Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Tư duy phản biện chứng

Nguyễn Hưng Quốc
Trong phần Ý kiến trên blog của tôi (cũng như một số blog khác), một số người, dưới những tên hiệu khác nhau, thường nhảy ra bênh chầm chập những chính sách hoặc việc làm sai trái của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay. Hai lập luận thường được nêu lên nhiều nhất là: một, ở các nơi khác, kể cả Mỹ, cũng vậy; và hai, ở miền Nam trước đây, tình hình còn tồi tệ hơn. Vậy thì những sai trái ở Việt Nam có gì lạ đâu?
Ví dụ, nói về hiện tượng công an Việt Nam đánh dân, thậm chí, giết dân một cách dã man, người ta cãi lại: ở Mỹ, cảnh sát cũng dùng dùi cui phang túi bụi vào những người dân xuống đường biểu tình; ở miền Nam ngày xưa, hiện tượng cảnh sát đánh dân cũng không hiếm. Kết luận: chuyện công an Việt Nam hiện nay đánh dân chỉ là điều bình thường; hơn nữa, cần thiết. Để duy trì trật tự và ổn định.

Đọc những lời phản biện như thế, người ta rất dễ thấy là chúng ngụy biện. Nhưng không nên cho đó là sự ngụy biện của những người kẻ cuồng tín và ít học. Theo dõi các bài diễn văn hay những lời phát biểu của các cán bộ cao cấp, thậm chí, cao cấp nhất ở Việt Nam hiện nay, chúng ta cũng thấy ngay những lối ngụy biện như thế mỗi khi người ta muốn bênh vực hay biện hộ cho chế độ.
Ngụy biện thường có một trong hai hoặc cả hai nguyên nhân: dốt và/hoặc gian. Tôi nghĩ, với giới lãnh đạo Việt Nam, gian nhiều hơn dốt.
Gian ở hai điểm chính:
Thứ nhất là người ta cố tình bóp méo hiện tượng, nhất là hiện tượng dùng để đối chiếu. Ví dụ, liên quan đến tình trạng độc đảng ở Việt Nam, giới lãnh đạo Việt Nam lý luận: Thì ở Mỹ, ít nhất trong từng nhiệm kỳ bốn năm, lúc nào cũng có một đảng cầm quyền chứ mấy? Đâu phải ai muốn làm Tổng thống cũng được? Cũng nhân danh đảng mà cai trị, có gì khác Việt Nam đâu?
Khác chứ. Khác ở ba điểm: một, trước khi một đảng nào đó thắng cử và lên cầm quyền, họ phải cạnh tranh gay gắt với các đảng khác để giành được sự ủng hộ của dân chúng; hai, trong khi họ cầm quyền, đảng đối lập không ngừng theo dõi và tranh luận với họ trên từng chính sách một; và ba, họ không cầm quyền vĩnh viễn: cứ bốn năm, dân chúng lại đánh giá các thành tích của chính phủ và có cơ hội chọn lựa lần nữa.
Cũng vậy, ở Mỹ - hay ở bất cứ quốc gia Tây phương nào khác - không phải không có hiện tượng cảnh sát đánh dân. Nhưng những chuyện đánh dân như vậy, tự bản chất, vẫn khác với những gì đã và đang xảy ra ở Việt Nam ít nhất ở hai điểm: Một, người ta không đánh dân một cách vô cớ. Trong các cuộc biểu tình, cảnh sát chỉ dùng dùi cui khi biểu tình biến thành bạo động. Chứ nếu dân chúng cứ diễu hành hoặc đọc diễn văn và hô đả đảo một cách trật tự thì chắc chắn chả có người cảnh sát nào sử dụng bạo lực cả. Nó khác hẳn với Việt Nam. Hai, nếu cảnh sát vô cớ sử dụng bạo lực hoặc sử dụng bạo lực một cách quá đáng, hơn mức cần thiết, họ sẽ bị tố giác hoặc/và bị trừng phạt ngay tức khắc. Không hiếm trường hợp không chỉ bản thân những người cảnh sát bạo hành mà cả chỉ huy của họ, có khi là chỉ huy cao nhất trong ngành, phải từ chức. Nó cũng khác hẳn Việt Nam.
