Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Lương tâm người lãnh đạo để ở đâu khi để người viết thư này vào tù?

Trần Huỳnh Duy Thức – Bức thư dang dở gửi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Kính gửi: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
Thưa Chủ tịch nước,
Có thể lúc ông đọc được bức thư này thì tôi đã không còn là người tự do nữa mặc dù tôi ý thức rất rõ tôi hoàn toàn không vi phạm luật pháp. Nhưng tôi cũng rất hiểu rằng thực tế thực thi pháp luật lâu nay ở đất nước ta sẽ đặt tôi vào một rủi ro rất lớn khiến tôi có thể bị tước đi quyền công dân thiêng liên của mình.
Tôi viết bức thư này vào lúc Công ty cổ phần Internet Một Kết Nối (OCI) mà tôi điều hành đang bị Sở Thông tin & Truyền thông Tp.HCM chèn ép, xử phạt hành chính bằng những quyết định vô lý, không đúng pháp luật với một thái độ có tính cường quyền đối với một công việc kinh doanh hoàn toàn hợp pháp của OCI mà đúng ra phải được khuyến khích. Tôi cũng mới vừa gửi đơn kêu cứu đến Chủ tịch nước về vấn đề này.
Đây là thời gian tôi và những người bạn đang tập trung hoàn tất quyển sách Con đường Việt Nam trong vòng 5 tháng tới để có thể gửi đến Chủ tịch nước – người đứng đầu Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đồng thời là một lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quyền sách này là một kế hoạch kiến nghị các giải pháp giúp đất nước vượt qua được một cuộc khủng hoảng trầm trọng, chắc chắn không thể tránh khỏi từ năm 2010 đến 2011, để sau đó đất nước ta sẽ phát triển bền vững nhanh chóng đạt đến Dân chủ – Thịnh vượng.
Cuộc khủng hoảng nói trên là giai đoạn cuối trầm trọng nhất của một thời kỳ khủng hoảng bắt đầu từ sự khủng hoảng kinh tế đã diễn ra từ đầu năm 2008 – Cuộc khủng hoảng mà tôi đã dự báo trước từ đầu năm 2006 trong bài phân tích “Khủng hoảng kinh tế – Nguy cơ và cơ hội”. Bài viết này được kèm theo bức thư tôi gửi cho Chủ tịch nước vào đầu tháng 3/2006 trước thềm Đại hội X. Trong bài phân tích này tôi đã nói rằng nếu không thay đổi ngay quan điểm phát triển kinh tế hiện nay (tức thời điểm tháng 1/2006 lúc tôi phân tích) thì không quá 2 năm nữa sự khủng hoảng kinh tế sẽ nổ ra và bắt đầu một cuộc khủng hoảng trầm trọng cả về xã hội lẫn chính trị, đặt đất nước trước nguy cơ trở thành nô lệ kiểu mới trong thời đại toàn cầu hóa. Và trên thực tế khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam đã xảy ra đúng vào tháng 1/2008 và vẫn đang tiếp tục diễn ra một cách trầm trọng hơn, gia tăng sự nghiêm trọng của những nguyên nhân sâu xa dẫn đến khủng hoảng cho dù bề mặt của nó có vẻ như “đã bị kiềm chế”. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2009 theo nghị quyết của Quốc hội đã đánh mất 1 cơ hội quý giá để chúng ta có thể tránh được 1 giai đoạn khủng hoảng toàn diện và trầm trọng nói trên – Một cơ hội để nhìn nhận khủng hoảng kinh tế theo đúng bản chất, nguyên nhân và qui luật của nó, để đối diện với những sự thật rất phủ phàng nhưng lại giúp chúng ta nhìn thấy được những cơ hội tuyệt vời từ nó để giải quyết căn cơ những nguyên nhân thâm căn của những yếu kém của đất nước. Và nhờ vậy chúng ta mới có được sự phát triển bền vững, tốt đẹp.
