Blog như cây tre
Mùa phượng vĩ đã
chia tay từ lâu nhưng các con phố tấp nập của thành phố cảng dường như vẫn có sắc
đỏ hồng trong cái nắng thu vàng rực rỡ quyện trong những cơn gió, chốc chốc lại
ùa vào từ biển. Có lẽ quê hương của nữ tướng Lê Chân đang chộn rộn hồi hộp khi
sắp được đón trở lại người con gái bé nhỏ mà kiên cường của mình.
Phạm Thanh Nghiên trước khi bị bắt |
Chỉ còn đúng một tuần nữa[1]
là Phạm Thanh Nghiên sẽ mãn hạn tù. Thấm thoắt 4 năm đã trôi qua kể từ ngày cô
gái bé nhỏ của đất cảng Hải Phòng bị bắt, đúng ra là lôi đi, ngay trong lúc
đang tọa kháng tại nhà với tấm biểu ngữ “Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam” quấn xung
quanh người.
Trên bánh của những chiếc
xe ôm đi đến nhà Phạm Thanh Nghiên chúng tôi vẫn cảm thấy băn khoăn vì trước
đây có nghe phong thanh rằng những việc làm của Phạm Thanh Nghiên không được
gia đình ủng hộ lắm. Liệu sự viếng thăm của chúng tôi có được gia đình hoan
nghênh? Nhưng với ý nghĩ mạnh dạn “nếu gia đình, người dân chưa ủng hộ mà chúng
ta lại xuôi tay thì làm sao người dân, xã hội hiểu ra được sự thật, làm sao người
dân có thể ủng hộ, tham gia những việc làm tốt đẹp?” nên chúng tôi tự tin “quất”
thêm hai bác xe ôm: “Bác đi nhanh nhanh cho chúng em tý!”. Sau những con phố lớn
với những cái tên loáng qua như Lê Lợi, Cầu Đất, Cầu Tre,…sau những cú lượn,
vòng ngoằn nghoèo điệu nghệ của hai bác xế ôm trong những khu dân cư chật hẹp của
đất cảng, cuối cùng chúng tôi cũng đến và yên vị trong ngôi nhà xinh xắn của
gia đình Phạm Thanh Nghiên: Nhà số 17, Liên khu Phương Lưu, Đông Hải 1, Quận Hải
An.
Nhưng khác với “phong
thanh” và “băn khoăn” trước đó, chúng tôi đã được đón tiếp rất thân tình ngay
sau khi chúng tôi giới thiệu là những người yêu mến và ủng hộ những việc làm của
Phạm Thanh Nghiên và muốn thăm gia đình, muốn biết về tình hình của Phạm Thanh
Nghiên khi chỉ còn vài ngày nữa là “chị Nghiên mãn hạn tù”.
Rất may mắn, chúng tôi
được gặp cả bác Nguyễn Thị Lợi, mẹ của Phạm Thanh Nghiên, năm nay 77 tuổi và
hai người chị của Phạm Thanh Nghiên cùng một vài người bạn của gia đình lúc đó
cũng đang có mặt. Như vậy là "nguồn tin" không quá đơn điệu và sự có mặt trông
rất thân tình của người ngoài gia đình làm chúng tôi vui và yên tâm hẳn lên. Có
nghĩa là, dù ở nơi tỉnh lẻ và ở khu bình dân, không phải người
dân nào cũng e ngại cũng “tránh xa gia đình kẻ phản động” như nhà cầm quyền vẫn
tuyên truyền.
Qua vài câu thăm hỏi
gia đình chúng tôi sốt ruột đi ngay vào điều chúng tôi đang nóng lòng: “Thưa
bác và hai chị, tình hình sức khỏe của chị Nghiên hiện nay ra sao? Gia đình
mình vẫn đi thăm chị Nghiên thường xuyên chứ ạ?” Thế rồi chúng tôi được bác Lợi
và hai người chị cho biết gia đình vẫn đi thăm nuôi Nghiên thường xuyên ở Trại
giam số 05 Thanh Hóa thường thường hai tháng hoặc một tháng một lần. Mỗi chuyến
đi là một hành trình bắt đầu từ 03h sáng bằng xe khách và về lại nhà vào đêm muộn
hoặc sang ngày hôm sau. Chuyến thăm nuôi Phạm Thanh Nghiên gần đây nhất là vào
ngày 26/07/2012, tinh thần của Nghiên “vẫn thế”, “sức khỏe tạm được”, “nó bảo
là cách đấy ít thời gian đã có công an an ninh của Bộ và Thành phố vào gặp và hỏi
nó là ”Chị Nghiên sắp được về rồi đấy. Vậy khi về chị Nghiên có suy nghĩ gì về
việc làm tiếp theo không?”, nó bảo nó nói là: “Tôi vẫn phải yêu Tổ quốc tôi và
tôi vẫn sẽ tiếp tục làm những việc như đã làm.” Thế là mấy anh an ninh nói:”Vậy
thì chúng ta sẽ còn phải gặp nhau nhiều đấy.”, nghe xong câu đó nó bảo nó không
nói gì cả.”
