Mạnh Quân
Đầu tuần trước, một sự kiện tuy gây hậu quả chưa lớn nhưng không thể không khiến những người hiểu chuyện giật mình.
Đó là câu chuyện vỡ đập chắn công trình thủy điện Đăkrông 3 tại xã Tà
Long, huyện Đăkrông của tỉnh Quảng Trị. Như tin đã đưa, vụ vỡ đập của
công trình vẫn còn đang thi công những hạng mục cuối này gây thiệt hại
về tài sản và hoa màu của 13 hộ dân trong lòng hồ chưa kịp di dời, chưa
gây hậu quả về nhân mạng.
Tuy số thiệt hại ban đầu được ước tính vào khoảng 20 tỷ đồng nhưng
cũng có thể cho rằng, đây chưa phải vụ vỡ đập quá lớn, gây thiệt hại
nghiêm trọng như nhiều sự cố vỡ đập thủy điện lớn trên thế giới đã từng
được báo chí đưa tin. Ví dự như vụ vỡ đập Thủy điện Bản Kiều của Trung
Quốc năm 1975 làm 250 ngàn người chết…Nhưng nó lại chứa đựng những kịch
bản, nguyên nhân, khả năng về những hậu quả nghiêm trọng hơn ở cấp độ,
qui mô lớn hơn…không chỉ ở công trình này mà ở những công trình thủy
điện lớn, nhỏ khác mà Việt Nam đang xây dựng nếu chúng tiếp tục được
chuẩn bị sơ sài, thi công cẩu thả, thiếu trách nhiệm.
Dễ thấy là ở ngay công trình với qui mô có thể nói là rất nhỏ này (2
tổ máy với tổng công suất chỉ 8 MW, sản lượng chỉ khoảng 30 triệu
kWh/năm), người ta đã làm trái nguyên tắc khi còn 13 hộ dân trong lòng
hồ, vẫn tranh thủ tích nước, khi nhiều hạng mục còn chưa hoàn thiện. Vì
mức nước chứa còn chưa lớn nên khi vỡ đập chắn, dễ hiểu vì sao vụ vỡ đập
mới tàn hại nhà cửa, hoa màu và thật may chưa gây tổn thất nhân mạng.
Nhưng thử đặt vấn đề: nếu là ở một công trình lớn hơn, với qui mô chứa
nước lớn hơn, cũng với lỗi này, nếu số hộ dân chưa kịp di dời còn
nhiều…thì hậu quả lớn hơn đem lại là khó tránh khỏi.
Nhưng vấn đề đáng cảnh báo nữa là khi sự cố xảy ra, theo lời ông Phạm
Văn Hùng - phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị:
“Sự cố xảy ra, nhưng cơ quan quản lý không báo cáo cho huyện biết mà lại
còn nói dối. Khi ông Hùng và cả bí thư huyện ủy Đăkrông đến, người của
ban quản lý dự án này còn đóng cửa, không cho vào.
Như vậy, có thể thấy, ở một công trình nhỏ như vậy thôi, đã có sự
cẩu thả về kỹ thuật và khi xảy ra hậu quả, người ta đã cố tình bưng bít
sự thật, không chỉ với dân mà ngay cả lãnh đạo chính quyền sở tại. Đây
thực sự là điều đáng lo lắng, nếu câu chuyện này tiếp tục diễn ra ở các
công trình thủy điện A, B, C…khác. Thậm chí, người ta sẵn sàng đổ cho lý
do thời tiết: do lũ về đột ngột, do mưa lũ lớn, cường độ cao ngoài dự
tính... Toàn những lý do rất... thiên nhiên.
Thủy điện sông Tranh 2 vẫn đang được nói đến rất nhiều, cũng là một
ví dụ nhãn tiền của tình trạng “say” đầu tư thủy điện mà rất sơ sài, cẩu
thả trong việc khảo sát địa chất, xây dựng công trình…Thậm chí, người
ta còn có hành vi không thể chấp nhận được là sao chép, cắt dán báo cáo,
nghiên cứu từ một hội thảo để đưa vào báo cáo đánh giá tác động môi
trường (ĐTM), để dự án được thông qua, triển khai nhanh…Nhưng nên nhớ là
thủy điện sông Tranh 2 có qui mô hồ chứa lớn hơn thủy điện Đăkrông rất
nhiều lần (740 triệu m3 nước trong khi hồ thủy điện Đăkrông chỉ có sức
chứa 3,4 triệu m3 nước). Nguy cơ xảy ra sự cố với đập thủy điện Sông
Tranh 2 là không phải không có, nếu như nó phải hứng chịu những trận
động đất với cường độ mạnh hơn, khi chứa đầy nước…
Trong một “phong trào” đua nhau đăng ký, lập dự án xây dựng nhà máy
thủy điện (do thủy điện thường đem lại lợi nhuận cao) mấy năm gần đây,
mức độ khai thác mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có đánh giá là: gần
như đến giới hạn thì việc có công trình này làm ẩu, công trình kia còn
thiếu trách nhiệm trong khâu này, khâu kia… tất nhiên sẽ khó tránh khỏi.
Không phải là đã không có những đợt rà soát, loại bỏ các dự án, công
trình thủy điện làm ẩu, nói dối. Theo bộ Công thương thì cả nước có
khoảng 990 dự án thủy điện vừa và nhỏ nằm trong quy hoạch phát triển
điện quốc gia với tổng công suất khoảng 7.500 MW. Qua rà soát thời gian
qua, đã có 331 dự án thủy điện vừa và nhỏ bị loại khỏi quy hoạch do
chậm triển khai, không hiệu quả và có tác động xấu đến môi trường. Từ
nay đến cuối năm 2012, bộ Công Thương sẽ rà soát 318 dự án thủy điện vừa
và nhỏ có trong quy hoạch phát triển điện quốc gia nhưng chưa nghiên
cứu đầu tư để tính loại bỏ những dự án không hiệu quả, chậm triển khai
và có tác động xấu đến môi trường.
Rõ ràng là bộ Công thương, cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về quy
hoạch hệ thống thủy điện cũng đã nhận ra vấn đề. Nhưng làm thế nào cho
chặt chẽ, thái độ quyết liệt đến đâu với các dự án, công trình làm dở là
một câu chuyện khác. Vì người ta cũng đã thấy: những sự kém cỏi trong
khâu chuẩn bị, thực hiện dự án như ở Thủy điện Sông Tranh 2 hay Thủy
điện Đăkrông-nơi vừa xảy ra sự cố thì cũng là những dự án đã sót lại qua
các đợt rà soát. Trong khi đó, một thông tư quy định về quản lý, đầu
tư các dự án thủy điện. mà bộ Công thương được yêu cầu soạn thảo, có
trách nhiệm soạn thảo cho đến giờ này vẫn chưa thấy đâu. Thì đây cũng là
một khiếm khuyết trong quản lý.
Mạnh Quân