Võ Văn Tạo
Ảnh: Cưỡng chế cho dự án Khu đô thị mới Phước Long (Nha Trang) của Cty cổ phần HUD – Nha Trang
Thông báo về Hội nghị BCHTW lần thứ 6 – Khóa XI (từ 1 đến 15-10-2012) không có câu: “không để các nhà đầu tư trực tiếp thỏa thuận với người sử dụng đất về giá đền bù, chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, nhưng ở mục 3 trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc, lại thể hiện như trên.
Chắc chắn nội dung này không thể do cá nhân Tổng Bí thư tùy tiện “thêm nếm”, mà ông chỉ tóm lược nội dung BCHTW đã thảo luận và cơ bản thống nhất. Theo thông lệ, nếu không có gì thay đổi, chắc chắn tư duy này sẽ được thể hiện cụ thể trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới.
Phát biểu của Tổng Bí thư xác định: “quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt”. Thông báo của BCHTW cũng nhấn mạnh: “đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt; là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước, là nguồn sống của nhân dân”.
Cả hai văn bản đều xác định, QSDĐ (hoặc đất đai) là tài sản. Trong hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới, quyền tài sản thuộc lĩnh vực dân sự, tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch: “việc dân sự cốt ở hai bên”. Ví dụ, A nợ tiền B, chậm trả như giao ước. B kiện A, đòi nợ. Tại tòa, B thay đổi ý định, tuyên bố xóa nợ cho A. Tòa buộc phải tuyên án theo B, không thể khăng khăng buộc A trả nợ.
Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, do sai lầm của hệ thống luật pháp về đất đai, rộ lên trên cả nước làn sóng tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, vô cảm với người dân thấp cổ bé họng, gây bất bình, xáo trộn lớn trong xã hội. Ai cũng biết, nguyên nhân chủ yếu do chính sách quản lý, quy hoạch, thu hồi, đền bù đất đai không minh bạch, không công bằng, không hợp lòng dân. Trong hầu hết trường hợp, các chủ dự án đều lợi dụng việc Chính quyền có toàn quyền phê chuẩn dự án, độc quyền áp giá đền bù, hỗ trợ. Bản chất của kinh doanh là kiếm lời. Vì vậy, chủ dự án luôn làm mọi cách để Chính quyền ra quyết định có lợi cho mình. Diện tích càng lớn, vị trí càng đắc địa, khung giá đền bù, hỗ trợ càng “bèo bọt” càng tốt. Chính quyền, mà thực chất là vài cá nhân đứng đầu trong bộ máy Đảng và UBND, tất nhiên sẽ khó mà không xiêu lòng trước những món “lại quả” đi đêm đậm đà bằng tiền mặt, ngân khoản, căn hộ, lô đất… Thông thường, một dự án diện tích lên tới mấy chục, mấy trăm, mấy nghìn ha, giá đền bù hỗ trợ chỉ vỏn vẹn vài nghìn, vài chục nghìn, vài trăm nghìn đồng/m2; giá phân lô bán nền lên tới mấy triệu, mấy chục triệu, mấy trăm triệu đồng/m2. Nhờ khoản siêu chênh lệch đó, có trở ngại, thậm chí hiểm nguy nào mà chủ dự án và giới chức tham nhũng không thể vượt qua?
Thực tế nhiều năm qua cũng cho thấy, một số chuyên gia và lãnh đạo có tư duy công bằng và tâm huyết hoàn toàn ủng hộ phương án chủ các dự án bất động sản mang bản chất kinh doanh sinh lời phải thỏa thuận sang nhượng QSDĐ với người dân. Thực thi nguyên tắc đó là góp phần thực hiện bình đẳng, theo tinh thần và bản chất dân sự của quyền tài sản. Nhờ đó, tại các dự án được triển khai theo phương cách này, không xuất hiện khiếu kiện tranh chấp, an ninh trật tự địa phương ổn định, dư luận xã hội hoan nghênh, mong muốn trở thành chính sách thống nhất trên cả nước.
Với các dự án an ninh, quốc phòng, phục vụ công ích, Nhà nước buộc phải đứng ra thu hồi đất, nhưng phải trên nguyên tắc lợi ích sẽ mang lại cho quốc gia, cho cộng đồng phải thật sự lớn hơn rất nhiều so với lợi ích hiện hữu của người bị thu hồi đất. Trên cơ sở đó, ngân sách nhà nước mới có cơ sở và đủ khả năng đền bù, hỗ trợ thỏa đáng cho người bị thu hồi đất. Khi xác định khung giá đền bù, hỗ trợ, cần tính đến thiệt hại về tinh thần, tình cảm của người bị thu hồi đất, khi buộc phải rời bỏ mảnh đất nhiều đời đã gắn bó…
Rất tiếc, tuy xác định việc sửa đổi hệ thống pháp luật về đất đai là nội dung quan trọng của Hội nghị lần thứ 6 (nhằm mục tiêu phát triển bền vững, chống tham nhũng, tiêu cực, ổn định trật tự, an ninh xã hội), nhưng Hội nghị 6 lại chủ trương đi ngược với nguyên tắc “việc dân sự cốt ở hai bên” trong chính sách đất đai sắp tới. Không xem xét lại để thức rõ vấn đề này, không thể giảm thiểu khiếu kiện đất đai, làm sao phát triển bền vững, ổn định xã hội?
V.V.T.