Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Vịnh Bắc Việt: Vài điều nói thêm

Trương Nhân Tuấn
Trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ vùng biên giới giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, không ai có thể phủ nhận giá trị qui chiếu (référence) của công ước về phân định biên giới năm 1887, ký kết giữa Thanh triều và nhà nước bảo hộ Pháp, nhằm phân định biên giới giữa Bắc Kỳ (Tonkin) và các tỉnh Hoa nam (từ nay gọi là công ước Pháp - Thanh 1887). Công ước này, nếu không có các ký kết khác giữa hai nước sau này nhằm thay thế, thì giá trị pháp lý của nó vẫn còn đầy đủ hiệu lực cho đến hôm nay (kể cả trên phương diện công pháp quốc tế).
Theo tinh thần của công ước 1887, vịnh Bắc Việt đã được phân chia rạch ròi. Đây cũng là quan niệm của các chính phủ VNDCCH, sau khi phía Trung Quốc đề nghị phân định lại vịnh Bắc Việt.

Tuy vậy, gần đây ông Dương Danh Huy cho rằng công ước 1887 không nhằm phân định vịnh Bắc Việt. Theo ông này, vào thời kỳ 1887 luật quốc tế về biển chưa hình thành. Nếu chưa có luật về biển thì không thể có việc phân định biển.
Đây là một lý lẽ không hề thuyết phục. Lý luận như vậy thì tất cả các kết ước (hay giao ước) về lãnh thổ, hải phận, thềm lục địa… giữa các quốc gia ở thời điểm chưa có bộ Luật quốc tế về Biển thảy đều không có hiệu lực?
Nên biết khái niệm về "công pháp quốc tế" chỉ mới có từ đầu thế kỷ 20. Bộ Luật Biển 1982 chỉ là một bộ phận của Công pháp quốc tế. Trong khi quan niệm về lãnh thổ, về hải giới… của các quốc gia đã được thành hình từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước. Năm 480 trước Thiên Chúa, người Hy Lạp tự nhận là "con của biển, là cha của dân chủ", thống trị Địa Trung Hải. Đế quốc Ấn Độ, từ ba thế kỷ trước Thiên chúa, cũng đã thành lập "Bộ Hải Quân" nhằm bảo vệ các hải đạo, quản lý vùng nước các hải cảng, cũng như các thuơng thuyền của các nước qua lại trong vùng biển. Ta cũng không thể không nhắc "luật của giáo hội", phân chia biển cho các đại cường châu Âu (Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha). Từ thế kỷ thứ 12 trở đi, các đế quốc Châu Á đều ý thức đến việc hệ trọng của đại dương, Việt Nam là một thí dụ điển hình (trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh, chiến tranh hai bên phần lớn thể hiện qua các trận thủy chiến, của các đạo "thủy quân"). Thế kỷ 15 người Tây phương làm bá chủ trên các vùng biển, mở đầu cho việc mở rộng đế quốc và chính trị thực dân.
Gần đây nhất, năm 1942, Anh quốc (bảo hộ Trinité et Tobago) và Vénézuela phân định vùng thềm lục địa (do tranh chấp các mỏ dầu khí ngoài khơi). Năm 1945 lại có tuyên bố của tổng thống Truman về chủ quyền "thềm lục địa".
Nếu lập luận của ông Dương Danh Huy được áp dụng, các đế quốc trước kia không thể thành lập bộ hải quân để kiểm soát biển, vì luật quốc tế về biển chưa có. Tương tự, Anh quốc và Vénézuela không có quyền phân định "thềm lục địa", vì luật Biển chưa có. Ông Tổng thống Hoa Kỳ Truman cũng không thể tuyên bố chủ quyền ở thềm lục địa, vì luật biển cũng chưa có.
Thực ra, Luật quốc tế về Biển 1982 được thành hình do dựa lên các tập quán ngày xưa của các quốc gia. Bộ luật 1982 có các điều khoản liên quan về lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng kinh tế độc quyền vì tập quán của các quốc gia ngày xưa đã có quan niệm về "hải giới", tức thẩm quyền (quyền tài phán) của quốc gia trên một vùng biển. Tập quán quốc gia có quan niệm về chủ quyền thềm lục địa, luật quốc tế về biển vì vậy định nghĩa về quyền tài phán và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển về thềm lục địa.
Luật pháp quốc tế về biển, cũng như mọi bộ luật quốc tế khác, đều là luật đến từ các kinh nghiệm, các tập quán thông thảo giữa các quốc gia, như giải quyết các tranh chấp, hay các tuyên bố về chủ quyền của một nước (mà điều này được các quốc gia khác công nhận). Tất cả các kết ước về lãnh thổ, vùng biển giữa các nước trước khi các bộ luật quốc tế về chủ quyền lãnh thổ, về Biển ra đời… đến nay vẫn còn hiệu lực pháp lý. Hầu hết các vụ án do CIJ phân xử từ trước đến nay đều công nhận giá trị pháp lý của các kết ước này.
Vịnh Bắc Việt đã được phân chia theo công ước Pháp Thanh 1887, tương tự việc phân định thềm lục địa năm 1942 giữa Anh và Vénézuela. Cả hai kết ước này đềy xảy ra lúc chưa có luật quốc tế về Biển. Nếu việc phân định năm 1942 có hiệu lực (trên quan điểm quốc tế công pháp) thì công ước Pháp-Thanh 1887 cũng có giá trị tương tự.
Sau đây là bài viết (có nhuận sắc lại) của tác giả viết đầu thập niên 2000 về ý nghĩa công ước 1887, đăng lại để sự việc được rõ rệt hơn.

Vịnh Bắc Việt: Công ước 1887, ý nghĩa và hiệu lực.

1/ Khái niệm về "quyền chủ quyền - droit de souveraineté" trên biển, tức hải giới của quốc gia (nation), ở Việt Nam không biết đã xuất hiện vào thời kỳ nào, nhưng theo quan điểm lịch sử, nhiều học giả trên thế giới đã công nhận sự hiện hữu một "titre de souveraineté", một văn kiện chứng nhận quyền chủ quyền trên biển cả của dân tộc Việt Nam (một danh nghĩa chủ quyền), được phân định rạch ròi theo lối Tây Phương ở vùng Vịnh Bắc Việt bắt đầu từ năm 1887.
