Thilo Thielke tường thuật từ Việt Nam
Phan Ba dịch từ Spiegel Online
Hầu như không có nước nào lại có nhiều loài khỉ đang bị đe dọa như Việt Nam. Nhưng chẳng bao lâu nữa thì phần lớn chúng sẽ bị tuyệt chủng – thịt khỉ được xem là thức ăn ngon trong đất nước này. Với máy quay bí mật, SPIEGEL ONLINE đã có thể quay phim trong các nhà hàng bán thịt khỉ. Đó là những hình ảnh thật kinh khủng.
Trong một ngôi làng ở đâu đó trong miền Trung Việt Nam. Một vài người đàn ông trẻ tuổi đang ngồi ở ngoài trời và thưởng thức món ăn. Trên cái bàn tròn trước họ có một món thịt. Đó có thể là thịt heo hay thịt bò, nhưng đấy lại là thịt khỉ. Người ta uống nhiều bia kèm theo. Họ chẳng buồn để ý đến con người xa lạ vừa mới đi ngang qua để nhìn thoáng vào trong bếp.
Một nữ bác sĩ thú y người Đức ở Việt Nam đã quen thuộc với vấn đề đấy. Bà ấy là chuyên gia về con cu li, còn gọi là khỉ gió, và kể về việc những vật thể nghiên cứu của mình đã biến mất với vận tốc nào. “Săn bắn đã trở thành một môn thể thao được ưa chuộng cho lúc nhàn rỗi”, bà ấy nói, “vào cuối tuần, đàn ông trẻ tuổi nhảy lên yên xe máy và chạy vào rừng.” Sau đấy, những con khỉ sẽ được bán ở chợ để làm vật nuôi trong nhà hay là thịt rừng. Khắp nơi trong nước có những nhà hàng mà trên thực đơn có thịt khỉ. Cả nhiều khu rừng đã trống rỗng rồi.
Do đó, SPIEGEL ONLINE đã nhìn vào trong hậu trường của những nhà hàng khỉ này. Người nước ngoài trong những hàng quán như thế sẽ gây nghi ngờ nên một người Việt Nam đã đóng vai một khách hàng, người đang trên đường tìm hàng tiếp tế cho nhà hàng của mình ở Hà Nội. Vì thế nên người này đã được mởi vào phòng trong, kho hàng và bếp của những người giết khỉ. Những hình ảnh mà ông ấy mang về thật là gây chấn động.
Giết chết tàn bạo cho những người sành ăn
Một cảnh diễn ra trong một gian phòng tối tăm mà có thể nhận ra được một con khỉ ở trong đó. Dường như đó là một con khỉ Macaca, bộ lông của nó có màu nâu. Tay của nó bị trói quặt ra sau lưng. Con thú nằm trên mặt đất, bàn tay khỏe mạnh của người đầu bếp ấn nó xuống mặt đất. Rồi một người đàn bà liên tục đổ nước nóng từ một cái xô nhựa lên đầu của con thú, và người đầu bếp bắt đầu vặt lông của con khỉ Macaca ra. Điều kỳ lạ là con khỉ hầu như không la hét gì cả. Nhưng người ta có thể nhìn thấy nó uốn éo người, đập đuôi, đấu tranh vì cuộc sống của nó. Ít lâu sau đấy, người ta có thể nhận thấy viên đầu bếp trưởng dùng con dao rựa đánh liên tục vào cái đầu trọc của con thú còn sống. Chẳng mấy chốc, con thú đã chết.
Máu được người đàn bà hứng vào trong một cái túi nilon. Phần còn lại được đưa vào trong phòng bên cạnh, nơi có hai xác khỉ khác, đã được nhổ lông và lấy nội tạng ra, đang nằm chờ tiếp tục xử lý. Hầu như tất cả mọi thứ đều được dùng: thịt được rán, nội tạng được nấu, dương vật được phơi khô. Những gì không phục vụ cho sự no đủ thì có thể được bán đi như dược phẩm truyền thống của Trung Quốc. Trong gian phòng ở phía trước có hàng chục con khỉ đông lạnh nằm trong kho. Họ có thể cung cấp vài trăm con trong vòng vài tuần, bà chủ quán hãnh diện tuyên bố.
“Ở chợ đầy thịt rừng”, nhà bảo vệ loài sinh vật và cũng là nhiếp ảnh gia thiên nhiên Karl Ammann nói. “Tăng trưởng kinh tế và hạ tầng cơ sở tốt hơn chỉ khiến cho sự việc tệ hại hơn.” Hiện giờ, ngay đến những vùng hẻo lánh nhất của Đông Nam Á cũng được khai phá; đồng thời, việc ăn thịt thú hiếm đã trở thành mốt. “Trong những buổi tiệc ở châu Á, dương vật cọp và bột từ sừng tê giác được chuyền nhau như thuốc phiện ở những nơi khác”, Ammann nói.
“Ở trong vùng của chúng tôi đầy nhà hàng khỉ”
Từ một năm rưỡi nay, người Đức Georg Kloeble làm việc ở Việt Nam. Trong tỉnh Thanh Hóa, tròn 240 kilômét về phía Đông Nam của Hà Nội, ông ấy đang xây dựng lực lượng bảo vệ rừng theo yêu cầu của Hỗ trợ Phát triển Đức, chịu trách nhiệm cho hai tỉnh. “Vào lúc ban đầu, thật sự là chẳng có ai lo lắng đến các con thú cả”, Kloeble nói, người trước đó đã sống 20 năm ở Malawi, hoạt động vì sự sống còn của những con voi ở đấy và đã thành lập tổ chức bảo vệ động vật Wildlive Action Group International. Hiện giờ, các cố gắng mang sự bảo vệ loài vật đến gần với người Việt của ông ấy đã có thành quả. Vì ngày càng có nhiều thú vật được tịch thu nên trạm lâm nghiệp của ông ấy đã biến thành một vườn bách thú nhỏ, cái đang nuôi dưỡng ngoài những thứ khác là 17 con khỉ, tê tê và hai con gấu ngựa sơ sinh.
Qua đó, khả năng cung cấp chỗ ở đã cạn kiệt. Trước hết là các con gấu đang cần nhiều diện tích. “Chúng tôi đang rất cần sự giúp đỡ ngay lập tức, đặc biệt là cho các con gấu, để xây cho chúng một khu đất trong khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên”, Kloeble nói. “Nuôi các con thú đấy với thức ăn cho trẻ sơ sinh và hoa quả tốn khoảng 1500 euro cho một con mỗi năm.”
Tất nhiên là Kloeble biết rằng ông ấy đã tròng vào cổ mình một công việc Sisyphus. “Ở trong vùng của chúng tôi đầy nhà hàng khỉ.” Cuộc đấu tranh chống hoạt động bất hợp pháp đấy rất vất vả. Phải cần đến cả một hệ thống của những người cung cấp thông tin để tìm ra các nhà hàng đó. Thêm vào đấy, nhà hàng mới mọc lên nhiều như nấm. Tuy vậy, Kloeble vẫn tin tưởng rằng công việc của mình sẽ thành công: “Tuy phải cần nhiều thời gian, nhưng ít ra thì cũng có chuyển động.”
Thilo Thielke
Phan Ba dịch từ Spiegel Online: http://www.spiegel.de/wissenschaft/natur/vietnam-affen-werden-in-restaurants-geschlachtet-a-837365.html