Tống Văn Công
Cuối tháng 9 năm 1989, tôi từ Sài Gòn ra, vừa đến trụ sở báo
Lao Động (51 – Hàng Bồ, Hà Nội) thì cô Phạm Thị Châu, trưởng phòng hành
chính đến gặp. (Cô Châu hiện nay là cán bộ báo Dân Trí.) Cô trao tấm
danh thiếp của anh Trần Xuân Bách gửi cho tôi và háo hức kể: Xe đỗ trước
cơ quan, bác ấy đi vào, nói “Tôi xin gặp anh Tống Văn Công”. Em trả
lời: “Thưa bác, anh Công về Sài Gòn. Hiện đang có mặt hai phó tổng biên tập là anh Huy Đan và Phạm Văn Nhàn. Bác có thể gặp anh nào ạ?”. Bác ấy mở cặp lấy cac vi dít đưa cho em, nói: “Khi nào anh Công ra, đồng chí đưa giùm tôi nhé, nói là tôi đang đợi anh ấy gọi”.
Từ lâu tôi đã được ba người bạn có dịp gần gũi anh Trần Xuân Bách là
nhà văn Nguyễn Khải gần anh khi còn làm báo quân khu 3 thời chống Pháp,
dịch giả Lê Minh Đức gần anh ở Ban Dân vận TƯ và Đinh Gia Bảy ủy viên
Đảng đoàn, ủy viên Ban thư ký Tổng Liên đoàn Lao động VN từng làm việc
dưới quyền của anh Bách lúc giúp bạn ở Campuchia, kể nhiều chuyện về
anh Bách, một người tài đức song toàn. Tôi cũng được đọc nhiều bài viết
của anh, rất hâm mộ, nhưng chưa có dịp gặp, không ngờ tôi lại được anh
tìm! Trước khi vào Sài Gòn, tôi đã dự hội nghị nghiên cứu Nghị quyết
Trung ương lần thứ 7 (khóa 6), nên cảm nhận việc anh Trần Xuân Bách đến
tìm là điều quan trọng.
Xin nhắc lại một số kết luận của Nghi Quyết TƯ 7:
Về tình hình thế giới:
“Công cuộc cải tổ, cải cách, đổi mới ở một số nước xã hội chủ
nghĩa đã thu được những thành tựu nhất định, nhưng ở một số nước gặp khó
khăn gay gắt, có nước chủ nghĩa xã hội đang đứng trước thách chức lớn.
Lợi dụng tình hình khó khăn trên đây ở một số nước xã hội chủ nghĩa, chủ
nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ mở cuộc phản kích quyết liệt vào chủ
nghĩa xã hội, bằng những thủ đoạn rất xảo quyệt: Răn đe về quân sự; cổ
vũ chủ nghĩa đa nguyên chính trị; dùng kinh tế khuyến khích việc cải
cách theo hướng phát triển kinh tế tư nhân, thị trường tự do tư bản chủ
nghĩa.”
“Trong nước… những khó khăn về kinh tế và xã hội đã và đang bắt
đầu xuất hiện ở nước ta, trong đó đặc biệt nhấn mạnh: Các lực lượng bên
ngoài đang tập trung đả kích, xuyên tạc Đảng ta không mạnh dạn cải cách
chính trị, hạn chế dân chủ, hạn chế tự do báo chí, tự do sáng tác, phê
bình”.
Trong bốn khuyết điểm dẫn đến tình hình trên, có: “Buông lỏng
công tác tư tưởng, thiếu tinh thần chiến đấu chống những tư tưởng, quan
điểm lệch lạc, những hành động và lời nói sai trái.”
Nghị quyết nhấn mạnh những nguyên tắc và chính sách: “Xây dựng và
phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và phương thức
hoạt động của hệ thống chính trị, không chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên
chính trị”…
Như vậy, anh Trần Xuân Bách đang là nhân vật có “vấn đề”!
Sau khi cô Châu rời khỏi phòng, tôi gọi điện thoại ngay cho anh Trần Xuân Bách. Giọng anh rất vui: “Bảy giờ tối, tôi đợi anh nhé!”. Tôi đáp: “Tôi muốn cùng anh Phạm Văn Nhàn phó tổng biên tâp đến thăm anh?” Anh Bách rất vui vẻ: “Ồ, càng nhiều anh em càng vui!”
Tôi không muốn một mình đến anh Bách vì đã có kinh nghiệm qua việc
nhà văn Nguyên Ngọc gửi bài cho báo, tôi chưa đọc, nhưng cơ quan an ninh
đã cử cán bộ đến yêu cầu được đọc trước! Tôi kể chuyện này với phó Tổng
biên tập Phạm Văn Nhàn. (Hiện nay, anh Nhàn ở khu nhà tập thể báo Lao
Động, quận Cầu Giấy.) Anh Nhàn nói: “Anh ấy bảo càng nhiều anh em càng vui, vậy ta rủ thêm Lưu Văn Hân, vì Hân quen thân với bên vợ anh Bách”.
Tôi gọi điện rủ, anh Hân rất vui vẻ nhận lời. (Anh Lưu Văn Hân lúc ấy
là vụ trưởng Vụ báo chí, Bộ Văn hóa – Thông tin, anh Trần Hoàn là Bộ
trưởng.)
