Cả ngày úp mặt vào chảo đến chín, mười giờ đêm chưa kịp tuốt lại cái
mặt còn nhầy nhầy dính dầu mỡ, ông bạn cựu giáo viên trường đảng cao cấp
cứ nheo nhéo gọi điện, giục sang nhà ngay. Chả là, hắn vừa đưa thằng
con trai về nghỉ hè ở Việt Nam. Nhân tiện dò đường làm ăn, nếu múc máy
được, hắn sẽ đổi lại quốc tịch và xin trở về cố quốc. Vừa trở lại Đức
chắc là có gì ấm ức lắm, nên hắn mới cuống cuồng như vậy. Tôi vừa bước
chân vào cửa, hắn đã chỉ tay vào đống sách trên bàn, miệng oang oang như
bổ vào mặt:
- Từ xưa đến nay, đứa trẻ còn mặc quần thủng đít cũng biết rành rọt,
diện tích lãnh thổ Việt Nam ta là ba trăm sáu mươi ngàn cây số vuông.
Thế mà bây giờ các cơ quan đo đạc, bản đồ quốc gia, sách báo công bố,
chỉ còn khoảng chừng gần ba trăm hai mươi ngàn. Vậy thử hỏi mấy chục
ngàn cây số vuông đất đai, máu thịt của cha ông để lại biến đi đâu?…
Rành tánh của nhau, nên tôi cứ để cho hắn bắn hết ra những ấm ức ở trong lòng. Khi hắn đã hạ hỏa, tôi vỗ vai:
- Cái này, ông phải hỏi các bác Hùng, Dũng, Sang, Trọng. Chỉ có họ mới biết nó biến đi đâu và tại sao?
Hắn lại nổi cơn điên:
- Ông là người viết lách, nên tôi gọi sang cùng nhau nghiên cứu, lên
tiếng, cứ thế này mất dần hết, mai mốt còn đâu quê hương, Tổ Quốc mà về.
Tôi goặc lại hắn:
- Một số nhà văn, nhà thơ, trí thức tên tuổi trong nước lên tiếng
khá gay gắt, nhưng nào có khác đàn gảy tai trâu, đá tõm ao bèo. Điềm
đạm, và o bế duy nhất mảng văn học như các bác lethieunhon,
trannhuong.com còn bị múc lên bờ xuống ruộng. Còn tôi chỉ là thằng viết
văn hạng tép riu, hì mũi, lại sống xa vạn dặm, ăn thua gì mà lên với chả
tiếng.
Thừ người ra một lúc, hắn hạ giọng, có còn hơn không, thế này ấm ức
chịu không nổi. Rồi hắn lẩm bẩm, cái thời nhà văn Phùng Gia Lộc viết
“Cái Đêm Hôm Ấy…Đêm Gì“, những bẩn thỉu, đê tiện, thối nát nó còn ẩn náu
đâu đó trong bóng tối. Bây giờ, Phùng Gia Lộc sống lại, nhìn thấy những
cảnh nhiễu nhương, bỉ ổi gấp trăm ngàn lần, nó trắng trợn giữa thanh
thiên bạch nhật này, bảo đảm ông phải đảo lại bút ký với “ Cái Ngày Hôm
Nay…Ngày Gì“. Tôi cười:
- Từ trước đến nay, ông là người lạc quan, về Việt Nam có ít ngày, sao thấy bi quan quá vậy?
Gãi đúng chỗ ngứa, hắn phun tiếp, hơn chục năm mới có điều kiện về
thăm quê, rất hồi hộp, phấn khởi, bước xuống sân bay. Nhưng những ánh
mắt mang hình viên đạn, khi làm thủ tục nhập cảnh, hải quan gây cho hắn
cảm giác hụt hẫng và mất hứng. Xe người nhà ra đón, bị tắc đường, đến
muộn. Dưới cái nắng hầm hập, hai bố con hắn ngơ ngác, bị mấy ông không
biết taxi đểu hay thật chèo kéo đẩy qua đẩy lại. Thằng con lần đầu biết
đến quê hương, không hiểu tưởng giật đồ, đánh nhau. Sợ quá, nó đòi quay
trở lại Đức ngay.
