Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Tham gia, nghe phát mệt!

Lê Hữu
Theo Da Màu
thamgiangay
(Hình: internet)

 
“Những ‘từ sau 75’ nào ở trong nước được người Việt ở hải ngoại dùng nhiều?” một người bạn hỏi tôi.
Cụm từ “từ sau 75” người bạn dùng, được hiểu là những từ ngữ không thấy dùng hoặc ít thấy dùng ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
Câu hỏi không khó lắm, tôi kể ra được vài từ.
“Đúng đấy. Trong số ấy từ nào được dùng nhiều nhất?” người bạn “đố vui để học” tiếp.
Từ nào được dùng nhiều nhất?… Cái này thì cần phải động não thôi. Trong lúc ngẫm nghĩ để tìm câu trả lời, mắt tôi lướt qua một trang báo tiếng Việt và “bắt” được dòng chữ “Người Việt ở Nam Cali tham gia biểu tình chống văn hóa vận…”
“Tham gia,” tôi buột miệng.
“Đúng lắm!”
Mặc dù được “khen” là trả lời đúng, tôi vẫn chưa thực sự tin tưởng lắm, bèn giở tiếp những trang sau để phối kiểm thì quả là có khá nhiều “tham gia” thiệt, chứ không phải chỉ có “tham gia biểu tình”. Nào là “tham gia xuống đường”, “tham gia tuần hành”, “tham gia diễn hành”, “tham gia hội luận”, “tham gia tranh cãi”, “tham gia triển lãm”, “tham gia gây quỹ”, “tham gia họp mặt đồng hương”…, nói chung là tham gia mọi “sinh hoạt cộng đồng”.
“Tham gia” ở đâu ra mà nhiều quá vậy!?
Tham gia chứ? / Tham gia không?
Sau tháng Tư năm 1975, người dân miền Nam bước đầu làm quen với một số “từ lạ”, thoạt đầu hơi lạ tai nhưng nghe riết cũng thành… quen tai, “trước lạ sau quen”. Riêng từ “tham gia”, cái “lạ” là được sử dụng nhiều trên mức bình thường:
Tham gia học tập đường lối chính sách cách mạng / Tham gia đăng ký học tập cải tạo / Tham gia sinh hoạt tổ dân phố / Tham gia đội dân phòng / Tham gia tố giác tội phạm / Tham gia bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy / Tham gia làm sạch đẹp đường phố / Tham gia phong trào thi đua lao động giỏi / Tham gia đi xây dựng vùng kinh tế mới / Tham gia lực luợng thanh niên xung phong… Kể ra không hết. Mọi người dân, mọi tầng lớp, mọi độ tuổi đều có cơ hội “tham gia”, không cái này thì cái khác.

SG-5-75
Sinh viên, học sinh tham gia “chiến dịch bài trừ văn hóa đồi trụy”
Saigon, 29/5/1975 (Ảnh: Bettmann/CORBIS)

Những năm tiếp theo vẫn là “tham gia” đều đều, “tham gia” dài dài:
Tham gia chiến dịch cải tạo công thương nghiệp / Tham gia nghĩa vụ quân sự / Tham gia công tác thủy lợi / Tham gia phòng chống bão lụt / Tham gia phòng cháy chữa cháy / Tham gia phong trào xóa đói giảm nghèo / Tham gia xây dựng nếp sống văn hóa mới / Tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng / Tham gia phong trào thi đua “người tốt, việc tốt” / Tham gia bài viết về gương “người thiệt, việc thiệt” / Tham gia Hội các bà mẹ / Tham gia Hội liên hiệp phụ nữ / Tham gia Hội trí thức yêu nước… “Tham gia” nhiều vô số kể, có bao nhiêu hội hè là bấy nhiêu “tham gia”.