Theo GS Charles Fourniau[1], trước năm 1887, Việt Nam và các nước chung quanh, kể cả Trung Hoa, đã không có một khái niệm về "quyền chủ quyền" trên biển. Ông cho rằng:
"từ khoảng cuối thế kỷ thứ 5 đã có nhiều thương thuyền đi dọc bờ biển của nước Chàm, biển Ðông vì thế đã có nhiều thuyền bè qua lại. Nhưng nếu đi tìm trong sử liệu của Chàm, của những thương buôn Trung Hoa, của Việt Nam hay của thương buôn các nước Tây Phương, từ thế kỷ thứ 18, thì dường như đã không ghi lại một chi tiết nào liên quan đến khái niệm chủ quyền về biển ở Biển Ðông. Người ta cũng không tìm thấy qua các bản đồ của Ả Rập, Bồ Ðào Nha hay Hòa Lan hay trong những nhật ký hải hành, bất kỳ một hình thức công bố về chủ quyền của một nước nào về Biển Ðông, là vùng biển bao bọc nơi đây. Nếu việc công bố chủ quyền vùng biển này hiện hữu thì trong các quyển nhật ký hải trình của các tàu bè qua lại nơi đây đã không thể không ghi lại, đặc biệt tại vùng cận bờ của Chàm và Việt Nam. Bởi vì cho đến cuối thế kỷ thứ 17, tất cả tàu bè đi từ Poulo Condor cho đến Quảng Ðông (Canton) đều theo chung một hải trình: đi dọc theo bờ biển của hai nước (Chàm và Việt Nam) cho đến khoảng vĩ tuyến thứ 15, chứ không bao giờ mạo hiểm ra ngoài khơi, vì họ biết rằng cách bờ khoảng 200 dặm có một vùng rộng lớn đầy đá ngầm nguy hiểm. Việc nầy cho thấy rằng từ thời kỳ xa xưa cho đến góc tư cuối của thế-kỷ thứ 19, giới hạn lãnh thổ của các xứ trong vùng tiếp giáp vùng cực Tây của Biển Ðông, thì có lẽ ngừng lại ở đường cận duyên dọc theo bờ biển hay cận các hải đảo".
Nhưng, GS Fourniau cũng ghi nhận:
"Cuối thế kỷ thứ 18, người ta thấy rằng triều đình Việt Nam đã phản đối việc nhiều nhóm thuyền bè của Trung Hoa cặp bến ở các vùng bờ biển Việt Nam, thí dụ như vào năm 1832 vua Minh Mạng đã từ chối sự đề nghị của chính quyền Quảng Ðông cho phép chiến thuyền của Trung Hoa vào dẹp bọn cướp biển Tàu làm sào huyệt trên các vùng biển Việt Nam và vào năm 1833 nhà vua cũng ra lệnh cho một nhóm thuyền đánh cá Trung Hoa phải rời khỏi vùng Vân Ðồn. Một số các tác giả vì thế cho rằng những nhà cầm quyền thời đó đã có một khái niệm rõ rệt về một hải giới. Nhưng cho dầu thế nào, quan niệm hiện nay của Việt Nam về một biên giới trên biển chỉ có nguồn gốc mới đây, bắt đầu từ thời kỳ Pháp thuộc, nguyên thủy du nhập từ nước ngoài, vì nó bắt nguồn từ tập quán luật lệ của Tây Phương."
Nhưng thực sự có phải vì tiếp xúc với phương Tây mà Việt Nam mới có một khái niệm về hải giới, hay là dân ta đã có sẵn một quan niệm cá biệt Việt Tộc, như chi tiết xảy ra năm 1883, chưa được các sử gia đào sâu vì thiếu sử liệu? Riêng về người Trung Hoa thì hầu hết học giả trên thế giới đều công nhận dân tộc Hoa là một dân tộc nông nghiệp, hướng vô "lục-địa"[2] và không có "văn hóa" về biển. Trong khi đó dân tộc Việt Nam, với truyền thuyết xâm hình giao long trên người để lặn dưới sông, dưới biển; hay là những trận đánh với quân xâm lăng Trung Hoa, những trận quyết định đều là những trận thủy chiến. Việc nầy cho ta một kết luận tạm thời rằng dân tộc Việt đã có một thói quen xa xưa sống cận kề với sóng nước.
Nhưng tóm lại, cho dầu phát sinh vào thời nào, thì vào năm 1887 Việt Nam đã tiếp thu một quan niệm Tây Phương rạch ròi về hải phận trong Vịnh Bắc Việt. Ðó là hiệu quả của Công Ước 1887.
Công ước phân định biên giới giữa Trung Hoa và Tonkin (Bắc Việt) ký ngày 26 tháng 6 năm 1887 mà mọi người thường gọi là công ước Constans hay công ước Bắc Kinh, thực tế là biên bản bế mạc của công trình phân định biên giới[3] trên đất liền. Biên bản nầy nhằm mục tiêu giải quyết những bế tắc mà hai Ủy Ban Pháp và Thanh phụ trách phân định biên giới đã không thể giải quyết được trên thực địa. Những bế tắc đem lại từ việc hai bên đều giữ nguyên ý kiến của mình về số phận của một số vùng đất cận biên giới[4]. Tuy nhiên, ngoài việc giải tỏa bế tắc ở những vùng tranh chấp và công nhận những biên bản phân định biên giới cùng bản đồ đính kèm do hai Ủy Ban Phân Ðịnh ký kết, biên bản nầy (hay Công Ước) còn xác định một đường “biên giới”, là kinh tuyến 105° 43’, ở vùng “cực đông của Tonkin”. Ðoạn văn liên hệ nầy nguyên văn như sau:
“1° Les procès-verbaux et les cartes y annexées qui ont été dressés et signés par les commissaires français et chinois sont et demeurent approuvés; 2° Les points sur lesquels l’accord n’avait pu se faire entre les deux Commissions et les rectifications visées par le 2e paragraphe de l’article 3 du Traité du 9 juin 1885 sont réglés ainsi qu’il suit:
Au Kouang-tong, il est entendu que les points contestés qui sont situés à l’est et au nord-est de Monkaï, au delà de la frontière telle qu’elle a été fixée par la Commission de la délimitation, sont attribués à la Chine. Les îles qui sont à l’est du méridien de Paris 105° 43’ de longitude est, c’est-à dire de la ligne nord-sud passant par la pointe orientale de l’île de Tch’a-Kou ou Ouan-chan (Tra-Co) et formant la frontière, sont également attribués à la Chine. Les îles Go-tho et les autres îles qui sont à l’ouest de ce méridien appartiennent à l’Annam.” ....
Tạm dịch:
“1° Các biên bản và các bản đồ kèm theo đã được các Ủy Ban Pháp - Trung thiết lập và ký tên thì được công nhận; 2° Các điểm mà tại đó hai Ủy Ban đã không thể giải quyết và những sửa đổi chiếu theo phần 2, điều 3, của Công-Ước 9 tháng 6 năm 1885, thì được giải quyết như sau:
Tại Quảng Ðông, hai bên thỏa thuận rằng những điểm tranh chấp ở về phía Ðông và phía Ðông Bắc Móng Cái, những điểm nầy ở phía bên kia của đường biên giới đã được ủy ban phân định xác định, thì chúng được giao cho Trung Hoa. Những hòn đảo ở về phía Ðông của đường kinh tuyến Paris 105° 43’ kinh độ Ðông, có nghĩa là đường thẳng Bắc - Nam đi qua đông điểm của đảo Tch’a-Kou hay Ouan-Chan (Trà Cổ) và tạo thành đường biên giới, cũng được giao cho Trung Hoa. Các đảo Go Tho và những đảo khác ở về phía Tây của đường kinh-tuyến nầy thì giao cho An Nam.” .....
Bản đồ [6] xác định chủ quyền các đảo và phân chia lãnh hải trong vịnh Tonkin (Bắc Việt) đính kèm công-ước:
danluan_a051.jpg
Bản đồ phân định vịnh Bắc Việt/Nguồn ảnh: Trương Nhân Tuấn
danluan_a052.jpg
Bản đồ phóng đại phân định vịnh Bắc Việt/Nguồn ảnh: Trương Nhân Tuấn
Ghi chú trên bản đồ:
Góc trái: signé: Constans – Cachet de la Légation de France à Pékin. Tạm dịch: Ký tên Constans – Con dấu của Phái Ðoàn Pháp tại Bắc-Kinh.