Miền quê Hưng Yên của hắn, đang sục sôi cảnh cưỡng chế, cướp giật đất
đai. Đêm ngủ nghe tiếng chân người huỳnh huỵch, tiếng bàn luận, tiếng
hò hét, chửi bới sôi sùng sục còn hơn những đêm chống Tây càn thuở
trước. Gần sáng, vừa chợp mắt một chút, thằng cháu, (nguyên là cảnh sát
phòng chống ma túy, lại mắc nghiện trong một lần hóa trang đánh án, bị
sa thải, tôi đã viết thành truyện ngắn- Chuyện Ở Quê) khôn không ra
khôn, ngẫn không ra ngẫn, giật giật chân hắn, bảo dậy uống trà, nói
chuyện. Hai đêm như vậy, bố con hắn kinh quá, chuồn thẳng về Hà Nội.
Gặp lại bạn bè cũ, thằng nào cũng nhà cửa, ô tô cáu cạnh, kim cương,
vàng bạc đeo như dây thừng đánh lọng ở cổ. Bụng to như đàn bà chửa, mặt
lúc nào cũng phừng phừng, bóng nhẫy, không thằng nào chịu uống bia nặng
bụng, nhà quê rồi, chỉ quất duy nhất một loại rượu ngoại đắt tiền. Chúng
nó ăn, chúng nó nốc, để bù lại những ngày đói vàng mắt, rát khô cổ,
đứng trên bục, thao thao giảng lý luận Mác-Lê, trước cả đám bí thư, chủ
tịch các quận huyện đang gà gật, với những lót tay, thù lao ngô, khoai,
sắn. Giờ này, chúng nó đang sống gấp với những đồng lương cao ngất của
đảng, những bì thư dầy cộm Dollars, ngoại tệ, từ những học viên quan lộ
đang thẳng tiến, lắm tiền, nhiều của, sau những giờ hướng dẫn luận văn
từ ông cử đến ông đốc chánh trị. Thế mà khi hỏi về tình hình Trường
Sa-Hoàng Sa, những sóng gió đất đai Tiên Lãng, Vụ Bản và Hưng Yên quê
hắn, thằng nào cũng ấp úng như gà mắc tóc. Bị truy, khùng lên, chúng nó
văng tục, ôm rắc rối vào người làm đ. gì, việc đó đã có anh Hùng Dũng
Sang Trọng lo. Có rượu cứ việc uống…nào..trăm phần trăm ..dô..dô..
Có lẽ đồ ăn quá bẩn, nên thằng con hắn bị đau bụng phải vào bệnh viện
cấp cứu, thấy thằng bạn thân phát phong bì từ bác sỹ cho đến y tá, hộ
lý cứ như người ta đang rải werbung quảng cáo vậy. Hắn trố mắt nhìn.
Thằng bạn cười cười, lạ lắm hả, ở Việt Nam bây giờ nó thế!. Hắn phải đổi
vé trở lại Đức sớm hơn dự định. Bữa nhậu tiễn bố con hắn, chỉ có mấy
thằng bạn giáo viên cùng trường, kéo đến hai, ba giờ sáng. Nhìn hóa đơn
ngốn hết gần một tháng công sức úp mặt vào chảo, hắn hơi bị giật mình.
Đang lúng úng đếm tiền, thằng ở bộ môn lịch sử đảng, ngồi cạnh, gạt tay
hắn, bảo, cất những đồng tiền mắm muối của mày đi. Nó móc tập tiền ở túi
quần, đánh xoạch, xỉa vào mặt mấy em chân dài, còn thừa cho các em chia
nhau.
Hắn đã bỏ ý định trở về nơi cố quốc. Hắn bảo, Việt Nam bây giờ như
một cái tổ ong đã vỡ. Con người đang trèo đầu cỡi cổ, giẫm đạp lên nhau
mà sống. Mắt hắn rân rấn như có nước. Ngồi trên sofa mà lưng hắn cụp
xuống. Hình hài của thằng bạn giáo viên đã đào tạo ra nhiều lãnh đạo của
đảng, nhìn lúc này thật tội nghiệp.