Ba chúng tôi đến biệt thự của anh Bách trên đường Phan Đình Phùng
bằng chiếc u-oat cùa báo Lao Động do tài xế cựu chiến binh Nguyễn Văn
Tiến lái. Có vài người mặc thường phục đứng trên vỉa hè dòm ngó. Tôi báo
với người bảo vệ là chúng tôi được anh Bách hẹn. Anh bảo vệ gọi điện
thoại vào nhà xin ý kiến. Tôi cứ tưởng anh Bách sẽ cho người giúp việc
ra đón chúng tôi, không ngờ anh đích thân chạy ra cổng. Tôi nói, “Chúng tôi đến quá một người!” Anh Bách cười vui “Cám ơn các anh, tôi rất vui!”
Anh đưa chúng tôi lên lầu. Chị Bách chờ sẵn, mời chúng tôi ngồi quanh
chiếc bàn kê sát tường. Chị pha cà phê, gọt táo và cùng ngồi với chồng
tiếp khách. Thấy bên cạnh tấm lịch treo tường có kẹp bài thơ, ký Bách
Xuân, tôi hỏi đùa: “Muốn xin anh bài thơ này đăng trang văn nghệ của báo?”. Anh nhìn chị, cười đáp: “Thơ mình chỉ dành riêng cho mỗi bạn đọc này thôi.” Có lẽ, chị Bách nghĩ rằng mấy ông khách thấy chị quá trẻ so với anh, nên đã vui vẻ kể: “Hồi em mới lấy anh ấy, các bạn cứ trêu, sao lấy ông chồng quá đát vậy? Em trả lời, nhưng tâm hồn anh ấy rất trẻ!”.
Sau mấy chuyện vui, tôi kể cho anh Bách nghe về lớp nghiên cứu Nghị
quyết TƯ 7 của cán bộ cốt cán toàn quốc trước đây hơn một tuần. Anh Bách
nghe rất chăm chú.
Lớp nghiên cứu này do ông Đào Duy Tùng Ủy viên Bộ chính trị phụ trách
khối tư tưởng văn hóa thuyết trình. Ông nghe phản ánh ý kiến học viên ở
các tổ thảo luận, tổng kết đợt học và giải đáp thắc mắc. Sau khi nghe
ông Tùng giảng ở hội trường, Ban Tổ chức lớp học chia học viên theo
ngành công tác vào các tổ thảo luận. Tôi dự thảo luận ở tổ báo chí, gồm
các tổng biên tập, báo, chí, đài, nhà xuất bản ở Trung ương. (Có lẽ các
tổ viên ngày ấy chỉ mỗi nhà thơ Hữu Thỉnh còn có mặt trong guồng máy
hiện hành.) Tổ trưởng hướng dẫn thảo luận là anh Thái Ninh, phó trưởng
ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương. (Đến Đại hội 7, anh Thái Ninh là
Trưởng ban TTVH TƯ, anh Hữu Thọ là Phó trưởng ban thường trực). Khi thảo
luận câu hỏi “Vì sao Đảng ta không chấp nhận đa nguyên chính trị?”,
anh Bùi Tín, phó Tổng biên tập báo Nhân Dân xin phát biểu. Bùi Tín cho
biết, anh rất lúng túng khi bị nhiều đồng chí đảng viên các đảng bạn ở
phương Tây hỏi vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam lại không chấp nhận đa
nguyên. Theo Bùi Tín, bản chất cuộc sống là đa nguyên, thực tế Việt Nam
cũng đang có những yếu tố đa nguyên: Bên cạnh Đảng Cộng sản có Đảng Dân
chủ, Đảng Xã hội; Mặt trận Tổ quốc gồm có nhiều tổ chức Nông dân, Công
đoàn, Thanh niên, Phụ nữ… Mỗi giới có tờ báo nói tiếng nói của mình.
Phải đa nguyên mới thực sự dân chủ… Anh Bùi Tín nói hơn 30 phút. Cả tổ
im lặng lắng nghe. Tổ trưởng Thái Ninh ghi ghi chép chép, không tỏ ra
sốt ruột. Không ngờ hôm sau, khi tổng kết và trả lời thắc mắc, ông Đào
Duy Tùng đã gay gắt phê phán: “Thật đáng chê trách, tại hội nghị
này, gồm những cán bộ tuyên huấn cốt cán của Đảng, lại có một đồng chí
nồng nhiệt cổ vũ đa nguyên chính trị! Đồng chí đó không biết rằng, đa
nguyên là luận điệu mị dân của các chính trị gia tư sản? Bọn chúng gồm
những tập đoàn tài phiệt, cần có đa nguyên để cạnh tranh với nhau. Giai
cấp công nhân có sứ mệnh độc quyền lãnh đạo cách mạng, chỉ cần liên minh
chiến lược với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức cách mạng. Chủ
nghĩa xã hội thực hiện tập trung dân chủ, phải chống đa nguyên. Hôm nay
đòi đa nguyên, rồi ngày mai sẽ đòi đa đảng, phải không?”
Anh Bách trầm ngâm, rồi nói: “Chúng ta đã thực hiện đa nguyên
kinh tế, vậy phải thực hiện đa nguyên chinh trị, bước tới bằng hai chân
mới cân bằng, không bị vấp váp”. Anh hỏi thêm về Bùi Tín, nhưng tôi
chỉ gặp anh Bùi Tín hai lần mà cả hai lần đều cùng là khách được mời ăn
cơm. Lần đầu tháng 5-1975, ở Sài Gòn anh Phước Sanh mời; lần thứ hai ở
Hà Nội, nhà thơ Hải Như mời Bùi Tín, bác sĩ Vân B và tôi, chỉ ít lâu
trước khi anh Bùi Tín đi họp báo Nhân Đạo và ở lại Pháp. Lúc ông Đào Duy
Tùng chì chiết, tôi ngồi ở hàng ghế ngay sau lưng anh. Anh hai tay
chống cằm, mớ tóc dài rũ xuống hai vai.
