Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Bài toán Dân chủ cho Việt Nam: Con đường hay giải pháp?

Lê Nguyên Hồng
Trước hết xin chúc mừng cho "Phong trào Con đường Việt nam" (PTCĐVN) vì ít nhất nó cũng đã thành công ở mức độ thu hút dư luận. Nhưng qua phản ứng nhiều chiều từ những góc dộ khác nhau, những người quan tâm đến hiện tình chính trị xã hội của Việt Nam cũng hiểu ra được nhiều vấn đề...

Ảnh minh họa
Thứ nhất, xét về mặt tích cực thì sự ra đời của PTCĐVN là một hiện tượng mang tính sáng tạo. Nó mang tính sáng tạo ở chỗ, dường như nó đã cố gắng tránh né đòn đàn áp của chế độ bằng cách công khai danh tính người khởi xướng và cũng công khai danh tính một số đối tượng được mời tham gia, là những đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam kỳ cựu như các ông Nguyễn Văn An, Tống Văn Công, bà Nguyễn Thị Bình vv...
Thứ hai, PTCĐVN chủ trương kêu gọi mọi người dân Việt Nam không cần phải theo bất kỳ một chủ thuyết, bất kỳ một chủ nghĩa nào. Họ cần hành động cho chính những lợi ích của bản thân họ, mà mục đích tối thượng để từ đó mỗi người có thể đạt được mọi quyền lợi chính đáng khác, đó là trước hết phải giành lấy "quyền con người”. Đây là cách đơn giản hóa vấn đề lợi ích, nhằm đánh vào tâm lý người dân “thế nào cũng được, miễn là có lợi cho mình”.
Nhưng có vẻ như ông Lê Thăng Long đã tính toán sai. Cái sai thứ nhất chính là việc chọn tựa đề để phát động lời kêu gọi PTCĐVN, vì trước đó đã có hẳn một cuốn sách gần như trùng tên, đó là cuốn "Con đường Việt Nam" của ông Nguyễn Sĩ Bình được phổ biến. Mà ông Bình lại có mối quan hệ mật thiết với nhóm của ông Lê Thăng Long trước lúc nhóm này bị cầm tù. Điều này đã gây nên một sự hiểu (lầm hay không) rằng PTCĐVN chính là do ông Nguyễn Sĩ Bình đạo diến...
Sai lầm thứ hai cũng vẫn nằm trong chữ PTCĐVN. Đã là "phong trào" thì người ta phải có ít nhất một nhóm người xác định, ví dụ "phong trào trồng cây gây rừng" thì phải có người trồng cây (nhân lực) trước đã. Hay phong trào phụ nữ sinh đẻ có kế hoạch chẳng hạn thì cần phải có "phụ nữ" trước, nếu không thì ắt hẳn nó cũng chẳng thể thành một phong trào. Điều nghịch lý là ở chỗ, ông Lê Thăng Long tuyên bố "phát động phong trào" nhưng chưa có nhân lực, ngoài chính bản thân ông Long.
Sai lầm thứ ba, đó chính là thay vì dùng một người khác (có thể tạm thời ẩn danh) đứng đầu tổ chức dân sự này, ông Lê Thăng Long chỉ nên giữ vai trò người phát ngôn chẳng hạn, nhưng ông Long đã không làm như vậy. Bởi điểm yếu của ông Long chính là việc trong nhóm bị kết tội vô cớ, tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" ngày 20/01/2010 gồm các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và ông Lê Thăng Long, thì vai trò của ông Long không nổi bật...
