồng hóa “nghĩa” với “thiện”, “lợi” với “ác” như câu nói trên thật không
thỏa đáng. Rất nhiều khi, cái “nghĩa” dành cho thiếu số sẽ là họa cho
đa số còn lại (ví như: việc vì ơn mưa móc chúng ta từng có được từ Đảng
cộng sản làm cho chúng ta không thể lên tiếng chí trích Đảng hoặc chỉ
trích không tới nơi chỉ có thể là “nghĩa” với Đảng thiểu số chứ chẳng
thể là nghĩa đối với đa số còn lại); và cũng như thế, “lợi”(dù là tư
lợi) cũng không bao giờ là đồng nghĩa với “ác” nếu cái lợi ấy đạt được
bằng những phương tiện hợp pháp, hợp luân lý.
Ấy vậy mà, chữ “nghĩa” lòe loẹt ấy trong suốt thời quân chủ ở Trung
Hoa và Việt Nam đã là cái gông đeo cổ cho toàn xã hội, đã là giá trị
“sáng lòe” để nô lệ hóa cá nhân, để phục vụ cho những cá nhân cai trị
mang danh tập thể. Đến thời kỳ Cộng Sản, chữ “nghĩa” lại bị lợi dụng để
kéo hàng triệu thanh niên ngây thơ vào “cuộc chiến chống đế quốc” mà
thực ra là cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Thế mới biết “nghĩa” không
đứng trơ trọi một mình để bắt người ta phải hành động, phải hy sinh; cái
“nghĩa” đó phải đi cùng với lợi ích to lớn và lâu dài của cộng đồng thì
mới có giá trị, xứng đáng là “nghĩa” thật. “Nghĩa” mà không mang lại
lợi ích thiết thực cho cá nhân hay cộng đồng thì việc chạy theo nó là
điều vô ích. Cái “nghĩa” mà không đi kèm với sự suy xét chín chắn có khi
lại gây họa cho bản thân và nghiêm trọng hơn là cho cộng đồng.
Xét đến chữ “lợi”, mỗi cá nhân là phần tử của xã hội, lợi ích dành
cho mỗi cá nhân là góp phần vào lợi ích chung của xã hội. Bởi vậy, sự
mưu cầu lợi ích cá nhân, mà không xâm hại đến lợi ích của các cá nhân
khác và của xã hội là điều tốt đẹp và cần được phát triển. Còn đối với
những trường hợp mang lại lợi ích cho xã hội, thì “lợi” này mới chính là
“nghĩa” thật. Cái “lợi” ấy, bây giờ không chỉ mang ý nghĩa luân lý tích
cực, mà còn là sự thể hiện của trí tuệ.
3/ Sự cáo chung cần thiết của nền đức trị
Việc cổ xúy đức trị thừa kế từ nền văn hóa Khổng Nho đã mở đường cho
sự thâm nhập dễ dàng của nền “đức trị Cộng sản”. Văn hóa “đức trị” ấy đã
“trao tặng” cho Việt Nam một Hồ Chí Minh thủ đoạn hơn người nhưng được
tôn vinh thành “vị cha già dân tộc đại trí đại tâm”. Nền đức trị không
bao giờ ngăn nổi người ta trở thành những kẻ độc tài tàn bạo; mà ngược
lại còn “thánh hóa” kẻ độc tài ấy, và đưa đến khả năng chính danh hóa sự
cai trị chuyên chế qua nạn sùng bái cá nhân bệnh hoạn.
Trong cuộc đấu tranh hôm nay, chúng ta đấu tranh vì “nghĩa” sao? Điều
đó không sai, nhưng chưa đủ, chúng ta đấu tranh vì “lợi” nữa chứ. Nền
dân chủ tự do sẽ mang lại cho toàn thể quốc gia này cũng như mỗi một cá
nhân trong xã hội những lợi ích to lớn. Chúng ta đấu tranh cho dân chủ
không phải vì nó tốt chung chung theo kiểu mị dân, mà vì nó mang lại lợi
ích thực tế đã được kiểm chứng trên thế giới cho cá nhân và xã hội,
mang lại sự thăng tiến tất cả các mặt của đời sống chính trị xã hội.
Chính cái lợi ích to lớn ấy đã mang lại cho cuộc đấu tranh cái danh diện
chính nghĩa chứ không phải là những giáo điều xơ cứng, màu mè. Nói cách
khác, cái danh “chính nghĩa” là “bộ áo” bên ngoài ,còn lợi ích thật bên
trong (hướng về thiểu số hay đa số) mới quyết định bản chất của
“nghĩa”. Cộng sản đã khoác bộ áo “chính nghĩa” để tàn phá đất nước này
đó thôi. Bởi thế khi đánh giá sự việc, ta không đánh giá qua “bộ áo
chính nghĩa” ấy mà xét tận gốc rễ cái lợi ích mà nó mang lại sẽ thuộc về
ai. Chúng ta mang lại lợi ích cho ai, điều đó sẽ cho thấy chúng ta là
bậc đai phu hay kẻ tiểu nhân, chứ không phải chỉ nhìn nhận phân biệt đơn
sơ giữa “nghĩa” và “lợi”.
Ngày hôm nay, chúng ta không hướng đến một xã hội có những cá nhân
tỏa hào quang của thánh nhân mà là một xã hội với những định chế vững
vàng và có khả năng kiềm tỏa quyền lực chính trị, bảo vệ tự do cá nhân.
Sự hô hào đạo đức, nhân văn chẳng thể mang lại nhân văn, đạo đức thật;
chỉ khi nào người ta bị buộc phải hành động như thế nếu không họ sẽ bị
loại bỏ, trừng phạt thì lúc đó xã hội mới tiến bộ được. Vì vậy, xin hãy
để tâm thức Khổng Nho cùng những giá trị mà nó xiển dương lùi vào quá
khứ, nhường đường cho những giá trị mới.
Huỳnh Thục Vy
Tam Kỳ ngày 10 tháng 10 năm 2012
Tam Kỳ ngày 10 tháng 10 năm 2012