Tôi nhận được lá thư dưới đây của một
độc giả thân quen. Sau khi gửi cho những anh chị em trong gia đình, anh
ấy nhờ tôi biên tập và gửi đến Dân Luận như một lời sẻ chia với mọi
người, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.
Tên tác giả và những thân nhân được viết tắt
Xin giới thiệu đến bạn đọc.
Nguyễn Ngọc Già
Tên tác giả và những thân nhân được viết tắt
Xin giới thiệu đến bạn đọc.
Nguyễn Ngọc Già
Chào mọi người.
Thật ra tôi có đắn đo một chút, trước khi quyết định dùng chữ "mọi
người", nếu có ai đó phiền lòng thì lượng thứ cho tôi. Tôi đang viết
bằng những gì thật nhất mà tôi có thể nghĩ ra.
Ngồi nhìn lại quá khứ, mới đó mà đã mấy chục năm sống làm người. Tất cả chúng ta đều không còn trẻ.
Nghĩ lại, tôi thấy tất cả chúng ta sống với nhau thật hời hợt và
gượng gạo. Tất nhiên, trong đó có tôi, khi tôi dùng chữ "chúng ta" trong
lá thơ này.
Ngoài sự hời hợt và gượng gạo, chúng ta không có sự tôn trọng lẫn
nhau. Tôi không tôn trọng mọi người và mọi người cũng vậy. Chẳng ai tôn
trọng ai!
Do đó, tôi nghĩ dù sao chúng ta cũng nên nói hết với nhau một lần.
Mọi người trong chúng ta đã trở thành cái gì đó thật xa xôi với nhau.
Đâu đó, trong một góc khuất tâm hồn, hoặc một thoáng nào đó, tôi chợt
giật mình nhận ra, tôi cũng đã từng có một đại gia đình với cha, với
mẹ, với anh, với chị. Tôi đã đánh mất nó và nó cũng đã bỏ rơi tôi. Đó là
gia đình chúng ta - nơi mà ngày xưa những người ruột thịt chung sống
với nhau dưới một mái nhà.
Dù sao đối với tôi, đó cũng là dĩ vãng. Một dĩ vãng vừa buồn, vừa tủi
kể cả những gì tăm tối nhất mà chúng ta không may mắn trải qua thời thơ
ấu, tuổi thanh niên trong một gia đình không được giáo dục lòng nhân
ái, lương thiện và tôn trọng lẫn nhau.
Chúng ta cũng không được dạy phải biết hỗ trợ và giúp đỡ nhau trong
lúc nguy nan, khốn khó. Chúng ta thật thờ ơ và lãnh đạm; chỉ biết vun
vén lợi ích cá nhân, bất chấp anh chị em mình đang khổ sở, bế tắc và
nguy nan.
Chúng ta đã sống thật hẹp hòi và chấp nê, bắt bẻ nhau từng câu nói.
Thêm vào đó là sự ẩn ức và khinh khi lẫn nhau, nhưng không bao giờ dám
nói thật, nói hết ra bằng tấm lòng ruột thịt.
Chúng ta lớn lên trong nghèo khó. Cũng từ "cái nghèo", chúng ta hắt
hủi và ghẻ lạnh nhau, vì sợ phải tốn tiền cho nhau, để rồi khi vài người
trong chúng ta khá hơn, chúng ta hả hê, mãn nguyện! Nỗi phẫn uất vì bị
khinh khi lúc nghèo hèn đã có thời cơ ngẩng mặt mà hãnh tiến! Tình cảm
chai lì một phần cũng từ đó! Sự đố kỵ cũng từ đó mà tăng lên.
Một góc nhìn khác, vài "người nghèo" trong chúng ta lại nghiễm nhiên
coi những đứa có tiền phải có bổn phận và trách nhiệm chu cấp cho họ,
đứa nào không làm như vậy, đứa đó là keo kiệt và bạc bẽo! Thật bất
công. Cái bất công của những người nghèo mang lại! Họ muốn sống thân
"tầm gởi" suốt đời và dạy cho con cái họ cũng "tầm gởi" nốt! Họ tự
nguyện làm thân "tầm gởi" và buộc người khác phải xem họ là kiếp "tầm
gởi" mà cưu mang!
