Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Dầu đã sôi, coi chừng… bỏng lửa

Qua các hệ thống truyền thông “đa kênh” tuần qua, Việt Nam và Tàu Cộng (TQ) lại xào qua sới lại cái công hàm “bi hài” Phạm Văn Đồng thì tình hình tranh chấp biển đảo cục bộ “song phương” Việt Nam và Tàu Cộng trên Biển Đông như chảo dầu trên bếp lửa, nhiệt độ tăng lên khiến nó như đang sủi tăm, áng chừng muốn sôi lụp bụp.
 
Bởi bên cạnh “huyện Đảo Trường Sa” hiện hữu, Quốc Hội CHXHVN trong phiên họp cuối ngày 21-6-2012 mới thông qua Luật Biển VN khẳng định thêm nữa chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa thì cứ như đồng bộ kiểu “4 tốt 16 vàng” tiếp theo là Tàu Cộng, Tân Hoa Xã cũng trong ngày này (21/6) dẫn lời người phát ngôn báo chí thuộc Bộ Dân Chính Trung Quốc cho biết Quốc vụ Viện nước này vừa phê chuẩn kế hoạch hủy bỏ Văn phòng Tây Sa – Trung Sa – Nam Sa thuộc tỉnh Hải Nam và thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa (đơn vị hành chính trên cấp huyện, dưới cấp tỉnh). Theo giới thiệu, thành phố Tam Sa kể trên sẽ chịu trách nhiệm quản lý Quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trung Sa và Quần đảo Trường Sa với trụ sở chính quyền đặt tại đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) thuộc Quần đảo Hoàng Sa.(www.toquoc.gov.vn).
Rồi hôm sau nữa, 22/6/2012 Uỷ ban đối ngoại Quốc Hội TQ gửi một bức thư đến uỷ ban đối ngoại QH Việt Nam để “phản đối, yêu cầu các đồng nhiệm VN tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của TQ, sửa chữa ngay lập tức “hành động sai trái” và nỗ lực duy trì “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đồng thuận” cũng như quan hệ hữu nghị mà lãnh đạo hai nước đã đạt được với TQ”. Và rằng : Luật biển của VN sẽ không làm thay đổi một thực tế là TQ có “chủ quyền không thể tranh cãi được và có sự kiểm soát thật sự” trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cũng ngay chiều hôm đó (22/6) trong một tuyên bố đăng trên trang web của bộ ngoại giao VN, phát ngôn viên Lương Thanh nghị đã bác bỏ lời phản đối “vô lý” nói trên của TQ .
Cục diện toàn cảnh tới đây thì gần như toàn dân Việt Nam chúng ta đã hình dung được, như trên một khế ước “ngụy hôn nhân” của “đảng ta” với đảng CS Tàu Cộng, đã lòi ra hai cái bản mặt như “già nhân ngải, non vợ chồng”.
Giống hệt ả điếm về chiều tàn tạ sắc hương không nơi nương tựa, ăn cắp chút của cải “biển đảo” mẹ cha, bám lưng thằng khách chệt giang hồ xin hiến tặng như của hồi môn mong cho nó ôm ấp chở che cuối đời. Ngặt nỗi “của hồi môn” thì nó thích mà cái tính lăng loàn trắc nết, đưa người cửa trước rước người cửa sau của ả thì nó chán chê, ả điếm buồn tình quay quanh quất chợt thấy thằng khách quen mắt xanh mũi lõ tay vẩy nhe răng cười, ả động lòng lại muốn ngã rẽ “sang ngang”. Khốn nỗi, “sang” thì được nhưng lấy “ngang” chút hồi môn về thì không, thằng khách chệt giang hồ chống nạnh chỉa súng trợn mắt nói “đó là của tao”, ả điểm bó gối bất lực nhìn thằng khách mắt xanh mũi lỏ mà than thầm: phải chi biết trước, nghe mẹ cha, tao theo mày thì đâu có cảnh khốn khổ như ngày hôm nay!
Chút ẩn dụ vui cho “nghịch cảnh chính trị” quê nhà của “đảng ta”, rồi nhìn sang xứ Myanmar, ê kíp tướng lãnh như “quân phiệt” độc tài cầm quyền gần 30 năm, vị nào vị nấy thu gom của cải chìm nổi đầy kho, biệt thự sân golf đường nhựa chạy tới trước cửa nhà. Nhưng cấm vận quốc tế ngặt nghèo làm các “tướng” cũng chột dạ nhón chân ngước mắt len lén nhìn ra thế giới, hết Gaddafi của Libya tới Mubarak Ai Cập, rồi Ben Ali của Tunisia… Kẻ thì về với cát bụi trong ô nhục, kẻ nằm ngáp ngáp sau song sắt mãn đời, kẻ thì đào tẩu trốn chui trốn nhủi ở Phương Tây với án chung thân khiếm diện (Ben Ali – Tunisia) Tài sản tích cóp do tham nhũng từ mồ hôi nước mắt của nhân dân, lớp bị thu hồi, lớp thất lạc về tay thiên hạ như mây bốn phương trời mà giật nẩy mình để rồi các “tướng” Myanmar “nhất trí” cùng nhau tự nhủ : “Như… vầy cũng đủ rồi”. Già néo thêm chi nữa lỡ nhân dân tới đường cùng, bắt chước nổi dậy “phập” một cái đứt dây thì “chì” cũng mất mà “chài” đôi khi khó mà toàn thây. Thôi thì cái quyền lực và tự do nhân quyền “cầm nhầm” của nhân dân lâu rồi, giờ trả về cho nhân dân. Coi như mình cũng “có công” hoàn lại, để tại vị còn nguyên quân phục, ngon lành, mà đánh golf uống sâm banh cho nó nhẹ người, bớt hồi hộp!
Và thế là cửa các nhà tù Myanmar rộng mở, hàng chục ngàn cánh chim đấu tranh cho tự do tháo cùm gông bay theo cánh chim Nobel hoà bình Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, về với xã hội, bầu cử đa nguyên, báo chí cũng “sổ lồng”. Những mái chùa vàng ở Yangon dường như cũng rực rỡ hơn trong sắc màu tự do, bác ái, nhân từ trong tình đoàn kết dân tộc, dù đâu đó rãi rác nhất thời chưa hoá giải hết xung đột tôn giáo và sắc tộc.
Cái đoạn kết có hậu trên con đường dài đẫm máu, nước mắt để đòi lại nhân quyền, tự do dân chủ mà nhân dân Myanmar dấn thân và cái tư duy thức thời chọn lựa một giải pháp tối ưu “biết người biết ta” của các “ông tướng” khôn lỏi Myanmar không biết có là tấm gương cận cảnh cho các vị lãnh đạo quan lại triều đình “đảng ta” soi rọi, để tránh cái cảnh “dầu sôi ngoài biển” mà “lửa dậy can qua” trong nhà?
Và khi mà “Việt Nam luôn xem Hoa Kỳ là đối tác hàng đầu có ý nghĩa rất quan trọng và mong muốn Hoa Kỳ với tư cách là một cường quốc châu Á – Thái Bình Dương, sẽ đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Việt Nam mong muốn cùng với phía Hoa Kỳ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa hai nước…” - (TT Nguyễn Tấn Dũng chào đón BT Quốc Phòng Mỹ).
Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ

