Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Thuyết trình về học giả Phạm Quỳnh và 95 năm Tạp Chí Nam Phong

Nguyên Huy/Người Việt

Chiều hôm Thứ Bảy ngày 8 Tháng Chín, Viện Việt Học đã tổ chức buổi thuyết trình về Học Giả Phạm Quỳnh và 95 năm Tạp Chí Nam Phong.

Diễn giả Ðàm Trung Pháp đang thuyết trình về Nam Phong qua Internet với người tham dự tại Viện Việt Học. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Ba diễn giả là nhà văn Phạm Phú Minh, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích và Giáo Sư Ðàm Trung Pháp. Hai diễn giả sau, một ở Washington D.C., một ở Texas vì lý do sức khỏe, không về được nhưng đã theo lời mời của Viện Việt Học thuyết trình qua mạng lưới Internet với hình ảnh và âm thanh rất rõ.

Mở đầu nhà văn Phạm Phú Minh nhắc đến tiểu sử Học Giả Phạm Quỳnh và cái chết của học giả sau khi cộng sản cướp được chính quyền từ cuộc Cách Mạng 19 Tháng Tám của toàn dân, đã thủ tiêu một số những nhà trí thức không cùng đường lối với cộng sản trong đó có học giả Phạm Quỳnh. Chỉ sau năm 1956, chính quyền của Ðệ I Cộng Hòa mới được tin tức nơi chốn chôn cất ông Ngô Ðình Khôi, bào huynh của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và học giả Phạm Quỳnh tại một khu rừng thuộc tỉnh Quảng Trị. Gia đình học giả được thông báo đã cùng phái đoàn đi tìm hài cốt và nhận dạng được hài cốt của Học Giả Phạm Quỳnh với chiếc kính còn trên bộ cốt. Gia đình đã đưa về an táng tại chùa Bảo Phước, Huế.
Nhà văn Phạm Phú Minh thuyết trình về Học Giả Phạm Quỳnh và Nam Phong Tạp Chí tại Viện Việt Học. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Nhà văn Phạm Phú Minh cũng kể là có được cái duyên từ bé lúc 6 tuổi đã được thấy cụ Phạm Quỳnh khi cụ đến thăm trường tiểu học mà thân phụ của nhà văn làm hiệu trưởng. Từ đó nhà văn được nghe nói tới học giả Phạm Quỳnh với Nam Phong Tạp Chí. Nhà văn cũng cho biết: “Lớn lên, thế hệ chúng tôi cũng chưa được nghiên cứu kỹ Nam Phong Tạp Chí nay Viện Việt Học đã đại chúng hóa được kho tư liệu rất quý giá và vô cùng hiếm hoi này vì bộ Nam Phong Tạp Chí phải được phổ biến để mọi người Việt Nam được đọc”.
Trong phần lược kể về tiểu sử Phạm Quỳnh, nhà văn Phạm Phú Minh chia làm hai giai đoạn, một là làm văn hóa từ năm 1908 đến 1932, hai là tham chính từ 1932 đến 1945. Nhưng thời gian để cụ Phạm Quỳnh thể hiện được hết tài năng, hoài bão của cụ đó là từ 1917 cho đến 1932 là thời gian cụ làm tờ Nam Phong Tạp Chí.
Nhà văn Phạm Phú Minh nhìn lại trong lịch sử văn học Việt Nam thì thấy vai trò của Nam Phong Tạp Chí đã đóng một vai trò rất lớn. Nhà văn giải thích: “Từ đầu công nguyên, văn học nước ta bị ảnh hưởng của Trung Hoa, tuy có chữ Nôm nhưng vẫn bị coi thường. Ðến thời Phạm Quỳnh, tuy đã có chữ quốc ngữ nhưng vẫn còn hạn chế và thường bị lép vế trước chữ Pháp và chữ Nho. Nhưng cũng vào thời gian này thì báo chí đã là công cụ phổ biến chữ quốc ngữ. Trong Nam có Gia Ðịnh Báo, Nông Cổ Mín Ðàm... ngoài Bắc thì có Ðông Dương Tạp Chí rồi đến Nam Phong Tạp Chí... Tuy hầu hết báo chí đều do người Pháp làm chủ cho mãi tới thập niên 30 mới có người Việt làm chủ nhưng qua Nam Phong Tạp Chí, nay ta nhìn lại thì tờ báo này đã giúp mở mang kiến thức cho người đọc qua những trước tác về khoa học, triết học, lịch sử và văn minh thái tây. Chỉ đến Nam Phong chữ quốc ngữ đã được dùng trong các hình thức nghị luận, nghiên cứu, biên khảo.”
Cuối phần thuyết trình của mình nhà văn Phạm Phú Minh đã nhắc lại lời của học giả Phạm Quỳnh trong một bài viết tâm sự đăng trên Nam Phong “đã làm văn bằng tiếng mình”. Từ đó chữ quốc ngữ ngày một tiến triển để mở đường cho những phong trào văn học mới với Phong Hóa, Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn.
