Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Kỳ tích Trung Quốc đã chấm dứt


Khổng Cáo Phong - Hu Zi dịch

Hơn 10 năm qua, cả thế giới đã bị “kỳ tích Trung Quốc” làm cho đau đầu mờ mắt, mọi người đều lo sợ không chen chân lên nổi toa tàu tốc hành này. Khủng hoảng tài chính 2008 từ nước Mỹ lan rộng ra khắp thế giới hình như không có tí ảnh hưởng nào đối với Trung Quốc đã làm cho không ít người đâm ra sung bái kỳ tích Trung Quốc, sùng bái đến cao độ như sùng bái một tôn giáo vậy.


Tuy nhiên vài tháng trở lại đây, kinh tế Trung Quốc với những số liệu cảnh báo toàn diện, các con số cho thấy sự thu hẹp quy mô các đơn đặt hàng của khu vực chế tạo, lượng tiêu thụ điện, xuất khẩu, nhập khẩu cũng như chỉ số về lợi nhuận đều nói lên một điều: nền kinh tế đang đi xuống. Trên “Nhân Dân nhật báo” vào 22 tháng 5 năm nay dẫn lời các chuyên gia cảnh báo, Trung Quốc đang đứng trước sự mất tốc độ của cỗ xe tam mã kéo nền kinh tế là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư. Với các hình mẫu tạo nên kỳ tích kinh tế như Đông Hoản ở Quảng Đông, Ôn Châu ở Triết Giang, Côn Sơn ở Giang Tô và các nơi khác, đã xuất hiện làn sóng công xưởng đóng cửa, công ty phá sản, chợ búa tiêu điều với tình hình ngày càng nghiêm trọng.


Kỳ tích Trung Quốc

Nguồn ảnh: FT.com
Những hiện tượng trên kỳ thực cũng ko đáng để kinh ngạc cho lắm. Động lực của kỳ tích kinh tế Trung Quốc trước nay được xây dựng trên kết cấu giá nhân công rẻ mạt, sự mất cân bằng trong kết cấu tiêu dùng. Kết cấu này sớm muộn gì cũng phải điều chỉnh, điều chỉnh càng muộn càng dẫn tới hậu quả xấu.