Đó chính là tinh thần của cách thức giải quyết khủng hoảng tôi đã kiến nghị lên Chủ tịch nước trong bức thư đầu tháng 3/2006. Và đó cũng là tinh thần của những gì sẽ được viết trong Con đường Việt Nam nhằm đưa ra các giải pháp cho đất nước bị sụp đổ do tác hại của sự khủng hoảng trầm trọng sắp tới, nhờ vậy sẽ vượt qua được nguy cơ bị biến thành nô lệ kiểu mới. Từ đó Việt Nam sẽ phát triển một cách hợp qui luật khách quan và do vậy sẽ nhanh chóng trở thành một nước dân chủ và thịnh vượng.
Việt Nam sẽ là nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trở thành nước dân chủ và thịnh vượng trên thế giới chính là mục đích mà Con đường Việt Nam hướng đến, cũng là khát khao của tôi và của những người tham gia viết quyền sách này. Và tôi tin rằng đó cũng là khát vọng của đa số người dân Việt Nam.
Tôi không phải là người theo chủ nghĩa Mác và cũng không có ý định trở thành người cộng sản dù tôi thấy lý tưởng “Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” là cao đẹp. Nhưng tôi muốn đóng góp một góc nhìn mới trong việc vận dụng các học thuyết của Mác song song với những học thuyết không phải của Mác, trên nguyên tắc phải tuân thủ các qui luật khách quan nhằm đề ra một cách thức để nhanh chóng tiến gần đến lý tưởng trên một cách thực tế.
Tôi nhìn thấy cơ hội để đất nước thực hiện cách thức này từ chính trong những khó khăn thách thức nghiêm trọng mà cuộc khủng hoảng trần trọng sẽ tạo ra. Điều này sẽ đòi hỏi một sự nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực trên cơ sở thừa nhận những sự thật khách quan một cách dũng cảm. Thường điều này không được thực hiện vì cho rằng sự công nhận sẽ làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân. Nhưng chính việc không thừa nhận sự thật khách quan sẽ dẫn tới những ý chí chủ quan kéo theo những giải pháp mang tính hành chính, mà hậu quả của chúng sẽ dẫn tới một sự mất mát, có thể là sụp đổ niềm tin nặng nề nhất mà Con đường Việt Nam muốn cảnh báo.
Thưa Chủ tịch nước, trong bức thư tôi gửi đến Ông vào tháng 3/2006 trước thềm Đại hội X, ngoài việc cảnh báo những nguy cơ về khủng hoảng kinh tế và những kẻ cơ hội tôi còn đề cập đến một ý niệm về một cách thức của Việt Nam để xây dựng được một nền dân chủ thực sự. Đã 3 năm, tôi đã dành rất nhiều sức lực trong thời gian qua để nghiên cứu ý niệm này một cách khoa học và trách nhiệm. Tôi đã quan sát và phân tích về bản chất của dân chủ, và sự hình thành và phát triển của rất nhiều nền dân chủ từ thời cổ đại đến nay trên thế giới để rút ra được những qui luật tất yếu tác động đến dân chủ. Kết quả này sẽ được trình bày trong Con đường Việt Nam nhằm đưa ra một con đường để đất nước nhanh chóng đạt được một nền dân chủ thực sự trên thực tế. Một thiết chế đa đảng không tất yếu đảm bảo cho điều này. Nó chỉ có được khi nào người dân ý thức được quyền làm chủ của mình và tự tin sử dụng tối đa các quyền đó một cách có ý thức.
Do vậy tôi luôn sống và làm việc bằng ý thức đó, tinh thần đó – tinh thần được hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam bảo vệ. Nhưng thật đáng tiếc là tôi luôn gặp trở ngại và rủi ro lớn vì niềm tin đó của mình. Sự kiện Sở Thông tin & Truyền thông Tp.HCM xử phạt công ty OCI hiện nay, hay trước đây Bộ Bưu chính Viễn thông và Bộ Thương mại buộc OCI phải dừng một chương trình khuyến mại hợp pháp cuối năm 2003 (mà tôi đã có dịp trình bày với Ông trong bức thư ngày 7/1/2004) là những minh chứng cho điều này. Và có lẽ vấn đề sẽ càng tồi tệ hơn khi sắp tới tôi sẽ lên tiếng mạnh mẽ phê phán các chính sách vĩ mô về kinh tế, xã hội lẫn chính trị nhằm cảnh báo các nguy cơ trầm trọng của đất nước và đề nghị những thay đổi mà tôi thấy rõ sẽ tốt hơn và tránh được những sự sụp đổ biến đất nước thành nô lệ kiểu mới.