Không những thế, chúng ta dè bỉu sau lưng nhau, khi việc nói thẳng có
nguy cơ gây cãi cọ hoặc ẩu đả. Đôi khi tôi buồn cười, chúng ta như
những ông già, bà già mà tính khí như thanh niên với bầu máu nóng hổi và
cư xử với nhau thật bốc đồng, xốc nổi!
Nếp nhà gia đình chúng ta là nếp phong kiến hủ lậu, tiểu nông vặt vãnh; thêm một chút gì đó khá man rợ và lạnh lùng!
Không biết mọi người nghĩ sao, riêng tôi, tôi nhớ hầu như tuổi thơ
của tôi chỉ được dạy phải luôn cúi đầu trước người lớn, cắn răng trước
bạo lực của người lớn và chấp nhận những sỉ nhục, đòn roi kể cả cái
chén phang vào mặt, cái cây phang vào đầu. Ba của chúng ta và chúng ta
đã hành xử với nhau như những tên côn đồ máu lạnh!
Bất chấp đúng sai, chúng ta luôn được dạy "Đứa nhỏ phải phục tùng đứa
lớn". Chúng ta không sống với nhau như những người ruột thịt, biết sẻ
chia thật lòng. Tất cả những cái mà chúng ta từng nghĩ là san sẻ giúp
đỡ, thật ra là những cái gì hào nhoáng bên ngoài, để chứng tỏ bản thân
ta là "người tình cảm"! Để ta khoác lên lớp áo đạo đức trước cha mẹ,
trước anh chị em.
Khi chúng ta giúp anh chị em một chút gì đó, chúng ta luôn đòi người
đó phải ghi ơn suốt đời như một món nợ không bao giờ trả nổi! Mọi người
có thấy bản thân từng người chúng ta quá hẹp hòi không? Và ti tiện nữa!
Chúng ta huênh hoang, khoác lác và sĩ diện hão. Nấp phía sau những gì
tưởng là tốt đẹp đó, chúng ta luôn nghi kỵ và dò xét, luôn ngờ vực và dè
bỉu, kể cả sự đố kỵ và dèm pha chen lẫn thủ đoạn nhằm lợi dụng lẫn
nhau. Chúng ta thật rởm đời với cái "truyền thống gia đình cách mạng" mà
chúng ta bị gieo rắc vào đầu suốt hơn 40 năm qua.
Những người lớn thì luôn đòi những đứa nhỏ hơn trong nhà phải biết
kính trọng họ, trong khi những người lớn đó không sống thật và cũng
không chứng tỏ được những việc làm đứng đắn, để cho những đứa nhỏ hơn
thấy cần kính trọng. Thay vào đó, những đứa nhỏ hơn chỉ sợ. Chỉ SỢ mà
thôi. Ban đầu là sợ đứa lớn đánh mình mà mình không chống cự lại nổi.
Từ đó, những đứa nhỏ hơn đâm ra ghét và khinh vì thấy người lớn chỉ phân
biệt đối xử khắt khe. Ba chúng ta thì luôn đứng về phía những đứa con
nào mà làm ông hãnh diện, để ông đi khoe với bạn bè, bà con! Ngay trong
gia đình, chúng ta đã sống hợm hĩnh, kỳ thị, rẻ rúng với nhau như thế!
Ngay trong gia đình, chúng ta đã được "phân loại công dân", người là
"công dân hạng I", kẻ là "công dân hạng II" (!)
Ai trong gia đình chúng ta cũng nóng như lửa, thật khó mà ôn tồn nói
với nhau. Đối thoại bình đẳng và tôn trọng là điều quá xa lạ trong chúng
ta. Ai cũng giành phần phải, phần đúng, phần hay về mình mà chẳng ai
chịu lắng nghe ai! Tất cả chúng ta quá cực đoan, thiển cận và dốt nát.
