Theo blog Thùy Linh
Câu chuyện ồn ào về web, blog, rồi lệnh
cấm, lời tuyên bố điều tra, truy tố…ban hành khiến mình nhớ lại cái
thời, để nhận được tin tức người thân dù chỉ cách xa mấy chục cây số
cũng phải chờ đợi phong thư đi có khi cả tuần lễ. Tin tức thời đó sao mà
hiếm hoi, u minh, không biết đâu mà lần? Chả thế mới có chuyện bố mình
mất ít lâu, bỗng nhận được lá thư của bạn già viết hỏi han do lâu nay
bệnh tật nên không đến thăm nhau được. Số điện thoại lại để thất lạc.
May mà còn ghi lại địa chỉ số nhà…
Một chuyện khác: cách đây hai năm,
mình đến nhà cô bạn chơi. Thấy màn hình vi tính mở, nhưng không để ý.
Vừa nói chuyện, vừa thấy bạn liếc mắt liên tục vào màn hình có ý theo
dõi. Lúc này mình mới để ý thấy một chú bé chừng 4 tuổi đang ngồi chơi
đồ chơi trong một căn phòng nhỏ nào đó, không có người lớn. Ngạc nhiên
hỏi, cái gì thế? Bạn cười, à, trông con cho cái H. Lại ngạc nhiên nữa:
mẹ con nó ở Mỹ cơ mà? Bạn cười khúc khích, ừ, ở Mỹ, thằng cu kia đang ở
nhà nó bên Mỹ. Trợn mắt ngạc nhiên và bật cười. Hóa ra em gái bạn đang
nấu ăn trong bếp nên nhờ chị gái trông con qua webcam. Bạn bảo phải
trông cháu suốt, có khi mất cả công cả việc đấy. Sau này mới hay, nhiều
người đã từng giúp người thân, bạn bè ở xa xôi với cách như vậy. Hóa ra
chuyện kể trong “Thế giới phẳng” về một gia đình ở Mỹ thuê một cô giáo ở mãi bên kia bán cầu là Ấn Độ kèm học cho con mình vào các buổi tối là thế này…
Chuyện nữa: một bạn mở quán café khá
sang trọng ở gần trung tâm Hà Nội. Nhưng mấy khi có thời gian ngồi ở
quán trực tiếp quản lý. Thế là nhờ cô chị ở tận Sài Gòn quản lý giúp qua
webcam vì cô chị nghỉ ở nhà nên có thời gian. Bớt khá nhiều tiền thuê
quản lý mà chưa chắc đã tốt hơn? Nói dại, cô nhân viên lười biếng nào,
hay ai đó đến chơi lỡ lời nói xấu bà chủ thì…toi.
Thế giới chưa bao giờ nhỏ bé, gần gũi
như bây giờ. Một thuật ngữ lâu nay người ta hay nói: thế giới phẳng –
bắt đầu từ quyển sách “Thế giới phẳng” của nhà báo lừng danh
của Mỹ, Thomas L. Friedman. Thế giới này kéo con người lại gần với nhau
hơn, biết chia sẻ hơn…Và một trong những nguyên nhân khiến thế giới trở
nên phẳng chính là internet, là web, là blog.
Nếu chấp nhận chung sống với thế giới
phẳng (nếu không sống thì lên mặt trăng à?) thì phải chấp nhận tất cả
những thành tố tạo nên nó, trong đó phải chấp nhận internet, web, blog:
Chính phủ cũng hưởng lợi từ internet khi có chính phủ điện tử; trang web
chính phủ, trang web của các thành viên chính phủ. Các doanh nghiệp
dùng để giao dịch buôn bán làm ăn. Cá nhân có chỗ giao lưu, kết bạn,
chia sẻ những gì họ quan tâm…Cả tỷ thứ tiện ích khác giúp con người trên
mọi phương diện…Mình thấy các cơ quan an ninh được hưởng lợi rất nhiều
từ các web, blog (dù là “đen”) vì họ chỉ cần ngồi một chỗ là có thể chu
du trong một thế giới rộng lớn, đủ mọi giai tầng: có thể truy tìm tội
phạm, thủ phạm; tha hồ nắm tình hình, diễn biến tư tưởng con người được
bộc lộ khá thẳng thắn (dù là với sự căm thù, uất ức)…Người ta nói thẳng
mọi suy nghĩ chả tốt hơn giấu kín trong lòng hay chỉ chia sẻ với một
nhóm người nào đó cũng với suy nghĩ ấy? Nắm bắt tâm lý xã hội và nghệ
thuật xử lý tâm lý đó chỉ có lợi cho những nhà cầm quyền nếu họ thực sự
muốn củng cố quyền lực một cách chắc chắn. Ngược lại nếu đàn áp, bắt bớ,
cấm đoán thì chính là cung cấp “nguồn sống” cho những trang web, blog
chưa bị đánh sập hay có thể ra đời nay mai với tốc độ mạnh mẽ hơn, mở
rộng đối tượng hơn, lôi ra nhiều tội lỗi hơn. Đơn giản vì thế giới đã bị
phẳng đi mà…Bất kể “bức tường Berlin” nào dựng lên khiến thế giới bị
chia cắt tự khắc sẽ sinh ra một lực để kéo san phẳng nó ra.
