Phạm Thị Hoài
Là một trong những người được mời tham gia đồng sáng lập Phong trào Con đường Việt Nam,
trước hết tôi xin cảm ơn sự tin cậy của nhóm khởi xướng. Tôi tin rằng
những nỗ lực riêng của các cá nhân đã góp phần vào sự trưởng thành và
tiến bộ của xã hội Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, song những chuyển biến
nền tảng, đặc biệt là chuyển biến về mô hình chính trị, để giải quyết
những vấn nạn lớn của xã hội này cần sự hình thành và phát triển của
những tổ chức, đảng phái và phong trào vận động xã hội. Tôi luôn vui
mừng trước những tín hiệu về sự xuất hiện của những phong trào như thế
và đương nhiên cũng đầy lo âu vì hiểu rõ rằng đối tượng được ưu tiên đàn
áp trong một nhà nước toàn trị không phải là các anh hùng cá nhân, mà
là những mầm mống của tổ chức.
Vì vậy, tôi dành rất nhiều thiện cảm cho
sự kiện Phong trào Con đường Việt Nam ra đời và đánh giá cao tính công
khai của nó, phẩm chất cần thiết cho một phong trào chính danh và theo
tôi là phù hợp với đặc điểm của thời đại chúng ta đang sống. Tôi cũng
ngưỡng mộ sự sắc sảo và phong cách ôn hòa trong những bài viết của ông
Lê Công Định, người được công luận biết đến nhiều nhất trong nhóm khởi
xướng, và kính trọng sự dấn thân của cả ba thành viên nhóm khởi xướng,
những người đã đánh đổi vị trí xã hội thành đạt của mình lấy tổng cộng
gần 25 năm tù chưa kể thời gian quản chế, trong khi tuyệt đại đa số
chúng ta, kể cả những người đang sống ở các xứ tự do như tôi, không sẵn
sàng trả một cái giá thấp hơn thế rất nhiều nhưng có thừa lí do chính
đáng để biện minh.
Với tất cả cảm tình và sự trân trọng, tôi xin phép nêu ra đây những
băn khoăn của mình về phong trào Con đường Việt Nam và mong rằng sự
thẳng thắn này được ghi nhận như dấu hiệu đáp lại sự tin cậy nói trên.
1. Cương lĩnh và mục tiêu
Cương lĩnh hành động của Phong trào dựa trên tác phẩm Con đường Việt Nam [1]
do ông Trần Huỳnh Duy Thức và Nhóm Nghiên cứu Chấn chủ trương. Nhưng
tác phẩm này mới hoàn thành phần I, tức phần giới thiệu mục đích và bố
cục dự định của cuốn sách. Có thể loại trừ khả năng là hai trong số các
tác giả chính, ông Trần Huỳnh Duy Thức và ông Lê Công Định, đã hoàn
thiện công trình này trong nhà tù Việt Nam. Như thế, có thể coi là phong
trào dựa trên một cương lĩnh hành động còn bỏ dở không?
