Nếu thật lòng bầu bí thương nhau, xem nhau như anh em trong một nhà thì
chúng ta phải xem tổ tiên của người Khơ-me cũng như tổ tiên của người
Kinh. Nghĩa là, văn hóa-văn minh của người Khơ-me phải được xem là văn
hóa-văn minh của người Việt. Chúng ta nhất thiết phải xây dựng lại tinh
thần Việt, tương lai chung của một nước Việt Nam bằng việc bằng việc đối
xử công bằng, tôn trọng, kính ngưỡng những giá trị lịch sử mới hòng
thoát khỏi nguy cơ Hán hóa từ trong suy nghĩ.
Nếu thật lòng bầu bí thương nhau, xem nhau như anh em trong một nhà thì
chúng ta phải xem tổ tiên của người Chăm cũng như tổ tiên của người
Kinh. Nghĩa là, chúng ta phải kính trọng thủy tổ của người Chăm như Hùng
Vương-thủy tổ của người Kinh vậy. Nên nhớ, sự pha trộn giữa ngôn ngữ
của các cư dân thuộc nền văn minh sông Hồng và văn minh Chăm đã cho ta
hệ thống quốc ngữ ngày hôm nay. Muốn thoát khỏi nguy cơ Hán Hóa từ trong
suy nghĩ, chúng ta cần những giá trị gốc như vậy.
Muốn thoát khỏi nguy cơ Hán Hóa từ trong suy nghĩ, chúng ta cần phải
quay về với những giá trị không nhất thiết phải hoành tráng, to lớn, đồ
sộ mà quay về với những thứ nho nhỏ nhưng chứa đựng tư duy của chính
chúng ta-những người phương Nam.
Trong các loại bệnh, bệnh về não vốn khó thăm khám, chẩn đoán, kê toa và
được liệt vào loại bệnh nguy hiểm nhất. Người có bệnh não thường không
biết mình mắc bệnh nên không đề phòng. Trường hợp phát hiện ra bệnh thì
ngoài việc tìm ra đơn thuốc phù hợp, con bệnh phải kiên trì và đủ dũng
cảm mới mong khỏi bệnh.
Thường nghe nói “bệnh từ tâm mà ra” vì não bộ con người ta điều khiển
mọi hoạt động của cơ thể con người; tâm có ổn thì thân mới khỏe; tâm
không ổn thì cơ thể sinh lắm chứng bệnh tật. Một dân tộc có thể tồn tại
bên cạnh Trung Hoa mấy ngàn năm nay mà không bị đồng hóa, không bị thôn
tính ắt hẳn không phải một dân tộc tồi. Hẳn bên trong dân tộc ấy phải có
cái gì đặc biệt, rất đặc biệt. Điều đấy chúng ta không thể phủ nhận.
Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta có thể tồn tại mà không thể văn minh,
hùng cường được? Ở vào những khúc quanh lịch sử, dân tộc ta luôn có
những lựa chọn không thể hiểu nổi, hết lần này đến lần khác. Có người
bảo rằng chúng ta không may. Có người bảo rằng số phận dân tộc mình phải
chịu cảnh như vậy. Cá nhân tôi, tôi không chịu cách lý giải đấy. Vậy
thì do điều gì làm cho chúng ta ra nông nỗi như thế này? Hay chăng dân
tộc chúng ta dung chứa một khuyết tật gì đấy, một khuyết tật tập thể
trong cách suy nghĩ, một khuyết tật truyền thừa từ tổ tiên trong cấu
trúc tư duy của người Việt? Nếu thừa nhận cái khuyết tật trong tâm lý
dân tộc đấy thì chúng ta phải phá bỏ tất cả sao? Vậy thì chúng ta còn
gì? Theo tôi, phải phá bỏ để xây dựng lại còn hơn tiếp tục dung chứa
những khuyết tật đó, cái thứ độc hại trong tư duy đã làm cho chúng ta
tồn tại nhưng tồn tại chẳng khác chi đời sống thực vật.
Đời sống nhân loại từ thời cổ đại cho đến nay vốn được xây dựng xoay
quanh các trục sau đây: kinh tế, chính trị và văn hóa. Nếu suy nghĩ cho
thật kỹ, đời sống văn hóa chính là thượng tầng kiến trúc mà kinh tế
& chính trị là hạ tầng của xã hội nhân loại, cũng như của mỗi dân
tộc. Không cần thảo luận gì nhiều, hẳn nhiên, chúng ta đánh giá nền văn
minh của một dân tộc dựa trên nền thượng tầng kiến trúc của dân tộc ấy
bao gồm: tôn giáo, tư tưởng và nghệ thuật. Liệt kê ra từng phân ngành
riêng biệt thì gồm ba phân ngành nhưng cái gốc của cả tôn giáo và nghệ
thuật đều nằm ở nơi tư tưởng. Nói cho ngay, tư tưởng-cái gốc của cả kinh
tế và chính trị bởi kinh tế hay chính trị thì cũng bắt nguồn từ những
cái lý tất nhiên của nó, nghĩa là, phải có những tư tưởng ấy thì mới có
những nền tảng kinh tế và chính trị ấy.