Sự khủng hoảng trầm trọng và toàn diện được khơi mào từ vấn đề kinh tế sẽ nổ ra từ 2010 đến 2011 là tất yếu đối với nước ta theo qui luật khách quan, hoàn toàn độc lập với ý muốn chủ quan của chúng ta. Tôi sẽ chứng minh những dự báo này bằng những qui luật và số liệu một cách khoa học trong Con đường Việt Nam. Nhưng cũng không cần quá phức tạp và hàn lâm mới nhìn thấy được vấn đề này. Chỉ cần nhìn vào những số liệu tăng trưởng GDP nhanh chóng và liên tục trong nhiều năm qua nhưng lại đi kèm với sự sụt giảm năng suất lao động cũng dễ dàng thấy trước một sự khủng hoảng. Tăng trưởng chỉ thực và bền vững khi có được sự gia tăng năng suất. Mọi sự tăng trưởng mà không phải do tăng năng suất đều chỉ là sự vay mượn của quá khứ (như khai thác tài nguyên) hoặc tương lai (như vay vốn đầu tư hay phá hủy môi trường). Nhưng tất cả sự vay mượn như vậy đều có giới hạn, và khi đã đên tới hạn của chúng thì sự khủng hoảng là đương nhiên. Cũng không quá khó để tính toán các điểm tới hạn đó của Việt Nam sẽ rơi vào 2010, 2011.
Tôi đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về nguy cơ này từ năm 2004 đến nay, thông qua Internet lẫn gửi thư trực tiếp đến các vị lãnh đạo đất nước. Nhưng tôi thực sự không thấy sự quan tâm của công tác quản lý nhà nước đối với nguy cơ này. Trong khi đó nó lại càng biểu hiện rõ hơn bao giờ hết. Mà nó là nguy cơ của đất nước chứ không chỉ là vấn đề của nhà nước, nên người dân cần được nhà nước chuẩn bị để hiểu rõ vấn đề và cùng nhau, cùng với nhà nước giải quyết vấn đề – tương tự như Nhà Trần đã tổ chức hội nghị Diên Hồng để chuẩn bị cho toàn dân đối phó với nguy cơ xâm lược của Nguyên Môn cuối thế kỷ 13. Tuy nhiên, tôi lại thấy quan điểm của sự quản lý nhà nước hiện nay dường như lo ngại người dân lo lắng trước những nguy cơ như vậy nên cố gắng để mọi người thấy sự bình ổn và những viễn cảnh tốt đẹp. Điều này cũng giống như Nhà Hồ đã làm vào đầu thế kỷ 15, dù có rất nhiều cải cách sâu rộng nhưng Hồ Quý Ly vẫn không tập hợp được sức mạnh của toàn dân để chiến thắng cuộc xâm lược của Minh Ngô dẫn đến sự nô lệ của dân tộc sau đó.
Theo tôi nguy cơ trên là đáng lo ngại nhất trong tất cả những nguy cơ đang rình rập đất nước. Nguy cơ từ bên trong bao giờ cũng hiểm họa hơn từ bên ngoài. Sự thiếu hiểu biết của người dân, thậm chí là biết mà vẫn bàng quan, thờ ơ trước những vấn đề và nguy cơ của đất nước đã là rất nguy hại, nhưng tôi lại còn thấy sự tai hại hơn thế nữa. Tham nhũng không chỉ là vấn nạn xã hội làm mất niềm tin của dân chúng mà giờ đây nó trở thành niềm tin của rất rất nhiều, nếu không muốn nói là đa số, người dân. Còn hơn thế nữa, rất nhiều doanh nghiệp và cá nhân bây giờ dựa vào tham nhũng, tin tưởng tham nhũng, mang ơn tham nhũng nên phải bao che cho tham nhũng, nuôi dưỡng tham nhũng. Xã hội hiện nay hoàn toàn thiếu vắng, gần như không có hoặc không thể tồn tại những động lực lành mạnh của người dân tin tưởng vào công lý và những quyền mà Hiến pháp của nhà nước CHXHCN Việt Nam bảo vệ, để sử dụng các quyền đó một cách chủ động và tự tin nhằm mưu cầu các lợi ích chính đáng của mình một cách hợp pháp. Tôi đã nghiên cứu nhiều năm và rút ra kết luận rằng thiếu loại động lực này thì không có đất nước nào xây dựng một xã hội dân chủ và thịnh vượng được.
