Severin Weiland tường thuật từ Hà Nội
Phan Ba dịch từ Spiegel Online
Phó Thủ tướng Philipp Rösler viếng thăm lần đầu tiên như bộ trưởng đất nước là nơi sinh của ông ấy, Việt Nam. Nhưng ông ấy tránh những lời nói mang tính cá nhân quá nhiều. Ông nhận bằng tiến sĩ danh dự ở Hà Nội – và trải nghiệm điều mà ông ấy không biết đến ở nước Đức: ông ấy được hân hoan chào đón.
Hà Nội – Một vài trăm nam nữ sinh viên đã đứng dọc theo hai bên con đường dẫn vào trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Họ vỗ tay và vỗ tay, khi chiếc ô tô với Philipp Rösler chạy đến trước giảng đường chính của trường đại học. Vị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và lãnh tụ Đảng Tự do Dân chủ Đức bước ra, quay lại và vẫy tay chào có hơi rụt rè. Như thể ông ấy không tin được những gì đang diễn ra ở trước mắt mình. Đó là một lần chào đón mà ông ấy, như là một người của Đảng Tự do ở nước Đức, đã không trải qua từ lâu lắm rồi. Tiếng vỗ tay nghe không giống như cho một đảng [có được] bốn, năm phần trăm [số phiếu bầu]. Nó nghe giống như 40, 50 phần trăm và còn nhiều hơn thế nữa.
Rösler đang kéo chiếc áo khoác lại cho ngay ngắn thì bước đến với ông ấy ngay chính trong khoảng khắc đó lại là Martin Lindner, phó trưởng đoàn của Đảng Tự do Dân chủ trong Quốc Hội [Đức]. Ông ấy là thành viên của phái đoàn và thường là một người có những lời nói châm chọc. “Bây giờ thì chúng mình cũng sẽ luôn làm như thế”, ông ấy nói và nhìn Rösler mỉm cười, như thể chính ông ấy là con sói xấu xa, và thêm vào: “Đại hội Đảng, tiệc chiêu đãi”.
Đấy là một câu chuyện đùa từ nước Đức ở giữa lòng Hà Nội. Rösler không nói gì cả, ông ấy bước lên các bậc thang. Câu nói đấy vẫn còn vang đi khi một dàn nhạc bắt đầu chơi và chào mừng người khách với một cuộc diễu hành sinh động. Lời nói của Lindner tóm lược trong khoảng khắc tình cảnh của Philipp Rösler. Ở đây, trong thủ đô của nước Việt Nam, người đàn ông 39 tuổi này được chào mừng với sự nồng nhiệt của châu Á. Ở nước Đức, Rösler được xem như là một lãnh tụ đảng sắp bị xuống chức, như là một người mà số phận của ông ấy sẽ được quyết định trong tháng Giêng lạnh lẽo, tại lần bầu cử quốc hội trong bang Niedersachsen.
Sinh viên Việt Nam xem Rösler như là một người của họ
Việt Nam, đất nước là nơi sinh của ông ấy, chào đón Rösler giống như đấy là người con trai đi lạc trở về. Trong khi đấy thì ông ấy không biết nói đến một từ của ngôn ngữ đất nước này, đất nước mà năm 1973 ông ấy đã được đặt nằm xuống trước một cô nhi viện Công giáo. Đối với ông, đấy là một đất nước xa lạ, ông ấy đã lớn lên trong miền Bắc Đức, cha ông, gia đình ông sống ở đó, ông có bạn bè của mình ở đó. Và tuy vậy, những người sinh viên vẫn nhìn trong ông ấy một người của họ. Ông ấy là “người Việt”, họ trả lời khi được hỏi ông ấy là gì đối với họ. Nam nữ thanh niên trẻ tuổi, phần lớn vào khoảng 20.
Rösler biết về sự tích tụ những xúc cảm của chuyến đi. Vài ngày trước đó, trong một cuộc phỏng vấn, ông ấy đã nói rõ rằng nước Đức là quê hương của ông ấy, Việt Nam là một phần đời của ông ấy, phần mà ông ấy không nhớ lại được. Ông ấy mới chín tháng tuổi khi sang đến Đức, Việt Nam không phải là một đề tài lớn giữa ông ấy và người cha nuôi, ông ấy thăm đất nước đó lần đầu tiên năm 2006 với vợ của ông ấy, như khách du lịch.
Bây giờ, ông ấy ở đấy lần đầu tiên như là Phó Thủ tướng và Bộ trưởng, chuyến đi của ông ấy là một nhiệm vụ khó khăn: giới truyền thông Đức quan sát mỗi một xúc cảm của ông ấy, rõ ràng là có nhiều người muốn tháp tùng hơn trong những dịp khác. Những gì ông ấy nói và xúc cảm nào ông ấy biểu lộ ra ngoài, tất cả những điều đấy đều được khám xét kỹ lưỡng và quan sát. Phía Việt Nam thì lại nhận ông ấy là một người của họ, một người đã thăng tiến cao trong một đất nước như nước Đức.