Trong khi đó lại có một tác phẩm khác, không cùng nội dung, bố cục
cũng khác hẳn và giọng văn hoàn toàn khác, nhưng cũng mang tên Con đường Việt Nam do ông Nguyễn Sĩ Bình, Trưởng Ban Thường vụ Đảng Dân chủ Việt Nam, chủ biên và ra mắt năm 2010 [2]. Quan hệ giữa hai Con đường Việt Nam
khác nhau này nên được làm sáng tỏ, nhất là khi ông Nguyễn Sĩ Bình –
đáng ngạc nhiên là không đứng trong danh sách nói trên, sau đây xin gọi
là Danh sách Lê Thăng Long – đóng vai trò then chốt trong vụ án, sau đây
xin gọi chung là Vụ án Lê Công Định, đã đưa nhóm khởi xướng Phong trào
vào tù và tình tiết cuộc họp mặt giữa ông Nguyễn Sĩ Bình với các ông Lê
Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức tại Phuket tháng 3.2009 để thảo luận về
việc viết chung một cuốn sách mang tên Con đường Việt Nam được đánh giá như một bằng chứng phạm tội nghiêm trọng. [3]
Những tài liệu mới công bố trên website của Phong trào, theo lời thân phụ của ông Trần Huỳnh Duy Thức
được gia đình tìm thấy hơn một năm về trước, theo tôi là một tập hợp
tương đối lỏng lẻo của những lời tuyên bố, kêu gọi, giải thích và phác
thảo nghiên cứu với những thông điệp rất tốt đẹp nhưng rất chung chung
như bảo vệ quyền con người, chấn hưng dân tộc, vì hòa bình thế giới… Tôi
chưa tìm thấy ở đây những kiến giải mang tính đột phá, có thể khắc họa
diện mạo riêng của Phong trào. Điểm riêng duy nhất của Phong trào, theo
cảm nhận của tôi là sự nhấn mạnh yếu tố dân tộc, song cách khai thác yếu
tố này lại khiến tôi ít nhiều dị ứng hơn là chia sẻ. Tôi không tin rằng
những Tuyên ngôn Lạc Hồng,
minh triết Lạc Hồng, cương lĩnh Lạc Hồng, sấm Lạc Hồng, hồn thiêng sông
núi Lạc Hồng… có thể là bí quyết cho sự thành công của con đường Việt
Nam.
2. Vấn đề đảng phái
Tuy xác định Phong trào “không phải là một đảng chính trị hoạt động nhằm tìm kiếm nhiệm kì cầm quyền tại Việt Nam",
nhưng lí lịch chính trị của chính các thành viên nhóm khởi xướng rất
nên được minh bạch, nhất là khi thông tin về sự tham gia đảng phái cũng
như dự định cầm quyền của họ [4] cho đến nay khá nhiễu loạn, không giúp những người muốn tham gia có thể định hướng và khó gây được niềm tin.
Theo các lời nhận tội do truyền thông nhà nước công bố,
ông Lê Công Định và ông Trần Huỳnh Duy Thức đã kết hợp với ông Nguyễn
Sĩ Bình để chuẩn bị cho sự ra đời của hai đảng chính trị là Đảng Lao
động và Đảng Xã hội. Đồng thời, ông Nguyễn Sĩ Bình chính thức xác nhận ông Lê Công Định là Tổng thư kí, ông Trần Huỳnh Duy Thức và ông Lê Thăng Long là những chí hữu và cộng sự của Đảng Dân chủ [5]. Bản thân ông Nguyễn Sĩ Bình lại từng là Chủ tịch Đảng Nhân dân Hành động trước khi chuyển sang lãnh đạo Đảng Dân chủ [6].
Như vậy, có đến bốn đảng chính trị xuất hiện trên sân khấu hoạt động
của vỏn vẹn ba người khởi xướng Phong trào, chưa kể Nhóm Chấn của chính
họ, một vai phụ thuộc Đảng Việt Tân [7] và một vai còn ẩn trong
hậu trường. Vai bí ẩn này chính là đầu mối cho sự lo ngại của những
người đã có kinh nghiệm về điều gì có thể xảy ra trong cái hộp đen quyền
lực của Đảng Cộng sản. Theo dư luận, vai diễn đó thuộc về những thành
phần đổi mầu theo khí hậu chính trị trong chính nội bộ Đảng Cộng sản.
Một phong trào như Con đường Việt Nam chỉ có thể ra đời với bàn tay đạo
diễn của những thành phần đó. Trong trường hợp Đảng sụp đổ, nó sẽ là bể
chứa cho những bộ phận cấp tiến trong Đảng, để nhanh chóng tập hợp lực
lượng mới, tránh cho đất nước khỏi rơi vào khoảng chân không quyền lực.