Những vấn đề và nguy cơ trên bị tạo ra bởi sự cách biệt lớn giữa thực tế trong việc thực thi pháp luật với những giá trị danh nghĩa tốt đẹp dành cho người dân mà hệ thống pháp chế xã hội chủ nghĩa nước ta hướng đến bảo vệ. Danh nghĩa và Thực tế sẽ là một đề tài được đề cập rất nhiều trong Con đường Việt Nam để phân tích và đưa ra các giải pháp cho những vấn đề của đất nước. Trong quá trình quan sát và phân tích hiện tượng để rút ra bản chất của rất nhiều sự kiện và quá trình trong nhiều lĩnh vực khác nhau trên thế giới, tôi đã phát hiện được một qui luật thực chứng (được chứng minh bằng những số liệu trong thế giới thực). Từ đó tôi phát triển tiếp trên những nguyên lý của qui luật này thành một lý thuyết khoa học mà tôi đặt tên là Qui luật Danh nghĩa và Thực tế. Nó sẽ được áp dụng trong con đường Việt Nam để phân tích lý giải nhiều vấn đề, hiện tượng về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước nhằm đưa ra được những giải pháp thuận với qui luật khách quan. Nguyên lý căn bản của qui luật Danh nghĩa và Thực tế là: “Sự cách biệt giữa thực tế và danh nghĩa trong các mặt về kinh tế, chính trị, xã hội càng lớn sẽ càng tạo ra bất ổn và dẫn tới khủng hoảng, càng nhỏ sẽ càng tạo ra sự ổn định và dẫn đến phát triển bền vững”. Khi tôi dùng qui luật này để phân tích các vấn đề của đất nước tôi đã thấy rất nhiều nguy cơ và kết cục xấu, trong đó có dự báo về sự khủng hoảng kinh tế dẫn tới một cuộc khủng hoảng trầm trọng và toàn diện mà tôi đã đề cập đầu thư. Tới hôm nay, sau một thời gian dài nghiên cứu nghiêm túc, tôi đã chuyển dự báo này thành một sự khẳng định có cơ sở khoa học.
Tôi cũng đã nghiên cứu sâu các qui luật khách quan khác chi phối sự vận hành trong một thế giới toàn cầu hóa. Nước ta đã đặt chân vào thế giới này nhưng lại chưa có sự hiểu biết về những qui luật này, nhất là trên phương diện quản lý vĩ mô. Qui luật khách quan là sản phẩm của vũ trụ (còn gọi là vũ trụ quan) nên hoàn toàn độc lập và vuợt trên mọi nhân sinh quan. Con người không thể thay đổi hay thoát khỏi sự chi phối của vũ trụ quan. Thời gian qua tôi thấy có một vấn đề cần chú ý: Có nhiều ý muốn chủ quan áp đặt quan điểm của học thuyết Mác để giải thích thành những nguyên lý vận hành của toàn cầu hóa. Đây là những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu thuyết phục nên làm mất đi tính hấp dẫn của học thuyết Mác đối với nhiều người. Theo tôi nên nhìn vấn đề một cách khách quan, tránh giáo điều thì sẽ có được lời giải tối ưu. Mác là người đầu tiên từ giữa thế kỷ 19 đã dự báo đúng khá chính xác hình thái và bản chất của thế giới toàn cầu hóa như ngày nay. Do đó tôi nhìn thấy rất nhiều các giá trị nhân sinh quan to lớn của Mác tạo ra được lợi ích to lớn cho nhân loại nếu được vận dụng đúng theo sự vận hành của các qui luật khách quan trong thế giới toàn cầu hóa. Và đây là đề tài mà tôi sẽ đề cập nhiều trong Con đường Việt Nam để áp dụng học thuyết của Mác nhằm đưa ra các giải pháp hữu hiệu cho đất nước trong bối cảnh của thế giới ngày nay (chứ không phải thế giới vào sinh thời của Mác).
