Lê Anh Hùng
Người ta vẫn ví cuộc đời như một sân khấu lớn mà ở đó mỗi cá
nhân thường phải thể hiện những vai diễn khác nhau. Những vai diễn này
có thể là “vai diễn gia đình” – vai trò của một người trong mối quan hệ
huyết thống hay hôn nhân với các thành viên gia đình khác (cha - con, vợ
- chồng, v.v.), hay “vai diễn xã hội” – chức phận của một cá nhân trong
xã hội (công chức, bộ trưởng, thủ tướng, v.v.).
Hầu như ai cũng có thể dễ dàng thể hiện các “vai diễn gia đình”: họ
như thể sinh ra để thực hiện những vai trò đó. Đây là thực tế mà chúng
ta có thể nhận thấy ở bất kỳ hình thái xã hội nào. Còn các “vai diễn xã
hội” thì ngược lại, không phải ai cũng hội đủ những tố chất cần thiết để
làm “ông nọ, bà kia”: chúng được trao cho các cá nhân với những phẩm
chất nhất định, thông qua một quy trình hay cơ chế nhất định. Và vấn đề
lại nằm ở chính cơ chế này: nó quyết định sự thành công hay thất bại của
“vai diễn xã hội” mà một cá nhân được giao phó, qua đó quyết định sự
thành bại của một hệ thống hay một hình thái xã hội.
Trong một chế độ dân chủ hay một chính thể độc tài sáng suốt
(dưới sự trị vì của một đấng minh quân), các “vai diễn xã hội” thường
được trao cho cá nhân nào xứng đáng nhất, với phẩm chất phù hợp nhất.
Giới quan chức ở các quốc gia dân chủ thường được lựa chọn thông qua một
quy trình rất cạnh tranh và minh bạch, nhờ đó mà những người được “chọn
mặt gửi vàng” thường “nhập vai” rất tốt, họ “diễn” mà cứ như không vậy.
Ngược lại, trong các chế độ độc tài chuyên chế, vốn thiếu tính cạnh
tranh và minh bạch, các “vai diễn xã hội” quan trọng thường được trao
cho những “diễn viên” thiếu phẩm chất cần thiết. Chẳng chóng thì chầy,
các “diễn viên” trên sân khấu chính trị ở đây cũng hiện nguyên hình với
đầy đủ “phẩm chất” đích thực của mình: đó là những kẻ ăn hại hay đám
phường tuồng chuyên làm trò cười cho thiên hạ.
Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả không dám bàn đến những kẻ phản
dân hại nước, cũng như không thể “điểm danh” hết những “danh hài chính
trị” từ cấp xã phường cho đến cấp trung ương vẫn đang được báo chí “biểu
dương” hàng ngày, mà chỉ xin điểm qua một vài “danh hài” tiêu biểu trên
sân khấu chính trị Việt Nam hiện nay, dù bản thân họ phần lớn đều hội
đủ cả hai “phẩm chất” nói trên.
Tại buổi thảo luận
đánh giá 10 năm đổi mới, phát triển DNNN ngày 8/12/2011 ở Hà Nội, Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Xảy ra chuyện như Vinashin, cuối cùng
Thủ tướng đứng ra nhận trách nhiệm. Tôi nhận trách nhiệm chính trị với
tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào
sai.” Thật là nực cười, bởi ngay cả một đứa trẻ có lẽ cũng đủ sức hiểu
rằng bản thân việc không hành động (ra quyết định) trong phạm vi chức
trách của mình cũng là một quyết định rồi, ấy là chưa kể đích thân ngài
Thủ tướng còn ký Quyết định về việc phát hành 3.000 tỷ VNĐ trái phiếu trong nước được Chính phủ bảo lãnh cho Vinashin ngày 13/11/2009, dù trước đó đã xuất hiện rất nhiều lời cảnh báo về Vinashin.
Chỉ hơn 5 tháng sau thời điểm ngài Thủ tướng khoát tay phủi bỏ trách
nhiệm của mình trong vụ Vinashin thì lại đến lượt Vinalines đổ bể và cựu
Chủ tịch HĐTV Vinalines Dương Chí Dũng ca bài “tẩu vi thượng sách”.
Ngày 25/5/2012, trước mọi con mắt của dư luận đang đổ dồn vào mình, Thủ
tướng thản nhiên yêu cầu Bộ GTVT và Bộ Nội vụ báo cáo
việc đề xuất thay đổi nhân sự và thực hiện quy trình bổ nhiệm ông Dương
Chí Dũng làm Cục trưởng Hàng hải trong khi Thanh tra Chính phủ đang
thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng vốn
và tại sản tại Vinalines. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, người ta mới phát
hiện ra rằng việc Bộ GTVT bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng là
nhằm thực hiện Quyết định số 142/QĐ-TTg
ngày 6/2/2012 của chính Thủ tướng?! Vài ví dụ trên đủ cho thấy ngài
Thủ tướng quả không hổ danh là “kép chính” trên sân khấu hài chính trị ở
Việt Nam hiện nay chút nào.
Vụ Vinalines vừa qua còn cho thiên hạ thấy nhiều “kép phụ” đầy triển
vọng khác, mà “điển hình” là Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng (người đơn
giản là tiếp tục khẳng định “tên tuổi” của mình trên sân khấu hài chính
trị). Dù vụ việc đang thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận, song
trước đòi hỏi bức xúc về một câu trả lời nghiêm túc từ phía Chính phủ, ngài Bộ trưởng vẫn thể hiện được phẩm chất phường tuồng của mình khi phát biểu với báo giới ngày 30/5/2012: “Tôi bổ nhiệm ông Dũng làm Cục trưởng để cứu Vinalines”!?
Không như ở các nước tư bản với nền dân chủ “thua chúng ta cả vạn
lần”, nơi mà một chính khách vẫn phải trả giá bằng chiếc ghế của mình
cho một câu nói hay cử chỉ hớ hênh, xã hội Việt Nam dường như đang ngày
càng cảm thấy “bó tay” với những “quái kiệt” trên loại hình sân khấu đặc
biệt này. Tại phiên thảo luận tổ
vào chiều 24/5 vừa qua, ĐBQH Nguyễn Bá Thanh đã bình luận: “Vinalines
[cứ] như chuyện đùa.” Hẳn ông Nguyễn Bá Thanh cũng thừa hiểu rằng những
Vinashin, Vinalines kia mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm thôi. Và,
với những “danh hài chính trị” tiêu biểu mà chúng ta đã điểm mặt chỉ
tên trên đây, người dân Việt Nam sẽ còn rất nhiều dịp để nở nụ cười mếu
trước những “chuyện đùa” như vậy.
Ôi Việt Nam, đất nước của những “danh hài chính trị”!./.
Lê Anh Hùng
lehunglpa@yahoo.com
Hà Nội, 19/6/2012
lehunglpa@yahoo.com
Hà Nội, 19/6/2012