Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Chúng tôi là nhân dân

Ngô Nhân Dụng
Ngày hôm qua ở thành phố München của tiểu bang Bayern, nước Ðức, cô Thục Quyên nhìn thấy một “bầu trời xanh trong veo” trong ngày Quốc Khánh kỷ niệm nước Ðức thống nhất. Và cô nghĩ tới đồng bào, “Chúng ta, những người con của Mẹ Việt Nam chẳng bao giờ thôi ràng buộc với nhau bằng sợi dây thiêng liêng của tình nghĩa đồng bào, dù nghìn trùng xa cách, dù hoàn cảnh sống đang một vực một trời.
Thục Quyên nhớ lại, “Hai mươi ba năm trước, ngày 9 tháng 10 năm 1989, tôi nhớ rõ cả nước Ðức nín thở hướng về thành phố Leipzig. Từ hai giờ trưa dân chúng đã từ từ đổ ra đường. Làn sóng 70,000 người cuồn cuộn di chuyển từ nhà thờ Nikolai về hướng Nhà Hát lớn ở trung tâm thành phố, hô to khẩu hiệu, ‘Wir sind das Volk, wir sind ein Volk’ (Chúng ta là nhân dân, chúng ta là một dân tộc!). Họ bất chấp tin tức đe dọa rằng chính phủ cộng sản Ðông Ðức sẽ thi hành ‘giải pháp Trung Hoa,’ nghĩa là giải pháp Thiên An Môn đẫm máu. Tại ga xe lửa Leipzig, 8000 lính và công an mang vũ khí đang sẵn sàng ra tay. Không khí căng thẳng lên cực điểm.
Chúng ta là nhân dân!” Chúng ta phải tự hỏi bao giờ tới lượt người dân Việt Nam cũng lên tiếng như vậy: “Chúng tôi là nhân dân!” “Chính chúng tôi đây là nhân dân!
Ðồng bào Văn Giang. Ðồng bào Vụ Bản. Ðồng bào Bến Tre. Ðoàn Văn Vươn, Nguyễn Thanh Hải, Tạ Phong Tần. Họ đều là nhân dân cả! Những đảng viên cộng sản cao cấp đang họp ở hội trường Ba Ðình tự nhận họ lãnh đạo nhân dân. Họ đang cãi cọ, chửi bới nhau trong vòng bí mật, để tranh giành những miếng xôi miếng thịt. Khi ra ngoài, họ lại sẽ tuyên bố huênh hoang tự nhận làm đại diện cho quyền lợi của nhân dân. Họ đại diện cho những nhân dân nào? Hay chỉ là đại diện cho tham vọng của đế quốc đỏ phương Bắc?
Nói đến nhân dân, Volk, phải nhớ thi sĩ Bertolt Brecht viết đến “nhân dân” trong bài thơ bất hủ. Ngày 17 Tháng Sáu năm 1953, dân Ðông Berlin biểu tình trên đại lộ Unter den Linden, mà lúc đầu chỉ do các công nhân đòi cải thiện điều kiện làm việc. Họ bị 16 sư đoàn quân Liên Xô và tám ngàn “công an nhân dân” (Volkspolizei) của cộng sản Ðức tàn sát. Bài thơ “Giải Pháp” của Brecht chế nhạo: “Ông tổng thư ký Hội Nhà Văn - đã phát truyền đơn trên Ðường Stalin - Nói rằng nhân dân đã bị chính phủ bất tín nhiệm - Chỉ có thể lấy lại tín nhiệm nếu nay chịu làm việc gấp hai lần - Trong trường hợp đó tốt hơn - chính phủ hãy giải tán nhân dân - Và bầu lên một nhân dân mới?
Tại Berlin nay có một con đường 17 Tháng Sáu. Sau năm 1953, người dân Ðông Ðức phải chịu sống trong chế độ cộng sản thêm 36 năm nữa. Nhưng cuối cùng, dân chúng Dresden, Leipzig đã xuống đường. May mắn cho dân tộc Nhật Nhĩ Man, đến một thời điểm lịch sử, chính những công an nhân dân được chế độ cộng sản ưu đãi cũng biết quay trở lại làm những con người. Những con người tự do dám quyết định theo lương tâm của mình. Thục Quyên kể: “Trong giờ phút lịch sử đó, dân tộc Ðức đã chứng tỏ được độ cao của văn minh loài người: Trước thái độ cương quyết và không bạo động của người dân, lính và công an võ trang lùi dần và tuần tự rút đi. Họ không đánh đập, không bắt bớ, không đạp vào mặt, không bắn giết, không ủi nát dân bằng xe tăng, không vu khống, cầm tù. Ðối diện nhau, chỉ là những con người bằng xương bằng máu, là đồng bào ruột thịt với nhau, có lương tri, có tình cảm con người... Rồi 70,000 ngọn nến hòa bình được thắp lên tối hôm đó ở Leipzig, báo hiệu giờ khởi hành của cả một dân tộc trên con đường Tự Do-Bình Ðẳng-Dân Chủ. Ngày 9 Tháng Mười Một, 1989 bức tường Bá Linh sụp đổ.