Vâng, tổ ong đã vỡ, quan hệ xã hội, tình người điên đảo, những chính
sách nhà nước đã lộn tùng phèo, rối như canh hẹ. “Tầm nhìn vĩ mô, đại mô
đến năm này… năm kia“ của những người trên miệng có gang có thép, ra rả
trên đài là thuật ngữ(hay ma ngữ) đao to búa lớn che đậy những công
trình hút kiệt máu dân nghèo. Một thợ làm toán Ngô Bảo Châu đã được bế
vào cái viện toán CAO CẤP trong khi đại đa số những người dân đang có
mức sống HẠ CẤP. Loại trừ những cán bộ đảng viên có chức quyền, những kẻ
buôn gian, trốn thuế, những kẻ đào tường khoét vách là có mức sống cấp
cao. Một viện bảo tàng nữa đang nhe răng nhăm nhăm nghiền nát nhiều ngàn
tỷ đồng xương máu của nhân dân. Các bác lãnh đạo vẽ ra cái bảo tàng này
nhằm mục đích gì? Khi hàng trăm các công trình văn hóa lịch sử đang bị
tàn phá không thương tiếc. Nhiều thế hệ học sinh, sinh viên dốt sử,
không biết sử. Thật là xấu hổ khi phải viết ra điều này, nhiều bạn trẻ
tưởng Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng là Tôn Quyền ở
bên Đông Ngô trong phim Tam Quốc, khi được hỏi. Nếu chúng ta không lấp
được khoảng trống kia, một hay hàng trăm bảo tàng nữa cố tình xây lên,
nó chỉ là nấm mồ chứa những xác chết không hồn.
Ngay cái giải thưởng Nhà Nước, giải thưởng Hồ Chí Minh là nơi tập
chung tinh hoa, trí thức bậc nhất của đất nước, nó đã thể hiện sự coi
thường tổ quốc, dân tộc. Ở đây, tôi không bàn đến tốt xấu, công lao của
những cụ Diệm, cụ Hồ. Nhưng một cá nhân, dù có là thánh nhân đi chăng
nữa cũng không thể đặt trước TỔ QUỐC và NHÂN DÂN. Thánh nhân cũng phải
từ nhân dân mà ra. Do vậy, giải thưởng Hồ Chí Minh sang trọng, giá trị
to lớn hơn giải Nhà Nước là việc làm lộn ngược, không chính danh của
những người đẻ ra cái giải này.(Trừ khi nhà nước không phải của nhân
dân). Không biết các vị trong ban tổ chức giải, và các vị đã ẵm giải có
nhận ra điều này hay không? Hay các vị cố tình ngậm miệng ăn tiền? Tôi
chỉ là một công nhân bình thường, với công việc cả ngày úp mặt vào chảo,
nhưng ngứa mồm chịu không nổi, nên phải nói ra điều này. Nếu suy nghĩ
trên không đúng, tôi rất mong nhận được sự giải thích của quí vị.
