Vương Trí Nhàn
… Ở cái chỗ luật pháp dừng lại, người ta
vẫn luôn luôn có thể suy nghĩ dưới góc độ đạo đức hoặc văn hóa để trước
tiên là hiểu hiện tượng, sau nữa là tìm cách khắc phục nó…
Luật pháp thường được định nghĩa trong các từ điển như là những quy
định mọi người nhất thiết phải tôn trọng trong khi đạo lý suy cho cùng
chỉ có nghĩa là những ước lệ hợp với lương tâm cho con người lại được xã
hội thừa nhận và khuyến khích nên theo, ai theo được có nghĩa đấy là
người tốt.
Một hành động bị coi là phạm pháp, khi nó xâm phạm đến quyền lợi hoặc
của cả cộng đồng hoặc của các thành viên trong cộng đồng, do đó, phải
bị trừng phạt. Còn một hành vi bị coi là thiếu đạo đức tức là đã bị cộng
đồng lên án. Có thể bảo sự lên án này chỉ dừng lại ở phạm vi một dư
luận, song đối với người có lương tâm trong sáng, đã là một cái gì rất
nặng nề. Lẽ tự nhiên là trong việc phân biệt một hành vi đạo đức và một
hành vi phi đạo đức, một cộng đồng đã tự nói về mình rất nhiều. Sau hết,
cũng nên ghi nhận rằng mặc dù những tiêu chuẩn đạo đức thường có tính
nhân bản, nghĩa là chung cho mọi dân tộc, nhưng đi vào cụ thể ở mỗi dân
tộc nó lại mang những sắc thái riêng. Đến đây, bắt đầu thấy xuất hiện
vai trò của văn hóa, nó là lối sống, lối nghĩ, các quan hệ giữa con
người với thiên nhiên và con người với con người, tất cả đã trở thành
nền nếp ở từng dân tộc và làm nên sự khác biệt giữa dân tộc này với dân
tộc khác.
… Thỉnh thoảng, tôi cứ phải giở sách ra để ôn lại những ý tưởng trên,
nhất là gần đây, đọc báo chí, nghe đài, được biết thêm nhiều hành động
mà chúng ta quen gọi là hiện tượng tiêu cực. Nhiều người nông dân hám
lợi, mang bán thứ rau quả phun thuốc trừ sâu, săn vào gây ra độc hại.
Các lò mổ bò mổ lợn thường là kém cỏi về mặt vệ sinh nghĩa là ủ sẵn bệnh
tật hại người. Nhà máy, bệnh viện hàng ngày tống ra đủ thứ chất thải
làm ô nhiễm môi trường. Rồi hàng hóa thì làm ẩu, cốt bán rẻ để cạnh
tranh giá kể người mua mang về có không dùng được, thì cũng không quản
ngại. Cho đến gần đây lại xảy ra những vụ tham nhũng ghê gớm, tham nhũng
đến mức người ta tin rằng các đương sự phải mất hết lương tâm thì mới
bảo nhau vét sạch tiền của nhà nước đến như vậy! Có biết bao hành động
ngang tai trái mắt đang xảy ra chung quanh, và có cơ ngày một phát
triển. Mà lấy luật pháp để trị nhau thì không phải dễ. Tội lỗi ở đây như
cái cây, gieo mầm hôm nay, hôm sau mới “kết quả”, lúc bấy giờ
người có lỗi đã cao chạy xa bay, ai làm gì nổi! Vả chăng, trong tình
trạng xã hội hỗn hào, mọi người chen chúc nhau để sống, muốn lần ra đầu
mới của cái ác sẽ gặp muôn vàn rắc rối, dễ gì bắt tận tay day tận trán
để luận tội? Nhưng ở cái chỗ luật pháp dừng lại, người ta vẫn luôn luôn
có thể suy nghĩ dưới góc độ đạo đức hoặc văn hóa để trước tiên là hiểu
hiện tượng, sau nữa là tìm cách khắc phục nó.