Đừng nghĩ chỉ tận dụng mặt tốt của
nó, còn sẽ triệt tiêu được những tiêu cực, hạn chế của các trang mạng xã
hội bằng cách cấm đoán. Điều đó là không thể. Các trang mạng xã hội san
phẳng những riêng tư quá đà, thậm chí như là bới móc. Nhưng nó cũng
giúp con người gần gũi hơn, biết chia sẻ hơn trong một xã hội quá quá
nhiều bất an (ví dụ kêu gọi làm từ thiện)…
Nếu nhiều người cũng tận dụng web,
blog để trình bày quan điểm của họ (như phóng viên Nguyễn Văn Minh – báo
QĐND), lên án và gọi các blogger khác là đồ “rác rưởi” thì nên chấp
nhận cuộc chơi sòng phẳng giữa hai quan điểm. Nếu chỉ cho một bên nói
(thóa mạ), còn bên kia bắt im miệng (vì bị qui kết “phản động” hay “tiếp
tay thế lực thù địch”) thì đó chính là đã tự dựng lên “bức tường
Berlin” trong một thế giới đã quá phẳng, không có gì có thể che dấu, cả
xấu lẫn tốt. Thêm nữa, để đối thoại với các quan điểm thể hiện ở các
web, blog cá nhân thì đã có hàng trăm tờ báo chính thống, được pháp
luật, quyền lực bảo trợ, lo gì cuộc chiến đấu không cân sức này?
Làm sao tồn tại giữa một thế giới luôn được phơi bày, có nhu cầu phơi bày tự thân, khó che dấu này?
Cách duy nhất nên theo lời khuyên của Friedman: “Hãy là người tốt”.
Cũng theo ông, con người hiện nay đã được
trao quyền để cung cấp thông tin cho chính họ bằng những phương thức
mới thì điều đó vừa tuyệt vời, vừa đáng sợ. Trước đây cuộc sống con
người được che dấu sau những tấm bê tông mà rất khó có vật gì có thể
xuyên thủng. Khó ai xâm phạm vào đời tư của người khác. Nhưng với thế
giới phẳng, không ai chạy trốn được khỏi nó, thậm chí một viên sỏi cũng
bị lật tung lên. Bởi thế cách tốt nhất là: “Hãy sống trung thực,
chân thành bởi vì bất cứ cái gì bạn làm, bất cứ lỗi lầm nào bạn mắc phải
sẽ được tìm thấy trên mạng vào một ngày nào đó”. Và nếu tội lỗi
của bạn chả may bị bóc trần trên mạng xã hội thì hãy dũng cảm nhận, đừng
đổ lỗi cho mạng xã hội đó hay internet là thủ phạm gây nên tội lỗi,
hoặc bôi xấu bạn. Tự chịu trách nhiệm về bản thân cả tốt lẫn xấu cũng
nhờ tác động trực tiếp của các trang mạng xã hội trong thế giới nhỏ bé,
phẳng lỳ này.
Thế giới phẳng khuyến khích con người
nên sống đúng đắn và tử tế nếu muốn dễ dàng thích ứng ở đâu đó trên quả
địa cầu này, còn không bạn sẽ không có bất cứ cơ hội nào hết. Danh
tiếng (cả tốt lẫn xấu) còn đến nhanh hơn, trước cả khi con người đó xuất
hiện ở bất cứ đâu trên trái đất. Chỉ cần một máy tính nối mạng, người
đó biết sử dụng máy tính thì quyền lực sẽ thuộc về họ.
Mark Twain đã từng nói: “Hãy luôn nói sự thật, và như vậy bạn sẽ không cần phải nhớ những điều bạn đã nói”.
Nếu còn che giấu, còn thiếu minh bạch, còn lấp liếm, giả dối thì đương
nhiên sẽ có người, sẽ có rất nhiều người tự nguyện làm thám tử để điều
tra việc làm và cuộc sống của bạn như là lẽ đương nhiên. Và họ có quyền
chia sẻ thông tin với người khác bằng nhiều cách, bởi thế giới vốn phẳng
mà…
Cuộc sống ở đất nước mà chúng ta đang đắm mình không những là một thế giới phẳng mà còn đang dần trở nên “trong suốt”…