Tinh thần cốt lõi của Con đường Việt Nam là nhìn nhận một cách khách quan và khoa học những yếu kém cốt tử cũng như những thế mạnh tiềm năng của đất nước để phân tích và đưa ra những giải pháp dựa trên những qui luật khách quan nhằm đạt được những mục tiêu theo nhân sinh quan xã hội chủ nghĩa. Các giải pháp này sẽ đưa ra những chiến lược cho đất nước nhằm không những để tránh đượ sự sụp đổ nặng nề do cuộc khủng hoảng trầm trọng mà còn nhanh chóng vượt lên thành một nước XHCN dân chủ, thịnh vượng. Đồng thời nó cũng sẽ kiến nghị những thay đổi trong phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mô hình quản lý của nhà nước CHXHCN Việt Nam về kinh tế, chính trị, xã hội để hỗ trợ cho việc thực hiện các chiến lược trên. Những thay đổi này hoàn toàn trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, theo tinh thần pháp chế xã hội chủ nghĩa, và thuận theo qui luật khách quan nên sẽ hợp lòng dân.
Có một số ý kiến về thay đổi điều 4 Hiến pháp. Chủ tịch nước thì nói rằng thay đổi nó là tự sát. Còn tôi thì không hề thấy được những giải pháp từ việc thay đổi này có thể giải quyết được các vấn đề của đất nước để phát triển thành dân chủ, thịnh vượng. Nhưng nếu giữ nguyên hiện trạng, cách nhìn và cách thực thi điều 4 Hiến pháp như thực tế hiện nay thì không những không thể đưa đất nước phát triển tốt đẹp như lý tưởng mà Đảng Cộng sản Việt Nam hướng tới mà còn chắc chắn sẽ mau chóng đưa đến sụp đổ không thể tránh khỏi. Liên xô đã bị sụp đổ vì đã chủ quan, không tuân theo qui luật khách quan của kinh tế thị trường. Việt Nam đã tránh được sự sụp đổ tương tự vì đã thuận theo qui luật này. Nhưng giờ chúng ta đã bước vào sân chơi toàn cầu hóa vốn có những qui luật riêng của nó. Tương tự như nếu người ta chỉ ở mặt đất thì thôi, nhưng đã muốn bay lên thì phải tuân thủ các qui luật sức hút vạn vật hấp dẫn, định luật Bernuli, các định luật về khí động học khác,… không ai thay đổi hay tránh được các qui luật này khi muốn bay. Nhưng người ta hoàn toàn có thể sản xuất những chiếc máy bay theo quan điểm riêng của mình: phải là phương tiện bay thật rẻ, thật tốt để hầu hết mọi người đều được bay (được hưởng thành quả) hay chỉ là phương tiện để phục vụ cho một ít người giàu, thượng lưu.
Các mục tiêu nhân sinh quan chỉ có thể đạt được, và hoàn toàn có thể đạt được khi hiểu và vận dụng các qui luật khách quan để xây dựng được những chiến lược thuận qui luật. Các mục tiêu này sẽ không bao giờ trở thành hiệu lực chỉ vì chúng chúng được cho là chân lý, tất yếu sẽ đến. Việc chủ quan duy ý chí áp đặt nhân sinh quan thành qui luật khách quan thì chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại và sụp đổ. Đây chính là “cái bẫy” của “diễn biến hòa bình” mà tôi cũng sẽ dành một phần đáng kể trình bày trong Con đường Việt Nam với hy vọng cung cấp một góc nhìn khác khách quan hơn về khái niệm rất mới này.