Trong trường hợp Đảng tiếp tục cầm quyền, nó sẽ là bể lọc để thanh trừng
chính những bộ phận đang âm thầm thúc đẩy cải cách nói trên. Cũng theo
dư luận, kế hoạch hai mặt này hình thành trong bối cảnh hậu cộng sản đầu
những năm 90, sau khi khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, và tác nhân
của nó khi đó lại chính là Đảng Nhân dân Hành động của ông Nguyễn Sĩ
Bình.[8] Trường hợp 1 chưa bao giờ xảy ra. Trường hợp 2 được
đánh giá là đã xảy ra, với Vụ án Nguyễn Sĩ Bình năm 1992 và Vụ án Lê
Công Định năm 2009. Trong bối cảnh đó, thái độ hoài nghi và cảnh giác
cao độ của rất nhiều người quan tâm đến thế sự đối với sự ra đời của
Phong trào Con đường Việt Nam là tất yếu, nhất là khi những thông tin không thể kiểm chứng
về những biến động trong hậu trường của chính quyền Việt Nam xuất hiện
gần như cùng một lúc với lời phát động Phong trào những ngày vừa qua.
3. Tọa độ chính trị
Ngay cả trong trường hợp có chung một mục đích lâu dài thì các tọa độ
chính trị ở quá xa nhau cũng không thể đạt tới một đồng thuận trong
những chương trình hành động cụ thể. Thiếu cơ sở để đồng thuận, đoàn kết
sẽ không chỉ là một thứ cao dán bách bệnh vô nghĩa mà còn là chỗ bám
víu lừa mị và tự lừa mị khi lập luận lâm vào ngõ cụt.
Trong nhiều kiến nghị và thư riêng gửi cho các ông Nguyễn Minh Triết,
Nguyễn Tấn Dũng và Nông Đức Mạnh từ năm 2004 đến năm 2007, và đặc biệt
trong thư riêng gửi cho ông Nguyễn Minh Triết trước khi bị bắt, ông Trần
Huỳnh Duy Thức cho biết:
“Tinh thần cốt lõi của Con đường Việt Nam
là nhìn nhận một cách khách quan và khoa học những yếu kém cốt tử cũng
như những thế mạnh tiềm năng của đất nước để phân tích và đưa ra những
giải pháp dựa trên những qui luật khách quan nhằm đạt được những mục
tiêu theo nhân sinh quan xã hội chủ nghĩa. Các giải pháp này sẽ đưa ra
những chiến lược cho đất nước nhằm không những để tránh được sự sụp đổ
nặng nề do cuộc khủng hoảng trầm trọng mà còn nhanh chóng vượt lên thành
một nước XHCN dân chủ, thịnh vượng. Đồng thời nó cũng sẽ kiến nghị
những thay đổi trong phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và
mô hình quản lý của nhà nước CHXHCN Việt Nam về kinh tế, chính trị, xã
hội để hỗ trợ cho việc thực hiện các chiến lược trên. Những thay đổi này
hoàn toàn trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, theo
tinh thần pháp chế xã hội chủ nghĩa, và thuận theo qui luật khách quan
nên sẽ hợp lòng dân.”
Tinh thần này cũng được trình bày trong phần giới thiệu tác phẩm Con đường Việt Nam
chưa hoàn thành của ông Trần Huỳnh Duy Thức và Nhóm Chấn và một lần nữa
được khẳng định trong đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của ông gửi Tòa án
Nhân dân Tối cao ngày 01.2.2010. Tại đây, ông Trần Huỳnh Duy Thức lí
giải việc ông muốn kiến nghị và cảnh báo với Đảng về nguy cơ từ những kẻ
cơ hội, vì ông “ý thức rất rõ ràng và chắc chắn rằng nếu Đảng Cộng
sản Việt Nam bị suy vong thì đất nước Việt Nam sẽ bị thôn tính biến
thành nô lệ”, đồng thời ông chỉ muốn “kiến nghị với Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam cho phép những người không phải đảng viên được tham gia điều hành đất nước”, chứ “tuyệt đối không hề bàn, cũng không hề đề cập gì đến việc thay đổi hiến pháp hay điều 4 hiến pháp gì cả.”