Hơn 10 giờ khuya, anh Bách tiễn chúng tôi ra tận cổng. Trước khi chia
tay, tôi đề nghị: Bất cứ lúc nào, anh rảnh, tôi xin mời anh đến nơi tôi
ở, số 14 Trần Bình Trọng, đối diện với Bộ công an. Tôi muốn được anh
giải đáp cho một số câu hỏi. Và tôi gợi ý: Anh nên cho dừng xe ở Nguyễn
Du, rồi đi bộ vào cổng, tôi sẽ đón bên trong. Kể ra cũng buồn cười, đón
ông ủy viên Bộ chính trị mà phải lén lút như quan hệ với kẻ gian! Hồi
đó, tôi vẫn nghĩ nơi ở của mình kín đáo lắm, nên đã từng tiếp đón nhiều
bạn bè có lý lịch mà phía an ninh coi là không được trong sáng như
Nguyễn Kiến Giang, Lê Đạt, Dương Tường, Phạm Thị Hoài… Mãi sau này, tôi
mới biết là mọi việc xảy ra ở báo Lao Động đều có trong hồ sơ của cơ
quan an ninh! Biết đâu chuyện tôi sắp kể ra đây cũng không phải là ngoại
lệ!
Chỉ vài hôm sau, anh Bách hẹn đến, từ hôm đó tôi may mắn được hầu
chuyện anh. Tôi đã đặt những câu hỏi với tư cách một nhà báo cách mạng
mong muốn tìm thấy lộ trình đi tới tự do dân chủ cho dân tộc. Rất tiếc
vì nhiều lý do, ý kiến tâm huyết của anh, một nhà cách mạng, một trí
thức lớn nhất của Đảng Cộng sản VN mà tôi ghi chép nhiều buổi, đã không
thể phổ biến đúng lúc. Lý do là vì nền “báo chí nói tiếng nói của Đảng”
không cho phép, nhưng lý do chính mà tôi phải nhận là bởi sự hèn kém
của mình. Trong phần hồi ức này, tôi xin ghi lại một số câu hỏi và giải
đáp của anh không chỉ có ý nghĩa lịch sử, mà vẫn đang còn nguyên giá trị
thời sự trong tình hình hiểm nghèo của đất nước trước họa ngoại xâm, và
nội xâm, đang rất cần dân chủ hóa để tăng nội lực của dân tộc. Và đây
cũng là món nợ ân tình đối với anh, nhiều năm nay lòng tôi luôn bứt rứt.
HỎI: Tháng 6-1988, Nghị quyết TƯ 5 cho rằng khuyết
điểm nghiêm trọng nhất trong công tác xây dựng Đảng là “vi phạm nguyên
tắc tập trung dân chủ”. Nghị quyết cho rằng “mở rộng dân chủ, đi đôi với
tăng cường kỷ luật”, và phải “chống những mưu đồ lợi dụng dân chủ và
công khai để chống lại sự nghiệp của Đảng và nhân dân”. Đến tháng
3-1989, Nghị quyết TƯ 6 nhắc lại phải “mở rộng dân chủ”, “dân chủ phải
đi đôi với tập trung, với kỷ luật”. Tháng 8-1989, Nghị quyết TƯ 7 kết
luận: “Xây dựng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ
chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, không chấp nhận
chủ nghĩa đa nguyên chính trị”.
Những kết luận nói trên, cho thấy “dân chủ” như một khái niệm rất mơ
hồ, có thể thu hẹp lại, hoặc mở rộng ra. Nhưng mở rộng ra thì phải kèm
với “tập trung”, với “kỷ luật”, nếu không thì sẽ xảy ra tình trạng vô
chính phủ, hoặc bị bọn phản động có “mưu đồ lợi dụng dân chủ, công khai,
chống lại sự nghiệp của Đảng và nhân dân”?
ĐÁP: Dân chủ không hề có chỗ cho thứ tự do vô chính
phủ nảy nở. Chế độ dân chủ thiết lập trên cơ sở một bản Hiến pháp được
xây dựng từ ý chí tự do của nhân dân lựa chọn hệ thống chính trị, kinh
tế, xã hội, văn hóa. Hiến pháp quy định thể thức bảo đảm tổng tuyển cử
tự do, không phân biệt khuynh hướng chính trị, quy định cách thức hoạt
động của nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, bảo đảm các quyền
tự do của con người và sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu Tuyên ngôn độc lập nước ta, đã nhắc lại
Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của
Pháp, nói đến các quyền tự do của con người mà “Tạo hóa cho họ”.
Dân chủ là thể chế hóa các quyền tự do ấy. Cho nên dân chủ là quyền lực
của dân, với tư cách là con người tự do. Dân chủ không phải do lòng tốt
của những người lãnh đạo muốn ban ơn cho dân, thấy thuận lợi thì mở
rộng, thấy bất tiện thì thu hẹp.
Đại hội 6 kết luận “lấy dân làm gốc”. Dân chủ sẽ khơi động
trí tuệ toàn dân tộc, “gốc” sẽ ngày càng vững mạnh, ngăn chặn quan liêu,
tham nhũng, vô trách nhiệm. Chế độ dân chủ không có chỗ cho những ai
muốn lợi dụng, bè phái. Chỉ có chế độ độc đoán, quan liêu, khép kín mới
là đất tốt cho những kẻ xấu lạm dụng quyền lực làm những điều phi pháp.
HỎI: Chế độ dân chủ như vừa miêu tả ở trên có trái
với “nền dân chủ xã hội chủ nghĩa” mà Nghị quyết TƯ 7 kêu gọi xây dựng
và phát huy?