Tiền lương trung bình trong khu vực chế tạo của Trung Quốc từ 20 năm nay vẫn duy trì ở mức bằng 1/5 so với khu vực chế tạo ở Mỹ. Còn thấp hơn các quốc gia Châu Á khác phát triển theo con đường dựa vào xuất khẩu khác thời họ mới bắt đầu cất cánh (Tiền lương trung bình trong khu vực chế tạo ở Taiwan và Hàn Quốc ở những năm 1970 đã đạt tới ½ so với Mỹ ).
Trung Quốc có thể dìm lương trung bình của công nhân thấp trong thời gian dài như vậy không thuần túy là từ nguyên nhân kinh tế và nhân khẩu, mà bắt nguồn từ bối cảnh chính trị và xã hội sâu xa:
Một là sau khi công xã nhân dân giải thể, nông thôn ở Trung Quốc trong một thời gian dài thiếu nguồn đầu tư, dẫn tới một số lượng lớn nguồn lao động đổ xô tới các vùng công nghiệp duyên hải phía Đông tìm việc làm. Nguyên nhân con người dẫn tới “nguồn cung ứng nhân lực không bao giờ cạn”. Tình hình này ở thập niên 90 còn mạnh mẽ hơn với sự xuống dốc của các xí nghiệp địa phương.
Hai là chính quyền địa phương kết hợp với doanh nghiệp theo kiểu “liên minh tiền – quyền” tạo nên môi trường thể chế có lợi cho việc đàn áp sự phản kháng tập thể của công nhân. Tạo nên thế yếu về chính trị của công nhân trong thời gian dài.
Tiền lương thấp tuy có lợi cho sự cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc trên thị trường nước ngoài nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng tới sức tiêu dùng trong nước khi luôn tụt lại sau sự tăng trưởng của sản xuất. Tỉ lệ tiêu dùng cá nhân của Trung Quốc trên tổng sản phâm quốc gia GNP từ mức xấp xỉ 50% ở những năm đầu 90 hạ xuống dưới 40% như hiện tại. So với 4 con rồng Châu Á lúc mới cất cánh, tỉ lệ tiêu dùng chiếm xấp xỉ 60%. Với khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra, nhu cầu của thị trường nước ngoài không ngừng thu hẹp lại, các doanh nghiệp Trung Quốc buộc phải tính kế ở thị trường nội địa, điều này mười phần khó khăn.
Vào năm 2005, sau khi đôi Hồ Cẩm Đào-Ôn Gia Bảo nắm chắc quyền lực trong tay, Trung Cộng bắt đầu đưa ra những chính sách về cải cách kinh tế và phân phối thu nhập mới để thu hẹp tình trạng mất cân bằng của kinh tế [với khái niệm “xã hội hài hòa”]. Ví dụ như gia tăng đầu tư cho nông thôn, tăng lương cho tầng lớp công nhân, các quỹ trợ cấp việc làm… những chính sách này đã có thành công bước đầu, nâng cao mức lương cũng như kích thích tiêu dùng của dân chúng. Tuy nhiên những cải cách này vừa mới bắt đầu chưa được bao lâu đã gặp ngay khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế bước vào giai đoạn có biến động lớn, những cải cách này cũng theo đó dừng lại. Hai năm gần đây, chúng ta thường nghe thấy cụm từ “tiền lương tăng mạnh” ở Trung Quốc, tuy nhiên so với những quốc gia xung quanh ở Đông Á ở cùng thời kỳ phát triển trước đây thì sự tăng trưởng này rõ ràng không thấm vào đâu cả.
Gói kích thích kinh tế 580 tỉ USD
Nguồn ảnh: Quốc gia phát triển hòa cải cách ủy viên hội
Cuối năm 2008, Bắc Kinh vì muốn ngăn chặn những ảnh hưởng xấu từ việc xuất khẩu bị sụt giảm mạnh đã mạnh tay đưa ra những gói đầu tư kích thích kinh tế khổng lồ phần lớn tập trung vào lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, kích thích làn sóng chi tiêu và cho vay trong cả nước. Điều này đã làm cho nền kinh tế có được đà phục hồi ngoạn mục vào năm 2009.
Liều thuốc kích thích đã thành công, tuy nhiên lại không giúp ích gì cho tỉ lệ tiêu dùng tăng trưởng, cũng như không thể nào thay đổi được kế cấu của nền kinh tế dựa vào xuất khẩu và đầu tư công để phát triển này. Nó không những làm trầm trọng thêm tình trạng vay nợ tràn lan để lấy tiền đầu tư vô tội vạ của các chính quyền địa phương, còn đưa tới tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng lên tới tỉ lệ nguy hiểm với tốc độ nhanh. Sản lượng công nghiệp dư thừa tới mức báo động xấu thì không càng không cần phải nói. Truyền thông nhà nước cũng thừa nhận, không ít doanh nghiệp nhà nước sau khi được lãnh các khoản cho vay kích thích, không mang toàn bộ số tiền đó đầu tư vào nền kinh tế thực thể, mà mang tiền đầu cơ vào thị trường cổ phiếu và bất động sản.
Ngoài ra, nhiều công trình được thực hiện trong gói kích thích là những kế hoạch đã được quy hoạch từ lâu. Liều thuốc kích thích này chỉ làm cho những công trình đáng lẽ phải được thi công xây dựng trong 4,5 năm hay dài hơn mới xong thì được rút ngắn xuống còn 1,2 năm là hoàn thành. Một ví dụ là hệ thống đường sắt cao tốc trên toàn quốc. Điều này không những đưa đến những vấn đề về chất lượng công trình (với những vụ tai nạn trên tuyến đường sắt cao tốc ở Ôn Châu cũng như những vụ sập cầu gần đây không phải là không có liên quan gì) mà còn làm cho các chính phủ địa phương sau những màn “đại nhảy vọt” xây dựng các công trình càng khó tìm thấy những dự án có hiệu suất kinh tế khác.
Nền kinh tế Châu Âu và Mỹ vẫn chưa khởi sắc trở lại, đầu tàu xuất khẩu của kinh tế Trung Quốc đang chìm nhanh. Ở các chính phủ địa phương và doanh nghiệp nhà nước sau khi tiêm thuốc kích thích thì nợ xấu đã chất cao như núi. Bắc Kinh có thể có những biện pháp không cần để ý đên hiệu suất kinh tế, thông qua những phương án “xây cầu xong lại đập bỏ còn xây mới” tạm thời giữ cho con tàu khỏi chìm quá nhanh, nhưng sẽ phải đương đầu với một vụ nổ khủng khiếp từ những quả bom nợ khổng lồ của nghành ngân hàng.
Hai mươi năm qua, mô hình kinh tế Trung Quốc đã làm cho cả thế giới phải than phục đã đi gần tới đoạn kết. Trong một tương lai không xa, những nước láng giềng của Bắc Kinh, với những thử thách khi nền kinh tế Trung Quốc đang phải vật lộn để cân bằng, có lẽ là không kiếm được tí xơ múi gì, mà phải làm sao tự thân vận động nuôi thân.

Nguồn: Hu Zi, Kì tích Trung Quốc đã chấm dứt, Facebook, September 21, 2012.
Nguồn chính: 中國奇蹟的終結, 孔誥烽. Sep 19, 2012.
DCVOnline biên tập và minh họa.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"