Gần giống như vậy theo quan điểm của TS Cù Huy Hà Vũ, kêu gọi nhà nước VN: “Nếu không có Hoàng Sa và Trường Sa thì sẽ không có đường lưỡi bò, do vậy Trung Quốc phải chiếm hữu hai quần đảo này của Việt Nam bằng mọi giá; và để đối phó với việc TQ xâm lược lãnh thổ Việt Nam như đã làm vào năm 1974 ở Hoàng Sa, và năm 1988 ở Trường Sa, Cù Huy Hà Vũ cho rằng liên minh quân sự với Mỹ sẽ giúp Việt Nam khẳng định và bảo vệ thành công chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…” - (Wikipedia)
Việc trả lại tự do cho vị Tiến Sĩ này và hàng ngàn đồng bào con em trong lao tù vì bất đồng chính kiến là rất cần thiết để hoá giải hận thù trong lòng dân tộc. Mọi cơn cuồng phong bão tố đi qua thường để lại phía sau nhiều mất mát đau thương, bởi sức mạnh vô địch của nó tích luỹ từ những “sợi gió” mong manh trước đó. Hãy mở toang cửa nhà tù cho những “sợi gió” tù nhân lương tâm hoà vào lòng dân tộc chuẩn bị thành sóng cồn bão dâng ngăn chặn bước chân đại hán đe doạ xâm lược.
Đã đến lúc rồi, cần lắm – Hạ màn cái vở kịch bi hài “XHCN là khát vọng của nhân dân ta” trên sàn diễn “độc tài toàn trị” mà phông màn loang lổ máu và nước mắt dân tộc Việt Nam. Thay vào đó, hãy biến khán phòng vĩ đại của đất nước thành hội nghị Diên Hồng với hàng triệu cánh tay vươn cao thành mũi giáo, ngọn chông trải khắp Biển Đông như Bạch Đằng xưa từng “Thủy Huyết Lưu Hồng”, từng chôn vĩnh viễn mộng cuồng chinh phương Nam của Thành Cát Tư Hãn phương Bắc.
Hoàng Thanh Trúc

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"