Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

TÔI KHÔNG MUỐN LÀM NÔ LỆ CHO ĐẢNG NỮA! Để tôi yên!


Đàm Mai Đạo
Tác giả Đinh Văn Quế phản ánh đúng hiện trạng ra khỏi đảng lặng lẽ. Tuy nhiên, tôi không đồng ý 2 điểm:
1/ Ông Quế đặt vấn đề cho hiện tượng này là: "Phải chăng đây cũng là một biểu hiện của sự “suy thoái” đối với một bộ phận đảng viên?".
Bản chất khái niệm "suy thoái" ám chỉ cho biến chất hay tha hóa về tư cách con người nói chung, đảng viên nói riêng. Ông Quế cần nhận thấy một hiện trạng đang lan nhanh và ăn sâu vào các cá nhân đảng viên hiện nay, nhiều người không còn thiết tha với đảng mà tôi là một ví dụ. Nhưng tại sao lại như vậy là điều chính đảng cần nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề. Điều này không khó, cũng chẳng còn phải tốn thời gian phân tích nguyên nhân, mổ xẻ chi tiết làm gì nữa.

Cần dũng cảm nhìn thẳng vào hệ quả ít nhất 30 năm qua, kể từ khi các đảng viên cao cấp ngày càng suy thoái về nhân cách, tư cách, lối sống, trách nhiệm đối với gia đình, dòng họ, sau đó đến với tổ chức đảng cơ sở, cũng như nơi họ đang sinh hoạt và làm việc. Hệ quả này lan rộng và ăn sâu vào từng cá thể, dần tác động theo hình ảnh "vết dầu loang". Các đảng viên cấp thấp (như tôi) nhìn vào đó thấy ê chề, bi quan, chán nản. Ông TGĐ, nơi tôi làm việc trước đây, một người nổi tiếng từ gia thế và núp bóng người cha lừng lẫy của ông để tham nhũng, chơi gái, vợ ghen tuông ầm ĩ cả cơ quan trong khi vẫn rao giảng đạo đức! Những người như tôi sẽ nói gì? Làm gì? Góp ý gì? Phê bình ư? Hậu quả sau đó ai cũng biết là gì, nếu như chúng tôi thực hiện cái gọi là "tính đảng". Một trong các "tính đảng" quan trọng là đấu tranh với cái xấu, dùng vũ khí "phê và tự phê" để làm đồng chí mình sửa đổi mà tốt lên. Hão huyền. Pháp luật, mà không, nội quy và quy chế làm việc đã vắng bóng và bị xé toang, dám nào mơ đến pháp luật xuất hiện như một "Bao Công"!

Tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ: Tôi sẽ đốt thẻ, nếu như sau Đại hội, Đảng không vứt bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin và thay vào đó là Chủ nghĩa Dân tộc lành mạnh, không cực đoan của Hồ Chí Minh làm một bước đệm quan trọng.
Đảng sinh hoạt hiện nay không khác gì là một gia đình, tùy phạm vi, mức độ, đó là một gia đình nhỏ hay lớn mà thôi. Đã như thế, nếu một đứa con trong gia đình thấy cha, mẹ mình làm sai hay thực hiện tội ác, nó cũng không dám lên tiếng, dù lên tiếng ôn hòa, vì cha hay mẹ của nó sẽ cho rằng nó là "Đứa con bất hiếu". Đảng đã xem các đảng viên cấp thấp như thế, thì đừng trách chúng tôi "lặng lẽ ra khỏi đảng", hình ảnh này tựa như đứa con cảm thấy cha, mẹ mình ngày càng lâm vào tội lỗi mà không muốn tiếp tay, buộc nó phải bỏ nhà ra đi, có thể gọi theo từ của đảng là "thoát ly". Nó ra đi để giải thoát tâm hồn cho chính nó trước tiên, nó không muốn mọi người xng quanh nhìn nó một cách đầy ghê sợ và tởm lợm. Nó đau đớn. Nó âm ỉ với nỗi đau vì vết thương luôn chực chờ nhức buốt vào những lúc trở trời - tức là những buổi "phê và tự phê", sinh hoạt chi bộ. Nơi đó, thời khắc đó, mọi thói xấu, hủ bại của "đồng chí mình" được xem là cơ hội để "các đồng chí khác" chớp lấy và hành xử theo cách đấu tố quen thuộc, nếu thời cơ đến với họ. Tôi ghê sợ với hình thức đấu tố, dù bất cứ dưới lớp áo nào. Tôi cho rằng cái hình thức mông muội và hoang dã này đã biến chất đảng viên. Trước khi chúng ta là đảng viên, chúng ta là công dân, trước khi chúng ta là công dân, chúng ta là con người.
Con người đã suy thoái trong lớp áo đảng viên. Từ con người -> công dân -> đảng viên và từ đảng viên -> thần dân -> nô lệ.
Chúng tôi - những đảng viên cấp thấp lại là số đông nhất. Quá trình biến chúng tôi thành nô lệ diễn ra hoàn toàn logic như nó đã và đang diễn ra. Đảng là thủ phạm chính.
Đảng đừng trông mong gì ở các nô lệ mà chính đảng đã "sản xuất" ra. Chúng tôi đã trở thành "phế nhân" như thế.
2/ Đảng cũng cần xem lại để tổ chức Đảng nắm được đảng viên khi chuyển sinh hoạt từ nơi này đến nơi khác, không nên để tình trạng đảng viên “tự ra khỏi Đảng” bằng cách không chuyển sinh hoạt Đảng như hiện nay.
Đừng làm như thế. Vô ích và chỉ làm chúng tôi càng xem thường thêm. Chúng tôi đã nghỉ hưu và vì hèn nhát, nhục nhã hay không thiết tha gì cả ngoài những ưu tư một thời vụng dại, chúng tôi chỉ còn nỗi lo canh cánh về áo cơm, sức khỏe và những niềm vui nhỏ bé lúc tuổi già. Buộc chúng tôi vào những điều này để làm gì? Việc làm nào cũng có mục đích. Giả sử, việc làm này thực hiện cách đây 10 năm thì còn khả thi. Đã quá muộn. Nó tựa như thêm một chiếc còng số 8 hay một cái gông mà chúng tôi phải tròng thêm vào cổ. Nặng nề càng nặng nề thêm. Một kẻ nô lệ hàng chục năm qua, tròng thêm cái ách vào cổ nó chỉ càng làm nó suy sụp sức khỏe và mau... chết, không giải quyết được gì. Đừng "đóng trăn" chúng tôi nữa! Không thể đâu!
Đảng đang cần thêm nhiều nô lệ, chắc hẳn? Nhiều nô lệ trong tay, đảng càng sung sướng. Ít nhất, nô lệ sẽ thay mặt đảng làm nhiều thứ. Ách tròng vào cổ chỉ làm chúng mau chết vì kiệt sức, còn ai để phục vụ đảng? Để nói lời tốt đẹp mà trong lòng đầy phỉ nhổ?
Đây không phải là cách làm khôn ngoan. Nó chỉ cho chúng tôi thấy và hàng triệu người dân thấy một chân lý: Đã vào đảng là đừng hòng đảng buông tha.
"Chân lý" đó làm bàng hoàng và chết lặng lòng người.
Tôi là người hiền lành và nhút nhát, yếu đuối, nhưng hôm nay tôi đã buộc phải nói lên:
TÔI KHÔNG MUỐN LÀM NÔ LỆ CHO ĐẢNG NỮA! Để tôi yên!
Đảng còn, đảng mất, mặc kệ đảng, đừng tròng vào cổ chúng tôi thêm một cái ách tai ương và tàn ác như thế. Tôi không thực hiện đâu!
Tôi muốn làm người, con người tự do. Tôi cần phải đi trên "CON ĐƯỜNG VIỆT NAM" để tự tình cùng đồng bào tôi, để rửa bớt những tội lỗi, để ăn năn, để ray rứt mà hàng chục năm qua, chúng tôi, kẻ nhiều người ít đã góp tay cùng đảng hãm hại, đày đọa DÂN TỘC VIỆT NAM.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"