Về chuyện cương cường bộc
trực như thế của Phạm Thanh Nghiên thì chúng tôi không lạ vì đã nghe thấy từ
lâu rồi. Khoảng năm 2007 khi Nghiên đã gặp gỡ nhiều người hoạt động cổ xúy cho
dân chủ và nhân quyền ở cả Hải Phòng và Hà Nội, một lần khi phải làm việc với
công an, bị công an vặn vẹo, đe nẹt trong việc gặp gỡ, Phạm Thanh Nghiên đã nói
luôn:”Nếu các anh gọi những người đó là phản động thì tôi tuyên bố tôi phải ủng
hộ và chơi với phản động. Tôi đã gặp họ nhiều rồi, “phản động” mà lại như thế
à?!”
Trong câu chuyện tiếp
theo, chúng tôi thấy rất ngạc nhiên vì những gì Nghiên đã thể hiện trong tù,
theo như lời hai chị gái và bác Lợi thuật lại, như một người đã trải qua tù nhiều
lần chứ không phải là cô gái chân yếu tay mềm mới lần đầu vào chốn lao tù.
Không biết cô gái Phạm Thanh Nghiên, khi đi tù nặng chỉ có 36kg, đã học được từ
ai hay tự quyết đoán hành động, nhưng những ứng xử như thế này thì chúng tôi
thường chỉ nghe được từ những người tù nam giới can trường và lại phải có kinh
nghiệm nữa: Thông thường tù thường ở Trại giam số 05 vẫn gọi các nhân viên trại
giam (quản giáo) là “ông” hoặc “bà” xưng là “con” hoặc “cháu” bất kể tuổi tác,
nhưng Nghiên bé nhỏ nhà ta, sinh năm 1977, chỉ gọi, từ quản giáo thường cho tới
giám thị trại giam, là “cán bộ” xưng “tôi” thôi. Hai là, quần áo của nhà gửi
vào thường phải đóng dấu bằng sơn đen nhòa nhọet hai chữ “PHẠM NHÂN” to tướng ở
trước và sau thì mới được dùng, nhưng Nghiên bảo nhà mang hết quần áo về và chỉ
mặc quần áo tù vì Nghiên nói: ”Tôi là Tù Nhân chứ không phải Phạm Nhân”.
Cảm thấy cuộc chuyện
trò đang ở vào lúc “ấm nồng” nhất, chúng tôi vội hỏi nhỏ gia đình: “Thưa bác và
hai chị, hình như ban đầu gia đình mình cũng phiền lòng với những việc của
Nghiên làm lắm phải không?” Bác Lợi tỏ vẻ trầm ngâm, còn hai chị gái thì gần
như cùng lên tiếng một lúc, sau đó người chị lớn như nói thay cho cả ba người:
“Nói thật với các bác, ban đầu nhà em mệt mỏi lắm vì như các bác biết đấy, nhà
em chỉ là dân lao động vôi vữa, chân tay thôi, trong khi đó thì bố lại đang ốm
nằm đấy mà nó thì chưa đâu vào đâu cả. Thế mà suốt ngày cứ đi đâu suốt rồi lúc
về lại ôm lấy cái máy tính, máy tiếc mà toàn chuyện đâu đâu thôi. Có lần em tức
quá em đã tát Nghiên một cái khi thấy nó cứ ngồi dán mắt vào cái máy tính.
Nhưng sau khi nó bị bắt, phần vì thương em mình, phần vì hiểu ra những việc làm
của em mình là tốt và đúng nên thôi không giận nó nữa. Nó là đứa út ít nhất nhà,
người lại gầy yếu nhất nên thương lắm các bác ạ.” Đến đây tất cả chúng tôi cùng
lặng đi.
Hai chị gái Nghiên: "Vì hiểu ra những việc làm của em mình là tốt và đúng nên thôi không giận nó nữa." |
Để phá vỡ cái không khí
nặng nề đó, chúng tôi vội chuyển chủ đề và cũng là điều chúng tôi muốn xác
minh: “Hình như chị Nghiên nhà mình mới chỉ tốt nghiệp phổ thông?” Lần này thì
bác Lợi phân trần: “Phải nói rõ thế này, hồi nó học xong lớp 11 thì nó nghỉ học
và có đi vào miền Nam một thời gian. Sau đó mấy năm, mới quay ra và học tiếp lớp
12 bổ túc văn hóa. Học có thế thôi.” Vậy là đúng như chúng tôi đã nghe, Phạm
Thanh Nghiên chỉ có bằng chính thức cao nhất, mà các giấy tờ của nhà nước vẫn
thường gọi là “trình độ văn hóa”, là lớp 12 bổ túc thôi. Thế mà chúng tôi có những
người “giắt lưng” mấy bằng đại học khi đọc “Tâm thư” hay “Uất
ức biển ta ơi!” cũng phải thừa nhận chưa chắc mình đã viết được
những câu văn như thế.