ĐÁP: Chúng ta đã chọn mô hình giáo điều, lai ghép
chủ nghĩa xã hội Stalin với chủ nghĩa xã hội Mao Trạch Đông. Liên Xô và
các nước Đông Âu đang lâm vào khủng hoảng bởi mô hình Stalin, vi phạm
dân chủ, duy ý chí, quan liêu, đặc quyền, đặc lợi. Thế giới xã hội chủ
nghĩa phải cải tổ, đổi mới, giải quyết những mâu thuẫn, phá vỡ cái cũ,
đạt tới các tiêu chí của thời đại là: dân chủ, khoa học, nhân đạo, hiện
đại. Xu thế chủ yếu là chuyển sang sở hữu tư nhân, kinh tế hàng hóa, nhà
nước pháp quyền, xã hội dân sự.
Chúng ta đã đổi mới kinh tế, thực hiện sở hữu tư nhân, kinh tế thị
trường. Đã đến lúc phải đổi mới chính trị, dân chủ hóa xã hội, từng bước
thực hiện mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà Marx và Engels đã đề ra
trong Tuyên ngôn Cộng sản: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.
Không đổi mới chính trị nhịp nhàng với đổi mới kinh tế thì đến một
lúc nào đó sự phát triển kinh tế cũng sẽ bị chựng lại, bởi những rào cản
quan liêu, tham nhũng, hạn chế sáng kiến. Đổi mới kinh tế là thực hiện
đa nguyên kinh tế; kinh tế nhiều thành phần sẽ làm cho xã hội có sự phân
tầng; mỗi giai tầng có quyền lợi, nguyện vọng khác nhau, từ đó nảy sinh
đa nguyên chính trị. Đổi mới chính trị là từng bước chấp nhận đa nguyên
chính trị song song với đa nguyên kinh tế, đúng như Marx, Engels: “Trong
mỗi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội – cơ cấu này
tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra – cả hai cái đó cấu thành cơ sở
của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy”. (Lời tựa cho Tuyên ngôn của ĐCS bản tiếng Đức, 28-6-1883).
Từ một xã hội khép kín, một quốc gia đóng cửa, chúng ta khởi xướng
đổi mới, mở cửa, làm bạn với tất cả các nước. Vậy thì trong nước cũng
phải là một xã hội mở, chấp nhận tự do báo chí, tự do ngôn luận, nhiều
tiếng nói có quan điểm khác biệt đối thoại, thương thảo, quyết định
thuộc về đa số, nhưng thiểu số được tôn trọng và bảo vệ. Nhà nước bảo
đảm thực hiện đầy đủ các quyền con người và quyền công dân theo Hiến
pháp, không được ban hành luật lệ vi hiến để hạn chế các quyền ấy. Đảng
lãnh đạo, cầm quyền, nhưng quyền lực thuộc về nhân dân. Do đó, Đảng phải
nằm trong chứ không nằm ngoài và không được đứng trên xã hội.
HỎI: Chúng ta có sợ đa nguyên chính trị sẽ làm suy
yếu Đảng Cộng sản Việt Nam và cuối cùng làm mất quyền lãnh đạo? Bởi vì
chấp nhận đa nguyên chính trị thì phải thực hiện các quyền tự do, trong
đó có quyền lập hội, từ đó xuất hiện Đảng đối lập có cương lĩnh cạnh
tranh với Đảng Cộng sản?
ĐÁP: Đó chính là sự ngộ nhận của những ai có thói
quen độc quyền chân lý, theo chủ nghĩa giáo điều. Xu thế thời đại là tự
do, dân chủ. Cách mạng khoa học kỹ thuật, bùng nổ thông tin, giao lưu
quốc tế làm cho xu thế đó chuyển động rất nhanh chóng và có tính dây
chuyền. Không ai có thể bưng bít thông tin, ngoảnh mặt trước đòi hỏi của
nhân dân, ngăn chặn sự vận động tất yếu của cuộc sống. Bản chất của
cuộc sống là đa nguyên. Đổi mới chính là thuận theo bản chất cuộc sống
xã hội vốn mang tính đa nguyên cả về kinh tế, chính trị, văn hóa. Trên
kia đã nói, Đảng nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên xã hội, có
nghĩa là thế nào? Đổi mới chính trị, trước hết Đảng phải tự đổi mới
mình, phải trở thành Đảng dân tộc, kết tinh truyền thống dân tộc và trí
tuệ thời đại. Đảng phải thực hiện dân chủ mạnh mẽ từ trên xuống dưới, từ
Bộ chính trị trở đi.
Đảng không bao biện lấn sân làm thay nhà nước, không duy trì chế độ
“đảng trị”, “toàn trị”. Nhà nước là công cụ của dân, chứ không phải là
công cụ của Đảng, không phải cấp trên của dân. Nhà nước quản lý theo
luật và bằng chính sách chứ không làm thay doanh nghiệp. Kế hoạch nhà
nước nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên thị trường. Ngược lại,
nếu duy trì tình trạng như hiện nay thì không phải làm cho Đảng, cho Nhà
nước vững mạnh mà là tạo môi trường xã hội dung dưỡng độc đoán, lạm
quyền, tham nhũng làm thoái hóa Đảng và mục ruỗng Nhà nước.
