Mẹ Nấm
Một năm có 365 ngày, con số 1460 trên tiêu đề bài viết này của tôi chính là khoảng thời gian 4 năm - mức án dành cho trung tá Nguyễn Văn Ninh đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng tại Hà Nội, và phóng viên Hoàng Khương báo Tuổi Trẻ tại Sài Gòn.
Điểm chung duy nhất khiến tôi phải làm phép so sánh này đó là cả hai vụ án đều có liên quan đến lực lượng bảo vệ luật pháp - ngành công an.
Phóng viên Hoàng Khương là một nhà báo có nhiều bài viết chống tiêu cực sắc sảo của báo Tuổi Trẻ, đặc biệt là loạt bài viết bóc trần tình trạng tiêu cực, tham nhũng của lực lượng Cảnh sát giao thông - nơi mà cho đến nay chưa cơ quan chủ quản là Bộ Công an vẫn chưa tìm ra cách giải quyết dứt điểm tệ nạn này.
Nguyễn Văn Ninh là một trung tá công an, đã đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng và lạnh lùng trước tòa cho rằng ông ta rất bình tĩnh trong khi thi hành công vụ - trong khi đánh gãy cổ người dân.
Ở vụ án thứ 1: Ngày 13/01/2012, trong phiên sơ thẩm vụ án trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh chết dân, Viện kiểm sát (VKS) đã đề nghị mức án từ 3-4 năm tù giam cho bị cáo Ninh với tội danh "làm chết người trong khi thi hành công vụ".
Ở vụ án thứ 2: Chiều ngày 7/09/2012, Kiểm sát viên Phạm Thị Thu Hà (VKSND TP.HCM) trong phần luận tội vụ án "đưa hối lộ, nhận hối lộ và làm môi giới hối lộ" đã đề nghị mức án 6-7 năm tù giam đối với phóng viên Hoàng Khương báo Tuổi Trẻ với tội danh "đưa hối lộ" và Huỳnh Minh Đức, nguyên cán bộ Đội cảnh sát giao thông - trật tự - phản ứng nhanh Công an Q.Bình Thạnh với tội danh "nhận hối lộ".
Đề nghị của Viện kiểm sát cho ta thấy một góc nhìn và thể hiện những vô lý, bất công cũng như những dàn xếp để dẫn đến những cái gọi là "bản án bỏ túi" đằng sau hậu trường tòa án:
Làm chết người: đề nghị 3-4 năm.
Hối lộ: đề nghị 6-7 năm.
Tôi đơn giản chỉ làm một phép so sánh giữa hai đề nghị mức án của VKS để thấy rõ ràng rằng, vị trí của ngành công an, lực lượng được mệnh danh là "thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ" có sự ưu ái trước pháp luật.
Trước phiên tòa sơ thẩm, trung tá Ninh không thừa nhận hành vi tội ác của mình và ông không hối lỗi vì cho rằng đó là tai nạn nghề nghiệp và đề nghị được hưởng án treo.
Trong phiên tòa sơ thẩm, trước những thế lực bủa vây, nhà báo chống tiêu cực Hoàng Khương đã phải xác định mình có lỗi, hành vi là có chỉ vì sai sót về nghiệp vụ, với động cơ hoạt động trong sáng là phát hiện tiêu cực và đấu tranh chống tiêu cực, đúng với chủ trương của đảng và nhà nước.
1460 ngày giam giữ - cho hành vi đánh dân gãy cổ và bỏ mặc nạn nhân trong tình trạng nguy hiểm cho đến chết tại đồn công an Thịnh Liệt của trung tá Nguyễn Văn Ninh.
Kết quả là ngày càng có thêm nhiều người dân bị đánh, bị dùng nhục hình tra khảo và bị tra tấn cho đến chết tại đồn công an.
1460 ngày giam giữ - cho hành vi hối lộ của một phóng viên thừa nhận mình đã "sai sót về nghiệp vụ trong quá trình tác nghiệp" đối với lực lượng CSGT vốn có tì vết về nạn mãi lộ.
Đây là đòn dằn mặt cho tất cả những ai có ý định bóc trần sự thật hoặc đụng chạm đến "thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ".
Trên Facebook của mình nhà báo Huy Đức có viết:
Hành động của nhà báo Hoàng Khương có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng không thể coi là tội phạm vì không những không nguy hiểm cho xã hội mà còn làm giảm nguy hiểm cho xã hội.
Đối với tôi, trong tất cả sự công tâm và dựa vào nền tảng đạo đức và nhất là mục tiêu thật sự của vụ việc, nhà báo Hoàng Khương hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Mục tiêu sau cùng của anh không bao giờ là "đưa hối lộ, nhận hối lộ và làm môi giới hối lộ" để mang lại một lợi lộc gì cho riêng anh mà chỉ để qua đó có đủ bằng chứng sống về những hành vi sai trái của công an. Nếu anh có lỗi thì lỗi của anh là đã dựng bẫy công an thoái hóa.
Nhưng mục tiêu việc làm của anh nhất định là một mục tiêu trong sáng.
Mục tiêu việc làm của anh nhất định là để phục vụ và làm tốt xã hội.
Mục tiêu việc làm của anh nhất định nằm trong ý hướng chân chính của một nhà báo có lương tâm.
Tòa xử anh 4 năm tù không phải là nặng hay nhẹ mà là KHÔNG THEO LUẬT (Khoản 4, Điều 8 của Bộ luật hình sự: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”). (Trích Facebook Osin HuyDuc)
Với hai vụ án được xem như "án lệ" này thì:
1. Công an sẽ tự tung tự tác hơn khi sử dụng bạo lực với dân.
2. Các nhà báo chống tiêu cực sẽ dè chừng hơn.
Và mức án 4 năm, 1460 ngày bị giam giữ - mức thời gian dành cho 2 bản án - một kẻ giết người & một người phạm tội danh "đưa hối lộ" - chung quy chỉ để chứng tỏ rằng lực lượng "thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ" là bất khả xâm phạm.
Hay nói một cách khác: "Luật là tao, tao là luật"
Trên trang Dân Làm Báo, ngay sau khi có kết quả bản án của phiên tòa xét xử phóng viên Hoàng Khương, đã có một bài viết: Vụ án Hoàng Khương: Im lặng hay lên tiếng?
Câu trả lời dứt khoát phải là: chúng ta phải lên tiếng.
Phóng viên Hoàng Khương mỉm cười cùng đồng nghiệp tại phiên tòa. Ảnh: Thuận Thắng - báo Tuổi Trẻ