Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Vài suy nghĩ về “bài lên tiếng” của GS Nguyễn Minh Thuyết: SGK lớp Ba “Hai Bà Trưng đánh giặc nào?”"

Hai Lua blog
Image
Đọc lại bài giải thích của tác giả sách Tiếng Việt lớp ba, thú thật Lúa chẳng muốn lên tiếng. Bản thân ông GSTS Nguyễn Minh Thuyết gần đây đã có hai luồng dư luận xung quanh những bài phát biểu của ông, có người cho rằng “hiếm có ĐBQH nào xứng đáng hơn ông GS Nguyễn Minh Thuyết ” rồi kể ra những đóng góp của ông, những tiếng nói của ông khi đóng vai trò là một ĐBQH. Bên cạnh đó  họ còn “khen” ông GS sống khéo léo, biết “lách” để bài viết, bài phát biểu được lên báo chí chính thống. Còn một số người thì phản biện lại, cho rằng ông GS cũng là như kẻ nói leo ăn theo mà thôi. Bản thân tôi không nghiêng hẳn về cả hai ý kiến, mà đồng ý ở một khía cạnh là ông GS Thuyết quá “khéo”. Chắc ít người phản biện nổi cái nhận xét này, vì sao ư? Không khéo sao ông là ĐBQH, là GSTS trong khi không hề có một công trình ISI nào, là tác giả chủ biên của hàng loạt SGK Tiếng Việt và Ngữ Văn gây tranh cãi, thay đổi biên soạn liên tục đến chóng mặt, thế nhưng ông còn nhận được rất nhiều “cảm tình” của những tiếng nói dân chủ trái chiều với báo chí chính thống, bên nào ông cũng có người hâm mộ, thử hỏi ai mà khéo hơn ông?
Hôm nay thực lòng Lúa cũng chẳng muốn lên tiếng vì sợ những “fan hâm mộ” cuồng nhiệt của ông lại ném đá túi bụi. Thế nhưng nếu im lặng đồng nghĩa với đồng ý. Lúa chỉ nói hai cái vấn đề bé tẻo bé teo trong bài “lên tiếng của ông”.

Thứ nhất, trích “VietNamNet ngày 4/9/2012 có đăng bài của một bạn đọc ký tên Trần Cao Duyên chỉ trích nặng nề SGK “Tiếng Việt 3, tập hai” trong bài tập đọc Hai Bà Trưng “không hề dám nửa lời chỉ đích danh bọn xâm lược là giặc Hán (Trung Quốc)”. Vậy, sự thật như thế nào?” đã được ông GS Thuyết giải thích “Sau bài “Hai Bà Trưng” đúng 6 trang, bài chính tả “Trần Bình Trọng” ở trang 11 mở đầu: “Năm 1285, giặc Nguyên sang cướp nước ta”. Đến trang 17, bài tập “Lê Lai cứu chúa” lại viết: “Giặc Minh xâm chiếm nước ta””. Hay nhỉ, ông GS dẫn chứng ra như thế để cho mọi người thấy là tác giả không hề sợ, mà dám dõng dạc gọi tên giặc phương Bắc. Lúa tui quê mùa dốt văn dốt sử nhưng cũng hiểu chuyện gì ra chuyện đó, không thể dùng cái lập luận này để cãi chầy cãi cối trong cái thiếu sót của việc không nêu rõ kẻ thù của Hai Bà Trưng là giặc Hán, nếu không có giặc thì Hai Bà đứng lên làm khởi nghĩa làm gì. Còn nếu bảo không nhắc tới thì các em biết giặc của Hai Bà là ai, bọn trẻ có thể nghĩ chắc là giặc Mỹ cũng nên, học sinh lớp Ba (tầm 8-9 tuổi) trí nhớ và khả năng suy luận như ngài GS Thuyết chắc chưa có bé nào đạt được đâu. Huống hồ giặc Nguyên là kẻ thù của nhân dân ta dưới thời nhà Trần, còn giặc Minh là kẻ thù dưới thời Lê Lợi cách xa cái thời Hai Bà chống giặc Hán hơn 1200 năm. Đó là chưa kể, giặc Nguyên ở lần đầu xâm lược  nước ta không tính là của Trung Quốc mà là quân Nguyên Mông (Mông Cổ).
Không biết có phải là cố ý nhưng những năm cấp một, chúng ta có môn Tiếng Việt, chưa có môn Lịch sử riêng rẽ. Thế nên, có rất nhiều những câu chuyện lịch sử gắn kèm trong môn Tiếng Việt. Vì vậy những năm tháng của cấp một, môn Tiếng Việt cũng có một phần chức năng của môn lịch sử, tức là kể lại, tường thuật lại những bài học về lịch sử của dân tộc và  đã là lịch sử thì phải có tính khách quan không thể cắt xén hay chỉ cần “nói hàm ý” hoặc nói vào cái chỗ “cách đó khoảng 6 trang” sau đấy là được.

Thứ hai: trích “Lúc các con tôi học tiểu học, cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc vừa kết thúc, nhân dân ta vừa phải khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa phải chống chọi với bao khó khăn của thời cấm vận. Nhưng không hề có ai vì căm thù quân xâm lược mà cực đoan đến mức lên án SGK chỉ dạy cho các cháu bé …”
Lúa tôi đoán chắc Lúa cũng tầm tuổi con của ông, có khi còn bé hơn vì năm 1981 Lúa mới bắt đầu đi học, là năm đầu tiên của cải cách giáo dục cả nước, luôn được học sách giáo khoa mới tinh. Ông GS Thuyết nói lúc đó đã không “cực đoan đến thế” có gì đó thiên vị lệch lạc không, chứ còn theo Lúa học, tận đến những năm cấp 3 là khoảng 1992-1993, môn lịch sử vẫn là “Thực dân Pháp” “Đế Quốc Mỹ”, “Phát xít Nhật” trong khi vào giai đoạn chống Mỹ và sau đó nữa dù chúng ta được sự ủng hộ rất lớn của những người dân tiến bộ trên thế giới xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh Viêt Nam, nhất là người Pháp và người Mỹ. Vậy thì, cái “không hề có ai căm thù cực đoan” theo một cách cố tình hay vô ý, phân tích quan hệ ngoại giao giữa TQ và VN lúc bấy giờ để cho thấy, họ không cực đoan với TQ mà thôi, còn với “Bọn Mỹ”, “bọn Pháp”, “Bọn Nhật” thì vẫn cực đoan vô cùng.
Một thiếu sót có thể do ý đồ/mục đích nào đó hoặc cũng có thể là do sơ suất, sẽ có nhiều cách giải thích. Tuy nhiên, cách giải thích xuất phát từ thành ý bao giờ cũng dễ nghe nhất, dễ chấp nhận nhất.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"