Kinh tế thị trường đòi hỏi phải có Nhà nước pháp quyền và xã hội dân
sự. Trong Hệ tư tưởng Đức, Marx và Engels cho rằng “Hình thức thương
mại, bởi lực lượng sản xuất đang có quyết định ở một giai đoạn lịch sử
và trở lại quyết định lực lượng sản xuất, đó là xã hội dân sự” và “Xã
hội dân sự bao gồm toàn bộ thương mại vật chất của các cá nhân ở một
giai đoạn phát triển nhất định của lực lượng sản xuất.” Hai ông cho
rằng, xã hội dân sự tồn tại ở mọi thời đại với tư cách tổ chức xả hội
trực tiếp bắt nguồn từ sản xuất và thương mại, đồng thời tạo thành nền
tảng của nhà nước và mọi kiến trúc thượng tầng tinh thần khác. Các chế
độ độc tài, phát xít Hitler, Mussolini thực hiện chế độ toàn trị, xóa bỏ
xã hội dân sự đã bị thất bại. Mô hình xô viết Stalin cũng xóa bỏ xã hội
dân sự là nguyên nhân đưa tới quan liêu hóa, khủng hoảng xã hội. Tình
trạng đó chúng ta phải khắc phục. Nhiều năm qua các đoàn thể quần chúng
đều bị chính trị hóa, hành chính hóa, không đại diện quyền lợi cho đoàn
viên, hội viên, hạn chế sáng kiến của họ, quan trọng hơn là triệt tiêu
sự góp ý thẳng thắn của họ đối với đường lối của Đảng, chính sách của
nhà nước. Thực hiện quyền tự do lập các hội, đoàn, các câu lạc bộ, hoạt
động theo hướng ích nước lợi nhà, tương thân, tương ái, tự trang trải về
tài chính, đó là chẳng những đáp ứng nguyện vọng chính đáng của quần
chúng mà còn khôi phục xã hội dân sự, góp phần xây dựng nhà nước pháp
quyền, làm lành mạnh kinh tế thị trường.
Trong môi trường dân chủ, thượng tôn pháp luật, Đảng Cộng sản VN,
cũng như mọi tổ chức và cá nhân có điều kiện để phát triển lành mạnh.
Đảng Cộng sản VN có một quá trình lịch sử lãnh đạo cuộc cách mạng giải
phóng dân tộc, khởi xướng đổi mới, nay lại mạnh mẽ tự đổi mới mình để
trở thành Đảng của dân tộc, không dùng quyền lực thay cho năng lực, trí
tuệ. Dân chủ đưa Đảng vào lòng dân tộc. Liệu có Đảng đối lập nào đưa ra
cương lĩnh trái với lợi ích dân tộc mà giành được lòng dân đối với Đảng
Cộng sản? Chỉ có làm ngược lại, không chịu đổi mới chính trị, cố giữ thể
chế độc quyền, trong khi xã hôị đã chuyển sang đa nguyên về kinh tế, đa
nguyên thành phần xã hội, đa nguyên tư tưởng, văn hóa thì như vậy không
khác nào đặt Đảng trong tình thế của một cây cổ thụ đứng đơn độc trước
bão tố!
HỎI: Có nên duy trì cách chỉ đạo báo chí của Ban Tư
tưởng -Văn Hóa TƯ Đảng như hiện nay? Thực dân Pháp đã từng chấp nhận
quyền tự do báo chí đối với nhân dân nước Việt Nam thuộc địa. Chế độ
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có hai lần thực hiện tự do báo chí, lần đầu
sau Cách mạng tháng Tám cho đến toàn quốc kháng chiến, lần thứ hai sau
30-4-1975 với báo tư nhân Tin Sáng cho đến tháng 6 năm 1981. Cả 2 lần
ấy, báo chí tư nhân đều có những đóng góp rất tích cực cho sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Đổi mới chính trị, phải chăng đã đến lúc chuyển
tự do báo chí từ quyền “tự do của tập thể” sang quyền “tự do của mỗi
người” như Marx, Engels nói, như Nguyễn Ái Quốc đòi hỏi? Trong sách Đây
công lý của thực dân Pháp ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc viết: “Tôi gọi
báo tức là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như chúng ta
đã thấy ở châu Âu và các nước châu Á khác, chứ không phải một tờ báo do
chính quyền lập ra”. Tại sao chúng ta không thực hiện ước nguyện của Hồ
Chí Minh từ năm 1919 về quyền tự do báo chí trong bản yêu sách gửi Hội
nghị Hòa bình Versailles?
ĐÁP: Ngày 24 tháng 9 năm 1982, Việt Nam đã ký kết
gia nhập Công ước về các quyền dân sự và chính trị. Công ước này có quy
định quyền tự do ngôn luận: Mọi người có quyền giữ quan điểm của mình mà
không bị ai can thiệp; được tự do ngôn luận bao gồm tìm kiếm, nhận và
truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến bằng các hình thức tuyên truyền
miệng, viết ra, in, tự do sáng tạo các hình thức nghệ thuật, hoặc thông
qua các phương tiện thông tin đại chúng…
Công ước đòi hỏi các quốc gia thành viên cam kết không hạn chế hoặc
hủy bỏ những quyền tự do có tính phổ biến của nhân loại đã được quy định
ở đây. Nhà nước ta sẽ phải sớm sửa đổi luật báo chí, luật lập hội, thực
hiện tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội như các quốc gia dân
chủ trên thế giới.
Cuối năm 1989 anh Trần Xuân Bách có bài phát biểu “Chủ nghĩa xã hội
thật sự là gì?”. Nội dung bài ấy tương tự những điều anh trả lời trên
đây. Nhiều người cho rằng anh Trần Xuân Bách chưa bao giờ nói đến “đa
đảng”. Thật ra chấp nhận đa nguyên chính trị tức là chấp nhận sự có mặt
của các tầng lớp, các nhóm có lợi ích khác nhau, có quan điểm chính trị
khác nhau, cùng tồn tại, hợp tác và đấu tranh. Chấp nhận đa nguyên chính
trị tức là đã chấp nhận đa đảng sẽ diễn ra ngay sau đó.
