Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Việt Nam và những khúc quanh thất bại

Nguyễn Văn Thạnh
Triết gia đã nói: từ khi có lịch sử, con người đã thoát khỏi giới động vật, lịch sử là trí nhớ của một dân tộc. Một dân tộc không có lịch sử thì không khác gì một con người mất trí. Người mất trí là người sống theo bản năng. Sống theo bản năng thì đến việc đi vệ sinh họ cũng không biết làm sao cho tốt.
Thế mới biết lịch sử nó quan trọng thế nào, lâu nay ta cứ nghĩ lịch sử là câu chuyện ghi lại những chiến công oanh liệt, những anh hùng giết giặc bảo vệ biên cương đất nước,….đến nỗi nhiều người nói đến lịch sử là nói đến lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Và cho rằng lịch sử cũng chỉ có thế thôi, nó chỉ cần khi nước nhà xâm lăng, khi cần triệu người như một, với lòng yêu nước nồng nàn, quyết hy sinh để nhấn chìm bè lũ bán nước, cướp nước, khi hòa bình rồi thì sử chỉ là những giây phút để ôn về kỉ niệm và tự bảo với nhau “dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, không gì có thể khuất phục”, dù đó có thể là niềm tự hào của hai anh công nhân Việt Nam đang lao động vất vả ở một xứ nào đó!

