Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Rùng mình xã 500 cán bộ ở Thanh Hóa

Dân nghèo è cổ nuôi cán bộ

Cán bộ xã, thôn đông quá, ngân sách lại không đủ trả lương nên ở nhiều nơi thuộc tỉnh Thanh Hóa, chính quyền xã bắt dân nghèo è cổ đóng góp nuôi cán bộ.

Góp thóc nuôi cán bộ ăn không ngồi rồi

Xã Quảng Vinh (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) có 15 thôn, 2.000 hộ, 9.500 dân. Suốt quá trình đi thực tế để thực hiện loạt bài này, chúng tôi chưa thấy nơi nào nhiều cán bộ xã, thôn như ở Quảng Vinh. Phải mất gần một tiếng đồng hồ, tôi và ông Dư Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã mới thống kê hết số cán bộ xã lẫn thôn ở Quảng Vinh. Mất thời gian là thế nhưng cũng chẳng thể đưa ra được con số chính xác vì bản thân vị Phó Chủ tịch xã không nhớ được. Ông chỉ áng chừng khoảng 500 người gì đó, cả xã và thôn.

Cán bộ đông như châu chấu nhưng ngày làm việc mà trụ sở xã Quảng Vinh vắng tanh
Thuộc diện xã loại 1 theo Nghị định 92 của chính phủ nên Quảng Vinh có tới 23 cán bộ được biên chế và 22 cán bộ bán chuyên trách. Ngoài 45 cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách này, xã còn có thêm 7 người làm phó các đoàn thể, cán bộ đài truyền thanh, kế toán phụ, văn phòng đảng ủy, ban liên lạc TNXP… Số cán bộ đông kỷ lục, ông Tâm bảo rằng, cứ trên có chức danh gì thì cứ theo ngành dọc mà bổ nhiệm cho tới tận từng thôn. Thành thử có nhiều người ở thôn được gọi là cán bộ nhưng họ làm gì thì Phó Chủ tịch xã như ông cũng không thể biết.
Xã Quảng Vinh có tới 3 ông bảo vệ. Một ông bảo vệ trụ sở xã, một ông bảo vệ tượng đài liệt sĩ (dù tượng đài nằm ngay cạnh ủy ban) và một ông bảo vệ các trạm bơm thủy lợi. Đây cũng là xã mà cán bộ các đoàn thể phủ tận các thôn, đầy đủ không thiếu một người. Cứ một thôn có 2 người tham gia phụ trách hoạt động của một đoàn thể. Đoàn thanh niên, hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh… 7 đoàn thể, tức có khoảng 14 cán bộ lĩnh vực này ở một thôn. Cộng thêm Bí thư, trưởng thôn, phó thôn… nữa cũng xấp xỉ 20. Chưa hết, đông nhất ở Quảng Vinh là đội ngũ cán bộ phục vụ an ninh. Ngoài trưởng và 2 phó công an, xã còn có thêm 15 tổ an ninh trật tự đóng ở 15 thôn. Mỗi tổ 3 người, công an viên làm tổ trưởng, cộng thêm lực lượng dân quân 22 vị nữa là 67 người.
Theo Nghị định 92 của Chính phủ, chỉ có cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách thì nhà nước trả lương, còn cán bộ phát sinh xã phải tự trả phụ cấp cho họ. Được biết, mỗi năm xã Quảng Vinh thu ngân sách tất tần tật chỉ có 400 triệu, vậy tiền đâu để chi trả cho bộ máy cán bộ quá khổng lồ hiện tại? Xin thưa, bắt người dân đóng góp là chính. Điều này đích thân ông Tâm dù không muốn cũng phải thừa nhận: Vì ngân sách không có nên xã phải bắt người dân đóng góp.
Người dân xã nghèo Quảng Vinh phải góp thóc để nuôi bộ máy cán bộ khổng lồ
Nông dân Quảng Vinh còn nghèo lắm, số hộ nghèo còn tới 30,6%. Trang trải cuộc sống hàng ngày đã khó huống hồ phải đóng góp để nuôi cán bộ. Nhưng không đóng không được, bởi tất cả các khoản đều được quy ra thóc, dân không tự nguyện thì cán bộ lấy lúa ngoài đồng. Đừng có hòng chạy thoát. Mà giả sử có chạy đợt này thì xã lại ghi vào sổ nợ rồi cho người đòi liên tục, đòi đến lúc nào thanh toán đủ mới thôi.
Đau ở chỗ, hầu hết cán bộ sống bằng nguồn thóc lúa của dân lại chẳng phải do dân bầu. Những chức danh như đoàn thôn, cán bộ phụ nữ thôn… đều theo ngành dọc, cơ cấu lên làm. Mỗi thôn 2 người phụ trách bất kỳ đoàn thể nào cũng được hưởng phụ cấp 200 cân thóc một năm. Tổng cộng hàng năm xã Quảng Vinh phải chi trả 105 triệu đồng, chỉ riêng cho cán bộ đoàn thể cấp thôn. Ngoài ra, ở các tổ an ninh trật tự, cứ hai an ninh viên thì bằng phụ cấp công an viên, còn riêng 22 vị dân quân tự vệ, mỗi năm phải trả cho họ 44 triệu đồng…
“Tất cả phụ cấp cho những cán bộ như thế đều được tính bằng thóc. Cứ đến hạn nhận lương là họ lấy tiền theo giá thóc thị trường. Còn xã phải thu phí từ hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân vì ngân sách quá ít ỏi, không gánh nổi. Xã giao chỉ tiêu cho thôn, mỗi thôn 40 triệu đồng, cứ thế mà thu”. Ông Tâm nói.