Dịp Tết 1990, vài tháng trước khi bị kỷ luật ra khỏi Bộ chính trị và
Ban chấp hành Trung ương Đảng, anh Trần Xuân Bách có sáng tác bài thơ
sau đây.
BÀI THƠ KHAI BÚT 1990
Ngày xuân nhớ cụ Tú Xương,
Cố nhân chính trực, đồng hương nghĩa tình.
Cố nhân chính trực, đồng hương nghĩa tình.
Lẳng lặng mà nghe tiếng nói dân.
Lấy dân làm gốc phải nghe dân.
Trí khôn thiên hạ không hề thiếu.
Chỉ sợ người ngu thích kẻ đần.
Lấy dân làm gốc phải nghe dân.
Trí khôn thiên hạ không hề thiếu.
Chỉ sợ người ngu thích kẻ đần.
Nhà thơ Hải Như đề nghị thay chữ “mình” cho chữ “người” ở câu cuối.
Anh Bách tiếp thu nhưng bảo, lấy làm tiếc vì đã phổ biến cho nhiều bạn
bè.
Chiều thứ 5, ngày 22 tháng 3 năm 1990, anh Bách gọi điện bảo tôi, 7
giờ tối đến nhà anh, có chuyện rất cần biết. Cả ba anh em, Lưu Văn Hân,
Phạm Văn Nhàn và tôi cùng đến. Trên lề đường trước nhà anh có nhiều
người mặc thường phục đứng trên vỉa hè săm soi số xe. Anh Bách vẫn ra
tận cổng đón chúng tôi. Chị Thịnh vẫn vui vẻ pha ca phê, gọt táo mời bạn
bè. Anh Bách kể chuyện Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khai mạc từ ngày
12-3. Anh đã bị phê phán rất dữ dội. Anh cho rằng, mình chắc chắn sẽ bị
đưa ra khỏi Bộ chính trị và Ban chấp hành Trung ương, thậm chí có ý kiến
đòi khai trừ anh ra khỏi Đảng. Tôi tỏ ý băn khoăn, chẳng lẽ lại có thể
xảy ra điều tồi tệ đến mức ấy, hoàn toàn trái với tinh thần đổi mới,
nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật của Đại hội 6? Anh Bách kể:
“Một đồng chí trong Bộ chính trị cho rằng, việc làm của đồng chí Trần
Xuân Bách đã khiến cho đồng chí, bạn bè hết sức lo âu, còn kẻ thù thì
vô cùng mừng rỡ”. Một người đã bị nhận xét tới mức đó thì làm sao có thể
còn trong Bộ chính trị, Ban chấp hành TƯ?”. Anh Bách cho biết nhận xét
đó không phải là ý kiến cá biệt, quan trọng hơn, đó là quan điểm của
tổng bí thư Nguyễn văn Linh. Chỉ có hai ủy viên Bộ chính trị, Nguyễn Cơ
Thạch và Võ văn Kiệt cho rằng, từ quan điểm “lấy dân làm gốc”, anh Bách
muốn công cuộc đổi mới phải “đi hai chân” để đất nước phát triển và Đảng
vững mạnh.
Hôm ấy, chia tay anh chị, chúng tôi buồn rười rượi, dù anh động viên:
“Cho dù sắp tới sự nghiệp đổi mới có bị khó khăn hơn. Tuy nhiên, cái gì
thuộc về quy luật, xu thế thì nó vẫn cứ đi tới, dù có chậm lại”.
Ngày 27-3-1990 Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa 6, thông qua Nghị quyết có những nội dung quan trọng như sau:
“Nghị quyết đã chỉ ra tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng ở các
nước xã hội chủ nghĩa đối với nước ta, trước hết là về các mặt chính
trị, tư tưởng: Một số người hoài nghi chủ nghĩa xã hội, giảm lòng tin
đối với Đảng và nhà nước; một số cán bộ, đảng viên tiếp nhận những tư
tưởng, quan điểm sai lầm về cải tổ, cải cách của nước ngoài một cách máy
móc, giáo điều; một số ít phần tử cơ hội bất mãn đang đẩy mạnh hoạt
động chống lại sự lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên chính trị, đa Đảng,
đòi dân chủ không giới hạn…”
“Hội nghị nhận định: Đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch đang coi nước
ta là một trọng điểm chống phá, ráo riết thực hiện âm mưu diễn biến hòa
bình bằng những thủ đoạn kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa và quân
sự rất thâm độc. Cuộc đấu tranh giai cấp giữa cách mạng và phản cách
mạng, giữa hai con đường chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, giữa ta
và địch trên phạm vi thế giới, ở nước ta và ba nước Đông Dương đang diễn
ra gay gắt, quyết liệt và phức tạp”…
“Việc Bộ chính trị và Ban Bí thư tự phê bình và Trung ương góp ý kiến
phê bình Bộ Chính trị, Ban Bí thư được tiến hành một cách nghiêm túc,
dân chủ, thẳng thắn, chân thành và thân ái, với tinh thần trách nhiệm và
xây dựng, đã góp phần tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong Trung
ương.”
“Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương khóa 6 đã quyết định
cách chức Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương, Ủy viên Ban chấp hành
Trung ương Đảng đối với đồng chí Trần Xuân Bách vì đã vi phạm nghiêm
trọng nguyên tắc tổ chức và kỷ luật của Đảng, gây ra nhiều hậu quả xấu”.