Người miền Bắc được xem là “chuyên trị” cái từ Hán Việt “tham gia” này từ thuở nào xa xưa, e trước cả cái thời “tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ”, “tham gia chiến dịch cải cách ruộng đất”, “tham gia phong trào toàn quốc kháng chiến”… Từ này mang ý nghĩa tích cực của khuyến khích, thúc đẩy, cổ động, vận động, xách động…, thể hiện rõ nhất trong những cụm từ “tham gia chiến dịch / phong trào / mặt trận / lực lượng / tổ chức / công cuộc / công tác / chương trình”. Muốn “tích cực” hơn nữa thì cho thêm vào các trạng từ “hăng hái”, “tích cực”, “nô nức”, “nhiệt liệt”… vẫn đọc/nghe thấy trong những khẩu hiệu, những lời kêu gọi, như “Toàn dân tích cực tham gia vào sự nghiệp đổi mới đất nước”, “Cử tri cả nước nô nức tham gia ngày hội bầu cử”…
Thường thì “tham gia viên” có những đóng góp tích cực về phần mình hoặc đóng một “vai” gì đó trong tổ chức, sự kiện mình tham gia, trong lúc “tham dự viên” thì thụ động hơn. Tham gia bầu cử là công việc có suy xét, cân nhắc, lựa chọn trước khi cầm lá phiếu bỏ vào thùng phiếu. Tham dự một buổi hòa nhạc hoặc chương trình ca nhạc thì chỉ có ngồi thưởng thức và vỗ tay. Các họa sĩ “tham gia” trưng bày tranh trong phòng triển lãm; khách “tham dự” cuộc triển lãm hội họa thì đi dạo một vòng qua các phòng tranh để thưởng lãm các họa phẩm.
Thực tế, “tham gia” không phải là từ mới mẻ gì và cũng từng được sử dụng ở miền Nam trước năm 1975, chỉ khác là không với tần suất cao như ở miền Bắc, phần nhiều với nghĩa đóng góp nghĩa vụ công dân, như “tham gia công việc đồng áng”, “tham gia cày cấy”, “tham gia quân dịch”, “tham gia chống nạn mù chữ”, “tham gia cứu trợ nạn nhân bão lụt”… Cũng có khi là “tham gia phong trào sinh viên học sinh tranh đấu”, “tham gia phong trào chống tham nhũng”… Một vài mẫu câu:
“Các tướng lãnh tham gia lực lượng đảo chánh”.
“Tham gia bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân”.
“Toàn dân tích cực tham gia cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung”.
Không nhiều lắm, nhưng cũng gọi là có “tinh thần tham gia”. Đấy là ngày trước, còn bây giờ thì tinh thần tham gia phát huy đến cao độ, tràn lan trên cả nước, và còn theo chân người Việt ra tới hải ngoại. Ở đâu có người Việt, ở đó có “tham gia”.
- Trong nước thì (văn minh, hiện đại và “thời trang” hơn):
Tham gia Câu lạc bộ “Những tài năng trẻ” / Tham gia Câu lạc bộ diễn viên / Tham gia Facebook / Tham gia phòng chát (chat room) / Tham gia bình chọn Album vàng / Tham gia bình chọn Top Model / Tham gia bình chọn Vietnam Idol / Tham gia chương trình “Hát với ngôi sao” / Tham gia cuộc thi “Hoa hậu duyên dáng” / Tham gia “Bước nhảy hoàn vũ” / Tham gia bình chọn doanh nhân được yêu thích… Nhà nhà tham gia, người người tham gia, cả nước thi đua tham gia.
- Ngoài nước thì (đâu chịu kém):
Tham gia sinh hoạt cộng đồng / Tham gia công tác thiện nguyện / Tham gia trại hè hướng đạo / Tham gia đêm thắp nến cầu nguyện cho quê hương Việt Nam / Tham gia cứu trợ nạn nhân động đất ở Nhật Bản / Tham gia biểu tình chống văn hóa vận / Tham gia cuộc thi “Viết về nước Mỹ’ / Tham gia đại nhạc hội “Cám ơn anh” / Tham gia hội luận về Hoàng Sa và Trường Sa / Tham gia hội đồng hương / Tham gia hội cựu tù nhân chính trị / Tham gia hội ái hữu cựu học sinh (trường này trường kia) / Tham gia hội cựu chiến sĩ (các quân binh chủng)… Có bao nhiêu sinh hoạt, bao nhiêu hội hè lớn, bé là bấy nhiêu “tham gia”. Tham gia hết mình, tham gia tới bến, tham gia mệt nghỉ.