Đồng thời ông Lê Thăng Long có những điểm yếu khác, đó là việc ông được giảm án trong phiên tòa phúc thẩm từ 5 năm xuống còn 3 năm rưỡi, với lý do “thành khẩn nhận tội” (BBC). Ông Long lại được tha tù trước hạn là một điều dễ nảy sinh nghi ngờ, vì thông thường chỉ những thành phần "cải tạo tốt" hoặc lập "công" chuộc "tội" thì mới được chế độ cho hưởng ân xá. Những điểm yếu đó đồng nghĩa với việc ông Lê Thăng Long khó có thể trở thành một thủ lĩnh đấu tranh. Và vì vậy lời kêu gọi phát động PTCĐVN sẽ ít có ai hưởng ứng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, khi ông Lê Thăng Long phổ biến lời kêu gọi hưởng ứng PTCĐVN và những văn bản có liên quan, một số ý kiến đã đánh giá hành động của ông Long là "ấu trĩ", "ngây thơ" hay thậm chí là "nguy hiểm" lại là điều đáng bàn. Có thể ông Lê Thăng Long ngây thơ, hay ấu trĩ, nhưng "nguy hiểm" thì tất nhiên là không. Bởi vì chính việc ông Long công khai cuộc phát động này và mời gọi đích danh một số người trong ĐCSVN tham gia, đã là một yếu tố an toàn, nó chính là rào chắn trước đối với những hệ lụy pháp lý có thể xảy ra về sau.
Có người đã so sánh PTCĐVN với Khối 8406 về độ nguy hiểm thì quả là không tương xứng. Khối 8406 tuyên bố "thay thế triệt để thể chế chính trị hiện tại", nhưng PTCĐVN không hề đả động gì đến việc tấn công chế độ. Ông Lê Thăng long chỉ nhắm đến một mục tiêu duy nhất, đó là thực hiện quyền con người mà thôi. Như vậy việc Khối 8406 bị đàn áp thẳng tay là vì lý do hoàn toàn khác.
Nói chung cho đến hôm nay, có thể khẳng định: Những người trong nước đối lập với chế độ Cộng Sản ở Việt Nam vẫn đang dọ dẫm tìm con đường đi cho mình. Nhưng có lẽ họ hãy nghĩ đến những giải pháp trước. Giải pháp thường mang tính ngắn hạn (tình thế) và nó có thể dễ dàng thay đổi tùy biến theo tình hình. Nhưng nếu đã là "con đường" thì người ta bắt buộc phải đi theo lộ trình đã vạch sẵn. Người ta chỉ có thể có con đường thực, một khi có đủ điều kiện về nhân vật lực mà thôi. Biến không thành có là điều ai cũng muốn làm. Nhưng xác xuất thành công thì chắc chắn là vô cùng thấp.
Thiết nghĩ, muốn một lời kêu gọi quần chúng có thể có nhiều người hưởng ứng, trước hết người chủ xướng phải là một người có tầm vóc. Trong đấu tranh, tầm vóc đó chính là sự thông minh, lòng dũng cảm, đức hy sinh, và một điều vô cùng quan trọng khác đó là vị thế (tạm hiểu là có nhiều người hâm mộ) đối với cộng đồng.
Gỉa sử như cuộc phát động PTCĐVN do tiến sĩ Nguyễn Quang A hay giáo sư Ngô Bảo Châu chủ xướng, chắc chắn nó sẽ được số đông tham gia. Vì "phong trào" có một đặc điểm chung là... phong trào. Nghĩa là có thể rất nhiều người tham gia vì thích, vì có cảm tình, hay một cái gì đại loại như vậy. Chính vì vậy người ta mới có câu "tính chất phong trào". Trên thế giới này và nhất là trong quá khứ lịch sử Việt Nam, nhiều người đã tham gia nhiệt tình vào các phong trào bằng cảm tính, mà đôi khi họ chẳng hiểu cặn kẽ gì mấy về phong trào đó.
Đối với PTCĐVN, có lẽ thành công của họ sẽ chỉ dừng ở chỗ nhất thời khuấy động được làn sóng dư luận mà thôi. Nhưng dẫu sao nó cũng sẽ đọng lại chút suy nghĩ cho những người còn có tâm với hiện tình đất nước. Nếu không thử thì không có bài học thực tế. Ông Lê Thăng Long đã dám làm, ta nên khích lệ thay vì dè bỉu, đàm tiếu. Con đường, nhất là đại lộ thì ai cũng muốn đi. Nhưng để có một con đường, người ta cần có những giải pháp để hình thành con đường đó trước đã…
Lê Nguyên Hồng

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"