Bản dịch của Trần Kh.
Zeit Online, 14.10.2012.
Lời người dịch:
Bên cạnh những ồn ào của giải Nobel vừa được trao cho một nhà văn Trung Hoa, chủ nhật 14.10.2012 này, taị Đức, một nhà văn Trung Hoa khác, Liêu Diệc Vũ, đã đón nhận một giải thưởng nhỏ hơn - cả về vật chất lẫn tiếng tăm - tại nhà thờ Paulskirche (Frankfurt), nơi được xem là cái nôi của nền dân chủ Đức. Khác với Mạc Ngôn, một tác giả best seller tại Trung Quốc và (dĩ nhiên) giờ đây nổi danh thế giới, nhà văn Liêu Diệc Vũ, từ vị thế của một tác giả bị cấm, từng chịu cảnh tù tội và nay đang phải sống lưu vong, bằng những tác phẩm của mình, đã soi rọi nhiều mảng tối khuất lấp của một nước Trung Hoa “đang lên”.
Dưới đây là bản dịch bài viết về nhà văn họ Liêu này đăng trên báo Die Zeit (Đức) nhân dịp trao Giải Hòa bình của Hiệp hội kinh doanh sách Đức năm 2012.
Nhà văn Trung Quốc sống lưu vong Liêu Diệc Vũ đã được vinh danh bằng Giải Hòa bình của Hiệp hội kinh doanh sách Đức. Trong phần giải thích lý do trao giải, nhà văn 54 tuổi này được xem là một tác giả đầy năng lực ngôn từ và không khiếp nhược, dám lên tiếng chống lại sự đàn áp chính trị. “Liêu Diệc Vũ đã dựng lên cho những kẻ sống bên lề xã hội Trung Quốc một tượng đài văn chương đầy sức lay động”.
Lễ trao Giải Hòa bình trị giá 25.000 Euro này được xem là cao điểm của tuần lễ Hội chợ sách diễn ra hàng năm tại thành phố Frankfurt. Người đọc lời vinh danh trong buổi lễ là bà Felicitas von Lovenberg, người phụ trách mảng văn chương của nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung, bà đã tôn vinh Liêu Diệc Vũ như là một kẻ chiến đấu chống lại sự quên lãng lịch sử đang xảy ra trên quê hương mình. Ông là hiện thân của sự phản kháng bằng vào những ký ức, điều đã bị choán chỗ bởi những phồn vinh kinh tế. Liêu Diệc Vũ, người từng bỏ trốn khỏi Trung Quốc năm vừa rồi và hiện đang sống tại Berlin, cảm thấy mình phải viết bằng một thi pháp gắn liền với sự trung thực.
Trong lời cảm tạ của mình, nhà văn này đã lên án nặng nề chính quyền Trung Quốc, ông đã nói bằng tiếng Đức câu: “Dieses Imperium muss auseinanderbrechen” - “Đế chế này phải tan vỡ”. Ông nhắc lại cuộc tàn sát trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, khi phong trào dân chủ bị dẹp tan vào ngày 4 tháng 6 năm 1989. Ông cũng lên tiếng chỉ trích phương Tây. Dưới lớp áo tự do thương mại, nhiều tập đoàn kinh tế đã “làm ăn với những tên đao phủ”. Ông cho rằng sẽ sai lầm lớn, nếu tin rằng phát triển kinh tế sẽ đương nhiên dẫn đến cải cách chính trị.
Đã từ lâu, Liêu Diệc Vũ là một cái gai trong mắt chính quyền
Khác với nhà văn vừa được giải Nobel Mạc Ngôn, người mà Liêu Diệc Vũ gọi là “nhà văn (của) chế độ”, bản thân ông đã có xung đột với thể chế độc đoán này từ rất sớm. Ông sinh ra vào ngày 4 tháng 8 năm 1958 tại Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên và lớn lên trong một gia cảnh nghèo khó, ban đầu ông được xem là một tài năng khác thường và đã nhận được nhiều giải thưởng cho những bài thơ đầy sức mạnh ngôn từ của mình.
