Trong bài trước tôi
đã nói về chủ nghĩa đồng tiền thống trị Xã hội Việt Nam khiến người dân
trở nên ích kỷ và bàng quan với vận mệnh đất nước. Việc Trung Quốc xâm
chiếm biển đảo không trực tiếp đụng chạm đến lợi ích của người dân nên
họ cũng chẳng thấy cần thiết phải đi biểu tình phản đối Trung Quốc cho
thêm vạ vào thân.
Tuy nhiên, sự kiện ngày 20/8/2012 bầu Kiên bị bắt kéo theo sự tuột
dốc của thị trường chứng khoán, khiến dân tình hốt hoảng đi rút tiền ở
Ngân hàng cổ phần Á châu (ACB). Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu ACB mất
6,9%, chạm sàn 24.100 đồng/cp. EIB mất 4,8% xuống còn 19.800 đồng/cp.
Đây mới là cú đánh thực sự chạm vào túi tiền của người dân và bây giờ
người ta mới tỉnh và bắt đầu tìm hiểu xem bầu Kiên là ai, có quan hệ với
ông to bà lớn nào. Lần theo đầu mối thì ai cũng lờ mờ hiểu có sự đấu đá
trong nội bộ chính phủ và bầu Kiên chỉ là 1 con tốt thí. Điều này cũng
có nghĩa là Đảng ta thực sự đang suy yếu và không thể kiểm soát được nền
kinh tế đang xuống dốc.
Lạm phát tăng, điện tăng, xăng tăng, đồng tiền mất giá, đồng lương
không đủ chi, người nghèo lại càng nghèo, ấy thế mà có kẻ như bầu Kiên
đã giàu lại càng giàu. Vậy tiền từ đâu ra? Một mình bầu Kiên không thể
kiếm được hàng nghìn tỉ đồng mà không có sự trợ giúp của 1 thế lực ngầm
có quyền hành tối cao. Chúng lừa đảo, hối lộ, tham nhũng câu kết lại với
nhau vơ vét tiền của nhân dân, đẩy nền kinh tế nước nhà xuống bờ vực.
Làm được điều này nghĩa là chúng đã nắm được quyền sinh sát đất nước
trong tay. Nếu Đảng không có biện pháp mạnh trừng phạt những tên tham
quan này thì Đảng sớm muộn gì cũng sẽ chết trong tay chúng. Chính vì vậy
mà bầu Kiên mới chỉ là phát súng đầu tiên Đảng nhắm vào để cảnh tỉnh và
thể hiện quyền uy của Đảng.
Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết. Tệ hơn nữa, trong lúc 2 thằng trâu
bò mải húc nhau thì thằng Trung Quốc tuyên bố lập thành phố Tam Sa trong
đó bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. 2 phe lãnh đạo đang
mải đấu đá nhau thì mất biển đảo cũng chẳng là cái gì, cha chung không
ai khóc. Đây chính là kế hiểm của thằng Trung Quốc, cài gián điệp vào
Việt Nam, làm tha hóa cán bộ cấp cao, gây mâu thuẫn nội bộ, gây lũng
đoạn thị trường, làm suy yếu nền Kinh tế Việt Nam. Khi mâu thuẫn lên đến
đỉnh điểm, 2 phe đánh nhau tranh giành quyền lực thì thằng Trung Quốc
ung dung lấy biển đảo Việt Nam, vơ vét tài nguyên khoáng sản trong vùng
biển Việt Nam mà không tốn 1 viên đạn.
Người dân Việt Nam phải chịu thiệt thòi nhiều nhất, tầng lớp trung
lưu trí thức phải gánh chịu hậu quả suy thoái Kinh tế do những tên tham
quan gây ra. Công nhân bị bóc lột sức lao động với đồng lương rẻ mạt.
Người nông dân bị đàn áp lấy đất nông nghiệp cho những dự án đô thị, mất
công cụ làm ăn. Ngư dân thì bị bọn hải tặc Trung Quốc ăn cướp, bóc lột,
bắt cóc, tra tấn, đòi tiền chuộc và giết không thương tiếc.
Ai là người bảo vệ họ? Không có ai cả. Những người có trách nhiệm lèo
lái con thuyền đất nước còn mải vơ vét tiền của và tranh giành quyền
lực.
Ai sẽ là người chiến thắng? Điều đó không còn quan trọng nữa khi cả 2 đều tệ như nhau.
Tưởng như vậy đã là tệ lắm rồi? Không phải. Tệ hơn nữa là các Đảng
phái khác nhảy vào xâu xé hòng lật đổ Đảng cộng sản VN rồi dẫn đến nội
chiến. Thiên hạ sẽ đại loạn - Máu chảy đầu rơi là điều khó tránh khỏi.
Nhiều người thầm mơ ước 1 cuộc cách mạng thành công ngay lúc này vào
thời điểm này. Nhưng tôi cầu cho nó đừng xảy ra, không phải lúc này. Tôi
không phải là người yêu Đảng cộng sản nhưng tôi nhìn vào cuộc cách mạng
tự phát của Ai Cập mà tôi sợ cái kết cục như họ.
Cuộc cách mạng ở Ai Cập tình cờ thành công từ 1 cuộc biểu tình lớn
với hàng triệu người tuần hành, gây sức ép khiến tổng thống Mubarak phải
từ chức. Cái giá của cuộc cách mạng này là ít nhất 846 người chết và
6000 người bị thương trong cuộc đàn áp. Tuy nhiên, tình hình trở nên tồi
tệ hơn sau khi Mubarak từ chức. 1 cuộc đấu đá tranh giành quyền lực
giữa Quân đội và tổ chức Anh em Hồi giáo. Thực chất cả 2 đều là những kẻ
«cướp cách mạng» vì cuộc cách mạng này được khởi xướng bởi 1 trí thức
trẻ kêu gọi biểu tình trên facebook.
Tình hình Ai Cập lúc này còn rối ren hơn cả trước cách mạng, các cuộc
biểu tình vẫn diễn ra, đàn áp biểu tình vẫn tiếp tục, máu vẫn chảy, đất
nước chưa có 1 ngày nào ngủ yên. Kể cả đến khi ông Mursi, người của tổ
chức Anh em Hồi giáo thắng cử ngày 24/6/2012 thì nhiều người ra đường
biểu tình khiếu nại về kết quả bầu cử. Cùng lúc đó thì bên Quân đội cũng
muốn nắm quyền lực điều hành đất nước. Sự tranh chấp quyền lực vẫn tiếp
tục diễn ra trong khi nền kinh tế Ai Cập xuống dốc thảm hại, tương lai
đất nước vẫn mịt mù tăm tối.
còn tiếp...
Tâm Phan
GVA 25/8/2012
GVA 25/8/2012