Thục Quyên suy nghĩ: “Ðứng trong dòng người vui tươi hớn hở từ khắp nước Ðức đến dự lễ tại thành phố München ngày hôm nay, tôi đã hiểu tại sao trong số các chính khách ngoại quốc đến thăm Việt Nam chỉ có một người như phó thủ tướng Ðức, BS Philipp Rösler, một người con của Mẹ Việt Nam, được chăm bón nuôi dưỡng bởi nền tự do hòa bình của dân tộc Ðức, mới có thể có cái nhìn và lời nói ngắn gọn chính xác gởi đến chúng ta:
Không có tự do để mình được chọn cách suy nghĩ và hành động độc lập, thì sẽ không có kinh doanh; và sẽ không có được tự do kinh tế, nếu không có tự do xã hội.
Ngày 20 Tháng Mười sắp tới đồng bào Việt Nam sống ở nước Ðức, nhiều người đã là công dân Ðức, sẽ tổ chức một cuộc biểu tình, đặt tên là “Một Ngày Cho Tổ Quốc Việt Nam” tại thành phố München. Họ sẽ nâng cao hàng trăm bản đồ Việt Nam, với những biểu ngữ khẳng định chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, vạch rõ thái độ hung hãn bành trướng của Trung Cộng trước con mắt của cả thế giới. Chúng ta sẽ phải chọn một ngày trong năm tới, hẹn trước với nhau cùng tổ chức những cuộc biểu tình như vậy, vào mùa Xuân hoặc mùa Thu. Năm nay đồng bào ở Ðức đã bắt đầu, sang năm khắp nơi sẽ cùng tham dự. Người Việt Nam sẽ xuống đường cùng một ngày, buổi sáng ở Berlin, ở Paris, buổi chiều ở Sidney, Melbourne, hay ban đêm ở Washington, Los Angeles, Houston. Một cuộc biểu tình ban ngày, hay một đêm thắp nến, lần lượt vòng quanh trái đất, những người con nước Việt sẽ cho thấy mối đồng tâm nhất trí trước mối đe dọa tổ quốc bị chà đạp. Khắp nơi cùng hô lên một khẩu hiệu: “Hoàng Sa, Trường Sa thuộc nước Việt Nam!” Ðây là một dịp biểu dương tấm lòng yêu nước của người Việt Nam ở nước ngoài, gửi về cho đồng bào trong nước.
Ðồng bào chúng ta ở trong nước có được phép tổ chức một cuộc biểu tình tương tự để cùng nhau hô lớn tiếng “Hoàng Sa, Trường Sa thuộc nước Việt Nam hay không?
Trong lúc các tay chóp bu đảng Cộng Sản Việt Nam đang họp nhau chia phần xôi thịt, hầu như đồng bào trong nước chỉ đứng ngoài coi như coi một vở tuồng cũ. Sang hay Dũng, Trọng hay Sang, cuối cùng họ sẽ chia phần với nhau, dưới sự giám sát của các quan thầy Trung Cộng. Nguyễn Tấn Dũng đã phải bay sang Tàu gặp Tập Cận Bình. Trương Tấn Sang cũng phải bay qua gặp Hồ Cẩm Ðào. Còn Nguyễn Phú Trọng, thì không cần phải đi, bởi vì đã được Bắc Kinh tín nhiệm từ lâu rồi. Người dân Hà Nội vẫn nói “Lú như Trọng.” Bây giờ người ta lại thấm thía bảo nhau: “Nó lú nhưng chú nó khôn!” Chú nó đây là “Thúc thúc” Hồ Cẩm Ðào và Tập Cận Bình. Người Trung Hoa gốc Triều Châu khi nói chữ “Thúc,” nghĩa là chú, thì phát âm là “Chiệc” hay “Chệt.” Người Hà Nội đang có câu: “Trọng Lú nhưng Chú Chiệc khôn!
Muốn cho nước Việt Nam có một ngày được sống tự do dân chủ, những người Việt ở nước ngoài phải tiếp tay với đồng bào trong nước. Chúng tôi xin góp lời mời đồng bào Việt Nam ở nước Ðức và các nước Châu Âu cùng góp mặt với bà con tại Munchen, như Thục Quyên đang kêu gọi: “Mọi người sẽ đến tham dự cuộc biểu tình trong ‘Một Ngày Cho Tổ Quốc Việt Nam’ vì mỗi người tự biết mình đang thay mặt hàng trăm ngàn đồng bào nơi quê nhà, để nói lên cho thế giới biết ý chí và lòng cương quyết bảo vệ lãnh thổ của người dân Việt. Sẽ không có một lý do vị kỷ nào, một sự vô cảm nào có thể cản bước người dân Việt không lăn xả vào bảo vệ Tự Do, Ðộc Lập và Danh Dự giống nòi.”
Với những con dân nước Việt ở bên ngoài biểu dương nghĩa khí như vậy, sẽ đến ngày đồng bào chúng ta ở trong nước cũng đủ khí thế họp nhau lên tiếng: “Chúng tôi là nhân dân! Chúng tôi đòi quyền bỏ phiếu chọn người lãnh đạo đất nước. Chúng tôi không cho ai được mạo nhận danh nghĩa nhân dân nữa!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"