Thưa Chủ tịch nước, không biết Ông có biết rằng đa số người dân Việt Nam hiện nay rất sợ nói đến chính trị mà chỉ bảo ban nhau lo làm ăn kiến tiền, đừng quan tâm đến chính trị làm gì để rước phiền phức vào thân. Tuy nhiên, tôi dám khẳng định rằng đa số đều rất bức xúc trước những vấn đề không chỉ xã hội, kinh tế mà cả chính trị nhưng lại không dám nói ra vì sợ bị quy chụp. Đây là một thực tế. Nó ngày càng phổ biến và cần được nhìn nhận thẳng thắn như một hiểm họa tiềm tàng, không chỉ vì người dân thờ ơ trước những nguy cơ của đất nước như tôi nói ở trên, mà còn vì nó là ấu hiệu của một môi trường xã hội thuận tiện cho cường quyền phát triển. Một xã hội dân chủ sẽ tạo ra động lực lành mạnh để phát triển, còn một xã hội cường quyền sẽ tạo ra sự sợ hãi để kiểm soát.
Tôi luôn tin vào lý tưởng tốt đẹp của xã hội xã hội chủ nghĩa nước ta đang hướng đến chống lại sự cường quyền. Nhưng cường quyền sẽ hình thành bất chấp lý tưởng tại bất kỳ nơi nào có môi trường thuận lợi cho nó, bất chấp không gian, thời gian. Nó như những loại vi trùng lúc nào cũng tồn tại trong không khí (dù sạch đến đâu), chực chờ để tấn công bất kỳ cơ thể nào mất khả năng đề kháng đối với chúng. Điều nguy hiểm là chúng ngày càng tinh vi, biến thể của chúng tự thay đổi nhanh chóng để có thể đánh bại được các thuốc đề kháng chữa trị ngày càng một mạnh hơn. Một xã hội không bao giờ mất đi các mầm mống của cường quyền cho dù xã hội đó phát triển tốt đến đâu đi nữa. Các mầm mống này lại càng không thể mất đi ở nơi nào chỉ vì sự tốt đẹp được khẳng định trong tuyên ngôn của xã hội ở nơi đó. Do vậy cần luôn duy trì một cơ thể hữu hiệu để ngăn ngừa, không cho các mầm mống cường quyền có cơ hội, môi trường để phát triển. Và đây chính là một đề tài quan trọng của Con đường Việt Nam: nghiên cứu bản chất để rút ra qui luật của các loại bản chất chi phối xã hội, cả tốt lẫn xấu, để xây dựng những cơ chế đơn giản nhưng hiệu quả (nhờ thuận qui luật) để ngăn ngừa cái xấu, thúc đẩy cái tốt trong quá trình phát triển của xã hội. Có một thực tế là những cơ chế càng phức tạp thì càng cồng kềnh, càng đòi hỏi sự can thiệp của con người thì chúng càng kém hiệu quả, càng là môi trường tốt cho cái xấu phát triển.
Tóm tắt, Con đường Việt Nam là: kiến nghị một cách thức quản trị đất nước (bao gồm phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mô hình quản lý nhà nước của nhà nước CHXHCN Việt Nam) để xây dựng một nền tảng chính trị cho đất nước trên những nguyên lý vận hành thuận theo các qui luật khách quan. Do đó nền tảng chính trị này sẽ hỗ trợ hiệu quả cho việc thực hiện các chiến lược được khuyến nghị nhằm đạt được các mục tiêu về kinh tế, xã hội mà Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hướng tới một cách nhanh chóng và ít tốn kém nguồn lực. Những sự thay đổi như vậy là rất lớn nhưng hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp.
Tôi thấy rằng chỉ cần làm đúng những gì Hiến pháp quy định và tránh những áp đặt chủ quan trong việc giải thích Hiến pháp thì đã có thể tạo ra những lợi ích to lớn cho toàn dân so với hiện nay rồi. Một khi thực tế cuộc sống phát triển tốt đẹp và tiệm cận đến những giá trị danh nghĩa của Hiến pháp, pháp luật thì sẽ tạo ra nhu cầu và động lực mạnh mẽ để thay đổi các giá trị danh nghĩa này tốt hơn nữa, rồi kéo thực tế cuộc sống tiếp tục đi lên. Cứ như vậy đất nước sẽ phát triển bền vững, tốt đẹp. Nếu chỉ chú trọng thay đổi các giá trị danh nghĩa cho tốt hơn nhưng không có giải pháp hiệu quả để thay đổi thực tế cuộc sống đi lên thì sẽ càng tạo ra cách biệt càng lớn giữa danh nghĩa và thực tế. Và do vậy, theo qui luật Danh nghĩa và Thực tế mà tôi đề cập ở trên, sẽ càng tạp ra sự bất ổn. Có thể dễ dàng thấy tình trạng này ở nhiều nước lâu nay.