“Chúng tôi theo dõi những thành công của ông trong nước Đức”
Trong bài diễn văn của mình, Hiệu trưởng trường Đại học đã liệt kê tỉ mỉ cả việc Rösler gia nhập nhóm thành viên trẻ của Đảng Tự do Dân chủ, mỗi một chức danh đều được đọc lên cho tới chức vụ Phó Thủ tướng. “Chúng tôi theo dõi những thành công của ông trong nước Đức”, Hiệu trưởng trường Đại học Nguyễn Văn Nam nói. Ở Hà Nội, Rösler được trao bằng tiến sĩ danh dự, vì “sự phát triển hợp tác giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Liên bang Đức.” Khi đặt chiếc nón tiến sĩ danh dự lên cho ông ấy, người hiệu trưởng còn vuốt tóc của Rösler sang bên trong một cử chỉ đầy tình thương.
Rösler dùng lần xuất hiện của mình trong giảng đường cho một giờ giảng nhỏ về nền kinh tế thị trường mang tính xã hội. Điều đấy khiến người ta bỡ ngỡ lúc đầu, nhưng như thế, ông ấy tạo được khoảng cách, với quá khứ riêng của ông ấy, với đất nước mà với sự thống trị độc đảng mang tính Cộng sản của nó đúng là cái đối ngược lại với những gì mà người Tự do Dân chủ của ông ấy đấu tranh cho. Chống đối ở đây không phải là trò đùa, không phải là một vi phạm sẽ chấm dứt trước tòa án với lời tuyên bố trắng án hay xử phạt bằng tiền. Rösler được Bộ Ngoại giao chuyển qua cho các trường hợp của năm người bị bắt giam mà ông ấy sẽ xin thả tự do cho họ trong những cuộc nói chuyện với nhà cầm quyền, trên chương trình là lần đón tiếp của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày thứ ba.
Bài diễn văn của Rösler trước các sinh viên ở Hà Nội vì thế là một lời tuyên bố chính trị, ông ấy ca ngợi [cựu thủ tướng] Ludwig Erhard và [cựu Bộ trưởng Kinh tế] Otto Graf Lambsdorff, nói về việc rằng “đấy không phải là nhiệm vụ của một nhà nước, tự mình chỉ đạo nền kinh tế”, yêu cầu tiếp tục tư hữu hóa ở Việt Nam, nhắc nhở về sự chắc chắn của pháp luật cho các nhà đầu tư người Đức – “các doanh nghiệp của chúng tôi cần sự tin cậy vào các hợp đồng”.
“Tự do không nguy hiểm”
Đó là một bài diễn văn tránh né hầu hết việc cá nhân. Cũng như Rösler nói chung là không muốn dùng chuyến viếng thăm này để tìm kiếm dấu vết trong việc cá nhân. Ông ấy đã cố tình tránh đến thăm Khánh Hưng, nơi mà năm 1973 ông ấy khi còn là một đứa bé sơ sinh đã được đặt nằm trước một cô nhi viện Công giáo, mặc dù nữ đại sứ Việt Nam ở Berlin đã mời ông. Không, ông ấy ở đây như là Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức. Vì thế mà ông ấy chỉ tung ra những điều cá nhân một cách rất tiết kiệm: “Tự do không nguy hiểm, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng, các anh chị nhìn thấy điều đấy ở đất nước là quê hương của tôi, nước Đức.”
Quyết định cho các quan hệ giữa hai nước không phải là một Bộ trưởng Kinh tế được sinh ra ở Việt Nam, quyết định là hàng ngàn người Việt Nam đã từng học đại học ở Đức. Qua đó mà ông ấy làm rõ, ông ấy thuộc về đâu – một người đàn ông và những ngẫu nhiên của lịch sử đã dẫn ông ấy đến nước Đức. Ông ấy ca ngợi tính hiếu học của con cái người Việt trong nước Đức, 80 đến 90 phần trăm trong số họ có được bằng tốt nghiệp phổ thông. Siêng năng, kỷ luật, đó là những tính chất được gắn cho người Việt. Chúng “đặc biệt cũng đúng cho một Bộ trưởng Kinh tế được sinh ra ở Việt Nam” – và giảng đường cùng cười với ông ấy.
Rösler có hai cô con gái sinh đôi, bây giờ một cô con gái có tóc màu sáng hơn. Cô gái kia rõ ràng là giống ông. Trước chuyến đi, ông ấy đã chuẩn bị cho hai cô con gái bốn tuổi biết lần này đối với ông là đi đâu. Vợ của ông ấy đã giải quyết một cách hết sức thực dụng, ông ấy kể cho các sinh viên và giáo sư, bố đi đến nơi mà bố đã sinh ra ở đấy. Và vợ ông ấy đã thêm vào: “Vì thế mà nhìn bố trông có khác hơn một chút và một trong hai con cũng vậy.”
Đó là câu nói về cá nhân nhiều nhất của Rösler ở Hà Nội. Các sinh viên trong giảng đường đã hiểu ông ấy. Có lẽ cũng không cần thế đâu. Khi bước ra ngoài, Rösler hầu như không ra được đến ngoài nhà. Họ luôn chen đến với ông ấy, muốn chụp ảnh chung với ông ấy. Trong một khoảng khắc, ông ấy trông giống như một ngôi sao nhạc Pop. Thỉnh thoảng cũng không phải là một cảm giác xấu cho một chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ Đức.
Phan Ba dịch từ Spiegel Online: http://www.spiegel.de/politik/deutschland/roesler-in-vietnam-ehrendoktorwuerde-in-hanoi-fuer-vizekanzler-a-856392.html