Hai chị gái còn kể cho
chúng tôi nghe đã mấy lần Phạm Thanh Nghiên tuyệt thực để đấu tranh không phải
cho bản thân mà đòi hỏi một số quyền lợi cho tù nhân như đòi phải cải thiện nước
sạch cho tù nhân nữ hoặc yêu cầu phải trả lại đệm nằm cho tù trong mùa đông.
Chúng tôi hỏi những lần đấu tranh đó có thành công thì các chị nói: ”Hình như
có lần thành công.”
Đến đây, bỗng dưng chúng
tôi cảm thấy lo lắng thực sự, không hiểu sự cương cường như thế ở nơi thân cô
thế cô thì Nghiên có bị nhân viên trại giam “trả đũa” không, hai chị gái cho biết:
“Chúng em thì không biết rõ nhưng khi tiếp xúc thì thấy mọi nhân viên mà chúng
em gặp đều tỏ ra thân tình và đều gọi Nghiên nhà em là “chị” với thái độ tôn trọng
và lần vừa rồi có người còn nói với chúng em với vẻ rất vui: “Người nổi tiếng của
gia đình mình sắp về rồi đấy!” Nghe thế chúng tôi thở phào và nghĩ bụng: hình
như có một qui luật muôn thuở, cai tù có thể rất hách dịch, có thể rất ác nhưng
không thể coi thường những người tù trung tín, can trường.
Đến lúc câu chuyện lại
đề cập đến vấn đề Biển Đông và biểu tình chống Trung Quốc thì chúng tôi mới sực
nhớ ra chính Phạm Thanh Nghiên đã tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày
09/12/2007 ở trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Phạm Thanh Nghiên là người
đã đứng đơn, vào ngày 17/06/2008, đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cấp
phép để tổ chức một cuộc biểu tình chống lạm phát. Dĩ nhiên lá đơn đó đã bị
bác. Và cho dù hai người ký tên trong đơn đã phải vào tù sau đó ít lâu[2],
nhưng thời gian qua đã chứng tỏ quyền tự do biểu tình của người dân về mọi vấn đề bức
xúc là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết.
Bác Lợi, mẹ Nghiên: "Tôi chỉ dạy con tôi phải là người thật, làm thật, nói thật." |
Vào cuối câu chuyện,
chúng tôi hỏi riêng bác Lợi: “Thưa bác, lúc chị Nghiên bị bắt chắc bác khổ tâm
lắm?”, nhìn thẳng chúng tôi bác Lợi nói: ”Tôi cũng đã dự liệu từ trước rồi, với
việc làm của nó như thế trong một thời buổi như thế thì việc đó khó mà tránh được.
Nhưng từ trước đến giờ tôi chỉ dạy con tôi là phải là người thật, làm thật, nói
thật.”
Trên đường về trong sự
miên man của cảm xúc vừa thương, vừa mừng, vừa lo và tự hào về Phạm Thanh
Nghiên chúng tôi lại nhớ đến một suy nghĩ như đã nghe, đã đọc thấy ở đâu rằng
công cuộc cứu nước, dân chủ hóa hiện nay cần phải có một tư duy khác trước,
không thể cứ lấy sức mạnh võ biền, lấy tinh thần dân tộc cực đoan làm điểm tựa nếu
không muốn vòng quay độc tài vẫn tiếp tục. Nhưng có một thứ chắc chắn vẫn phải luôn
luôn cần, đó là: lòng dũng cảm.
Đi trong những cơn gió
thổi từ Biển Đông vào thành phố cảng trên đường về chúng tôi như nghe thấy những
âm vang thét gào vẫn vọng về từ Hoàng Sa, Trường Sa. Dẫu rằng biển của ta vẫn còn uất
ức lắm nhưng chắc chắn vài hôm nữa Phạm Thanh Nghiên sẽ rất vui khi biết rằng bốn
năm qua đã có thêm nhiều người trẻ hơn Nghiên, có học vấn hơn Nghiên, có gia
đình bề thế hơn Nghiên cũng đã lên tiếng, đã dấn thân vì xã hội, vì sự an nguy
của Tổ quốc.○
Nguyễn Phan Chung
11/09/2012
[1] Khi
bài viết này lên khuôn thì chỉ còn 05 ngày nữa (ngày 18/09/2012) án tù 04 năm của Phạm Thanh Nghiên kết thúc.
Khi về Phạm Thanh Nghiên còn phải bị 03 năm quản chế. Điện thoại liên lạc của gia đình (bác Nguyễn
Thị Lợi): 0128 828 0694; 0313 741 629
[2]
Lá đơn xin phép biểu tình (ghi ngày 17/06/2008) do Phạm Thanh Nghiên ký tên
(người đứng đơn) và hai người tiếp ký: nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, cựu chiến
binh Vũ Cao Quận đều người Hải Phòng. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bị bắt ngày 10/09/2008 (sau đó bị kết án 06 năm tù
giam, 3 năm quản chế); Phạm Thanh Nghiên bị bắt ngày 18/09/2008.