Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Bà Romney, bà Obama

12bếnnước: Bao giờ thì nhân dân VN mới được nhìn rõ những phu nhân đứng sau những người lãnh đạo đất nước, họ người thế nào? Hình ảnh của những người đàn bà sẽ cho người dân thấy được người đàn ông được giao phó trọng trách lãnh đạo đất nước ra sao.  Câu nói xưa khi nhìn vào người đàn ông "Tề gia trị quốc bình thiên hạ" vẫn không sai khi nhìn vào gia đình của người lãnh đạo và người đàn bà đứng sau họ.  Một khi hình ảnh hoạt động của những người vợ chỉ được nhìn rõ sau khi chồng của họ đã làm lãnh đạo, có thể là một sai lầm rất to lớn khi chính những người đàn bà ấy chỉ lợi dụng quyền thế của chồng để làm lũng đoạn kinh tế của đất nước. 

Nguyễn Văn Khanh

Ảnh newsinfo
Khoảng 3 giờ rưỡi chiều thứ Hai, bà Michelle Obama bước vào hội trường. Đi phía trước là ông đạo diễn và dàn phóng viên thu hình, phía sau vẫn là cô thư ký riêng trên vai đeo hai chiếc sách tay màu đen khá to chưa đầy giấy tờ. Đi sau cùng là những nhân viên của chính phủ được giao phó trách nhiệm bảo vệ cho Đệ Nhất Phu Nhân.
Vừa đưa tay chào mọi người, bà vừa đi thật nhanh lên diễn đàn, nơi tối hôm nay (thứ Ba, mùng 4 tháng Chín 2012) bà sẽ đọc bài phát biểu nói chuyện gia đình cho khoảng 25.000 đại biểu và quan khách nghe. Như tất cả những diễn giả khác, bà đứng trước micro, đưa mắt nhìn bên phải, bên trái, đặt các câu hỏi cần thiết và lắng nghe câu trả lời cũng như các đề nghị của ông đạo diễn để phần thâu hình sao cho thật suôn sẻ.
Hình ảnh này làm mọi người nhớ lại hình ảnh tuần trước, cho dù có rất nhiều khác biệt.
Tuần trước là Tampa, nơi tổ chức Đại Hội Đảng Cộng Hòa, lần này là thành phố Charlotte, nơi tổ chức Đại Hội Đảng Dân Chủ. Tuần trước là bà Ann Romney, một phụ nữ da trắng, tuần này là bà Michelle Obama, một phụ nữ da đen. Bà Romney sinh trưởng trong một gia đình khá giả, bà Obama lớn lên trong một gia đình chỉ ở mức trung lưu. Bà Romney có chồng thành công trong sinh hoạt thương mại nên không phải vất vả kiếm sống, bà Obama từng có lúc là người đi làm kiếm tiền nuôi cả gia đình, để chồng có cơ hội tham gia các hoạt động cộng đồng và gây dựng sự nghiệp chính trị.
Ngay cả sinh hoạt chính trị của 2 bà trong những ngày đại hội đảng diễn ra cũng khác nhau. Bà Ann nói với đài FoxNews là sẽ vặn TV “để xem Tổng Thống Obama nói gì” ở Đại Hội Đảng Dân Chủ, cũng như “nóng lòng chờ xem bài phát biểu của bà Michelle”. Đương kim Đệ Nhất Phu Nhân thì ngược lại, cho hay “là vợ đối thủ chính trị của họ, tôi không có ý định vặn TV xem họ làm gì”. Điều giống nhau: hai bà đều nói chuyện về gia đình, hai ông chồng đều nuôi hy vọng thành công trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào đầu tháng 11 năm nay.
“Chính trị Mỹ có những điểm rất lạ”, một bà đại biểu đeo bảng tên Linda ở Alabama nói với bạn bè đứng gần đó. “Không ai bầu phó tổng thống, cũng chẳng ai bầu đệ nhất phu nhân, nhưng 2 người này đều giữ vai trò rất quan trọng trong cuộc vận động tranh phiếu cho người số 1 là ứng viên tranh cử tổng thống”. Vì thế “bài phát biểu của người đứng phó nói về chính sách và bài phát biểu của bà vợ nói về ông chồng đều được chú ý tới”, tức thuộc dạng “phải nghe, không thể bỏ qua”.