Ở giữa: Le méridien de Paris 105° 43’ qui passe par la pointe orientale de l’ile Tra-Co, forme la frontière à partir du point où s’est arrêté le traité de la convention. Tạm dịch: Ðường kinh tuyến Paris 105 độ 43 phút đi qua đông điểm của đảo Trà Cổ, làm thành đường biên-giới bắt đầu tại điểm mà điều ước của Công Ước chấm dứt.
Góc phải: Carte à l’extrémité orientale de la frontière Sino-annamite telle qu’elle est figurée sur la carte qui accompagne à Procès-verbal signé à Péking, le 26 Juin 1887 – (voir l’extrait ci-joint de ce procès-verbal) – Signature et cachet du Plénipotentiaire Chinois. Tạm dịch: Bản đồ phần cực đông của biên giới Việt Trung sao y bản đồ đính kèm biên bản được ký tại Bắc Kinh ngày 26 tháng 6 năm 1887 (xem bản sao biên bản kèm theo đây)- Chữ ký và con dấu của Tổng Lý Nha Môn Trung Hoa.
Nghiên cứu nội dung công ước và xem xét bản đồ đính kèm, ta thấy đường vạch Bắc Nam, đi qua đông điểm của đảo Trà Cổ, tức là đường kinh tuyến 105° 43’ – kinh độ Ðông Paris - vừa là đường phân chia các đảo, vừa là đường “biên-giới” trên biển, từ nay ta gọi là “đường đỏ”. Tuy nhiên, đường vạch Bắc Nam, tức đường đỏ đã không được xác định một cách chính xác. Thật vậy, đường nầy không có điểm bắt đầu cũng như không có điểm chấm dứt. Nó được xác định như một đường thẳng đi qua một điểm cho trước, đó là đông điểm (điểm ở phía cực đông) của đảo Trà Cổ. Việc áp dụng công ước nầy gặp một số khó khăn vì có vài vấn đề chưa được sáng tỏ. Ðường đỏ có hiệu lực từ đâu đến đâu, vì “đường kinh tuyến” có chiều dài từ Bắc Cực cho đến Nam Cực và ý nghĩa của danh từ “biên giới” trong câu “đường kinh tuyến tạo thành đường biên giới” phải được hiểu như thế nào?
2/ Ý nghĩa của “đường đỏ”:
Nhiều học giả trên thế giới đã có nhiều quan niệm đối nghịch nhau về ý nghĩa của đường đỏ. Trên căn bản lịch sử, xin trích dẫn 2 ý kiến:
Quan điểm của ông Charles Fourniau[7]:
"La convention de la délimitation de la frontière signée le 26 juin 1887 acceptait donc l’abandon d’une partie des territoires où un litige subsistait entre les deux commissions: les deux principaux étaient l’un sur la frontière du Yunnan, le canton de Tu-Long, tout entier territoire de l’Empire annamite et donc les trois quarts environ, soit 750 Km², étaient laissés à la Chine, et l’autre, à l’extrémité Est de la frontière du Guangdong, le cap Packlung et "enclave annamite". Or, cette dernière concession était doublement importante: elle enlevait un territoire au Vietnam et elle déterminait la fixation de la frontière maritime, et l’appartenance des iles côtières: "Les iles qui sont à l’Est du méridien de Paris à 105° 43’ de longitude Est, c’est-à-dire la ligne Nord-Sud passant par la pointe orientale de l’Ile de Tcha Kou (Trà-Cổ) et formant la frontière sont attribuées à la Chine...". Dès lors aucun autre accord ne devait être conclu au sujet de la frontière maritime entre la Chine et la France.
Tạm dịch:
"Công Ước phân định biên giới ký kết ngày 26 tháng 6 năm 1887 chấp nhận như vậy sự bỏ rơi một phần đất tại đó đã có sự tranh chấp giữa hai Ủy Ban, hai vùng chính đó là: một ở trên vùng biên giới Vân Nam, tổng Tụ Long, toàn vùng thuộc Vương Quốc An Nam mà khoảng ba phần tư của nó (750 Km²) bị nhượng cho Trung Hoa, và thứ hai, ở phía cực Ðông của biên giới Quảng Ðông, mũi Bạch Long và "vùng đất của An Nam ở trên đất Trung Hoa". Nhưng sự việc nhượng bộ sau có tầm quan trọng bội phần: lấy đi một phần lãnh thổ của Việt Nam và xác định đường biên giới trên biển đồng thời chủ quyền của các đảo ven bờ: "Các đảo ở về phía Ðông của đường kinh tuyến Ðông 105 độ 43 phút Paris, có nghĩa là đường thẳng Bắc Nam đi ngang qua đông điểm của đào Trà Cổ và tạo thành đường biên giới thì chúng thuộc về Trung Hoa...". Từ đó không một thỏa ước nào khác phải ký kết về vấn đề biên giới trên biển giữa Trung Hoa và Pháp."
Quan-điểm của ông Pierre-Bernard Lafont[8]:
"Dès leur implantation au Viet-Nam, les Français eurent le souci de délimiter la frontière maritime entre leur nouveau domaine et la Chine. Car le Golfe du Tonkin, parsemé de multiples iles, servait de réfuge à des pirates, qui non seulement attaquaient et pillaient les navires de commerce en haute mer, mais qui menaient aussis des incursions dévastatrices sur le littoral. Aussi, désireuse d’éloigner des côtes de son nouveau territoire ces hors-la-loi dont le pullulement était favorisé par les desordres qui, à l’époque, ébranlaient la Chine, la France voulut que soit rapidement précisée la limite des eaux vietnamiennes et chinoise dans ce golfe. Cette question fut donc incluse dans les négociations frontalières franco-chinoises qui aboutirent le 26 juin 1887 à la signature d’une convention, connue sous le nom de convention Constans, qui précise dans son article 2, que le méridien 105° 45’ de longitude Est par rapport au méridien de Paris – c’est-à-dire le méridien 108° 03’ 18’’ de longitude Est par rapport à celui de Greenwich – constitue la frontière entre des deux pays dans le Golf du Tonkin."
Tạm dịch:
"Vừa khi chiếm được Việt Nam thì người Pháp đã lo đến việc phân định lãnh hải giữa vùng đất mới nầy của họ với nước Trung Hoa. Bởi vì ở trong Vịnh Bắc Việt rải rác có nhiều đảo làm sào huyệt cho quân cướp, bọn nầy không những tấn công cướp bóc các thương thuyền ở ngoài biển khơi, mà còn mở ra những cuộc càn quét, tàn phá vùng đất ở cận biển. Nước Pháp mong muốn vùng đất mới của họ tránh xa bọn cướp nầy mà sự đông đảo của chúng đến từ sự hỗn loạn, mà thời đó đã làm điên đảo nước Trung Hoa; cho nên họ muốn rằng đường giới hạn lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Hoa trong vùng vịnh nầy nhanh chóng được xác định. Vấn đề nầy đã được nhập vào với sự thương thuyết về biên giới giữa Pháp và Trung Hoa, để đưa đến việc ký kết vào ngày 26 tháng 6 năm 1887 một Công Ước, được biết dưới tên Công Ước Constans mà điều 2 của Công Ước nầy ghi rằng đường kinh tuyến Ðông 105 độ 45 phút Paris, tương ứng với đường kinh tuyến Ðông 108 độ 03 phút 18 giây Greenwich, là đường biên giới giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ."