Tuân theo những nguyên lý và nguyên tắc như trên, Con đường Việt Nam cũng sẽ đưa ra khuyến nghị về sách lược cho 5 lĩnh vực cụ thể: kinh tế, giáo dục, cải cách hành chính và tư pháp (gọi tắt là pháp luật), biển Đông, Tây Nguyên. Đây cũng là 5 vấn đề lớn mà Việt Nam chắc chắn sẽ phải đối mặt căng thẳng một khi khủng hoảng nổ ra trầm trọng trong 2010 – 2011. Chúng vừa mang tính cấp bách vừa manh tính lâu dài nên được lựa chọn tập trung. Giải quyết tốt các vấn đề này sẽ không những giúp đất nước tránh được sụp đổ mà còn tạo lợi thế để phát triển bền vững nhanh chóng sau đó. Ngoài kinh tế do tôi viết, 4 lĩnh vực/vấn đề còn lại sẽ do 4 người khác phụ trách. Năm người chúng tôi dự định sẽ cùng ký vào một bức thư giới thiệu và trình lên Chủ tịch nước quyển sách Con đường Việt Nam này. Chúng tôi đang cố gắng để hoàn thành nó đầu quý 4 năm nay để kiến nghị đến Chủ tịch nước càng sớm càng tốt, trước khi Quốc hội xem xét kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2010 và sự khủng hoảng sẽ nổ ra trầm trọng.
Tuy nhiên, tôi đang có những linh cảm không lành, không chỉ vì những lời đe dọa sẽ hình sự hóa sự việc mà Sở Thông tin & Truyền thông Tp.HCM đã vô lý xử phạt hành chính công ty OCI, mà còn vì những sự phê phán, chỉ trích gần đây của tôi trên Internet đối với các chính sách vĩ mô trong công tác quản lý nhà nước hiện nay mà tôi thấy là không chú trọng giải quyết tận gốc các nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng, mà chỉ “di dời” chúng đến tương lai nên sẽ làm chúng càng trầm trọng hơn nữa. Do linh cảm như vậy, nên tôi quyết định viết bức thư này cho Chủ tịch nước và gửi kèm phần giới thiệu của Con đường Việt Nam đến Ông trước. Tôi luôn có niềm tin rằng với tư cách là người đứng đầu Nhà nước và là một lãnh đạo cấp cao hàng đầu của Đảng, và với tư cách của một vị lãnh đạo đất nước luôn luôn biết lắng nghe quần chúng để ra những quyết định hợp lòng dân, Chủ tịch nước sẽ thấu hiểu được những nguyện vọng, khát khao chính đáng của chúng tôi – những người cùng viết Con đường Việt Nam – vì sự phát triển của đất nước.
Quyển sách này chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót và cả những chỉ trích, phản đối (vốn là những điều rất bình thường trong một môi trường dân chủ). Nhưng tôi khẳng định rằng nó được viết ra bằng những nhiệt huyết hết sức có trách nhiệm; với tinh thần khoa học nghiêm túc, xem xét vấn đề một cách khách quan đối với những thành tựu lẫn yếu kém của đất nước kể từ lúc ra đời nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, và với những mong muốn cháy bỏng vì sự phát triển tốt đẹp của đất nước.
Dù tình hình hiện nay đang rất khó khăn và sắp tới sẽ còn khó nhiều hơn nữa, nhưng tôi vẫn có niềm tin rằng…
conduongvietnam.png


Hình minh họa trong phần I - Phần giới thiệu của cuốn Con Đường Việt Nam (Xem tập tin đính kèm).
 


Tập tin đính kèmKích thước
con_duong_viet_nam.pdf189.69 KB

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"