Giận quá đâm mất khôn, nên bác Dũng (Thủ Tướng) ra cái công văn xử lý
mấy thằng báo mạng, chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng. Không
biết ngày xưa bác học hành ra sao, nhưng em có thể khẳng định, bác ít
đọc sách và nghiên cứu lịch sử. Tào Tháo thừa tướng nước Ngụy, (chức
thừa tướng ngang với chức thủ tướng bây giờ của bác) bị văn sỹ Trần Lâm
thay mặt Viên Thiệu, viết hịch chửi đến ông tổ ba đời của Tào Tháo. Chửi
độc đến nỗi Tào Tháo đang nằm dưỡng bệnh phải toát mồ hôi, tức đến bật
dậy làm cho căn bệnh đau đầu cũng hết luôn. Thế mà khi Tào Tháo diệt
được Viên Thiệu, bắt sống Trần Lâm, nén giận tha chết, còn phong tước
cho. Hay văn sỹ Nễ Hành tụt quần trước mặt Tào Tháo và chửi rủa, nhưng
Tào Tháo vẫn không giết lại còn trọng dụng cử đi làm sứ thần. Làm chính
khách quả thật không phải dễ, ngoài sự mềm mỏng ra, còn phải có lòng vị
tha. Đằng này, có một vài tiếng nói khác, bác đã vội vàng ra cái công
văn trên. Mấy thằng thù địch, diễn biến hòa bình, nó lợi dụng sơ hở này,
bù lu bù loa, cào mặt ăn vạ chính phủ ta không tự do, dân chủ, bóp
nghẹt báo chí. Nhất là cái thằng tổ chức phóng viên có biên, không biên,
mũi lõ mắt xanh gì đó, chộp cơ hội này chọc ngoáy làm phiền trong lúc
nước sôi lửa bỏng, các ngân hàng, tập đoàn kinh tế của bác như những quả
bom tấn đang nổ. Mấy thằng quan hay dân làm báo chỉ là những con tép
riu, việc gì bác phải mang dao mổ trâu ra để mần thịt. Bác chỉ cần sai
anh Huynh (Đinh Thế Huynh) chỉ đạo mấy trăm tờ báo nhà ta oánh chúng nó
là tơi bời khói lửa rồi. Có một điều em hơi lo, mấy thằng này, chúng nó
lẩn như trạch, có khi nó lại ở nước ngoài, mần nó không được, nhiều khi
lại rách việc, bẽ mặt. Nhưng tự nhiên em lại nghĩ ra cái chiêu đơn giản,
bác đã sử dụng rồi, trong lúc bối rối có lẽ bác quên phéng đi chăng.
Bác cứ nhử chúng nó về, ấn vào mồm mỗi thằng một căn hộ triệu đô, như đã
ấn vào miệng anh thợ làm toán Ngô Bảo Châu trước kia. Nếu chúng nó há
mồm, nuốt như anh thợ làm toán này, thì coi như đã diệt được tận gốc, đó
là phương pháp ít ầm ĩ nhất. Bác cứ cho anh chánh Đam lại làm thử một
lần nữa xem sao.
Sáng sớm nay đang ngồi viết bài này, ông bạn trường đảng bấm chuông,
thất thểu vào bảo, đêm qua hắn mơ, một giấc mơ vô cùng kinh hãi. Không
hiểu sao, hắn đi lạc vào một ngôi nhà có rất nhiều người bị giam giữ.
Trông coi họ là một nhóm hơn chục tên, nhưng lại có một bộ mặt rất kỳ
quái. Thỉnh thoảng mấy tên gác lại mang một vài người ra hỏi buộc họ
phải đáp, để trò tiêu khiển. Người trả lời đúng bị chúng đánh cho đến
chết, thấy vậy người sau tưởng trả lời sai sẽ thoát, nhưng chúng vẫn đem
ra hành quyết. Đến lượt người câm, chúng hỏi, người câm chỉ lắc. Chúng
đánh, máu me đầy mình người câm cũng chỉ ú ớ, lắc gật. Chúng khen và
thưởng cho đồ ăn rồi băng bó vết thương cho anh. Đến lượt, hắn tự nhủ dù
có đánh thật đau cũng giả câm, chỉ lắc và gật. Mấy cú đấm đầu tiên hắn
còn ú ớ ráng chịu đựng, về sau dồn dập đau quá, hắn chịu hết nổi, hét ầm
lên. Vợ hắn nằm cạnh giật mình, thúc cùi chỏ vào mạng sườn, hắn mới
tỉnh hẳn.
Tôi bảo, theo các cụ nhà ta, mơ thấy người chết là điềm lành đấy!
Hắn phủi đít đứng dậy, lẩm bẩm, lành lành cái con khỉ.
Đức quốc- 18-9-2012
© Đỗ Trường
© Đàn Chim Việt