5 tạ thóc mất 1 tạ phí

Đó là cách tính của nông dân nghèo ở Quảng Vinh. Nếu căn cứ vào cuốn sổ thanh toán mà mỗi hộ gia đình phải mua với giá 5 ngàn đồng ở xã thì năm nay họ đang phải chịu 19 khoản phí chính thức, chưa kể những khoản đóng bên ngoài, không đưa vào sổ. 13 khoản phí xã ban hành, 6 khoản còn lại nộp cho thôn. Tính bình quân, một năm, dân nghèo xã Quảng Vinh ít nhất phải mất một tạ thóc cho tiền phí của thôn, của xã. 2.000 hộ là 2.000 tạ thóc. Không có ngoại lệ, cho dù đó là hộ nghèo, người già hay trẻ nhỏ.
Sổ thanh toán ghi những khoản phí dân nghèo phải đóng
Gia đình chị Phạm Thị Trâm ở đội 5, thôn Thanh Minh có 6 người nhưng chỉ được 2 sào ruộng. Bao nhiêu năm nay họ không thoát khỏi “án” hộ nghèo, nhưng lý do chính không chỉ vì ít ruộng. Mỗi năm, 2 sào ruộng làm 2 vụ, năng suất như hiện nay được tầm 5 tạ thóc. Nhưng với các khoản phí được chia rõ ràng trong sổ thanh toán thì hàng năm gia đình phải đóng hơn 700 ngàn. Với giá thóc như hiện nay thì riêng tiền phí đã ngốn mất của gia đình chị hơn một tạ/năm. Nhà nước đã có chính sách miễn giảm thuế nông nghiệp nhưng hàng năm gia đình chị Trâm vẫn phải đóng Quỹ phục vụ nông nghiệp, giao thông thủy lợi, xây dựng kênh mương… cho xã. Năm ngoái tổng các loại phí này lên đến 705 ngàn đồng, chị túng quá, không có đóng nên bị xã ghi nợ sang năm nay.
Xã thu chán chê, đến thôn cũng tìm cách vét. Từ tiền thủy lợi nội đồng, tiền diệt chuột, tiền bảo vệ… Mỗi khoản vài chục ngàn nhưng cộng lại cũng tiền trăm. Đối với những gia đình nghèo như chị Trâm thì đi vay cũng khó chứ đừng nói đến chuyện kiếm ra để trả.
Nằm ở vùng bãi ngang nên mỗi học sinh ở Quảng Vinh được nhà nước hỗ trợ tiền 70 ngàn đồng/tháng. Nhưng ba năm nay người dân cố hỏi mà cán bộ xã cứ cố tình lờ đi. Họ thắc mắc chán rồi chuyển sang bức xúc, quy cho ông Chủ tịch ăn quỵt. Bởi chẳng có lý do gì, ở mảnh đất nghèo như thế này thì lấy đâu ra tiền mà nhà ông Chủ tịch xã Lê Quang Bảo lại có thể xây to như biệt phủ, cao ba tầng, có hàng rào bao bọc ...
Dù nghèo nhưng chị cố cho con đi học để mong chúng thoát khỏi cái cảnh ruộng đồng, may ra làm được cái chức gì ở xã như mấy ông cán bộ vừa nhàn vừa được dân nghèo cống thóc nuôi. Nhưng giấc mơ ấy đang bị đặt dấu hỏi bởi các khoản phí mà chính quyền xã Quảng Vinh đang cố truy đến tận cùng.
“Đợt vừa rồi làm đường giao thông nông thôn, gia đình tôi đã phải đóng 50 ngàn một khẩu rồi. Vậy mà các cháu đi học còn bị đòi thêm 150 ngàn mỗi đứa nữa. Không có tiền đóng thì trường không cho thi nên vị chi làm đoạn đường mà nhà tôi đóng tròn một triệu đồng. Chưa chạy vạy đủ để đóng cho con đi học thì xã lại cho người đi vận động thu tiền chuẩn bị ngày 27/7. Mỗi hộ phải đóng 20 ngàn nữa, nhưng nói thật, bây giờ trong nhà tôi một ngàn cũng không có thì lấy chi mà đóng”. Chị Trâm phàn nàn.
Cạnh nhà chị Trâm là nhà bố chồng chị, cụ Lê Quang Huy (89 tuổi). Nhà chỉ có hai ông bà già, không làm ruộng được nữa nhưng mỗi lần có đợt thu phí xã vẫn cho người đến đòi. Không có nộp thì cán bộ xã Quảng Vinh linh hoạt bằng cách trừ tiền chế độ người già của hai cụ. Mỗi tháng 180 ngàn bị cắt luôn từ trên xã, đỡ cho hai cụ phải mất công đi lấy!
Dân nghèo, xã nghèo, nhưng nhà Chủ tịch xã to như biệt phủ
Cả xã Quảng Vinh có 3.740 sào ruộng. Bình quân năng suất 200kg một sào. Không biết người dân phải chi ra bao nhiêu thóc để nuôi cán bộ. Chỉ biết số cán bộ quá khổng lồ, tốn rất nhiều thóc của người dân nhưng công việc xem chừng rất nhàn nhã. Ngày thứ 6 tôi đến, nhóm ông Tâm với mấy ông làm văn phòng, tư pháp đang hút thuốc lào và bàn nhau chuẩn bị đi uống rượu. Trụ sở xã vắng như chùa Bà Đanh, còn ngoài đồng, nông dân Quảng Vinh đang vã mồ hôi thu hoạch lúa. Năm nay họ được mùa, nhưng không được ăn cả, vì những khoản phí vẫn còn treo lơ lửng, thậm chí nhiều nhà còn nợ tồn đọng từ mấy năm trước chưa trả nổi.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"