"Ðường đỏ" theo hai học giả nầy là "Ðường biên giới trong vịnh Bắc Việt". Hiệu lực của “đường đỏ”, cả hai hàm ý chỉ giới hạn trong trong vịnh Bắc Việt và nó có giá trị như đường biên giới trên đất liền.
Ðiều nầy dễ dàng được chấp nhận vì Công Ước phân định biên giới giữa tỉnh Quảng Ðông thuộc Trung Hoa và Tonkin (Bắc Việt). Hiệu lực “đường đỏ” vì thế chỉ giới hạn ở hai vùng Tonkin và Quảng Ðông. Ðiểm bắt đầu và điểm chấm dứt của nó vì thế phải ở trong vùng biển có tên là Vịnh Bắc Việt (Golf du Tonkin).
3/ Ý nghĩa “đường đỏ” theo quan niệm Trung Hoa:
Ý kiến của Trung Hoa đưa ra nhằm để tranh dành quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chính phủ Trung Hoa suy diễn tùy tiện về đường đỏ, kéo dài đường nầy từ Trúc Sơn (điểm bắt đầu biên giới Quảng Ðông và Tonkin, đoạn Trúc Sơn đến ải Chí Mã [9]) xuống phía Nam, rời khỏi Vịnh Bắc Việt, lên bờ, cắt ngang lên cả đất liền thuộc Trung Bộ Việt Nam, làm cho quần đảo Hoàng Sa ở về phía Ðông của đường đỏ nầy. Họ kết luận, theo Công Ước 1887, quần đảo nầy thuộc về chủ quyền của Trung Hoa.
Công hàm ngoại giao ngày 29 tháng 9 năm 1932 [10]nguyên văn đoạn có liên hệ đến công ước 1887 và Vịnh Bắc Việt:
“Légation de la République Chinoise.
29 Septembre 1932.
La Légation de la République Chinoise en France, d’ordre de son Gouvernement, a l’honneur de transmettre la réponse de ce dernier à la Note que le Ministère des Affaires Etrangères a bien voulu lui adresser le 4 Janvier 1932 au sujet de l’Archipel des Iles Paracels.
Les Iles Si-Chao-Tchuin-Tao désignées aussi sous le nom de Tsi-Tcheou-Yang appelées en langue étrangère Iles Paracels, et au Nord-Est desquelles sont les Iles Ton-Chao, se trouvent dans la mer territoriale de la Province du Kouang-Tong (South China Sea); elles forment un des groupes de l’ensemble des Iles de la Mer de Chine du Sud qui font partie intégrante de la mer territoriale de la Province du Kouang-Tong.
D’Après les Rapports établis en l’An XVII de la République Chinoise (1926) au sujet des Si-Chao-Tchuin-Tao (Paracels), rédigés par Mr. Shen-Pung-Fei, Président de la Commission d’enquête sur ces Iles, et les dossiers concernant également ces Iles établis par le Bureau de l’Industrie de la Province Kouang-Tong, ces Iles s’étendent du 110° 13 au 112° 47 de longitude Est; grandes et petites, elle sont au nombre de plus d’une vingtaine, la plupart d’entre elles sont des banc de sable incultes, les autres, une dizaine, sont formés de rochers, huit forment réellement des Iles. Des deux groupes Est et Ouest, celui de Est est appelé “Amphitrite”, celui de l’Ouest “Chroissant”. Ces groupes se trouvent à 145 miles marins de l’Ile de Hai-Nan et forment la partie du territoire chinois située le plus au sud.
La clause 3 de la Convention relative à la Délimitation de la Frontière entre la Chine et le Tonkin, signée à Pékin le 26 Juin 1887 stipule qu’au Kouang-Tong, il est entendu que les points contestés qui sont situés à l’Est et au Nord-Est de Monkai, au-delà de la frontière telle qu’elle a été fixée par la Commission de Délimitation, sont attribués à la Chine. Les Iles qui sont à l’Est de la ligne Nord-Sud passant par la pointe orientale de l’ile de T’cha-Kou et formant la frontière sont également attribuées à la Chine. Les Iles Kou-Teou et les autres petites Iles qui sont à l’Ouest de cette ligne appartiennent à l’Annam.
Le point de départ des frontière entre l’Indochine et la province chinoise du Kouang-Tong est Tchou-Chan situé à 21° 30 de latitude Nord et 108° 2 de longitude Est. D’après les sus-dites stipulation, le litoral de l’Indochine se trouvant à l’Ouest de Tchou-Chan; de ce point, en descendant la côte vers le Sud, de toutes façons les Iles Paracels se trouvent très loin à l’Est de cette ligne, et sont séparées du litoral Indochinois par l’Ile de Hai-Nam. On voit aisément, d’après leur position géographique à quel pays elles doivent être ratachées.
.......”
Tạm dịch:
“Sứ Quán Trung Hoa tại Pháp, thừa lệnh Chính Phủ Trung Hoa hân hạnh chuyển thư của Chính Phủ trả lời công-hàm ngày 4 tháng 1 năm 1932 của Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Pháp về vấn đề quần đảo Paracels (Hoàng-Sa). Quần đảo Si-Chao-Tchuin-Tao (Tây Sa quần đảo), còn được gọi dưới tên Tsi-Tcheou-Yang (Thất châu dương), nước ngoài gọi là Paracels, phía Ðông Bắc có quần đảo Ton-Chao, tọa lạc trong hải phận của tỉnh Quảng Ðông (biển Hoa-Nam); các đảo nầy tạo thành một trong nhiều nhóm của tập hợp đảo trong biển Hoa Nam mà chúng hoàn toàn thuộc hải phận của tỉnh Quảng Ðông.
Theo những bản tường trình của ông Shen-Pung-Fei, Chủ Tịch Ủy Ban Ðiều Tra, thành lập vào năm thứ 17 của nước Cộng Hòa Trung Hoa (1926) về vấn đề Si-Chao-Tchuin-Tao (Paracels) và những hồ sơ liên hệ đến các đảo nầy của phòng Kỹ Nghệ tỉnh Quảng Ðông, các đảo nầy rải rác trải từ 110° 13 đến 112° 47 kinh tuyến Ðông; gồm khoảng 20 đảo lớn nhỏ, phần lớn là những dải cát hoang, một số khác, khoảng 10 đảo do đá tạo nên, 8 đảo thực sự là đảo. Có hai nhóm Ðông và Tây. Nhóm phía Ðông gọi là nhóm “Amphitrite”, nhóm phía Tây gọi là nhóm “Croissant”. Các nhóm nầy cách đảo Hải Nam 145 dặm biển và tạo thành vùng lãnh thổ cực Nam của Trung-Hoa.
