Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Việt Khang - Chiến binh vô danh?


“Nhất tướng công thành vạn cốt khô” là câu nói khẳng định định số của một con người được sanh ra làm tướng mà công thành được tạo nên trên cốt khô của vạn sinh mệnh có định số ngược lại. Trong số vạn cốt khô đó, có mấy ai còn được nhắc tên, bởi có thể họ được sanh ra để làm những chiến binh “vô danh”. Và giờ đây đang có một chiến binh “vô danh” mà tôi muốn nói tới, Việt Khang, người nhạc sĩ trẻ chưa có đủ thời gian để có thể trở thành “tài hoa”, nhưng chỉ với vỏn vẹn bốn bản nhạc, trong đó hai bản nhạc sau cùng đã “thưởng” cho anh hai lần tù.


Không phải tình cờ mà anh bị bắt lần thứ hai, “Việt Nam Tôi Đâu?”, nỗi xót sa về hiểm họa mất nước đã đưa anh vào tù lần thứ nhất, sau khi được thả ra, anh vẫn không im lặng, anh không thể im lặng, vì trái tim trong anh tiếp tục thổn thức, trái tim anh không bằng lòng cho anh im lặng, và rồi “Anh Là Ai?”, một lần nữa lại đưa anh trở lại nhà tù lần thứ hai cho tới bây giờ. Phi lý không thể nào lý giải nổi, vậy mà đã xảy ra một cách ....hợp lý, và như là không thể không xảy ra.

Việt khang với hai bản nhạc “Việt Nam Tôi Đâu?” và “Anh Là Ai?”, bây giờ không còn xa lạ gì với thế giới bên ngoài, cái thế giới xa lạ với anh, không hề biết anh, nhưng thế giới này bây giờ lại biết anh. Thế nhưng anh bỗng dưng biến mất một cách kỳ lạ ngay tại cái thế giới nhỏ hẹp đã sanh ra anh và nuôi anh lớn hơn 30 năm. Người ta dường như không biết gì đến sự hiện hữu của anh. Không phải vậy! Chắc chắn người ta đã biết anh, ít ra cũng có biết hai bản nhạc đầu được chính ca sĩ trong nước trinh diễn. Ấy vậy mà bỗng dưng anh trở thành vô thường. Người ta chợt biến thành những thiền sư tới hồi thoát tục, không nghe, không thấy và không nói. Có lẽ anh phải sáng tác một bản nhạc nữa để hỏi chính anh “Tôi Là Ai?”. Sở dĩ anh nên hỏi vậy là vì, anh không là gì cả, anh chỉ là một hiện hữu “Vô Danh”, một chiến binh “Vô Danh”.

“Việt Nam Tôi Đâu?” và “Anh Là Ai?” bất quá là tiếng vọng không còn chỗ chứa mà bật ra khỏi từ tâm thức anh thành dòng nhạc. Anh đã đa đoan với nỗi đau của quê hương dân tộc, anh đã uất nghẹn, hoang mang và lo sợ về viễn ảnh tương lai của đất nước, của dân tộc anh, của những thế hệ sau anh, “tương lai của Nô Lệ”. Anh muốn tìm cho ra “Việt Nam Tôi Đâu?” và “Anh Là Ai?”, không chỉ cho chính anh, mà anh muốn tìm thay cho cả bao nhiêu người khác, rõ ràng thế thôi, giản dị thế thôi, và anh đã nhận được câu trả lời – Anh phạm tội! Tội “Dám Hỏi”! Hai bản nhạc của anh giá quả là đắt, hai lần tù. Đắt đến độ mà không ai muốn mua lại, đến độ người ta không đủ khoảng trống nào trên giấy, trên mạng để điền tên anh vào và đắt đến độ người ta không đủ khí lực để nói đến tên anh.

Lẽ ra anh phải biết chính “anh là ai”, nhưng anh đã không cần biết, anh chỉ biết làm những gì mà anh cho là cần làm và không thể không làm. Có thể anh cũng biết anh không là ai cả, anh cũng có tên, là Việt Khang, là Võ Minh Trí, nhưng anh “vô danh”. Anh không là “nhà” gì cả, không là “nhà trí thức”, không là “nhà đấu tranh”, “nhà tư tưởng”, cũng không là “nhà báo” v.v... Nghĩa là anh không nằm trong cái “nhà” nào cả. Anh chỉ là Việt Khang, “Việt Khang Vô Danh” với vỏn vẹn bốn bản nhạc. Chỉ với bốn bản nhạc, thì dù anh có làm gì đi nữa vẫn chưa đủ để người ta biến anh thành “Việt Khang Hữu Danh”, và chính vậy anh không hiện hữu.

Có điều bây giờ anh không hỏi, nhưng tôi muốn hỏi, có phải con tim người ta vô cảm với anh không? Tôi muốn hỏi, có phải người ta cũng đang nghĩ là anh có tội không? Tôi không cho là có một ai nghĩ vậy, ít ra tôi hy vọng không một ai nghĩ vậy. Nhưng tôi vẫn muốn tìm câu trả lời, tại sao không thấy người ta nhắc tới anh ? Tại sao không thấy người ta quan tâm đến anh?


Lý Quốc Việt

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"