Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

“Thế lực thù địch” là cái bọn nào?

Hà Hiền

Cũng như nhiều bài viết về chủ đề chống “diễn biến hòa bình”, bài viết gần đây nhất với tiêu đề “Thông tin ảo và “hiểm họa thật” (*) được đăng thành 3 kỳ trên báo Quân Đội Nhân Dân vừa qua lại đang tạo ra một làn sóng tranh luận khá sôi động trong cộng đồng mạng.
Bài viết này khá dài, nhưng mình chú ý nhất đến đoạn được trích dưới đây đề cập đến sự kiện năm ngoái ở Tuy-ni-di:
… Hình thức bày tỏ của “sự cảm thông” qua các trang thông tin cá nhân, mạng xã hội đã nhanh chóng thổi bùng ngọn lửa phản kháng vốn đã âm ỉ do sự bức xúc đang “ứ” lên ở Tuy -ni-di vì thất nghiệp, tham nhũng, biến thành những cuộc biểu tình lật đổ chế độ. Phong trào được tiếp sức từ các thế lực trong ngoài, tiếp tục lan rộng, gây sụp đổ thể chế ở nhiều quốc gia. “Trái đắng” của cái gọi là “mùa xuân” ở chỗ, chẳng có “thành công của cuộc cách mạng” nào ngoài cuộc sống bất ổn hơn, khó khăn hơn cho người dân…

Việc người dân ở cái xứ Tuy-ni-di nọ thu hoạch được quả ngọt hay là trái đắng như báo QĐND suy diễn thì chắc chỉ những người dân ở đấy mới đưa ra được câu trả lời chính xác nhất. Mình không muốn bàn đến chuyện đó ở đây vì mình tuân thủ triệt để chính sách đối ngoại mà nhà nước ta đã tuyên bố là “làm bạn với tất cả các nước” và “không can thiệp vào tình hình nội bộ” của nhà người ta.
Nhưng có một điều mình cảm nhận được qua giọng điệu “cho mày chết” ở đoạn văn trên là các tác giả của nó chẳng thiện cảm gì với cuộcnổi dậy của người dân xứ Tuy-ni-di năm ngoái.
Mà không chỉ bài viết trên, mình để ý hầu như tất cả các bài viết trên các tờ báo của đảng như Nhân Dân, QĐND, CAND, Hà Nội Mới…, các chương trình bình luận quốc tế phát trên ti vi trong thời gian qua đều chung một giọng điệu không mấy thiện cảm đối với các sự kiện diễn ra năm ngoái tại các nước Ai Cập, Tuynidi, Libya… nơi người dân đứng lên lật đổ chế độ độc tài, tham nhũng thối nát, tất cả các tác giả của những bài báo này hay diễn giả trả lời phỏng vấn trên ti vi đều có chung quan điểm rằng các thế lực phản động và thù địch đã kích động người dân nổi dậy, là bọn phá rối, làm cho xã hội ở các nước Bắc Phi này mất ổn định…
Thế nhưng, mình nhớ năm ngoái đọc được một bài trên BBC viết về Hội nghị quốc tế lần thứ 13 các đảng cộng sản và công nhân, do Đảng cộng sản Hy Lạp đăng cai tổ chức tại thủ đô Athens của nước này, trong đó đưa tin đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó trưởng ban thường trực Ban đối ngoại trung ương Đảng, dẫn đầu đã tham dự Hội nghị trên, và Hội nghị này đã ra Tuyên bố chung, trong đó có câu
… chào đón các cuộc đấu tranh và nổi dậy cho ‘các quyền dân chủ, xã hội và chính trị chống lại các chế độ chống người dân ở Trung Đông và Bắc Phi, chính xác là ở Tunisia và Ai Cập’…
Mình cũng thuộc bài “Quốc tế ca” mà các đảng viên của đảng ta vẫn hát mỗi khi chào cờ ở các buổi sinh hoạt đảng:
Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian!
Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn!
Sục sôi nhiệt huyết trong tâm đầy chứa rồi.
Quyết phen này sống chết mà thôi.
Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành
Toàn nô lệ vùng đứng lên đi….
…Đấu tranh này là trận cuối cùng
Kết đoàn lại để ngày mai!…
Thế là thế nào nhỉ?
Nếu tin vào các bài viết trên các báo của đảng, trong đó có bài trên báo QĐND như đề cập ở trên tố cáo “các thế lực thù địch” đứng sau các sự kiện ở Ai Cập hay Tuy-ni-di thì hội nghị mà hơn 100 đại biểu của 78 chính đảng cộng sản và công nhân từ 61 quốc gia trên thế giới, trong đó có đảng ta đã tham dự tại Hy Lạp hẳn phải là một cuộc “tụ tập đông người” của các “thế lực thù địch” như đảng ta vẫn lên án vì Hội nghị này đã ra Tuyên bố chung chào đón các cuộc đấu tranh và nổi dậy cho ‘các quyền dân chủ, xã hội và chính trị chống lại các chế độ chống người dân ở Trung Đông và Bắc Phi. Hành động “chào đón” này rõ ràng mang tính kích động và cổ vũ cho các sự kiện trên. Tai sao đồng chí phó trưởng ban thường trực Ban đối ngoại trung ương Đảng Nguyễn Mạnh Hùng lại đi giao du với các “thế lực thù địch” này nhỉ?
Và cả cái bài Quốc Tế Ca mà đảng viên của chúng ta vẫn cất cao tiếng hát nữa. Liệu đảng có nên cấm tiệt hẳn cái bài hát này vì lời ca của nó có tính xúi giục, kích động rõ ràng kêu gọi sự “vùng lên” của những kẻ “bần hàn” đang bị áp bức vẫn còn đang sống lay lắt ở đâu đó trong “thế gian” này?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"