Ðiều 3 của Công Ước Phân Ðịnh Biên Giới giữa Trung Hoa và Tonkin, ký tại Bắc Kinh ngày 26 tháng 6 năm 1887 qui định rằng ở Quảng Ðông, hai bên thỏa thuận rằng những điểm tranh chấp thì ở phía Ðông và Ðông Bắc Móng Cái, ở về phía bên kia của đường biên giới đã được xác định do Ủy Ban Phân Ðịnh, thì chúng được giao cho Trung Hoa. Những đảo ở về phía Ðông của đường Bắc - Nam đi qua đông điểm của đảo Trà Cổ và tạo thành đường biên giới thì chúng cũng được giao cho Trung Hoa. Những đảo Keou-Teou và những đảo nhỏ khác ở về phía Tây của đường nầy thì thuộc về An Nam.
Ðiểm bắt đầu của biên giới giữa Indochine và tỉnh Quảng Ðông là Trúc Sơn có tọa độ 21° 30 vĩ tuyến Bắc và 108° 2 kinh tuyến Ðông. Theo những gì ghi nhận trên đây, bờ biển Indochine ở về phía Tây của Trúc Sơn. Từ điểm nầy, đi xuống về phía Nam, bằng cách nào thì quần đảo Paracels cũng ở về phía Ðông của đường nầy và giữa quần đảo nầy với bờ biển Indichine thì có đảo Hải Nam ngăn chặn. Người ta thấy dễ dàng, theo vị trí địa lý của Paracels, là nó thuộc về nước nào.
.....”
Có nhiều điều không đúng với thực tế trong công văn nầy:
Quần đảo Hoàng Sa (Paracels) không nằm trong hải phận tỉnh Quảng Ðông. Vào thời điểm năm 1929 hải phận của mỗi quốc gia chỉ có 3 hải lý tính từ bờ. Lãnh hải của vùng Ðông Dương được Pháp xác định là 3 hải lý vào năm 1926, đến năm 1936 thì được mở rộng ra 10 hải lý.
Hoàng Sa cách Hải Nam đến 170 hải lý chứ không phải chỉ là 145 hải lý. Và đảo Hải Nam, theo địa lý không hề nằm ở giữa quần đảo Hoàng Sa và bờ biển Việt Nam.
Công Ước 1887 phân định biên giới giữa Trung Hoa và Tonkin, tức Bắc Kỳ, chứ không phải với Indochine. Vì thế công ước nầy chỉ liên quan đến BIÊN GIỚI giữa tỉnh Quảng Ðông thuộc Trung Hoa và Tonkin, tức Bắc Kỳ, thuộc Việt Nam. Sau hoà ước 1884, Tonkin (Bắc Việt) là một thực thể chính trị cách biệt với An Nam (Trung Việt) và Cochinchine (Nam Việt). Ðường đỏ vì thế chỉ có hiệu lực ở Tonkin, chứ không thể áp dụng cho toàn Indochine (gồm có Tonkin, An-Nam, Cochinchine, Cambodge và Lào).
Ðường đỏ theo Công Ước 1887 chỉ nhằm mục đích phân chia các đảo ở vùng “cực Ðông” của Bắc-Việt, “l’Extrémité orientale de la frontière Sino-Annamite”, và tạo thành đường biên giới trên biển giữa Tonkin và Quảng Ðông như đã ghi trong bản đồ “đường đỏ” đính kèm Công Ước. Hiệu quả của Công Ước nầy không thể áp dụng trong những vùng ở ngoài Tonkin.
Ðường kinh tuyến làm thành biên giới không đi qua Trúc Sơn (kinh độ 108° 2). Nguyên văn Công Ước thì kinh tuyến đông Paris 105° 43 đi qua đông-điểm đảo Trà Cổ làm thành đường biên giới, tức là kinh-tuyến 108° 03’ 18’’ Ðông Greenwich, chứ không phải 108° 02.
Quần đảo Hoàng Sa ở khoảng từ vĩ tuyến Bắc 16° đến 17°, kinh tuyến Ðông 111° đến 113°. Vì thế, đối chiếu theo vĩ tuyến, quần đảo Hoàng Sa đối diện với các tỉnh thuộc miền Trung Việt Nam.
Việc chính-phủ Trung Hoa kéo dài đường đỏ xuống phía Nam, ghi sai vị trí địa lý Hoàng Sa với Hải Nam và bờ biển An Nam, rút ngắn khoảng cách giữa quần đảo nầy với Hải Nam và cho nó vào trong hải phận của tỉnh Quảng Ðông để nhằm dành quần đảo Hoàng Sa, đồng hóa Tonkin với Indochine... đã cho thấy chủ ý của Trung Hoa trong vấn đề giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Mặt khác, đọc công văn nầy làm người ta nhớ lại quá khứ, những năm phân giới giữa Bắc Việt và Trung Hoa 1889-1897. Người Hoa đã không ngần ngại ngụy tạo những bằng chứng như đền thờ Mã Viện, núi Phân Mao v.v... để lừa người Pháp và dành đất của Việt Nam. Các biên bản hay những tờ nhật ký của các viên chức phụ trách phân giới thời đó đã được người viết chép lại, lược dịch và đăng tải trên trang nhà cho ta có một cái nhìn tổng quát về thái độ của Trung Hoa. Họ luôn có những luận cứ khác người, thí dụ, “đường thẳng” đối với họ là một đường từ Bắc xuống Nam hay từ Ðông sang Tây (trục tung và trục hoành) còn đường nghiêng (oblique) thì không phải là đường thẳng. Thí dụ khác, chiều dài con sông thì chỉ tính bắt đầu lúc con sông chảy ở trên đồng bằng, đoạn sông chảy trên núi thì không tính[11]. Với những luận cứ nầy họ nhì nhằng kéo dài việc phân giới, mục đích chiếm lấy đất của Việt Nam. Quan niệm kéo dài “đường đỏ”, bất chấp thực tế lịch sử, để dành đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng là một trong nhiều quan niệm khác người. Ðiều lạ là quan niệm phi lý nầy vẫn còn được tồn tại cho đến hôm nay. Nhiều sách, báo, hay tài liệu chính thức của Trung Hoa vẫn còn dựa trên luận cứ nầy để dành Hoàng Sa và Trường Sa về họ.
Yếu tố mà chúng ta ghi nhận nơi công văn trên là Trung Hoa đã nghiễm nhiên công nhận phần lãnh thổ phía cực Nam của Trung Hoa là quần đảo Hoàng Sa.