Một cách ngắn gọn, nếu Phong trào Con đường Việt Nam do ông Lê Thăng
Long thay mặt cả nhóm khởi xướng phát động dựa trên cương lĩnh và tinh
thần đó thì tọa độ chính trị của nó chẳng những không đối lập mà còn rất
gần gũi với Đảng Cộng sản, đương nhiên đó là một “Đảng Cộng sản của những người chân chính cấp tiến, lực lượng duy nhất có thể tập hợp sức mạnh của nhân dân”, như ông diễn đạt trong đơn kháng cáo. Lực lượng đảng viên cộng sản chân chính cấp tiến đó được ông Trần Huỳnh Duy Thức gọi là “lực lượng thứ ba”. Con đường Việt Nam mà ông để xuất cũng có thể được coi là “con đường thứ ba”, một chủ nghĩa xã hội cải cách dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản sáng suốt và cởi mở [9], cho phép cả những người ngoài Đảng như các thành viên Nhóm Chấn tham gia điều hành đất nước.
Giải pháp chính trị đó cho Việt Nam của Phong trào không có gì là bất
ngờ. Bất ngờ là sự trừng phạt của Đảng Cộng sản dành cho nhiều thiện
chí và niềm tin gửi vào mình như vậy, và qua đó nó gieo thêm một hạt
hoài nghi nữa vào mảnh đất tiếc thay đã đầy những nghi kị, tố giác, sợ
hãi và thậm chí cả những lời sỉ nhục, nơi mà Phong trào chọn làm chỗ sinh trưởng.
Số đông trong Danh sách Lê Thăng Long, theo cảm nhận của tôi, có thể
chia sẻ giải pháp chính trị này ở những mức độ khác nhau. Cá nhân tôi
coi “con đường thứ ba” này là ảo tưởng.
4. Thuế tư cách
Lời nhận tội và xin khoan hồng của ba người trong nhóm khởi xướng vẫn
bám theo Phong trào Con đường Việt Nam như một bóng đen xấu xí [10].
Trước họ và sau họ, chắc chắn còn có nhiều lời nhận tội khác, trong
những hoàn cảnh khác. Sống tại Việt Nam, ai có thể khẳng định mình chưa
bao giờ phải cắt một phần tư cách của mình nộp cho chính quyền? Có người
mới tự thiến một mảnh nhỏ. Có người đã xẻo đến phân cuối cùng và không
còn một tư cách nào nữa. Song những người đã ấp ủ và quyết tâm khởi
xướng một phong trào chính trị để thay đổi chính xã hội ấy, những người
muốn hay không sẽ đóng vai những biểu tượng, có nên đóng thuế tư cách,
như các ông Lê Công Định, Lê Thăng Long, và phần nào ông Trần Huỳnh Duy
Thức đã làm hay không?
Tiết lộ của ông Lê Thăng Long về kế hoạch nhận tội để ông sớm được ra tù và tiếp tục gây dựng phong trào, để ông Lê Công Định cũng sớm được ra tù và ra nước ngoài hoạt động, trong khi ông Trần Huỳnh Duy Thức “tiếp tục kiên định để khẳng định sự đúng đắn và chính nghĩa của việc làm của mọi người”
quả nhiên đã khiến tôi xem lại những đoạn băng ghi cảnh họ đọc lời nhận
tội với một con mắt khác, song kế hoạch đóng thuế tư cách ấy vẫn là một
con dao hai lưỡi. Bởi lẽ, điều mà nhà nước toàn trị này muốn đạt được,
bằng tất cả mọi phương tiện, là sự cúi đầu tuân phục của chúng ta. Nhóm
khởi xướng sẽ có lời khuyên nào cho những người tham gia sáng lập Phong
trào trong trường hợp họ bị bắt: Cúi đầu nhận tội, hay ngẩng cao đầu
kiêu hãnh?
Tôi xin dẫn một câu nói của Albert Einstein để kết thúc: Các chế độ
độc tài sinh ra và được dung dưỡng, bởi chúng ta đã đánh mất cảm giác về
tư cách và về quyền có một nhân cách.
Vì những băn khoăn này, tôi xin phép chưa quyết định việc tham gia Phong trào Con đường Việt Nam.