Chắc chắn là không có gì khiên cưỡng khi gắn một số hiện tượng tiêu
cực nói trên và các hành động tương tự với lối làm ăn (kèm theo là lối
sống nếp nghĩ) có tự ngày xưa, khi người ta sống theo kiểu khôn vặt (ăn
cỗ đi trước lội nước đi sau) và vô trách nhiệm (sống chết mặc bay, tiền
thầy bỏ túi) chỉ biết đến quyền lợi của gia đình mình (đèn nhà ai nhà
nấy rạng), chỉ biết đến cái làng của mình là cùng (trống làng nào thì
làng ấy đánh, thánh làng nào thì làng ấy thờ), ngoài ra, bỏ qua mọi
chuyện, bởi “có chết thì cả làng cùng chết”. Tóm lại, đồng thời
với việc truy cứu về mặt pháp luật, cần xem xét ngay cội rễ của các
hiện tượng nói trên về mặt đạo đức – văn hóa, để bắt mạch cho trúng. Đến
lượt nó, mỗi tội lỗi, và phản ứng trước tội lỗi – kể cả những tội lỗi
nhỏ, hoặc quá tinh tế, pháp luật không kết luận nổi – lại cũng nói lên
một điều gì đó về tình trạng tâm lý xã hội nói chung. Nếu như ở đây có
sự dửng dưng, tức thờ ơ, mặc kệ kẻ có tội và không sao hình thành nổi dư
luận cũng như không cắt nghĩa được nguyên nhân sâu xa dẫn đến tội lỗi,
thì đó chính là một bằng chứng cho thấy sức khỏa tinh thần nói chung của
xã hội đang có vấn đề, và sự chữa chạy cho mỗi cá nhân không thể kết
quả, nếu không có sự chữa chạy cho cả cộng đồng nói chung.
Đang nghĩ vân vi như vậy thì gần đây, qua báo Nông thôn ngày nay, số
ra 12.6.99, tôi lại được biết thêm về một hiện tượng phải nói là kỳ cục
giữa công ty X và công ty Y có sự tranh chấp. Để trả thù, bên Y liên
tiếp gửi tới bên X những chiếc quan tài và các vòng hoa tang, trong đó
đề rõ tên tuổi kẻ thù của mình. Như một phóng viên Nông thôn ngày nay
nhận xét, đây quả là kiểu khủng bố chưa từng có ở Việt Nam. Sự việc “độc đáo”
đến mức các nhà chức trách đang phải theo dõi để tìm cách luận tội cho
chính xác. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, nhiều bạn dọc của chúng ta, khi
nghe chuyện, hẳn không khỏi nhớ tới những cách trả thù vốn có từ xưa, và
còn lưu truyền lại qua lời đồn đại của dân gian; căm giận ai thì đi dò
hỏi mồ mả ông cha người ta rồi đào lên để hạ nhục. Hoặc làm hình nhân
thế mạng, viết tên kẻ thù của mình lên đóm rồi lấy kim châm vào chỗ hiểm
và thuê thầy địa lý về yểm vào đất độc. Hoặc như trong truyện Tấm Cám,
cái đầu của Cám sau khi chết được Tấm mang ra làm mắm để gửi về cho
người mà Tấm vẫn gọi là mẹ ghẻ (cũng tức là mẹ đẻ của Cám). Thì ra, cái
hành động kia không hẳn đã đơn độc như chúng ta tưởng tượng. Trong khi
lên án nó và đồng tình với mọi sự trừng trị đích đáng, đồng thời phải
thấy nó thuộc về một cái gì di truyền trong tâm lý xã hội, do đó, có khi
hoạt động ngoài ý muốn từng con người cụ thể. Nói cách khác, trong cái
hành động kỳ cục kia thấy có cả những căn nguyên văn hóa sâu xa (văn hóa
ở đây không chỉ bao gồm tinh hoa mà như các nhà nghiên cứu khoa học xác
định, còn bao gồm cả những cặn bã cần vứt bỏ). Và như vậy là trên đường
suy nghĩ về hiện tượng tiêu cực, chúng ta có thể phần nào yên tâm vì đã
lần đến đầu mối cuối cùng, còn như việc lo chữa chạy thì sao, đấy lại
là chuyện khác.
Chắc chắn, mỗi khi đứng trước một hiện tượng tiêu cực, lại còn lo lần
ra căn nguyên đạo lý văn hóa của nó, công việc phải làm sẽ trở nên vô
cùng bề bộn. Chẳng phải là lâu nay nhiều người chúng ta có thói quen suy
nghĩ một cách đơn giản “truyền thống căn bản là tốt”, “đạo lý nhìn chung là lành mạnh”,
để xuê xoa mọi chuyện. Nhưng chính bởi thế, nay lại chính là lúc xã hội
phải lo nhận thức cho thấu đáo hơn. Bề bộn mấy thì bề bộn, để giải
quyết đến cùng mọi chuyện tiêu cực, không thể có cách nào khác. Bởi các
vấn đề đạo lý văn hóa không chỉ liên quan đến pháp luật mà còn liên quan
đến mọi mắt xích khác trong guồn máy xã hội. Nói như một viện sĩ người
Nga, ông D. Likhachev: Không có văn hóa, xã hội không thể trở thành xã
hội có đạo lý.
Và nếu không có cả văn hóa lẫn đạo lý, thì mọi cải cách trong các
lĩnh vực kinh tế, khoa học đều trở nên vô nghĩa, tức không thể thực
hiện.