Phan Khôi
Liêm chánh mà thôi, chưa phải là đủ tư cách
Tôi mới đọc một tờ báo, thấy có bài nói về sự cai trị của các quan ta
ngày xưa, trong đó có nhiều lần dùng chữ liêm chánh để tỏ cái đức tốt
của các ông ấy. Cũng có nói đến các đức khác nữa, nhưng hình như không
chú trọng mấy, mà chỉ lặp đi lặp lại hai chữ liêm chánh.
Phải, liêm là thanh liêm, không ăn của hối lộ, chánh là chánh trực,
ngay thẳng, không bợ hót người trên, hãm hại kẻ dưới. Ông quan cai trị
tốt, phải có hai điều ấy làm đầu.
Cái luận điệu của bài báo ấy, tôi rất biểu đồng tình, chớ đừng nói
không phản đối làm chi. Duy trong khi tôi đọc tới, tôi thấy một chỗ đáng
nói, làm cho tôi phải nói.
Làm quan cai trị, há phải chỉ có cái đức liêm chánh mà đủ hay sao? Sao người viết bài báo ấy lại cứ chăm nói về cái đức ấy?
Mà chẳng những người viết đó thôi. Ngày nay ta thử đi từ Bắc chí Nam,
tới hạt nào thử hỏi dân hạt ấy về ông quan của họ, coi họ sẽ trả lời
cho ta thế nào. Nếu ông quan bậy bạ, chẳng nói làm chi, chớ ông quan khá
thì thế nào dân của ổng cũng nhè chỗ đó mà khen trước. Trong những hạt
mà có ông quan tốt đó, người ta sẽ nói cho chúng mình nghe rằng: Khá, quan lớn tôi ngài không lấy tiền, hay là: Quan của tôi đây không lý tài mấy, hoặc là thế nầy nữa: Quan lớn, ai cho thì ngài lấy, không cho thì thôi, chớ ngài không mở miệng đòi ai bao giờ!
Cho đến sĩ phu ngồi với nhau mà phê bình nhân vật trong quan trường
cũng vậy nữa. Những câu ông phủ nọ là người bất nhiễu, ông huyện kia là
người không hay dụng tình, tới đâu cũng chỉ nghe như vậy mà thôi.
Vả, làm quan cai trị, cốt là hưng lợi trừ hại, làm cho dân được ở yên
và sung sướng, vậy mới là hết trách nhiệm cai trị chớ. Còn như sự không
hối lộ, chỉ là cái nết tốt về tiêu cực mà thôi, có gì lắm mà dân ca
tụng, sĩ phu cũng tán dương như thế? Sao nhân dân trong hạt ít thấy khen
ông quan của mình đã làm được việc gì cho cả hạt đều nhờ? Sao sĩ phu
không phẩm bình đến những cái thiện chánh của mấy ông quan tỉnh, quan
phủ, quan huyện kia?
(Kiểm duyệt bỏ)
Thật ra thì các quan cai trị còn làm nhiều việc nữa kia. Cái tư cách
của quan cai trị là phải siêng năng, sáng suốt, chăm làm việc ích lợi
cho dân sự, và trừ điều tệ hại trong dân gian, còn những sự như thâu
thuế cho đủ, quan trên sức bắt ai phải bắt cho được liền, cũng còn là
việc trọng yếu thứ nhì vậy. Đến như cái điều không ăn hối lộ thì lại là
cái bổn phận đương nhiên rồi, có gì đó mà khen ngợi?
Sự không ăn hối lộ của một ông quan là không đủ khen, cũng như sự
không ăn cướp ăn trộm của một tên lương dân là không đủ khen. Thật thế,
người ta khen dân làng kia lương thiện, biết lo làm ăn, biết trọng cái
nghĩa vụ nộp thuế và đi lính của mình, chớ không ai khen dân làng nọ
không chém trâu, đốt nhà, ăn trộm ăn cướp.
Quan cai trị của nước ta ngày nay mà đến để cho người ta khen mình là
liêm chánh thì tiếng khen ấy có phải là hạnh phước cho xã hội sao?
Không, ấy chỉ là cái hoạ cho xã hội mà thôi, vì có (
...)(*) ông quan
tham ô quá cho nên (...
)(*) mới có được tiếng khen liêm chánh.
Chúng tôi mong cho các ngài trong quan trường từ nay chẳng những là
rửa cái tiếng nhơ đi cho sạch, mà cho đến cái tiếng khen liêm chánh cũng
đừng thèm để nó làm nhục đến mình. Chúng tôi mong cho các ngài có những
cái công lớn về tích cực chớ không mong cho các ngài chỉ có những cái
nết tốt về tiêu cực.
T.R.
Trung lập, Sài Gòn, s.6591 (16.11.1931)
(*) Các chỗ này bản gốc để trống mỗi chỗ vài ba từ, có lẽ do Tòa soạn đã cho đục bỏ trước khi báo in.
Nguồn: Phan Khôi – Tác phẩm đăng báo 1931. Nxb Hội Nhà Văn, 2006
Trích từ VHNA