Chính từ trong đó, đã sản sinh ra mỗi người chúng ta đầy bi hận, căm
thù, đố kỵ, tham lam, giành giựt. Tệ hơn, chúng ta "truyền" lại cái
"tinh túy" đó cho con, cháu chúng ta. Mọi người có thấy bản thân chúng
ta đầy dẫy tội ác? Gia đình chúng ta lâm vào tội lỗi với nhau mà không
ai nhận thấy. Chúng ta sống quá vị kỷ, chẳng bao giờ nghĩ đến "Luật
Nhân Quả", mà chính gia đình mình, tự gây ra cho nhau, để sau đó nhận
lãnh hậu quả thê thảm và chỉ biết đổ thừa lẫn nhau.
Chúng ta thích bói toán, cầu mong điều tốt đẹp cho mình, nhưng chúng
ta chưa bao giờ nghĩ tốt đẹp cho nhau, làm tốt đẹp vì những người ruột
thịt, nói gì cho người khác! Chúng ta thích nói về "tình cảm", "nhân
nghĩa", "một giọt máu đào hơn ao nước lã" v.v... nhưng chúng ta làm thì
ngược lại, miễn sao có lợi cho riêng bản thân.
Chúng ta có thể ăn chay ngày rằm, cúng cô hồn vào rằm tháng 7, mỗi
đêm chúng ta thắp nhang cho Phật, cho ông bà, cha mẹ, ngày giỗ cha mẹ
chúng ta làm đình đám v.v... những điều tưởng tốt đẹp đó là dành cho ai?
Ngày cha mẹ mất, chúng ta quyết tổ chức ma chay sao cho thật lớn, kèn
trống, chụp hình, quay camera cho thật hoành tráng để chòm xóm, bà con
nhìn vào mà... "nể trọng" và "ngưỡng mộ". Quả là một vở bi hài kịch lố
lăng ! Trong chúng ta, có người còn đòi đem xác cha, xác mẹ về hoàn tại
nhà mình để chứng tỏ là "người con đại hiếu", trong khi cha mẹ còn
sống thì lãnh đạm, thờ ơ. Chúng ta hoàn toàn là những kẻ hình thức, lố
bịch, giả tạo. Chúng ta đã dùng cái chết của cha, của mẹ như là những mỹ
phẩm hảo hạng đắt tiền để thoa son, trát phấn lên bộ mặt đạo đức của
chính chúng ta, để thiên hạ ngắm nhìn "dung nhan diễm lệ" của những con
người "vô vàn đạo đức"! Chúng ta thật đáng phỉ nhổ!
Khi chúng ta rơi vào hoàn cảnh bế tắc, cùng quẫn, chúng ta kêu trời,
than van số phận, chê trách anh chị em lạnh nhạt. Rồi chúng ta tìm cách
trả đũa. Trả đũa cho hả hê những kẻ nào làm chúng ta đau khổ. Ai trong
chúng ta cũng cho mình là người khốn khổ nhất, còn người khác thì không!
Nhưng chúng ta không bao giờ nghĩ về những điều xấu, điều ác mà chúng
ta vô tư làm! Trong chúng ta, hình như không có khái niệm SÁM HỐI và
thảng thốt nghĩ lại quá khứ tội lỗi nhiều chục năm qua?! Chúng ta dẫm
đạp lẫn nhau, chì chiết lẫn nhau, khinh bỉ lẫn nhau, miệt thị lẫn nhau
và ghẻ lạnh lẫn nhau, còn tệ hơn người dưng nước lã!
Tôi và mọi người đều là những kẻ đạo đức giả không hơn không kém!
Điều đáng sợ hơn, chính chúng ta không thấy hoặc không chấp nhận tư
duy đó đã gieo vào đầu, đã mọc rễ trong tim ta và nó lớn lên theo năm,
theo tháng để hình thành nên cá tính của từng chúng ta. Chúng ta được
dạy dỗ bằng đòn roi, mắng chửi, ẩu đả, lừa dối, thủ đoạn, trục lợi cá
nhân, xem những người anh chị em chỉ là công cụ trong tay mình để lợi
dụng và sai khiến. Có lẽ vì thế, tâm hồn chúng ta trở nên sỏi đá.
Trong tâm hồn sỏi đá đó, nỗi sợ hãi cũng dần hình hành. Nó - nỗi sợ
hãi lẫn sự quy phục, lớn lên từng ngày, từng giờ theo chúng ta.