Thế nhưng những hoạt động dấn thân của ông cho một “xã hội mở” đã mau chóng biến ông thành một kẻ bị để ý bởi chính quyền và từng nhiều lần bị treo bút, năm 1987 tên ông bị đưa vào “danh sách đen”. Năm 1989, chỉ một thời gian ngắn trước sự kiện phong trào dân chủ bị dẹp tan trên quảng trường Thiên An Môn, ông phổ biến bài thơ “Cuộc tàn sát”, trong đó hầu như ông đã mô tả trước những gì xảy ra sau đó.
Sau đấy ông đã bị bỏ tù bốn năm, đã hai lần ông tìm cách tự sát. Trong một cuộc phỏng vấn, ông bảo lúc ra tù, ông cảm thấy cuộc sống của mình như đã bị hủy hoại, vợ mang con bỏ đi, bạn bè thì xa lánh. Để tồn tại ông đã phải kiếm sống bằng cách làm nhạc sĩ hè phố và đi làm mướn.
Cuốn sách Phỏng vấn những kẻ ở dưới đáy xã hội của ông bị cấm lưu hành chỉ một thời gian ngắn sau khi được xuất bản vào năm 1998 (đúng ra là vào năm 2001 tại Trung Quốc với một phiên bản đã bị kiểm duyệt, đến năm 2002 mới được in nguyên vẹn tại Đài Loan – ND), năm 2009 sách này đã được dịch tại Đức với cái tên Fräulein Hallo und der Bauernkaiser. Bằng những cuộc phỏng vấn những kẻ ăn xin, kẻ cắp, thầy bói, người đồng tính, những người bất đồng chính kiến và những kẻ “ở dưới đáy xã hội” khác, ông đã vẽ lên một diện mạo u ám của đất nước mình – “đấy là lịch sử văn hóa thực sự của Trung quốc”, như nhận xét của nữ nhà văn đã nhận giải Nobel Herta Müller.
Ông đã xin xuất cảnh liên tục 14 lần nhưng lần nào cũng bị chính quyền từ chối. Ngay cả vào dịp Hội chợ sách Frankfurt năm 2009, đấy là năm Trung Quốc đóng vai khách mời danh dự, ông cũng bị cấm không được tham dự. Chỉ đến khi ông lên tiếng yêu cầu thủ tướng Đức Angela Merkel giúp đỡ thì ông mới được phép xuất cảnh sáu tuần vào năm 2010.
Để phổ biến cuốn sách Lời kể của nhân chứng từ những nhà tù Trung Quốc (tên bản dịch tiếng Đức: Für ein Lied und hundert Lieder), vào tháng 7 năm 2011, ông đã vĩnh viễn trốn khỏi Trung quốc qua đường Việt Nam để đến Đức. Ông đã phải viết lại những ký ức về thời gian ông ngồi tù này đến ba lần, vì bản thảo của ông đã hai lần bị tịch thu. Lần sau chót, ông bị dọa sẽ bị thủ tiêu nếu cho xuất bản cuốn sách này ở nước ngoài.
Hiện nay Liêu Diệc Vũ đang sống tại Berlin. Ông đi đây đi đó nhiều để giới thiệu tác phẩm của mình bằng những buổi đọc sách, thường thì có bạn ông là nữ văn sĩ Herta Müller đi kèm. Nhân dịp Hội chợ sách năm nay, tác phẩm mới nhất của ông mang tên Viên đạn và thuốc phiện (Die Kugel und das Opium) đã được phát hành, để thực hiện cuốn sách này, ông đã phải phỏng vấn trong nhiều năm và trong vòng bí mật nhiều nhân chứng của cuộc tàn sát Thiên An Môn. Ông không có hy vọng trở về quê hương. “Tôi đã sống trên đất nước ấy hơn nửa thế kỷ và biết tường tận thể chế này”, ông đã phát biểu như thế trong một cuộc phỏng vấn mới đây, “Chẳng có gì để hy vọng cả!”
Tiền Vệ
Tiền Vệ