Trịnh Kim Tiến
Ngày 06/06, một lần nữa gia đình chúng tôi nhận được giấy triệu
tập của tòa án thông báo về lịch xử phúc thẩm vụ án liên quan đến cái
chết của bố tôi - ông Trịnh Xuân Tùng.
Phiên tòa sẽ diễn ra vào 8 giờ ngày 18/06/2012, tại trụ sở
Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại số 48 phố Lý Thường Kiệt, quận
Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đây là lần thứ 3 gia đình chúng tôi nhận được thông báo về những
phiên tòa, nhưng là lần đầu tiên cầm giấy triệu tập trên tay mà chúng
tôi cảm thấy họ có sự nghiêm chỉnh và tôn trọng người dân.
Những ai quan tâm đến vụ án, chắc hẳn vẫn nhớ rõ những sai sót không
thể tin được trong thủ tục tố tụng của phía tòa án qua phiên xử sơ thẩm
và phiên tòa phúc thẩm hoãn lại vừa qua.
Trong phiên tòa sơ thẩm đầu tiên, mẹ tôi, vợ nạn nhân đã không được
gửi giấy mời khiến tôi phải viết ra những điều lo lắng trong sự hồi hộp,
trông chờ:
“Quá đau đớn trước nỗi đau mất chồng,
không còn đủ tinh thần, mẹ tôi đã ủy quyền cho tôi để giải quyết các thủ
tục dân sự liên quan đến vụ việc. Phải chăng vì lý do này mà Tòa án
tước luôn quyền tham gia phiên tòa với tư cách là người đại diện hợp
pháp của mẹ tôi?
Như tôi đã từng lo sợ, đây có thể sẽ là một vụ án nạn nhân bị
đánh chết mà ngay đến cả vợ nạn nhân cũng không được tham dự phiên tòa?”.
Rồi chúng tôi lại thêm nỗi lo khi mà tên họ rồi địa chỉ trong giấy
mời nhầm lẫn và sai sót quá nhiều, dù làm đơn yêu cầu trả lời rõ ràng
nhưng cũng không nhận được câu trả lời.
Sau đó qua đấu tranh, gia đình tôi và họ hàng cũng được vào bên trong
tham dự phiên xử, nhưng bản án sơ thẩm đó vẫn vi phạm nghiêm trọng thủ
tục tố tụng hình sự vì tòa án sơ thẩm đã không triệu tập những người làm
chứng khách quan là người dân xung quanh nơi xảy ra sự việc tham gia
phiên tòa. Khi vắng mặt người làm chứng, luật sư và gia đình đề nghị
hoãn phiên Tòa để triệu tập người làm chứng nhưng Tòa án vẫn cố tiến
hành xét xử bất chấp sự vắng mặt của nhân chứng.
Bản án sơ thẩm là một chà đạp lên công lý nên ngày 20/01/2012, gia
đình chúng tôi đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm của
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ngày 13/01/2012.
Tuy nhiên, trong phiên tòa phúc thẩm ngày 14/05/2012 vừa qua, một lần
nữa những sai phạm tiếp diễn, khi mà gia đình tôi chỉ nhận được một
giấy triệu tập duy nhất, triệu tập một mình bà nội tôi đã 90 tuổi đến dự
phiên tòa. Sau đó tại Tòa chúng tôi đã được thư ký Tòa giải thích có lẽ
là do đường văn thư nên xảy ra trục trặc. Chúng tôi đã phải đấu tranh
kịch liệt để 4 người nhà chúng tôi được vào bên trong phiên tòa tham gia
tố tụng nhưng chúng tôi vẫn yêu cầu hoãn lại phiên tòa vì đến em ruột,
chị ruột của bố tôi cũng không được quyền tham dự phiên tòa.
Phiên tòa phúc thẩm ngày 14/05/2012 được công bố là một phiên tòa mở
nhưng cách hành xử thì không khác nào xử kín, đến các phóng viên cũng
không được phép tham dự. Tôi xin khẳng định lại một lần nữa, vụ án liên
quan đến cái chết của bố tôi không thuộc diện xử kín theo điều 18, Bộ
luật Tố tụng hình sự đã quy định.
Quan trọng hơn là trong phiên tòa, ngoài gia đình tôi, gia đình bị
can, và một nhân chứng xe ôm thì ngoài ra không có thêm một ai liên quan
đến vụ án có mặt tại Tòa. Toàn bộ cán bộ trực ban cùng dân phòng phường
Thịnh Liệt, nhân chứng tại nơi xảy ra sự việc đều vắng mặt. Gia đình
chúng tôi không muốn tham gia một phiên tòa mà như một cuộc cãi vã tay
đôi nên đã quyết định yêu cầu hoãn phiên tòa dù đã bao ngày chờ đợi.
Tôi chưa nói đến bản án hay quá trình tố tụng diễn ra phiên tòa,
nhưng một phiên tòa đúng nghĩa thực sự phải là một phiên tòa công khai
minh bạch và những người liên quan đến vụ án phải được triệu tập đầy đủ
và phải có mặt để được đối chất trực diện.
Lần này, dù chưa biết phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra như thế nào,
nhưng dẫu sao chúng tôi cũng cảm thấy được tôn trọng hơn khi nhận được
trực tiếp những thông báo triệu tập từ thư ký Tòa. Sau bao nhiêu công
sức và thời gian tranh đấu của gia đình tôi với sự hỗ trợ của bạn bè
cũng như sự lên tiếng của dư luận, có vẻ như tòa án lần này đã biết tôn
trọng người dân hơn, làm đúng với thủ tục mà pháp luật quy định.
Tôi mong rằng mọi người đừng bao giờ buông tay, từ bỏ quyền lợi chính đáng của mình. Tôi đã đọc được một câu châm ngôn “Đừng
thất vọng khi bạn vẫn còn có gì đó để cống hiến. Không có gì thật sự
chấm dứt cho đến khi bạn dừng lại không muốn cố gắng nữa”.
Có lẽ vào mỗi thời khắc chúng ta chưa đạt được những mong ước sau
cùng cho một nền công lý đúng nghĩa được hồi sinh trên đất nước chúng
ta. Nhưng cũng ở chính mỗi thời khắc này, trong nỗ lực kết hợp của nhiều
người cho ước mong chung đó, chúng ta có thể cảm nhận được những thành
quả của cuộc đấu tranh phục hồi công lý. Mỗi thành quả dù nhỏ bé nhưng
nó như những viên gạch lót nền, thiếu nó sẽ không có được một ngôi nhà
công lý vững chãi của tương lai.
Vụ án Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh chết bố tôi không nằm
trong phạm vi riêng tư của gia đình chúng tôi. Ngày hôm nay chúng tôi
không còn đi tìm công lý riêng cho bố mình. Vì là một nạn nhân, chúng
tôi hiểu rõ hơn ai hết, công lý cho riêng mình sẽ chẳng có ý nghĩa gì
khi mà cả đất nước đang thiếu vắng công lý.
Justice for all - Công lý cho tất cả!