Nỗi sợ hãi đã chảy vào từng mạch máu và nuôi chúng ta lớn lên từng
ngày. Nỗi sợ hãi triền miên cho đến sau này khó gột rửa. Cũng chính từ
sợ hãi mà chúng ta co rúm lại trước nỗi khổ đau của anh chị em. Chúng
ta, mạnh ai lo thân nấy. Từ nỗi sợ hãi như: sợ liên lụy, sợ phiền phức,
sợ trả giá, sợ mất công, sợ rắc rối, sợ anh em lừa lọc, sợ anh em nhờ
vả, mượn tiền rồi không trả, cả những thủ đoạn định cướp tài sản của
nhau v.v... mà chúng ta chỉ muốn yên thân và chúng ta sẵn sàng ngoảnh
mặt với ngườ ruột thịt, sẵn sàng bắt tay với người dưng để mà lo ấm
thân. Từ đó, chúng ta trở nên yếu đuối và đớn hèn. Chúng ta trở nên vị
kỷ và chia rẽ cũng bởi từ nỗi sợ hãi ngấm sâu trong chúng ta ! Chúng ta
không còn niềm tin với nhau từ lâu lắm rồi! Nhưng không ai chịu nói,
không ai dám nói!
Chúng ta trở thành những kẻ vô trách nhiệm đối với nhau và đối với cả
con cháu chúng ta. Cũng từ nỗi sợ hãi đó mà gia đình chúng ta tan tác,
mỗi người một hướng!
Đi kèm với nỗi sợ hãi là sự quy phục trong gia đình. Từ quy phục
trong gia đình, nó đã dẫn dắt chúng ta ra đời, vào nơi làm việc, đến
chốn kinh doanh, để sự quy phục tiếp tục sinh sôi nẩy nở như chúng ta đã
cảm được trong cuộc sống. Quy phục diễn ra 2 hình thức. Một là chúng ta
phải quy phục người khác, hai là chúng ta buộc người khác quy phục
mình. Chúng ta biến thành những kẻ độc tài mà không hay biết. Khi chúng
ta không thể chấp nhận quy phục trước những kẻ dốt nát hơn mình, hợm
hĩnh hơn mình, ngạo mạn hơn mình và vì vì lợi ích chúng ta bị xâm phạm,
bị chà đạp, kể cả sự giành ăn cật lực, lúc đó chúng ta vùng lên chống
lại trong trơ trọi, cô đơn bởi chúng ta hiểu: "mạnh ai nấy lo"!
Vòng tròn tiếp tục diễn tiến như nó đã diễn tiến lâu nay: Bế tắc,
đau khổ, thất bại -> than thở -> tìm cách trả thù -> thỏa mãn
-> bị trả thù ngược lại -> bế tắc, đau khổ, thất bại... Cứ thế,
cuộc đời chúng ta không lối thoát trong cái vòng lẩn quẩn như thế đấy!
Thật đáng buồn! Buồn lắm!
Và giờ đây, một số người trong chúng ta lại tiếp tục áp đặt nỗi sợ
hãi lên con cái mình. Chúng ta muốn dùng quyền uy, chúng ta nhân danh
QUYỀN LÀM CHA LÀM MẸ, để buộc con mình làm theo cái mà không chắc mấy
đứa nhỏ mong muốn. Chúng ta tiếp tục lầm lẫn tai hại bằng việc NGHĨ
THAY, QUYẾT ĐỊNH THAY CHO CON CÁI VÀ BUỘC CHÚNG PHẢI LÀM THEO Ý CHÚNG
TA! Khi mấy đứa nhỏ hành xử theo cái mà bọn trẻ muốn, thì chúng ta chửi
nó là "ĐỒ BẤT HIẾU". Khi chúng ta đánh nó, chửi nó, bỏ bê nó, nó phản
ứng lại, chúng ta cho rằng nó không biết thương yêu cha mẹ! Chúng ta
hành xử vô đạo trong khi đòi bọn trẻ phải đặt chữ "hiếu" lên đầu? Chữ
"hiếu" PHONG KIẾN TAI HẠI mà chúng ta vẫn theo đuổi mù quáng như là
nghiệp chướng!