Thứ hai là người ta đánh tráo đối tượng được dùng để đối chiếu. Cách phổ biến nhất là so sánh tình hình Việt Nam hiện nay với miền Nam ngày trước. Việt Nam tham nhũng ư? Ừ, nhưng trước năm 1975, ở miền Nam, cũng có tham nhũng vậy. Ở Việt Nam hiện nay, thương binh hoành hành như một thế lực đen trong các cuộc trấn áp dân chúng ư? Ừ, thì ở miền Nam lúc trước, thương phế binh cũng từng lăn ra đường nằm vạ vậy. Ở Việt Nam bây giờ, dân lao động ở thành thị cũng như thôn quê đói khổ ư? Ừ, ở miền Nam ngày xưa dân chúng cũng nghèo nàn và khốn quẫn như vậy. Cứ thế, nói đến đĩ điếm, đến nạn bạo động trong học đường, đến bất cứ tệ nạn nào, người ta cũng đều lôi Việt Nam Cộng Hòa ra so sánh. Và thấy là mình…hơn. Hoặc, ít nhất, cũng không phải là tệ nhất.
Những người cộng sản, trên phạm vi thế giới, vẫn nổi tiếng về tài năng biện luận. Họ biện luận một cách có bài bản, gắn liền với cái gọi là biện chứng pháp, một phương pháp lý luận vốn có lịch sử lâu đời, tận thời cổ đại ở Hy Lạp, với những tên tuổi lớn như Socrates và Plato, được Georg Wilhelm Friedrich Hegel hệ thống hóa và cuối cùng, được Karl Marx cải biên thành duy vật biện chứng pháp. Trải qua nhiều thay đổi, cốt lõi của biện chứng pháp vẫn là một: nhìn mọi hiện tượng xã hội và lịch sử trong thế vận động liên tục. Vận động với những yếu tố đối lập và lúc nào cũng tương tác chặt chẽ với nhau.
Thế nhưng, hiện nay, trong cách nhìn của những người cộng sản, kể cả trong giới lãnh đạo, để biện hộ cho sự độc quyền và các chính sách cũng như những khuyết điểm trầm trọng của chế độ, bao giờ họ cũng tự trói buộc họ vào một tầm nhìn mang tính lịch đại (chronological) cực hẹp. Lại là thứ lịch đại loại trừ hiện tại: chỉ biết đối chiếu với quá khứ.
So sánh Việt Nam bây giờ với miền Nam trước năm 1975, đứng về phương pháp luận, người ta quên hoặc cố tình nhắm mắt trước hai vấn đề:
Một, không thể so sánh một xã hội thời chiến tranh, đặc biệt một cuộc chiến tranh cực kỳ khốc liệt và kéo dài, dài đến tận 20 năm (không kể 10 năm chiến tranh với Pháp trước đó) với một xã hội đã hòa bình trên ba mươi năm (kể từ sau chiến tranh với Trung Quốc đầu năm 1979). Hơn nữa, ngay cả so sánh Việt Nam bây giờ với Việt Nam thời Pháp thuộc trước năm 1945 cũng chẳng soi sáng được gì cả. Dân chúng Việt Nam bây giờ giàu có với nhiều tiện nghi thừa thãi hơn ư? Chính quyền dù sao cũng cởi mở và dân chủ hơn ư? Vâng. Nhưng sự so sánh ấy nói lên được điều gì? Điều cần nhất là một tầm nhìn mang tính đồng đại (synchronic).
Đó chính là vấn đề thứ hai mà người ta muốn gạt bỏ: Nếu muốn so sánh, phải so sánh Việt Nam hiện nay với các quốc gia khác hiện nay. Không cần phải so sánh với các quốc gia đã phát triển mạnh mẽ. Hãy so sánh với các nước trong khu vực. Trong khu vực, tạm bỏ qua Singapore và Hàn Quốc - khoảng cách đã quá xa, chúng ta hơn gì Thái Lan, Malaysia và Indonesia?
Để phát triển, chúng ta không những cần sáng suốt. Mà còn cần cả sự ngay thẳng.
Không thể đánh lừa người khác và tự đánh lừa mình mãi được.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"