Sau khi anh Bách bị cách chức, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch xin nhận anh
về làm cán bộ nghiên cứu của Bộ Ngoại giao. Nhưng lúc này chính cái ghế
của Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cũng đang lung lay. Cũng như
Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch hiểu rất rõ nguyên nhân suy sụp của chủ
nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là thiếu dân chủ, vi phạm nhân quyền,
trái với xu thế thời đại. Nguyễn Cơ Thạch có quan điểm, về đối nội phải
dân chủ hóa xã hội, đối ngoại cần mau chóng quan hệ bình thường với Hoa
Kỳ và thế giới dân chủ. Trong khi đó, Tổng bí thư Nguyễn văn Linh và
nhiều người trong Bộ chính trị cho rằng phe xã hội chủ nghĩa suy sụp là
do các thế lực thù địch đứng đầu là đế quốc Mỹ âm mưu phá hoại. Do đó,
để bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng phải cầu hòa với Trung
Quốc. Trung Quốc dù có tư tưởng bành trướng thì cũng vẫn là một nước xã
hội chủ nghĩa anh em. Để lấy lòng Bắc Kinh, Bộ chính trị đứng đầu là
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh loại bỏ Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch
một cách vô nguyên tắc, không cho tham gia đoàn cấp cao đi Thành Đô.
Sau khi Nguyễn Cơ Thạch bị loại, anh Bách cũng xin nghỉ việc.
Anh Trần Xuân Bách bị kỷ luật ít lâu thì phó TBT báo Nhân Dân Bùi Tín
nhân được cử đi dự họp báo Nhân Đạo, đã trả lời phỏng vấn đài BBC về
dân chủ hóa, bị báo Nhân Dân thi hành kỷ luật, và xin tị nạn chính trị
tại Pháp. Trong bài “Xa lộ thông tin chỉ còn lề phải”
tôi có tỏ ý tiếc “Phải chi anh Bùi Tín tiếp tục nói ở trong nước, dù
lời lẽ có nhẹ hơn đôi chút vẫn dễ được đồng bào lắng nghe”. Thời gian
trước và sau đó, ở trong nước, có nhiều tác giả với lời lẽ chân thành,
thẳng thắn với tư thế của người vừa là nạn nhân vừa là tội đồ, như
Nguyễn Kiến Giang (Các tiểu luận: Khủng hoảng và lối ra, Từ duy tân đến
đổi mới, Chủ nghĩa Mác – Lê nin còn lại những gì ; Tìm hiểu khái niệm
công dân, vv…); Trần Độ với Nhật ký rồng rắn, Nguyễn Hộ với Quan điểm và
Cuộc sống... Những bài viết ấy được đảng viên, cán bộ và nhân dân tìm
đọc, làm cho những người lãnh đạo bảo thủ lúng túng.
Sau 20 năm nhìn lại, so sánh kết luận của Nghị quyết TƯ 8 (khóa 6) và
ý kiến Trần Xuân Bách với thực tế đã diễn ra trên thế giới và trong
nước, sẽ không khó đánh giá bên nào đúng bên nào sai.
Tình hình thế giới:
Do duy trì quá lâu mô hình xô viết cho đến ngày sụp đổ đã khiến cho
nhân dân các nước Nga và Đông Âu cạn niềm tin đối với các Đảng Cộng sản
và cánh tả. Ở Liên bang Nga, suốt 20 năm qua, Đảng cộng sản, tổng bí thư
G. Zyuganov chỉ giành được tối đa khoảng 20% số phiếu trong các cuộc
bầu cử. Trong khi đó, Đảng nhân dân Campuchia khi chấp nhận “cuộc chơi”
đa đảng đã bị “lép vế”, nhưng nhờ giương cao ngọn cờ dân tộc, nay đã
giành được thế thượng phong trên chính trường đất nước. Hiện nay, đợt
sóng dân chủ lần thứ 4 đang cuộn cuộn, nước Miama gần sát Việt Nam đã
chuyển từ quân phiệt sang dân chủ.
Sau 20 năm tái lập quan hệ đồng chí, trên cơ sở “16 chữ vàng” và “4
tốt” với Trung Quốc, ta càng ngày càng bị họ dồn ép: Thành lập thành phố
Tam Sa bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa; mời thầu dầu khí ngay trên vùng đặc
quyền kinh tế của ta; xua hằng vạn tàu cá, tàu vũ trang vào vùng biển
Trường Sa; đòi “lấy máu người Việt Nam làm lễ tế cờ trong trận chiến Nam
Sa“!…
Kỷ niệm 10 năm Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ
(BTA), Chính phủ Việt Nam tuyên bố: “Việt Nam nhất quán chủ trương sẵn
sàng cùng Hoa Kỳ nổ lực đưa quan hệ hai nước Việt – Mỹ lên tầm cao mới.”
Ngày 2-8-2012 Thượng viện Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết ủng hộ vai trò
ASEAN trong vấn đề Biển Đông, ủng hộ Tuyên bố DOC năm 2002 giữa ASEAN-
Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực đóng góp vòng đàm phán thứ
13 Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình dương (TPP).