Rõ ràng là từ “tham gia” này đã “đi sâu vào quần chúng” người Việt ở hải ngoại từ bao giờ.
Cũng phải ghi nhận vai trò tích cực của các báo, đài ở ngoài nước (trong nước thì khỏi bàn), giúp độc giả, thính giả dễ dàng làm quen và mạnh dạn tiếp thu từ này. Từ các bản tin, các thông báo, các bài bình luận đến các tiết mục giải trí, quảng cáo thương mại…, ngày nào mà không đọc thấy, nghe thấy “tham gia” cái này, “tham gia” cái kia là… chết liền.
“Tham gia” từ trong nhà ra tới ngoài nước, rất có khí thế, rất phấn khởi hồ hởi, nói theo ngôn ngữ trong Nam là: tham gia tưng bừng, tham gia vi vút, tham gia lia chia / búa xua / tá lả / hà rầm / rôm rả / ì xèo…
Ông bạn tôi, người ra câu hỏi “đố vui để học” ở trên, có vẻ khá dị ứng với từ “tham gia” này. Trong lúc chuyện trò, nghe cô xướng ngôn viên đài truyền hình xăng xái mời “quý khán thính giả” tham gia chương trình ca nhạc gì gì đó, anh bỗng… nổi quạu:
“‘Tham gia’ cái…quái gì,” anh ta nói, “đi xem ca nhạc thì nói là ‘đi xem ca nhạc’ chứ có phải… ‘đi họp tổ dân phố’ đâu mà tham gia. Muốn tham gia thì… về nước mà tham gia. Ở đây không có ‘tham gia’, ‘tham quan’ chi chi cả.”
Kể ra thì ông bạn này cũng hơi khó tánh, không tham gia thì thôi chứ đâu có ai ép uổng gì. Không thích tham gia thì để cho người khác tham gia. Hỏi vì sao lại dị ứng với từ ấy, anh ta than vãn:
“Nghe phát mệt! Cứ nghe ‘tham gia’ cái này cái kia là lại nhớ tới mấy cái loa phóng thanh ra rả chĩa vào tai ‘Mời bà con khu phố tham gia học tập’, tham gia họp hành… Ngày này sang ngày khác, chịu đời không thấu!”
Hóa ra mỗi người đều có lý do nào đó để dị ứng cái gì đó… Tôi chỉ im lặng, không “tham gia ý kiến”, trong lúc người dẫn chương trình “Nghệ sĩ và sân khấu” hay “Tâm tình nghệ sĩ” gì gì đó trên TV “phỏng vấn” một ca sĩ trẻ, “Chương trình đại nhạc hội kỳ này có rất đông anh chị em nghệ sĩ tham gia, em cũng tham gia chứ?” Cô ca sĩ ngập ngừng, trả lời, “Em cũng muốn tham gia lắm nhưng mà rất tiếc là em đã nhận lời tham gia một cái show nhạc thính phòng rồi. Nếu không thì chắc chắn em sẽ tham gia.”
“Tham gia chứ?” / “Tham gia không?” / “Tham gia nhé?” Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu ta cũng dễ gặp những câu hỏi tương tự. Câu trả lời có thể là “Tham gia quá đi chứ!” / “Cho tham gia với!” / “Hong dám tham gia đâu!”… “Tham gia” đã trở thành cái từ gần gụi, thân thương, và đã rất thoải mái, rất vô tư “tham gia” vào sinh hoạt đời thường.