Kế tiếp, ông Nguyễn Minh Lân giới thiệu thuyết trình viên thứ hai là Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, một nhân sĩ trí thức quen thuộc của cộng đồng người Việt hải ngoại. Qua Internet, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đã xuất hiện trên màn hình và trực tiếp nói chuyện cùng khoảng 50 người có mặt trong buổi sinh hoạt này. Giáo Sư Bích “chỉ xin đóng góp một số ý kiến nhân buổi chúng ta cùng nhớ về một nhân vật đã đóng góp rất nhiều trong lúc giao thời của đất nước”. Theo Giáo Sư Bích thì cụ Phạm Quỳnh đã cùng Petrus Ký ở trong Nam trước đó và Nguyễn Văn Vĩnh cùng thời ở ngoài Bắc, đã là những nhân vật xuất chúng trong sự nghiệp văn học. Vào thời gian này, văn xuôi trong văn học Việt Nam mới chỉ đi đến viết tiểu thuyết, Phạm Quỳnh đã đưa văn xuôi Việt Nam bước vào các lãnh vực triết học, khoa học, biên khảo. Chỉ tiếc rằng cho đến nay, vẫn chưa có được một luận án nào về hai cụ Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh.
Giáo Sư Bích tiết lộ: “Cụ Phạm Quỳnh thường thích được gọi là nhà báo hơn là các chức tước khác, bởi cụ nhìn thấy rõ tầm quan trọng và to lớn của báo chí. Chỉ qua báo chí người dân Việt lúc ấy mới biết được tin tức các nơi, mới hiểu được thế giới bên ngoài cái cổng làng hay lũy tre làng. Công đóng góp của cụ là qua phần chữ Việt và chữ Hán, cụ đã tương kế tựu kế mà giới thiệu phổ biến được những tác phẩm văn chương, triết học, khoa học thế giới đồng thời cũng tranh đấu cho sự tồn tại của văn hóa Việt Nam”.
Theo Giáo Sư Bích thì một người có công lao đóng góp như thế mà Hà Nội đã loại Phạm Quỳnh ra khỏi chương trình trong nền giáo dục. Chúng ta ngày nay nên cố gắng sưu tập lại những trước tác của cụ cả về thơ lẫn văn để in lại, bổ khuyết cho dòng văn học Việt Nam được toàn vẹn.
Diễn giả sau cùng là Giáo Sư Ðàm Trung Pháp. Cô Doãn Kim Thanh, ái nữ của nhà văn Doãn Quốc Sĩ đã giới thiệu về Giáo Sư Ðàm Trung Pháp, thầy học của mình. Cũng qua Internet, Giáo Sư Ðàm Trung Pháp đã nói chuyện trực tiếp với người tham dự buổi sinh hoạt. Cô Doãn Kim Thanh cho biết Giáo Sư Ðàm Trung Pháp là một nhà giáo dục ngôn ngữ, từng là giáo sư ngữ học tại Ðại Học Sư Phạm Saigon. Sau 1975, tị nạn tại Hoa Kỳ, Giáo Sư Ðàm Trung Pháp dậy tại nhiều đại học ở Texas.
Ðề cập đến phần thuyết trình của mình, giáo sư cho biết đã vui mừng biết bao khi đọc được những bài viết đề cập đến triết học, khoa học, văn chương trong Nam Phong Tạp Chí. Ðể chứng minh giáo sư đã trích một số bài của Nam Phong đọc lại với niềm thích thú và trân trọng. Giáo sư kết luận “Nam Phong Tạp Chí quả là vô giá, để đời. Nhiều thư viện lớn của Hoa Kỳ cũng chưa có đủ nhưng Viện Việt Học hoàn tất được công trình in lại toàn tập Nam Phong Tạp Chí, thật là điều đáng quí vô cùng”.
Trước khi chấm dứt buổi sinh hoạt, ông Nguyễn Minh Lân đã trình bày về công việc khá là gian nan cùng với gia đình của học giả Phạm Quỳnh để tìm lại được toàn bộ Nam Phong Tạp Chí để rồi được hàng chục bạn trẻ thân hữu của Viện Việt Học đã thực hiện từng trang trong số 35 ngàn trang vào trong các DVD với kỹ thuật hiện nay để tiện tra cứu.
Có mặt trong buổi sinh hoạt này, người con trai út của học giả Phạm Quỳnh là ông Phạm Tuân đã bày tỏ tâm tình: “Người ta nói Phạm Quỳnh là phản quốc thì xin cứ mở Nam Phong ra đọc thì có được cái nhìn đúng đắn”.
Cần biết thêm chi tiết về Nam Phong Tạp Chí, quí độc giả có thể liên lạc (714) 775-2050.
_____
Liên lạc người viết: Nghuy9@yahoo.com

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"