Lý Toét
Một ông Tiến sĩ, từng là chuyên gia Cục Thống kê Liên hợp quốc, trong bài phỏng vấn của BBC đã khẳng định sự suy sụp của kinh tế Việt Nam hôm nay là do Thủ tướng đương nhiệm có quá nhiều quyền lực và đề nghị giải pháp phục hồi kinh tế là thay đổi luật và Thủ tướng phải ra đi.
Theo vị Tiến sĩ này cần phải thay đổi luật lệ, thay đổi chính phủ và người đứng đầu chính phủ. Ông tạo cho người nghe hiểu lầm rằng Thủ tướng chính phủ hoàn toàn nắm tuyệt đối quyền điều hành.
Chắc ông ở LHQ quá lâu nên không nắm được cơ cấu của hệ thống chính trị Việt Nam, nó khác hoàn toàn với phần lớn thể chế chính trị của các quốc gia trên thế giới. Nó tương tự nhưng không hoàn toàn giống so với chính trị Trung quốc, Liên xô. Do đó mà các hoạt động kinh tế của Việt Nam không theo quy luật như thông lệ của kinh tế thị trường.
Chúng ta có một nền chính trị đặc thù, không phải là quốc hội ra luật, chính phủ điều hành theo luật mà là vận hành bằng nghị quyết. Ngay từ quốc hội khoá I năm 1946, đảng cộng sản VN (khi đó vờ tuyên bố giải thể) bằng nghị quyết của nội bộ đã khống chế được quốc hội đa đảng, vô hiệu hoá các đại biểu ngoài đảng.
Ngày nay đến đứa trẻ vắt mũi chưa sạch cũng biết được rằng, đất đai là của Bê, Bê cấp cho ai người đó được, Bê mà không cho thì có bằng khoán cũng không đòi được. Chủ trương của đất nước là ý của Bê, dư luận quần chúng hay rỉ tai nhau là sắp tới Bê định làm thế này, Bê sẽ làm thế kia. Và nhất là thành quả của công cuộc xây dựng CNXH và con người mới XHCN như ngày nay là công lao chăm sóc và giáo dục của Bê. Bê được ám chỉ Bê Xê Tê - BCT tức Chính trị bộ.
Nền chính trị của ta vận hành bằng nghị quyết, nghĩa là các công việc từ soạn thảo hiến pháp, cơ cấu đại biểu quốc hội, phân công nhân sự trong bộ máy nhà nước đến việc quản lý hoạt động của từng công dân đều thống nhất tuân thủ nghị quyết, là nguyên tắc tập trung dân chủ.
Trước mỗi kỳ đại hội đảng (quen gọi là Đại hội), nhân sự cao cấp nhất của nhà nước hầu như đã được quần chúng ở tầm thấp nhất biết rõ. Biết ai sẽ làm Thủ tướng, ai sẽ làm Chủ tịch nước, ai sẽ làm Chủ tịch Quốc hội và ai sẽ nắm chức Tổng bí thư. Vì đó không phải là kết quả của vận động của mỗi ứng viên, mà là sự phân nhiệm trong đảng để nắm bộ máy nhà nước. Và bộ máy đó vận hành như thế nào phụ thuộc vào nghị quyết mà không phụ thuộc vào chuyên môn.
Người ra nghị quyết không phải là một cá nhân, mà là tập thể, tập thể Chính trị bộ, người thay mặt Trung ương đảng phổ biến cho toàn đảng (dĩ nhiên là toàn dân nữa) thực hiện. Đó là nghị quyết bằng văn bản của các kỳ Hội nghị, hoặc loại nghị quyết chuyên đề như nghị quyết thắt chặt tiền tệ.
Nhưng có một loại nghị quyết khác, không ra thành văn bản, đó là loại nghị quyết bổ nhiệm hay phế truất nhân sự từ trung đến cao cấp, hoặc quyết tâm tiếp tục hay ngưng một chủ trương quốc gia. Tất nhiên loại nghị quyết này cũng do hiệp thương trong tập thể Chính trị bộ.
Ông Thủ tướng chỉ là người thay mặt Chính trị bộ để điều hành chính phủ, ký các nghị định hướng dẫn luật và bổ nhiệm cán bộ nắm các chức vụ công chức và doanh nghiệp. Việc điều hành chính sách kinh tế cũng vậy, quyết định thay đổi lãi suất, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ giá ngoại tệ không phải quyền của cá nhân Thống đốc ngân hàng nhà nước, mà là của tập thể Chính trị bộ.
Học đến học vị cao nhất theo chuẩn giáo dục Mỹ, làm việc lâu năm cho cơ quan thống kê LHQ, hẳn vị tiến sĩ kia không thể không biết đến cơ chế vận hành nhà nước Việt Nam, ông không được phép suy diễn Việt Nam như là một nước dân chủ. Cái nguy hiểm là, độc giả dễ dàng tin vào phát biểu sai trái từ miệng một ông có học vị Tiến sĩ cán bộ Liên hợp quốc.