© 2012 pro&contra
_____________________________
Xem thêm:
Con đường Việt Nam, phần I, của Trần Huỳnh Duy Thức
Con đường Việt Nam của Nguyễn Sĩ Bình, 2010
Đơn kháng cáo bản án sơ thẩm gửi Tòa án Nhân dân Tối cao ngày 01.2.2010 của Trần Huỳnh Duy Thức
Thư gửi Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Minh Triết của Trần Huỳnh Duy Thức ngày 07.1.2004
Thư gửi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ngày 14.4.2007 của Trần Huỳnh Duy Thức
Thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 14.4.2007 của Trần Huỳnh Duy Thức
Thư gửi Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Minh Triết ngày 21.6.2006 của Trần Huỳnh Duy Thức
Thư gửi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (không đề ngày tháng và bỏ dở) trước khi bị bắt của Trần Huỳnh Duy Thức
[1] Những tài liệu của Trần Huỳnh Duy Thức dẫn trong bài đều theo nguồn từ website chính thức mang tên Trần Huỳnh Duy Thức do thân phụ ông lập ra và điều hành.
[2] Đó là chưa kể một tác phẩm Con đường Việt Nam thứ ba, cũng chưa hoàn thành, công bố trên blog Chấn Lạc Hồng.
[3] Trong đơn kháng cáo bản án sơ thẩm gửi Tòa án Nhân dân Tối cao
ngày 01.02.2010, ông Trần Huỳnh Duy Thức cho biết là sau khi thống nhất
về nội dung cuốn Con đường Việt Nam, ông Nguyễn Sĩ Bình không vui vì
không được đứng tên chung trong cuốn sách.
[4] Theo các lời nhận tội đã biết,
Nhóm Chấn thừa nhận đã có sự phân chia những vị trí bộ trưởng chủ chốt
trong chính quyền mới, chẳng hạn ông Trần Huỳnh Duy Thức sẽ giữ chức Bộ
trưởng Kinh tế.
[5] Trong đơn kháng cáo đã đề cập, ông Trần Huỳnh Duy Thức khẳng định mình không tham gia một đảng nào và “không quan tâm đến hoạt động của các đảng phái chính trị”, nhưng nhận việc lập hai blog của Đảng Lao động và Đảng Xã hội giúp ông Nguyễn Sĩ Bình chỉ vì ông “khá quen thuộc” với việc làm blog. Ông cũng cho biết đã nói thẳng với ông Nguyễn Sĩ Bình là “những gì mà Đảng Dân chủ đang muốn hướng đến không phải là động lực của người dân trong nước hiện nay”.
[6] Trong các nhân sự liên quan, ông Nguyễn Sĩ Bình tiếp tục là một
ẩn số và Đảng Dân chủ của ông dường như không có nhu cầu cung cấp nhiều
thông tin cho công luận hơn mức tối thiểu. Khi truyền thông nhà nước
Việt Nam đã loan báo lời nhận tội của Nhóm Chấn, trong đó có việc họ kết
hợp hành động với người lãnh đạo Đảng Dân Chủ là Nguyễn Tâm, tức Nguyễn
Sĩ Bình, Đảng Dân chủ tuyệt đối giữ im lặng. Trong vài ba cuộc trả lời
phỏng vấn hiếm hoi ngay sau đó, ông Nguyễn Sĩ Bình khẳng định mình chỉ có trao đổi với luật sư Lê Công Định “trên công việc riêng”. Tường thuật trực tiếp từ phiên tòa xử bốn người trong Vụ án Lê Công Định, ông Nguyễn Hữu Liêm cho biết “chỉ có một nhân chứng khai trước tòa, đó là anh Nguyễn Tâm, người từ chối hầu hết mọi liên hệ với các hoạt động của các bị can”. Đó là sự trùng tên ngẫu nhiên, hay đó chính là Nguyễn Sĩ Bình? Cho đến nay thông tin này chưa hề được làm rõ.
Ngoài ra, ngoài Đảng Dân Chủ của ông Nguyễn Sĩ Bình còn có một Đảng Dân chủ khác của ông Nguyễn Xuân Ngãi. Cả hai đảng này đều lấy ông Hoàng Minh Chính làm chỗ dựa và nhận ông Lê Công Định là Tổng Thư kí của mình.