4/ Ý nghĩa pháp lý Công Ước 1887:
Madame Monique Chemillier-Gendreau [12], trong quyển La Souveraineté Sur Les Archipels Paracels et Spratleys, trang 80 - 83, có trình bày một số quan điểm pháp lý về Công Ước 1887 nhân việc chính phủ Trung Hoa diễn giải tùy tiện “đường đỏ” của công ước nầy để dành chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Xin tóm lược như sau:
“Mục tiêu của Công Ước 1887 nhằm phân định biên giới giữa Trung Hoa và Tonkin, như tên mà công ước đã được đặt và công ước nầy liên quan đến biên giới trên đất liền. Nếu những định nghĩa về một đường vạch ở trên biển đã được các công ước ngày xưa sử dụng, như là Công Ước Pháp - Trung 1887 hay Công Ước Pháp - Bồ (Portugal) 1886 [13] , thì những định nghĩa nầy chỉ có thể được đưa vào những cuộc thương lượng kim thời để phân định lãnh hải như là những yếu tố hướng dẫn, chúng phải được xét lại tùy theo luật lệ về phân định lãnh hải hiện hành. Những vùng biển mà tại đó những quốc gia có thể tuyên bố chủ quyền đó là lãnh hải (lãnh địa hải phận - mer territoriale). Chiều rộng thông thường của lãnh hải là 3 hải lý (1 hải lý = 1,8 Km). Ở một số quốc gia lãnh hải nầy lên tới 6 hải lý. Những khái-niệm về vùng “tiếp cận” (zone contigue), vùng đánh cá, thềm lục địa... chỉ mới hiện hữu sau thế thiến thứ hai. Biên giới phân định (theo Công Ước 1887) là biên giới giữa Tonkin và Trung Hoa. Nó chỉ liên hệ đến phần đất nầy của Việt Nam mà Pháp gọi là Tonkin mà thôi.
Sự diễn giải nội dung của công ước chắc chắn phải nhắm đến việc phân chia các đảo cận bờ của hai quốc gia. Mục tiêu của công ước là phân định lãnh thổ trên đất liền, nhưng nó cũng có một phụ chú nhằm vào việc xác định các hòn đảo gần đó. Vì lo ngại văn từ không thể ghi ra hết, bởi có rất nhiều đảo rất nhỏ, người ta có thể bỏ quên một vài đảo ra ngoài vùng phân định. Ðể hiệu quả và đơn giản, đường kinh tuyến được đưa vào. Kết quả đã thấy thật rõ ràng. Hơn nữa, nếu vì một lý do thời tiết hay vì sự lắng đọng của phù sa, một đảo hay một cù lao mới rất có thể được thành hình. Chủ quyền của đảo nầy sẽ chiếu theo văn bản mà thi hành. Ðây là ý nghĩa của công ước 1887 và nó không có một hàm ý nào khác nữa.
Có một điều rất quan trọng để xác quyết cho sự diễn giải nầy. Ðể ý ta thấy “đường đỏ” có một điểm khởi hành chính xác: “đường thẳng Bắc-Nam đi qua đông điểm của đảo Trà Cổ” nhưng nó không có điểm chấm dứt. Ðây không phải là một sự tình cờ hay một sự bỏ quên. Ðường thẳng nầy không cần phải chấm dứt ở một điểm. Chiều dài hữu dụng của nó tùy thuộc vào sự hiện hữu của các đảo ven bờ.
Làm sao người ta có thể nghĩ rằng các tác giả của công ước nầy có dự trù về hiệu quả pháp lý của con đường nầy cho đến khi nó gặp bờ biển Trung - Việt? Vì ảnh hưởng của văn bản nầy mà tấtcả những đảo ven bờ ở phía Nam của Huế sẽ thuộc về Trung Hoa... Nhưng dầu vậy, một số tác giả Trung Hoa đã không ngần ngại bênh vực lý lẽ nầy để dựa lên công ước dành quần đảo Trường Sa (Spratleys). Trung Hoa đã xác nhận chủ quyền của họ trên căn bản mở rộng ra vô tận về phía Nam và Tây-Nam. Người ta có quyền đặt câu hỏi tại sao Trung Hoa chỉ dành các đảo san hô nầy? Vì dựa lên sự nhượng quyền của Pháp, Trung Hoa có thể mở rộng bờ cõi tiếp cận đến sự phi lý, đòi hỏi chủ quyền tại Phi Luật Tân, thí dụ vậy. Các đảo nầy không phải ở về phía Ðông của đường kinh tuyến đó sao?
Tuy nhiên, khi mà sự diễn giải tiến đến sự phi lý thì phương pháp giải quyết phải chiếu theo Công Ước Vienne, đồng thời kiểm soát lại xem trong lúc dự thảo (công ước 1887) đã có sự phủ nhận hay xác nhận nào đó liên quan đến vấn đề nầy.”
Nhận xét trên đây của Bà M. Chemillier-Gendreau, “đường đỏ” là đường phân chia các đảo ven bờ. Hiệu lực của “đường đỏ” chỉ giới hạn trong Vịnh Bắc Việt và kéo dài cho đến nơi nào còn đảo trong Vịnh. Chiều dài “đường đỏ” theo ý kiến nầy vì thế là từ đông điểm của đảo Trà Cổ cho đến vùng gần đảo Cồn Cỏ, tức chấm dứt trước vĩ tuyến 17.
Về ý nghĩa đường chia hải giới của “đường đỏ”, Bà M. Chemillier-Gendreau có đưa ra án lệ 14 tháng 2 năm 1985 giữa Cộng Hòa Guinée và nước Guinée-Bissau. Theo Công Ước giữa Pháp và Bồ-Ðào-Nha (Portugal) 12 tháng 5 năm 1886, xác định một đường vòng để phân biệt các đảo thuộc Pháp với các đảo thuộc Bồ. Nước Cộng hòa Guinée cho đây là đường phân định lãnh hải. Nhưng tòa án đã bác bỏ lý lẽ nầy vì cho rằng Công Ước 1886 chỉ có mục tiêu phân định biên giới trên đất liền.
Công Ước 1887 phân định biên giới giữa Trung Hoa và Tonkin, Convention Relative à la Délimitaton de la Frontière entre la Chine et le Tonkin, “frontière, biên gới” ở đây ngoài ý nghĩa biên giới trên đất liền, “frontière, biên giới” còn có ý nghĩa phân chia vùng biển. Nội dung công ước, tức gồm các biên bản và bản đồ đính kèm, đã xác định rõ rệt: biên giới trên đất liền và biên giới trong vịnh Bắc Việt.
Thật vậy, Công Ước ghi khá rõ đường kinh tuyến “formant la frontière”, làm thành đường biên giới. Nếu danh từ “biên giới, frontière” dùng trong bản văn chỉ có nghĩa phân chia các đảo thì câu “formant la frontière” trong văn bản hoàn toàn dư. Nếu bỏ câu nầy thì ý-nghĩa của việc phân chia các đảo vẫn không thay đổi: “Les îles qui sont à l’est du méridien de Paris 105° 43’ de longitude est, c’est-à dire de la ligne nord-sud passant par la pointe orientale de l’île de Tch’a-Kou ou Ouan-chan (Tra-Co) sont également attribués à la Chine. Les îles Go-tho et les autres îles qui sont à l’ouest de ce méridien appartiennent à l’Annam. Những đảo ở về phía Ðông của kinh tuyến Paris kinh độ Ðông, có nghĩa là đường Bắc - Nam đi qua đông điểm của đảo Trà Cổ thì thuộc về Trung Hoa. Những đảo Go-Tho và những đảo khác ở về phía Tây của đường kinh tuyến nầy thì thuộc về An Nam”. Vì thế ý nghĩa của “frontière, biên giới” ở đây phải có một ý nghĩa khác với việc để xác định chủ quyền các đảo. Ý nghĩa khác đó chỉ có thể là ý nghĩa của một đường biên giới trên biển ở trong vịnh Bắc Việt, Golf du Tonkin.