Sao chúng ta vô lý và mâu thuẫn đến tột cùng vậy! Chúng ta đã từng
chịu áp bức từ cha mình, giờ đây chúng ta lại buộc con mình chịu sự áp
bức khốn nạn đó! Chúng ta là những kẻ không công bằng. Chúng ta đi vào
chính vết xe đổ của cha mình.
***
Bên cạnh đó, vì nghèo quá, khổ quá, chúng ta được dạy phải kiếm thật
nhiều tiền bằng mọi cách. Có nhiều tiền và quyền chức đồng nghĩa chúng
ta là những con người đức cao vọng trọng. Tôi cũng như mọi người, bằng
mọi cách lao đầu vào kiếm tiền như điên. Tôi cũng lao đầu vào đấu đá,
thủ đoạn để ngoi lên một chức vụ để dễ kiếm tiền. Nhân cách làm người
của chúng ta đã tha hóa theo từng đồng tiền kiếm được, nhưng chúng ta
hèn nhát không dám nhìn thẳng vào đó. Chúng ta trốn chạy quá khứ và hắt
hủi quá khứ, coi đó như là cái gì chẳng dính líu đến chúng ta hôm nay.
Chúng ta không dám nhìn lại để tự thấy bản thân từng người đã suy đồi
trong đó.
Ác nghiệt hơn! Cuối cùng chúng ta dùng chính đồng tiền đó để "cai
trị" lại ngay chính người thân yêu của chúng ta, như chúng ta đã bị "cai
trị" trước đó.
Chúng ta dùng đồng tiền, dùng chỗ ở mà bọn trẻ chưa có tiền mua để
làm áp lực, buộc mấy đứa nhỏ quy phục chúng ta, làm theo những điều
chúng ta muốn. Chúng ta hiện nguyên hình là môt tên độc tài, vừa dốt
nát, vừa hèn hạ. Trong khi đó, chúng ta cứ nhân danh làm cha, làm mẹ mà
chúng ta không thấy, chính chúng ta đang giết chết tương lai con cái của
mình. Chúng ta chỉ muốn biến bọn trẻ trở thành những chàng trai, cô gái
nhu nhược, yếu đuối, kém bản lĩnh, dựa dẫm vào cha mẹ. Chúng ta tưởng
cho con tiền, cho con hưởng thụ, ăn ngon mặc đẹp là yêu thương con lắm
rồi ư? Nếu ai nghĩ như vậy, thì đứa con đó thật vô phúc, vì sao? Vì nó
không phải là con người mà chỉ là một con thú - dù đó là con thú cưng
mua rất mắc tiền, được cưng chiều nhất, ưu ái nhất, đó vẫn là một con
thú.
Con trai thì chúng ta không dạy chúng sự mạnh mẽ, tự tin, nhân ái;
con gái thì chúng ta không dạy chúng dịu dàng, bản lĩnh, nhân hậu; cả
trai, cả gái chúng ta không dạy chúng sống độc lập. Chúng ta biến bọn
trẻ trở nên chai lì, dữ dằn và khô khan tình cảm như chúng ta.
Chúng ta biến bọn trẻ thành những con Mèo ướt, ủ ê trong tay ta, thay
vì dạy chúng trở thành những con Đại Bàng vững chãi bay vào đời.
Mọi người có thấy rằng: chúng ta đang đi vào vết xe đổ của thế hệ
trước không? Con cái chúng ta hiện nay ra sao? Chúng có biết yêu thương
nhau, chở che và hỗ trợ nhau không? Chúng ta trở nên ác độc và ngu si
không kém thế hệ trước!
Thật khôi hài, chúng ta lại tự cho mình là những người cha, người mẹ
yêu thương con bậc nhất! Chúng ta thật ra chỉ là những kẻ giả dối!
Đứng trước sự giáo dục u mê và ngu muội đó, con cái chúng ta chỉ có hai con đường như chúng ta đã từng trải qua:
- Một, cắn răng và cam chịu đẻ sống kiếp vật vờ qua ngày đoạn tháng.
- Hai, vùng lên chống lại để tự giải thoát và nhận hậu quả.
Tôi rùng mình và kinh hãi nhớ về ngày xưa...
Chúng ta đã cùng nhau lớn lên trong bạo lực và giả dối, u mê như thế.