Muốn tìm hiểu cho thấu đáo nguyên nhân tại sao Nhật Bản có thể duy tân
tự cường mà văn minh, hùng mạnh mà không phải Trung Hoa hay Việt Nam
(theo rất nhiều người vẫn quan niệm, cả ba nước này được xem như “đồng
chủng đồng văn” và chịu ảnh hưởng nhiều nơi tư tưởng Khổng Mạnh và triết
lý Phật Giáo), chúng ta phải đi tìm cái gốc của vấn đề: cách suy nghĩ
của người Nhật Bản, tư tưởng Nhật Bản.
Tôi dám chắc rằng, cái tư tưởng Nhật Bản ấy, nó phải có điều gì riêng
có, rất đặc sắc và vượt trên hẳn tư tưởng Trung Hoa và Việt Nam cùng
thời. Cái tư tưởng ấy thể hiện tinh thần quốc gia Nhật Bản. Vì cái tinh
thần quốc gia ấy mà giai cấp cầm quyền khôn ngoan sáng suốt chọn lựa duy
tân tự cường thay đổi vận mệnh quốc gia. Vì cái tinh thần quốc gia ấy
mà tầng lớp trí thức tinh hoa sốt sắng làm người hướng đạo tiên phong
cho công cuộc cải cách. Vì cái tinh thần quốc gia ấy mà quần chúng nhân
dân lập chí hăm hở tấn hóa tự cường.
Chẳng giống nơi giới cầm quyền của Trung Hoa và Việt Nam: đầu óc ngu
dại, cứ ngồi lì trên ngôi cao, lấy quyền cao và sức mạnh bạo lực để đè
ép, cản trở ý muốn duy tân tự cường của quốc gia nên công cuộc duy tân
không sao thực hiện nổi. Lại thêm đám trí thức hủ nho, thủ cựu cứ tưởng
mình khôn lắm rồi, mạnh lắm rồi chẳng thèm đổi mới. Cái mâu thuẫn ấy cứ
mỗi ngày một dâng lên tạo thành cách mạng đổ máu tàn bạo mà vẫn không đi
đến đích văn minh được. Rốt cuộc vẫn nằm trong cái vòng yếu hèn, phụ
thuộc mà mất nước. Bài học lịch sử ấy dường như đang lặp lại với Việt
Nam. Nhật Bản duy tân tự cường thành công bởi họ có quần chúng nhân dân
rất có chí, trí thức thì thức thời và chính quyền rất sáng suốt.
Nói chuyện vui, tôi vốn kỹ sư điện tử, thật lòng chẳng biết gì về kiến
trúc với lại mỹ thuật. Mấy năm trước làm thuê cho tụi ngoại quốc nên
thỉnh thoảng có qua lại Thượng Hải, Thâm Quyến, Hồng Kông, Ma Cau, v.v.
rồi học được cái nghề “architectural lighting solution” chuyên thiết kế,
cung cấp các giải pháp chiếu sáng cho các tòa nhà. Có người hỏi tôi,
sao lại đâm đầu vào cái chuyên ngành gì mà hẹp vậy. Tôi trả lời, cái gì
Hồng Kông, Thượng Hải, Ma Cau, Thâm Quyến có thì Hà Nội, Sài Gòn vài năm
sau sẽ có, giống y hệt, không chạy thoát được. Ô hay, sao tôi lại dám
qủa quyết như thế nhỉ?
Ngẫm mà xem, cái suy nghĩ này không chỉ mình tôi. Rất nhiều người đã
nghĩ như vậy và đã làm như vậy. Thể loại nào bán chạy nhất trên thị
trường sách mấy năm nay? Xin thưa, sách dịch các truyện ngắn, tiểu
thuyết ngôn tình của các tác giả đô thị Trung Quốc. Lối viết của các nhà
văn trẻ ăn khách chúng ta cứ giống giống như các nhà văn trẻ ăn khách
bên Tàu. Tôi không cho rằng họ đạo văn hay thuổng ý của đồng nghiệp bên
Tàu. Nhưng từ lối hành văn cho đến cách dùng chữ, rồi ý tứ, rồi cốt
truyện, tất thảy đều na ná như văn học Tàu.
Cái gì dân Tàu làm giả, làm dối được thì người Việt cũng làm được dù cái
sự giả, sự dối không bằng với người Tàu. Người Tàu phun hóa chất vào
trái cây thì người mình chơi phóc môn vào bánh phở. Người Tàu lấy thịt
thối làm nhân bánh bao thì ta lấy thịt thối làm cơm hộp. Người Tàu phá
hủy môi sinh thì người ta xem nhẹ sinh thái. Có thể liệt kê rất, rất
nhiều những sự giống nhau đến kỳ quặc như vậy. Tự hỏi, người Tàu truyền
bá mấy cái trò đấy cho người mình ư? Không thể kết luận như vậy được.