Tình hình trong nước:
Nghị quyết TƯ 4 (khóa 11) nhận định “Tình trạng suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng
viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”. Tham nhũng đã từ vài
“con sâu” trở thành cả “bầy sâu”. Sự khiếu kiện đất đai dai dẳng bởi nạn
cướp đất, đẩy nông dân tới bước phản ứng bằng bạo lực. Đội quân chủ lực
của cách mạng giải phóng dân tộc đã nãy sinh cựu chiến binh Đoàn Văn
Vươn làm bom tự tạo chống cưỡng chế phi pháp. Một trăm hộ dân Văn Giang
đương đầu với 1000 cảnh sát vũ trang. Giai cấp công nhân được mệnh danh
là giai cấp lãnh đạo, có đến 30% số người bị suy dinh dưỡng. Họ đã tổ
chức hơn 5000 cuộc đình công đòi tiền lương, cải thiện bữa ăn, nhiều
cuộc huy động từ 5000 đến 10.000 người, nhưng vẫn bị coi là bất hợp
pháp, vì không được sự chỉ đạo của công đoàn! Trí thức bị cấm phản biện
bằng Nghị định 97 của Thủ tướng. So sánh tư thế của nhà nước Việt Nam
với nhà nước Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản…trong cuộc đấu tranh chống
Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, người Việt Nam không khỏi hổ thẹn. Mỹ sẵn
sàng giúp Philippines bảo vệ chủ quyền, trong khi đó đòi hỏi Việt Nam
phải thực hiện dân chủ, nhân quyền làm điều kiện “thế chấp”!
Nghĩ về vận nước, không khỏi chua xót nhớ Trần Xuân Bách! Nguyện vọng
khoán hộ của Kim Ngọc tuy đã thành hiện thực, đưa Việt Nam vào hàng
nước xuất khẩu lương thực lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên cho đến nay,
người cày vẫn cánh cánh giấc mơ quyền sở hữu ruộng cày mà Qua Ninh và
Vân Đình (bút hiệu của Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp tác giả quyển Vấn
đề dân cày) đòi hỏi vẫn chưa được! Phải chăng tất cả đều còn phải chờ
đến khi tư tưởng Trần Xuân Bách trở thành hiện thực trong cuộc sống dân
tộc?
Ngày 20 -5 -2002 tại nhà anh Trần Xuân Bách ở Trung Tự (Hà Nội), nhà thơ Hải Như đã viết bài thơ tặng anh:
TRẦN XUÂN BÁCH
Chắc chắn lịch sử sau này sẽ dành một trang về anh,
- khách quan phán xử
Tôi chỉ xin lưu ý nhỏ mai đời:
Cái Trần Xuân Bách mất rõ rồi, nhưng còn cái được,
Tuyệt vời sao!
Chia sẻ tiếng sét giáng xuống đời anh,
Có một người đàn bà nguyện làm ngọn thu lôi vượt qua giông bão.
(Chúng ta từng sống một thời vô luân để 2 chữ “liên quan”
đè lên cơm áo).
Trần Xuân Bách. Anh là nạn nhân và cũng là tác giả tội ác.
Đúng không nào?
Trên chục năm dài lê thê con chim bằng gậm nhấm nỗi cô đơn.
Tâm hồn vẫn sáng trong không rũ buồn vì khép cánh.
Từ Sài gòn mỗi lần ra ghé thăm – tôi vui làm nhân chứng Một tình yêu…
Câu “Chúng ta từng sống một thời vô luân để hai chữ “liên quan” đè lên cơm áo”
tôi cảm thấy như chỉ trích riêng mình! Sau khi anh Trần Xuân Bách bị kỷ
luật, tôi còn tiếp tục làm tổng biên tập báo Lao Động 3 năm nữa, nhưng
không đến thăm anh một lần nào! Tôi tự bào chữa: Vì thời gian này tôi
phải liên tục đối phó với quá nhiều áp lực, chống đỡ cho tờ báo… Vì tôi
đặt tòa soạn báo Lao Động ở Sài Gòn; gia đình, vợ con tôi cũng ở Sài
Gòn, cho nên thời gian tôi có mặt ở Hà Nội rất eo hẹp… Nhưng mọi lý do
vẫn không đủ để cho tôi có thể từ chối một chữ “hèn”! Anh Hải Như an ủi:
“Mình biết, rất nhiều anh nhờ anh Bách mà leo lên “quyền cao chức
trọng”, nhưng sau khi anh bị kỷ luật, suốt bao năm có anh nào dám đến
thăm ông thày cũ của họ đâu! Cũng đừng trách họ hèn, bởi chúng ta phải
sống “một thời vô luân” mà!”.
Ngày anh Bách qua đời (1-1-2006), nhà thơ Hải Như viết bài “Vĩnh biệt người bạn cùng quê”, có 3 câu này:
“Tôi nhớ tới câu thơ hôm nào anh ghi tặng tôi:
“Bác Hồ là chúng ta khi chúng ta thật sự là chúng ta.”
“Ngày Anh đi xa, trên báo Nhân Dân, bạn đọc thấy những gì thuộc về anh đều được trả lại”.
Tôi muốn tuyên xưng “Bác Hồ là chúng ta” theo ý Trần Xuân Bách để
tiếp tục đưa Dân chủ, Tự do tới đích. Nhưng tôi không đồng ý với nhận
định “những gì thuộc về anh đều được trả lại”! Cho dù điếu văn có nhắc
lại tất cả công lao Trần Xuân Bách, cho dù đã kể ra đủ các loại huân
chương mà anh được trao tặng, cho dù cuối cùng, anh đã được nằm trong
nghĩa trang Mai Dịch, nơi chỉ dành riêng cho các vị đại công thần của
chế độ… nhưng tư tưởng cao cả mà Trần Xuân Bách hằng tâm nguyện và dám
hiến mình, đâu đã được trả lại?!
Tống Văn Công
(Trích hồi ký Làm báo, để nhớ 23 năm trước được gặp Trần Xuân Bách)
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 6-9-12