Võ Văn Tạo
Mặc dù thông tin chính thức từ cơ quan
điều tra công bố Bầu Kiên bị bắt do hành vi kinh doanh trái phép của 3
doanh nghiệp hạng nhỏ do Kiên đứng tên, nhưng “quả bom tí hon” này lại
đánh sập sàn chứng khoán Việt Nam. Cổ phiếu, đặc biệt trong lĩnh vực
ngân hàng, tuột dốc thê thảm. Dần chúng rùng rùng kéo nhau đi rút tiền
gửi ngân hàng.
Điều đó không ngẫu nhiên. Hồi đầu năm,
báo chí rộ lên phản ánh những lùm xùm đáng ngờ trong vụ mấy chú “cá lẹp”
“nuốt” con “cá mập” Sacombank. Trong giới đầu tư chứng khoán và trên
các báo “không lề”, tin tức về Bầu Kiên cùng nhóm “chiến hữu”, khuynh
đảo tiền tệ, tài chính quốc gia đã không còn là bí mật.
Giới đầu tư chứng khoán vẫn đang căng
như dây đàn, nín thở chờ tin còn “chú” nào trong giới ngân hàng, chứng
khoán bị ban chuyên án “sờ gáy” nữa. Kinh nghiệm, cứ mỗi vụ “chú” nào đó
bị “tó”, chứng khoán lại lên cơn co giật dữ dội. Liền sau vụ Bầu Kiên,
vụ Lý Xuân Hải – Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho thấy rõ quy luật trên.
“Giấu đầu, hở đuôi”. Ngày 20-8, Bầu Kiên
“nhập hộp”. Ngày 22-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lớn tiếng yêu cầu điều
tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng,
bất kể đó là ai. Động thái trên cho thấy, tin tức râm ran trong giới
kinh doanh chứng khoán và rò rỉ trên mạng không phải vô căn cứ. Không ít
người tủm tỉm liên tưởng vụ án “2 bao cao su” rất chi là… “luộm thuộm”!
Cơn động đất chứng khoán – ngân hàng đã
bớt dữ dội, dù vẫn tiềm ẩn nhiều đợt rung chấn mới. Nhưng, điều đáng
ngạc nhiên và đáng lo nhất là câu trả lời cực kỳ… “hồn nhiên” của Thống
đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình trong phiên chất vấn tại Ủy ban
thường vụ Quốc hội hôm 21-8. Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy
ban Kinh tế Quốc hội, hỏi: “Tiền đâu để nhóm cổ đông mới thâu tóm Ngân
hàng Sacombank, Ngân hàng Nhà nước có biết không?”. Thống đốc Bình đáp
tỉnh queo: “Họ không báo cáo với Ngân hàng nhà nước và chúng tôi cũng
không biết họ lấy tiền ở đâu”(!)
Trời đất! Ngân hàng nhà nước là tổ chức
tín dụng đặc biệt và duy nhất không phải làm chức năng kinh doanh tiền
tệ như các ngân hàng thương mại, mà chuyên trách làm nhiệm vụ quản lý
nhà nước đối với mọi ngân hàng Việt Nam (kể cả ngân hàng nước ngoài trên
lãnh thổ Việt Nam). Kẻ có hiểu biết sơ đẳng về kinh tế cũng thuộc nằm
lòng nhiệm vụ số 1 của Ngân hàng nhà nước là kiểm soát dòng tiền lưu
thông. Chẳng vậy mà trước đây Ngân hàng nhà nước từng quy định mọi thay
đổi đột ngột từ 200 triệu đồng trở lên trong từng tài khoản phải được
theo dõi, báo cáo kịp thời…
Vâng, xin thưa ông Thống đốc – từng là
“người của năm”. Ông “không biết” thì giới chuyên gia và báo chí nêu cho
ông biết: một trong những nguồn của hàng chục nghìn tỷ đồng ấy là tiền
lòng vòng từ thế chấp, cầm cố cổ phiếu ở nhiều ngân hàng để vay được
tiền. Có được tiền từ thế chấp, cầm cố cổ phiếu ấy, lại đem mua cổ phiếu
của Sacombank. Cứ thế, và cứ thế… Ấy là chưa nói đến hàng chục nghìn tỷ
được Ngân hàng nhà nước bơm ra cho cái gọi là kế hoạch “tái cơ cấu”
ngành ngân hàng. Rồi thì mớ ma trận vay mượn “tín chấp” ở thị trường
liên ngân hàng… Rặt những thủ thuật ma mãnh “tay không bắt giặc”.
Làm Thống đốc Ngân hàng nhà nước mà “vô
tư” đến lạ! Chả trách nền tiền tệ, tài chính quốc gia cứ rối như canh
hẹ, lâu lâu lại lồng lên như ngựa vô cương.
Xin chớ nghĩ ngân hàng, chứng khoán là
chuyện của các đại gia, chẳng hệ lụy gì đến đại đa số dân thường. Tiền
tệ, vốn liếng là máu thịt duy trì sự sống của các doanh nghiệp sản xuất
kinh doanh. Ngân hàng nóng đầu, doanh nghiệp lên cơn sốt. Doanh nghiệp
ngắc ngoải, tiêu vong, ai chết đầu nước, nếu không phải là người làm
công ăn lương cùng gia đình họ?
V.V.T.