Hay người mình cử người sang Tàu học hỏi mà mang về nước hại lẫn nhau?
Lại càng không thể. Tại sao người mình lại có những thói quen, hành động
giống người Tàu đến vậy? Nếu đồng ý với nhau rằng, tư duy thể hiện
thành hành động thì hóa ra người mình có cách suy nghĩ giống người Tàu
sao? Cũng có thể lắm chứ.
Bây giờ, quay trở lại với câu hỏi đặt ra từ đầu, tại sao chúng ta lại
chọn con đường như vậy? Tôi cho rằng, chúng ta không chủ động trong việc
chọn lựa. Chúng ta đã chọn lựa như cái cách mà người Tàu đã chọn lựa.
Cứ vào những khúc quanh của lịch sử, khi đòi hỏi phải chọn lựa thì lại
thấy những người lèo lái vận mệnh quốc gia ngoái cổ sang phương Bắc để
xem bên đấy làm như thế nào. Cứ như thể dưới vòm trời này không đâu hơn
Trung Hoa. Cứ như thể trên bề mặt đất này không nơi nào văn minh cho
bằng nền văn minh của người Hán. Đến ngay cả một tác phẩm vĩ đại của nền
văn học Việt như Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng phải dựa vào nguyên tác
của một tay vô danh bên Tàu có tên gọi Thanh Tâm Tài Nhân. Phải chăng
cụ Nguyễn Du nhà ta không có khả năng sáng tác từ một nguyên bản do
chính cụ tạo nên? Nói như thế tức coi thường bậc danh nhân của nhà mình
rồi. Có thể Nguyễn Du không ý thức việc này. Nhưng Freud và Carl Jung có
thể lý giải chuyện này: bởi cấu trúc tư duy của Nguyễn Du, cái văn hóa
Hán nó truyền thừa từ tổ tiên đã ăn sâu vào tận vô thức của chúng ta mất
rồi.
Nguyễn Du đã như vậy, các sĩ phu khác của chúng ta cũng không khá hơn.
Cái thứ Nho giáo của chúng ta là cái thứ Nho giáo cặn bã, không được
tinh lọc với tên gọi Việt nho. Sĩ phu chúng ta muôn đời thờ hai chữ
“trung quân” mà không biết đến quần chúng nhân dân cái chi cả. Vua cho
ăn thì ăn, vua bảo nói thì nói, vua bảo viết thì viết. Cho nên, cái sử
của nước ta chỉ thuần túy thứ sử của nhà cầm quyền đánh nhau mà chả thấy
hình bóng quần chúng nhân dân đâu cả.
Lịch sử đâu phải một dòng sông đầy máu và chiến sĩ trận vong. Hai bên bờ
lịch sử phải có kẻ cày ruộng, người dệt vải, học trò đi học... nữa chứ.
Rõ ràng, cách viết sử của mình cũng thuần một thứ copy cách viết lịch
sử của người Hán. Có người thắc mắc, sao người Việt chúng ta không thể
lập thuyết? Lập thuyết để làm gì khi Khổng Tử vẫn còn ngồi bệ vệ trên
cao kia, nơi phát khởi nguyên khí quốc gia. Lập thuyết để làm gì khi
ngày ngày sĩ tử nước ta vẫn vái lạy con người xa lạ đến từ Trung Nguyên
kia. Những người suy nghĩ giống nhau thì hành động giống nhau, những nền
văn hóa giống nhau thì chọn lựa cũng giống nhau. Ông Nguyễn Xuân Tụ có ý
gì khi lấy cái “nick name” Hà Sĩ Phu? Sĩ phu Hà thành ư? Cái “nick
name” đầy Nho nghĩa ấy đủ gợi nên nhiều suy nghĩ về việc chúng ta bị Hán
hóa từ trong cấu trúc tư duy. Cho nên, cá nhân tôi cho rằng ngày nào mà
người phương Bắc chưa thay đổi mô hình chính trị hay chủ thuyết của họ
thì ngày đó nước mình vẫn chưa có hi vọng thay đổi gì lớn. Chúng ta
không chống Tàu, chúng ta không kỳ thị Tàu nhưng ngày nào mà chúng ta
chưa nhận thức đúng vấn đề để thay đổi từ trong cái cách mà chúng ta tư
duy thì: đừng có mơ nhé.
...
Tôi nói sai chăng?
Tự đáy lòng mình, với tư cách một con dân đất Việt, tôi sẽ reo mừng nếu tôi nói sai các bạn ạ.
Sài Gòn, 11/09/2012
Đặng Ngữ
(Blog ĐN)