Giờ đây, chúng ta mong muốn con cái chúng ta đi vào vết xe đổ của chúng
ta hay sao?
Tình cảm của chúng ta đối với nhau thật nhạt nhẽo. Chúng ta thích vẽ
ra bộ mặt đạo đức để láng giềng, bà con, đồng nghiệp nhìn vào nể trọng.
Chúng ta sống cho ai? Cho vợ chồng, con cái chúng ta ư? Giả dối!
Chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật: Cái mà chúng ta tưởng yêu vợ, yêu
chồng, yêu con, thật ra đó là chúng ta yêu bản thân mình mà thôi. Chúng
ta muốn con cái mình làm cho chúng ta vui, chứ không phải cho chúng nó
được sung sướng bằng sự tự thân quyết định của chúng. Con cái trở thành
vật sở hữu trong tay chúng ta không hơn không kém. Chúng ta không công
bằng, bởi chúng ta không soi lại bản thân mình ngày còn trẻ!
***
Tôi nghĩ, con người nói chung và gia đình chúng ta nói riêng, ai cũng có định mệnh mà khó tránh.
Giờ đây, chúng ta đều không còn trẻ, có lẽ đủ để tự bản thân từng người ngồi chiêm nghiệm lại cuộc đời mình...
Tôi không còn muốn gặp ai mà chỉ mong mọi người hãy nghĩ về những đứa
con của mình, những đưa cháu của mình. Hãy để chúng tự quyết cuộc đời
của chúng. Chúng ta hãy làm người hướng dẫn cho con mình, bạn đồng hành
trên con đường chúng đi để hỗ trợ và tư vấn cho bọn trẻ. Đừng như cha mẹ
chúng ta nữa! Đừng nhân danh quyền làm cha làm mẹ mà áp đặt chúng một
cách phũ phàng và tàn tệ nữa!
Tôi biết tình cảm của tôi và của mọi người không còn có chỗ cho nhau,
để có thể ngồi đối thoại ôn hòa và tôn trọng lẫn nhau, với tư cách là
những người không còn trẻ. Rất nhiều lúc tôi đã nghĩ vậy và cho đến bây
giờ, tôi biết đó là sự thật. Sau này, khi tôi quyết định rời bỏ công
việc, tôi hiểu tôi bước vào một cuộc sống mới - một cuộc sống mà tôi
mong muốn cố gắng SỐNG THẬT càng nhiều càng tốt.
Tôi đang cố gắng sống thật sau nhiều năm tháng sống giả và phải đối phó với cuộc đời nhiều chông gai này.
Tôi viết với tâm trạng không hằn thù, không giận hờn, không đố kỵ và
cũng không cả yêu thương. Tôi biết, tình cảm của tôi đối với mọi người
đã chết. Thật ra, nó chết từ lâu lắm rồi, nhưng hôm nay tôi mới có đủ
can đảm viết ra những dòng chữ này.
Mong mọi người hãy nghĩ về lớp trẻ, những đứa con, đứa cháu trong gia đình của từng người. Đó là những gì sau cùng tôi muốn nói.
N.D.T
______________________________________
______________________________________
TB: Tôi nhờ chị H. chuyển thư này giùm tôi đến mọi người còn lại, kể cả những người là dâu, là rể, nếu họ muốn đọc. Xin cám ơn.
Lá thơ này có thể làm cho mọi người nguyền rủa và chửi bới tôi nhiều
hơn. Tôi không quan tâm. Tôi chỉ quan tâm đến những đứa con của từng
người trong chúng ta.
Cậu T. cũng gởi thư này đến T. M. và D. M với tư cách là người lớn
nhưng không chia sẻ gì nhiều được cho các con. Mong các con mạnh mẽ và
vững vàng để tự quyết cuộc đời mình. Đời mình, mình phải tự quyết lấy
con ạ! Nhất là D.M. cậu cảm thông và ngưỡng mộ con - một thanh niên nhân
hậu.
Tôi mong làm sao lá thư này cũng được gởi đến B.T, P.K, B.H, H.Q,
H.B, H.P, H.Đ, C.N, T.H, Đ.H, T.T, M.A. Các cháu hãy tha lỗi cho tôi,
trong nhiều năm qua, tôi không liên hệ gì với các cháu.