Ðể bổ túc vào việc xác quyết vấn đề nầy, theo đề nghị của Bà M. Chemillier-Gendreau, chúng ta phải khảo cứu lại các dự thảo của Công Ước, tức biên bản bế mạc công trình phân định biên giới. Có hai bản dự thảo, một của Pháp và một của Trung Hoa, hiện đang tồn trữ tại Centre des Archives d’Outre-Mer (CAOM), Aix-En-Provence, Pháp Quốc, carton có mã số GGI, INDO, 65355. Tác giả đã tìm thấy cả hai dự thảo này. Cả hai đều không có ghi câu văn liên quan đến đường kinh tuyến cũng như việc phân chia các đảo. Tuy nhiên, theo tài liệu Les Frontières du Tonkin của Dr Néis [14], đăng trong Le Tour Du Monde 1888, ông nầy là một nhân viên trong phái đoàn phân định biên giới 1886-1887. Ông có đưa ra một bản đồ vùng tranh chấp là mũi Bạch Long (cap Packlung), trong đó ta thấy rõ rệt đường kinh tuyến và trên đó có ghi câu “frontère actuelle du Tonkin, biên giới hiện nay của Bắc Việt”.
danluan_a053.jpg
Pak lung Neïs/Nguồn ảnh: Trương Nhân Tuấn
bando 240
Dự thảo công ước 1887: không hề nói đến “đường đỏ”.
Nhưng chi tiết quan trọng hơn cả là bản đồ đính kèm biên bản, là bản đồ ở trên mà người viết đã tìm thấy tại Văn Khố Hải Ngoại của Pháp tại Aix-En-Provence (CAOM) năm 2002. Bản đồ nầy được khám phá ra sau khi quyển sách về Chủ Quyền Hoàng Sa và Trường Sa của bà M. Chemillier-Gendreau được xuất bản (1996). Bản đồ có ghi chú một câu quan trọng: "Le méridien de Paris 105° 43’ qui passe par la pointe orientale de l’ile Tra-Co, forme la frontière à partir du point où s’est arrêté le traité de la convention." Tạm dịch: Ðường kinh tuyến Paris 105 độ 43 phút đi qua đông điểm của đảo Trà Cổ, làm thành đường biên giới bắt đầu tại điểm mà điều ước của Công Ước chấm dứt. Một chitiết khác, không kém quan trọng, đó là bản đồ phân định biên giới mà người viết cũng tìm ra ở CAOM, là bản đồ khu vực từ sông Gia Long đến biển. Người viết chụp lại phần cực đông, ta thấy đường biên giới trên đất liền và đường biên giới trên biển (kinh tuyến 105° 43’) vẽ liên tục và có chung màu đỏ. Ðiều nầy cho chúng ta biết ý định của những người trách nhiệm phân định lúc đó: Biên giới trên biển đồng nghĩa với biên giới trên đất liền. Ý nghĩa của "đường đỏ" vì vậy là đường biên giới trên biển, nối tiếp với đường biên giới trên đất liền.
Ðiều nầy cho phép ta khẳng định là Công Ước 1887 cũng có mục tiêu phân định lãnh hải trong vịnh Bắc Việt.
Nhiều học giả, như bà M. Chemillier-Gendreau trong quyển La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys có nhắc ở trên, hay là những vị: ông François Joyaux trong quyển La Tentation Impériale, ông Eric Decéné trong quyển Géotratégie de la Mer de Chine Méridionale, bà Claudine Maudoux trong bài La Mer de Chine Méridionale (Revue Stratégique N° 63) v.v… cùng đồng ý về vai trò "phân chia đảo" của "đường đỏ". Quí vị nầy cho rằng, quan niệm về quyền chủ quyền trên biển chỉ mới có vào thế kỷ 20, theo công ước 1982 về Biển, lãnh hải của mỗi nước được xác định không quá 12 hải lý. Ðiều 3 công ước 1982 như sau: "Largeur de la mer territoriale: Tout Etat a le droit de fixer la largeur de sa mer territoriale, cette largeur ne dépasse pas 12 milles marins mesurés à partir de lignes de base établies conformément à la Convention" "Mọi quốc gia được quyền xác định bề rộng lãnh hải nước mình nhưng không vượt quá 12 hải lý tính từ đường cơ bản được thiết lập phù hợp với tinh thần của Công Ước".
Nhưng trường hợp ngoại lệ, Vịnh Bắc Việt là một vùng biển “historique”, nó chỉ liên quan đến hai quốc gia: Trung Hoa và Việt Nam. Ðiều 15 của Công Ước 1982 Luật về Biển như sau:
Article 15 "Délimitation de la mer territoriale entre Etats dont les côtes sont adjacentes ou se font face: Lorsque les côtes de deux Etats sont adjacentes ou se font face, ni l'un ni l'autre de ces Etats n'est en droit, sauf accord contraire entre eux, d'étendre sa mer territoriale au-delà de la ligne médiane dont tous les points sont équidistants des points les plus proches des lignes de base à partir desquelles est mesurée la largeur de la mer territoriale de chacun des deux Etats. Cette disposition ne s'applique cependant pas dans le cas où, en raison de l'existence de titres historiques ou d'autres circonstances spéciales, il est nécessaire de délimiter autrement la mer territoriale des deux Etats."
Tạm dịch:
"Phân định lãnh hải giữa hai quốc gia kế cận hay đối diện. Khi hai quốc gia kế cận hay đối diện, không một quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải quá đường trung tuyến mà mọi điểm trên đây cách đều những điểm gần nhất của các đường cơ bản, từ những đường nầy đo chiều rộng lãnh hải mỗi nước, ngoại trừ có sự thoả thuận riêng giữa hai nước. Ðiều lệ nầy không áp dụng trong trường hợp có sự hiện hữu những văn kiện lịch sử hay những trường hợp đặc biệt, việc phân định lãnh hải vì thế phải được thực hiện bằng một cách khác."
Chúng ta thấy điều 15 đã dự trù một ngoại lệ. Ðó là trường hợp những vùng biển đã có chủ, được xác nhận qua một "titre de souveraineté" văn kiện chứng nhận chủ quyền. Ðiều nầy cho phép ta kết luận rằng luật quốc tế về biển công nhận sự hiện hữu những văn kiện liên quan đến quyền chủ quyền trong một vùng biển.
Công Ước 1887 là văn kiện chứng minh chủ quyền của Việt Nam và Trung Hoa trong vịnh Bắc Việt. Vịnh nầy được chia cắt bằng đường kinh tuyến 105° 43’, mà trong bài nầy ta gọi là "đường đỏ".
Việc phân định lãnh hải, rộng 12 hải lý, phù hợp theo nội dung công ước quốc tế 1982, giữa Việt Nam và Trung Hoa trong vịnh Bắc Việt sẽ không có trở ngại, nếu hai bên cùng tỏ thiện chí. Hai bên sẽ không gặp khó khăn vì chiều rộng Vịnh Bắc Việt khá quan trọng để vùng lãnh hải chồng lấn lên nhau. Ngoại trừ vùng biên giới Trúc Sơn – Trà Cổ. Khó khăn nơi đây đem lại do địa lý, là phải vẽ đường thẳng góc với đường bờ biển (xem hình 3). Lối phân chia nầy đến từ nội dung Công Ước Quốc Tế về Biển 1982. Ðường thẳng góc đó là đường biên giới phân lãnh hải hai nước. Những sai biệt diện tích lãnh hải tại đây - nếu có - sẽ không đáng kể.