Có lẽ do ngàn năm Bắc thuộc, lân bang xâm lấn, nghèo nàn suy vong mất nước là một chuỗi định mệnh nên lịch sử dân tộc ta nhuốm máu anh hùng, và đó là màu nổi bậc hơn những gam màu khác nên đã làm nhiều người lầm tưởng lịch sử chỉ có thế. Lịch sử dân tộc không chỉ có chiến tranh giữ nước, mà còn là chuyện dựng xây đất nước. Nhiều việc mới hôm nay, để biết phải làm gì cho đúng, nhiều khi chúng ta cần tìm lại từ lịch sử. “Ôn cố tri tân” là vì vậy.
Không ai phủ nhận Việt Nam là một dân tộc có bề dày lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, từ những mốc son oai hùng của nữ anh hùng đầu tiên đất Việt Hai Bà Trưng đến Phùng Hưng, Phùng Hải, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,…..chiến công chống giặc hiển hách nhiều vô kể. Tự hào là vậy, nhưng xuyên suốt quá trình, dân tộc Việt là một dân tộc bất hạnh: không chiến tranh ly tán thì đói nghèo, khổ sở, không ngoại bang đày đọa thì tự đày đọa lẫn nhau (Tướng Trần Khánh Dư nổi tiếng với câu nói “tướng là chim ưng, quân dân là vịt, lấy vịt mà nuôi chim ưng có gì là lạ”). Chiến thắng anh hùng hôm qua, hôm nay lại rơi vào đói nghèo, ngày mai có khi lại vong quốc, chu trình tiếp diễn như một định mệnh. Thương thay dân tộc Việt Nam!
Như dòng sông cuộn chảy, lịch sử dân tộc như một bánh xe chuyển dời. Cuộc sống từng ngày thì gần như không đổi mới đáng kể, nhưng xuyên suốt chặn đường dài thì nó luôn có qui luật lớn chi phối. Vận động lịch sử cũng là một vận động khoa học, ngoài thuộc tính tự nhiên là việc gì đến phải đến, lịch sử còn do con người tác động. Nếu có lãnh đạo anh minh dẫn dắt thì lịch sử đi đúng hướng nếu không nó sẽ đi vào sai lầm, vết xe đổ và tạo ra nhiều khổ đau cho dân tộc.
Tại đây, chúng ta cùng nhau điểm qua những khúc quanh có tính bước ngoặc mà dân tộc ta đã chọn sai đường, hay còn gọi là những khúc quanh thất bại.
Năm 1288, sau ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông, một đạo quân mạnh và hung hãn bật nhất lúc bấy giờ, nhà Trần đã ghi vào lịch sử dân tộc một mốc son chói lọi về lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Sau chiến thắng, triều đình, quan quân và nhân dân thay vì có giải pháp đúng để tổ chức xây dựng đất nước đưa dân tộc đến thịnh vượng thì lại bị niềm tự hào, phấn khởi chi phối. Nhà Trần suy thoái, quan tham nhũng nhiễu, giặc cướp nổi lên khắp nơi, nhân dân khốn khổ, bánh xe dân tộc đi vào một khúc quanh với nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly. Với tài năng và viễn kiến đã đưa ra nhiều chủ trương cải cách để canh tân đất nước, ngõ hầu tránh dân tộc đi vào con đường suy vong. Tiếc thay khúc quanh đó đã thất bại, đưa đến họa ách xâm lăng 20 năm của nhà Minh với thảm cảnh “nướng con đỏ trên ngọn lửa hung tàn”, trước khi anh hùng Lê Lợi xuất hiện để cứu nguy dân tộc. Một khúc quanh thất bại quá đau thương.
Bài học rút ra là do người dân có nhiều tình cảm với nhà Trần từ chiến công trước. Như tướng quân Hồ Nguyên Trừng đã nói “thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Toàn dân đã không nhận thấy được khúc quanh để góp một tay cho hạnh phúc, thịnh vượng của chính mình mà đã níu kéo bánh xe lịch sử đi vào khúc cua tai họa. (Dân tộc giàu tình cảm thì tốt những cũng tiềm ẩn cái họa).
Một khúc quanh thất bại rõ nét của dân tộc là cuối thế kỷ 19, đây không chỉ là khúc quanh của dân tộc mà còn của thời đại. Sau hàng ngàn năm ngụp lặn trong thiết chế chính trị quân chủ chuyên chế (quyền lực tuyệt đối trong tay vua, bộ máy quan lại như bề trên, dân như cỏ rác), loài người đã tìm ra một thiết chế chính trị tốt hơn, đó là thiết chế “cộng hòa”. Nền cộng hòa ra đời, nó đã giải quyết bế tắc chính trị hàng ngàn năm, tư tưởng chính trị nó soi sáng chân lý “quyền lực nhà nước do người dân ủy quyền” chứ không phải là thần thánh siêu nhiên, con trời, thế thiên hành đạo. Thoát khỏi quyền lực độc đoán, chuyên quyền, xã hội loài người như được cởi trói, phát triển vượt bậc, ngày càng thịnh vượng mà không còn cảnh suy thoái điêu tàn theo chu kỳ như phong kiến (xem phim Hán Sở tranh hùng, thấy cảnh Hạng Vũ đốt cung A phòng mới biết dân Trung Quốc khốn khổ như thế nào, cả ngàn năm là chuỗi ngày xây lên, phá xuống).
Bắt nguồn tại châu Âu, làn gió cộng hòa lan tỏa toàn cầu, nhiều dân tộc đã thông minh hay may mắn đón được ngọn gió đó, chuyển được vận nước mà thịnh vượng, giàu có: điển hình trong số này là Nhật Bản.
Nhiều dân tộc đã tăm tối, Vua chúa dùng hết sức chống lại ngọn gió thời đại (bế quan, tỏa cảng) nhưng rồi cũng không thoát được, không chỉ hoài công mà còn để lại thảm cảnh cho dân, cho chính mình. Điển hình trong nhóm này là Trung Quốc và Việt Nam. Việc gì đến cũng phải đến: Việt Nam hay Trung Quốc cũng không còn vua. Cái giá phải trả là quá đắt, cả trăm năm nô lệ, núi xương, sông máu mới có được cái điều mà lẽ ra không đáng phải trả. Một dân tộc thông minh hay tăm tối là ở chỗ này.
Lần này bài học đau đớn được chỉ ra là tầng lớp lãnh đạo đã quá tham lam, sợ mất quyền lợi nên không thay đổi (nhưng rồi có giữ được đâu, nạn vong quốc và binh đao không chừa một ai). Vì ích kỷ quyền lợi cá nhân, gia đình mà họ đã làm một việc công dã tràng, còn mang tiếng nhơ trong lịch sử (Nhắn gửi 14 vị Vua ĐCS). Thấy sự cường thịnh, thái bình của nước Nhật, sự cung kính của nhân dân Nhật đối với nhà Vua mà thương cảm cho dân tộc Việt Nam và các vị Vua triều Nguyễn khi đi thăm hoang tàn, phế tích, lăng tẩm ở cố đô Huế. Cảm thay cho một đấng chăn dân tăm tối.
Hôm nay, chúng ta đang đứng trước một thời khắc lịch sử, một khúc quanh như năm xưa, làn gió dân chủ đã nổi, đã thổi khắp toàn cầu, các chế độ độc tài, toàn trị bị thổi bay từ Liên Xô, Đông Âu đến làn gió mùa xuân Arap: Tunisia, Libi, Ai Cập,…. Đây là một tất yếu của lịch sử, không có gì ngăn cản được. (Con người không còn u mê, tăm tối, nhìn lâng bang giàu sang thì tự nhiên biết mình phải làm gì, dân chủ sẽ phải tới).
Dưới góc nhìn của một kỹ sư, tôi thấy càn khôn đang chuyển dời, một cuộc chuyển động dân chủ tất yếu phải đến cho dân tộc Việt Nam.
Quý bạn hữu, lần này, bánh xe lịch sử dân tộc ta có đi sai đường, đổ vỡ kéo theo núi xương sông máu hay đi đúng hướng mang lại thịnh vượng, ấm no cho nhân dân, cho đất nước cho tất cả chúng ta, con cháu chúng ta. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta, những người con ưu tú của dân tộc có đủ trí tuệ để hiểu biết, có đủ lòng dũng cảm để góp phần hay không? Yêu nước, không chỉ để nước rơi vào ngoại xâm, bờ cõi bị xâm lấn, mới lên tiếng, mới quyết tử, yêu nước là còn làm cho nước thịnh, dân giàu.
Làm cách mạng, thay đổi vận nước, vận dân không chỉ đòi hỏi có một trái tim nồng nàn mà còn có một cái đầu nhạy bén, nhìn ra thời cuộc, nhìn thấy qui luật tự nhiên, thấy những điều tất yếu. Hiểu vũ trụ, nắm càn khôn, chuyển đất trời, mang hừng đông dân tộc!
Qua đây, tôi cũng chân thành gửi lời kêu gọi đến những ai còn lo sợ, lo nghĩ đến quyền lợi của mình, còn nấn ná, còn âm thầm cản trở bước chân của dân tộc, hãy suy nghĩ về qui luật lớn, về điều tất yếu mà hành động, tránh đi những công dã tràng, những thảm kịch bi thương như tổ tiên đã mắc phải năm xưa. Và cũng muốn gửi lời đến những vị lãnh đạo cao cấp hãy xem những bi kịch cuối đời lưu lạc vong quốc của Vua nhà Nguyễn, cái chết thảm của Ghaddafi mà ngẫm lại thời thế. Không có gì chống được qui luật tư nhiên, càng cố giữ càng mất: thiệt thân, gia đình ly tán, mang tiếng nhơ với lịch sử là điều chắc chắn!
Ý dân là ý trời!
Đất nước thịnh là cái phúc chung! Đất nước họa là cái họa chung.
Trân trọng,
Nguyễn Văn Thạnh

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"