Người tham gia, ta cũng tham gia
Nguời Việt trong nước tham gia, người Việt ngoài nước cũng tham gia. Tinh thần tham gia đến như thế thì cũng tốt thôi, chỉ có điều là cứ cái từ “tham gia” ấy dùng đi dùng lại mãi thì cũng khó mà “làm giàu cho tiếng Việt” được. Lâu lâu thì cũng phải nhường chỗ cho các từ khác có cơ hội “tham gia” với chứ!
Có những từ dùng riết đến thành thói quen, nói riết đến… quen miệng, tới lúc có muốn thay cũng chẳng biết… thay bằng từ nào. Từ “tham gia” cũng vậy. Dường như người ta chẳng buồn nhớ tới các từ ngữ “tham dự”, “gia nhập”, “cộng tác”, “hợp tác, “đóng góp”, “góp phần”, “góp mặt”, “tiếp tay”, “dự phần”… vân vân, hoặc có nhớ thì cũng chẳng muốn dùng, cứ… “tham gia” cho… tiện, đỡ phức tạp. Nói chung thì cũng là…“tham gia” thôi.

HN-BuocNhay2011
Tham gia “Bước nhảy hoàn vũ 2011 tại Hà Nội” (hình: internet)

Thử làm công việc đối chiếu cách dùng câu, chữ tiếng Việt ở ngoài nước hiện nay so với ngày trước (trước năm 1975 ở miền Nam), để thấy có khác nhau chút chút:
“Rất nhiều anh chị em nghệ sĩ tham gia chương trình đại nhạc hội này”.
Cách nói ngày trước:
“Rất nhiều nghệ sĩ sân khấu góp mặt trong chương trình đại nhạc hội này”.
(“Nghệ sĩ” là danh từ gọi chung những người hoạt động trong mọi bộ môn nghệ thuật, sáng tác hoặc trình diễn. Nói “nghệ sĩ sân khấu” thì chính xác hơn để chỉ các ca, nhạc sĩ trình diễn tân cổ nhạc và các diễn viên trên sân khấu như kịch sĩ, vũ công, ảo thuật gia, hoạt náo viên…).
“Rất nhiều giáo viên trước năm 1975 tham gia giảng dạy tại các trung tâm Việt ngữ”.
Cách nói ngày trước:
“Rất nhiều giáo viên trước năm 1975 cộng tác với các trường Việt ngữ”.
“Phụ huynh đăng ký cho con em tham gia lớp Việt ngữ”.
Cách nói ngày trước:
“Phụ huynh ghi tên cho con em theo học lớp Việt ngữ”.
Trong nhiều trường hợp “tham gia” được dùng thay cho “tham dự”:
“Nhiều thầy cô giáo tham gia khóa tu nghiệp sư phạm”.
Cách nói ngày trước:
“Nhiều thầy cô giáo tham dự khóa tu nghiệp sư phạm”.
(Thầy cô giáo “tham dự” khóa học; các giảng viên “tham gia” chương trình giảng dạy).
“Chương trình văn nghệ rất thành công với sự tham gia của trên 500 khách mời”.
Cách nói ngày trước:
“Chương trình ca nhạc rất thành công với sự tham dự của trên 500 khán giả”.
(Khách mời và khán giả “tham dự” chương trình; các ca sĩ, diễn viên “tham gia” trình diễn).
Ở trong nước thì khỏi nói, “tham gia” đến… vượt mức yêu cầu, kể cả những lúc… không cần thiết phải “tham gia”, chẳng hạn:
“Mời tham gia đóng góp ý kiến cho diễn đàn”, thay vì chỉ cần nói “Mời đóng góp ý kiến cho diễn đàn” hay “Mời góp ý cho diễn đàn” (nhất định phải thêm vào hai chữ “tham gia” cho bằng được). Hoặc: “Người tham gia giao thông đường bộ”, thay vì chỉ cần nói “Người lái xe”, hay “Người chạy xe”, hay “Người đi lại trên đường”. Hoặc: “Các phương tiện tham gia giao thông đường bộ”, thay vì chỉ nói “Xe cộ”. Hoặc: “Thủ tục tham gia đăng ký học”, thay vì chỉ nói “Thủ tục ghi danh học”. Hoặc: “Hoa hậu tham gia đóng phim”, thay vì chỉ nói “Hoa hậu đóng phim”… vân vân.