[7] Theo lời nhận tội của Lê Công Định, ông đã dự lớp huấn luyện lật
đổ bất bạo động do Việt Tân tổ chức tại Pattaya tháng 2.2009.
[8] Trong cuốn Hồi kí chưa chính thức xuất bản, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đăng Mạnh kể như sau:
Vào khoảng 1987, Hội Văn nghệ Quảng Nam-Đà
Nẵng có mời tôi và (Hoàng Ngọc) Hiến vào nói chuyện với giới văn nghệ
trong ấy. Chúng tôi ở với nhau độ một tuần lễ, sau đó, Hiến vào Sài Gòn,
tôi ra Hà Nội.
Ít ngày sau, tôi đang ngồi ở nhà (tại Đồng Xa) thì thấy Hiến đạp xe
tới. Lúc đó mới độ 8 giờ sáng. Tôi hỏi ra bao giờ. Anh nói ra sáng nay,
tàu 7 giờ sáng tới Hà Nội. Tôi ngạc nhiên: vừa về Hà Nội đã vội đến tôi
làm gì! Hoá ra anh vừa tham gia một đảng gọi là đảng “Nhân dân Hành động”
và ra Hà Nội để phát triển đảng. Người đầu tiên anh định kết nạp là
tôi. Anh nói, không sợ gì cả. Tay thủ lĩnh là một tay tiến sĩ ở Mỹ về.
Rất trí thức. Đảng này đã thống nhất với cộng sản chuẩn bị ra đa đảng.
Trong đảng này có một uỷ viên Bộ Chính trị và một thiếu tá công an cộng
sản. Đảng phát triển chủ yếu vào trí thức. Anh lại hỏi, thằng Thanh nhà
ông vào Sài Gòn đã có việc làm và nhà cửa gì chưa, để anh lo giải quyết
cho.
Tôi không tin, từ chối: “Cậu định làm chính trị à? Không sợ công an à?”
Hiến có vẻ xem thường, cho tôi là thằng nhát.
Ít lâu sau tôi được biết đảng này phát triển mạnh ở vùng Vĩnh Long, vừa bị bắt một loạt. Tôi vào Cần Thơ, Dạ Ngân bảo thế.
Một thời gian sau, tôi gặp lại Hiến ở trụ sở văn nghệ. Tôi hỏi Hiến: “Biết gì chưa?”
Hiến: “Biết rồi! Biết rồi!” Tôi lại hỏi: “Có sao không?”
Hiến: “Không sao, không sao – Nhưng này, đừng nói với ai nhé!”
Tôi không tin, từ chối: “Cậu định làm chính trị à? Không sợ công an à?”
Hiến có vẻ xem thường, cho tôi là thằng nhát.
Ít lâu sau tôi được biết đảng này phát triển mạnh ở vùng Vĩnh Long, vừa bị bắt một loạt. Tôi vào Cần Thơ, Dạ Ngân bảo thế.
Một thời gian sau, tôi gặp lại Hiến ở trụ sở văn nghệ. Tôi hỏi Hiến: “Biết gì chưa?”
Hiến: “Biết rồi! Biết rồi!” Tôi lại hỏi: “Có sao không?”
Hiến: “Không sao, không sao – Nhưng này, đừng nói với ai nhé!”
[9] Một số nguồn tin nội bộ cho rằng Nhóm Chấn và Đảng Dân chủ của
ông Nguyễn Sĩ Bình được những nhà lãnh đạo cộng sản cấp tiến xung quanh
cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt bật đèn xanh, và bị bỏ rơi sau khi ông qua đời
giữa năm 2008, song qua trình bày của ông Trần Huỳnh Duy Thức trong đơn
kháng cáo, ít nhất có thể thấy Nhóm Chấn không có một quan hệ hậu trường
nào như vậy.
[10] Ông Trần Huỳnh Duy Thức cũng nhận tội trước cơ quan điều tra, nhưng khẳng định mình vô tội trước phiên tòa xét xử.