Nhưng việc xác định vùng tiếp-cận (zone contigue), vùng kinh tế độc quyền (zone économique exclusive) và thềm lục địa (plateau continental) giữa hai nước Việt Nam và Trung Hoa, nếu không đưa vào trường hợp ngoại lệ là có sự hiện hữu một văn kiện xác nhận chủ quyền, là Công Ước 1887, thì hai bên có chồng lấn lên nhau.
Theo án lệ 14 tháng 2 năm 1985 có nhắc ở trên và ghi chú phía dưới, tòa án bác bỏ yêu sách của nước Cộng Hòa Guinée vì Công Ước Pháp - Bồ chỉ nhằm mục đích phân định biên giới trên đất liền. Công ước Bắc Kinh 1887 hoàn toàn khác với nội dung Công Ước Pháp - Bồ 12 tháng 5 năm 1886 vì Công Ước Bắc Kinh 1887 có chủ trương phân định lãnh hải trong vịnh Bắc Bộ. Những tài liệu của Dr Néis và nhất là bản đồ đính kèm công ước 1887 vừa được người viết công bố đã xác định một cách rõ rệt mục tiêu phân chia hải giới giữa Pháp và nhà Thanh vào thời đó.
Án lệ nầy cho thấy luật quốc tế công nhận những văn kiện chứng nhận chủ quyền của một quốc gia trên một vùng biển. Yêu sách của nước Cộng Hòa Guinée bị bác bỏ là vì không chứng minh được sự hiện hữu của một văn kiện nhìn nhận chủ quyền của nước nầy tại vùng biển có tranh chấp. Nếu Việt Nam đưa ra tòa án quốc tế để giải quyết thì trường hợp Việt Nam tại vùng Vịnh Bắc Việt sẽ tương tự như trường hợp Cộng Hòa Guinée, chỉ khác một điều cơ bản: Việt Nam chứng minh được sự hiện hữu của một văn kiện lịch sử phân chia hải giới trong vùng biển tranh chấp còn Cộng Hòa Guinée thì không.
Ðường kinh tuyến 105° 43’ kinh độ Ðông Paris, tức 108° 3’ 18’’ kinh độ Ðông Greewich, vì thế vừa là đường phân định lãnh hải, vừa là đường phân chia vùng tiếp cận, vùng kinh tế độc quyền và thềm lục địa giữa hai nước Trung Hoa và Việt Nam trong Vịnh Bắc Việt. Ðường nầy bắt đầu từ Ðông Ðiểm đảo Trà Cổ và chấm dứt tại điểm mà nó cắt đường nối cửa Vịnh (từ mũi Oanh Ca thuộc đảo Hải Nam đến đảo Cồn Cỏ).
Trương Nhân Tuấn
___________________________________
Chú giải:
1, Charles Fourniau, Agrégé d’histoire, Docteur d’Etat en Histore. La Frontière sino-vietnamienne et le face à face franco-chinois à l’époque de la conquête du Tonkin, Biên giới Việt Trung và sự đối đầu của hai nước Pháp Trung vào thời kỳ chinh phục Bắc Kỳ, trang 85 đến trang 103, trong quyển Les Frontière du Vietnam, nxb Harmattan, Paris 1989. Trang 92
2, François Joyaux, Géopolitique de l’Extrême Orient.
3, Công-trình nầy bắt đầu từ tháng 4 năm 1885, hồ sơ CAOM, GGI, INDO, 65355.
4, Những địa phận nầy là: Vùng mũi Pak-lung (Bạch Long) ở phía bắc Móng Cái, tiếp giáp với tỉnh Quảng Ðông; vùng được gọi là “section 2”, tức là tổng Tụ Long và vùng gọi là “section 5”, tức toàn vùng hữu ngạn sông Hồng. Hai vùng sau tiếp giáp với tỉnh Vân Nam. Công ước 26-6-1887 quyết định nhượng vùng mũi Bạch Long và toàn bộ tổng Tụ Long (hai vùng nầy đều thuộc Việt Nam) cho Tàu. Một số xã thuộc tổng Phương Ðộ, gần Tụ Long và 9 xã rưỡi thuộc tổng Bát Tràng (thuộc tỉnh Quảng Ninh) thì bị nhượng sau nầy do đại tá Pennequin (phụ trách phângiới vùng Vân Nam) và đại tá Gallieni (phụ trách phân giới vùng Lưỡng Quảng).
6, CAOM, GGI, INDO, 65355.
7, La Frontière sino-vietnamienne et le face à face franco-chinois à l’époque de la conquête du Tonkin, Biên giới Việt - Trung và sự đối đầu của hai nước Pháp - Trung vào thời kỳ chinh phục Bắc Kỳ, trang 85 đến trang 103, trong quyển Les Frontière du Vietnam, nxb Harmattan, Paris 1989. Trang 92.
8, “Ðường Biên Giới Trên Biển của Việt Nam”, La Frontière maritime du Vietnam, Pierre-Bernard Lafont, từ trang 235 đến trang 243, trong quyển Les Frontières du Vietnam, do chính ông làm chủ biên, nxb Harmattan, Paris 1989. Trang 236-237.
9, Xem biên-bản “Proces-verbal de délimitation N° 1: De Tchouk-san à Chima” ở trang nhà ghi trên.
10, trích từ La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys, nxb Harmattan 1996, Monique Chemillier-Gendreau.
11, Ðọc Lettre du Commandant Chiniac de Labastide, Président de la Commission d’abornement des frontières sino-annamites, à Monsieur le Gouverneur Général de l’Indochine. Au sujet des travaux de l’abornement. đọc thêm Lettre du Commandant Chiniac de Labastide, Président de la Commission d’abornement des frontières sino-annamites, à Monsieur le Gouverneur Général de l’Indochine. Objet: Inconvénients et dangers de la frontière admise entre Kalong et Bac-Cuong-Ai par la Commission française de délimitation. Ðăng trong trang nhà của tác giả Trương Nhân Tuấn
12, M. Chemillier-Gendreau, Giáo-Sư các ngành Khoa Học Chính Trị và Công Pháp tại trường Ðại Học Paris VII, tác giả quyển La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys, nxb Harmattan 1996.
13, Một trường-hợp tương tự: Án lệ 14 tháng 2 năm 1985 giữa Cộng Hòa Guinée và Guinée-Bissau. Công ước 12-5-1886 Pháp - Bồ bị đặt vấn đề. Công Ước nầy có vẽ một đường vòng trên biển để phân biệt những đảo thuộc Pháp với những đảo thuộc Bồ Ðào Nha. Nước Cộng Hòa Guinée cho rằng đường nầy có giá trị như là một đường biên giới trên biển. Tòa án không chấp nhận vì công ước 1886 chỉ quan hệ đến biên giới trên đất liền.
14, Paul-Marie Neis sinh ngày 28 tháng 2 năm 1852, tốt nghiệp trường Y Sĩ Hải Quân Brest, đến Tonkin năm 1879.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"