Một vài mẫu câu “đọc tin trên báo” gần đây:
“Nhiều chân dài Hà Nội nhiệt liệt tham gia ‘Giờ trái đất 2011’”.
“Siêu sao, siêu mẫu nô nức tham gia ‘Tuần lễ thời trang Hà Nội 2011’”.
“Nhiều người tham gia biểu tình yêu nước ở Hà Nội hôm nay bị bắt lên xe bus”.
“Biểu tình yêu nước”, cụm từ này được người trong nước sử dụng gần đây, ngụ ý biểu tình đứng đắn, lành mạnh, có lập trường yêu nước thương dân đàng hoàng, để… ít bị chiếu cố hơn (có “bị bắt lên xe bus” thì rồi cũng được thả về). Lại còn có “biểu tình tự phát / tự giác / tự nguyện”,
ngụ ý không ai phát động, xách động cả mà chỉ do tâm lý bức xúc của quần chúng nhân dân.
“Tham gia” không chắc đã là “từ sau 75” được người Việt ở hải ngoại sử dụng nhiều nhất, tuy nhiên vẫn là một trong những từ được tiếp thu khá thoải mái (trừ vài trường hợp cá biệt, lẻ tẻ), không thắc mắc, không phân biệt, không gọi là từ này, từ kia…, và được sử dụng với tần suất khá cao (không như các “từ sau 75” khác có số phận kém may mắn hơn, như “nhất trí”, “báo cáo”, “khẩn trương”, “hồ hởi”, “bức xúc”, “hoành tráng”…).
“Hai bên” (trong nước, ngoài nước) đều tỏ ra yêu chuộng và sính dùng từ này, và hầu như không bỏ lỡ cơ hội nào để cho cái từ tâm đắc ấy “tham gia” vào ngôn ngữ đời thường.
“Hai bên”, theo một nghĩa nào đó, đã “gặp” nhau, hay đã “gần nhau trong tiếng nói”.
Anh tham gia, tôi cũng tham gia, hai ta cùng tham gia. Có khi tham gia giống nhau, có khi không giống nhau. Cái gì cùng chia sẻ, cùng yêu thích, cùng mục đích thì cùng tham gia.
“Tham gia”, cái từ ấy tự nó không mang ý nghĩa hay dở, tốt xấu gì cả. Vấn đề là tham gia cái gì, tham gia làm sao, tham gia với ai, và liệu có nên tham gia chăng(?), chưa nói là “Tham gia, rồi sao nữa?”, nghĩa là… “hậu tham gia”. Nói chung, cần làm rõ mục đích, ý nghĩa của việc tham gia, sao cho hấp dẫn, có lý có tình, có sức thuyết phục (trả lời được câu hỏi “Tại sao cần phải tham gia?”, “Tham gia thì được cái gì?”), chứ không phải chỉ tham gia… cho vui, hoặc “người tham gia, ta cũng tham gia”. Chẳng hạn, tham gia cuộc vận động cho một đất nước, một dân tộc được tự do no ấm, độc lập tự chủ, vẹn toàn lãnh thổ, các “quyền làm người” được tôn trọng và “người biết thương người”, thì… ai mà chả muốn… tham gia.
Xin tạm dừng “chuyện dài tham gia” ở đây để không đi xa hơn “chuyện chữ nghĩa”, và để các quý độc giả không phải nhức đầu vì… nghe phát mệt!

* Những chữ in nghiêng là từ ngữ hoặc cách nói ở trong nước sau năm 1975

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"