Hình như chưa có cuộc thăm dò nào so sánh giữa bài nói chuyện của ông phó và bài nói chuyện của bà vợ ứng cử viên, bài nào quan trọng hơn, nhưng rõ ràng những bài phát biểu của các bà vợ ứng cử viên tranh chức tổng thống “giúp cử tri hiểu biết rõ hơn về người có thể sẽ lãnh đạo quốc gia”, theo nhận xét của bà Cindy Crowley làm việc với đài CNN. Bà Crowley chia sẻ nhận xét với các đồng nghiệp: “cả bài của và Ann lẫn bài của bà Michelle đều nói về người bạn đường của mình, nhưng mọi người ai cũng biết và có thể dựa theo đó, họ sẽ bỏ phiếu chọn người lãnh đạo quốc gia”.
Nhận xét này cũng chính là nhận xét của nhà báo Jodi Kantor, tác giả quyền sách bán rất chạy mang nhan để “The Obamas”, viết về chuyện của ông Barack và bà Michelle, từ ngày đầu họ gặp nhau cho đến ngày ông trở thành vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ. Tuần rồi khi trả lời phỏng vấn của đài phát thanh NPR, ký giả Kantor đang viết cho tờ The New York Times nói rằng “2 ông có thể chỉ trích lẫn nhau”, nhưng điều cấm ky là không được “đụng đến các bà”, không đem chuyện gia đình của đối thủ ra làm đề tài tranh cử.
Bà Ann Romney, 63 tuổi, sinh trưởng trong một gia đình thành công về thương mại, cải đạo theo chồng, ở nhà trông nom, dạy dỗ 5 cậu con trai, sinh hoạt rất chặt chẽ với học đường và các tổ chức xã hội. Bà Michelle Obama, 48 tuổi, tốt nghiệp đại học Princeton và Harvard, từng có lúc đi làm nuôi chồng, khi trở thành đệ nhất phu nhân đã dùng vai trò của mình để thực hiện nhiều chương trình mang tính công ích, như chương trình giúp đỡ gia đình binh sĩ và chương trình khuyến khích trẻ em ăn uống chừng mức để tránh chứng mập phì. Những người thân với gia đình Romney xem bà Ann là mẫu người tiêu biểu cho thành phần phụ nữ “truyền thống”, hiền hòa, điềm đạm, tất cả dành cho chồng con và đàn cháu nội; những người thân với gia đình Obama gọi bà Michelle là mẫu người tiêu biểu cho phụ nữ của thế kỷ 21, vẫn hết lòng cho chồng con, vẫn chu toàn trách nhiệm đối với gia đình, nhưng rất năng nổ trong các hoạt động ngoài xã hội.
Chắc chắn cử tri Hoa Kỳ nóng lòng muốn xem 2 bà nói chuyện, -một phần vì người Mỹ thích nghe chuyện “thâm cung bí sử”, một nhà báo đến từ Nhật Bản vừa cười vừa nói-. Tuần trước họ đã được nghe bà Ann kể câu chuyện của chính bà, của một cô gái mới lớn và mối tình đầu với ông Mitt, người mà bà vẫn yêu say đắm như những ngày đầu gặp nhau, hãnh diện bảo “đó chính là tình yêu”. Hôm nay, cử tri Mỹ sẽ có dịp nghe bà Michelle kể chuyện đời tư, có lẽ bà sẽ đầu bằng cuộc gặp gỡ với một anh sinh viên mới ra trường tên Barack, và biết đầu sẽ kết thúc bằng câu “mãi mãi anh vẫn là người tình trăm năm”.
Nhưng đừng quên chuyện tình yêu 2 bà kể cho mọi người nghe chỉ để dẫn về một điểm: “chỉ chồng tôi mới xứng đáng đón nhận lá phiếu của quý vị”.
© Đàn Chim Việt

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"