Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Ý kiến của một sinh viên báo chí về Vụ án Cầu Voi

Sau khi báo Pháp luật TP. HCM đăng bài “Long An: Giết hai nhân viên Bưu điện Cầu Voi, lãnh án tử” ngày 02-12-2008, bạn Nguyễn Anh Minh - một sinh viên báo chí (có tham dự phiên xử Sơ Thẩm ngày 28-11-2008) đã lên tiếng bày tỏ những bức xúc của mình về sự “khác thường” trong suốt quá trình xét xử Hồ Duy Hải.
Tôi là một người dân ở thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay đang là sinh viên năm 4 theo học ngành Báo. Vào một dịp tình cờ lên mạng lướt web, tôi đọc thấy tin về vụ sát hại 2 nữ nhân viên bưu điện ở Bưu điện Cầu Voi (Long An). Lúc ấy tôi thật sự kinh hãi và phẫn nộ về hành vi thảm sát dã man cùng lúc 2 nhân mạng. Cũng từ lúc ấy, mọi diễn biến cũng như thông tin về vụ việc trên được tôi đặc biệt chú ý. Không biết vì lý do gì, hay chỉ đơn giản là tính cách tò mò của một sinh viên nhà báo nghiệp dư, đã thúc đẩy tôi quan tâm đến vậy.
Tôi cũng có suy nghĩ như các anh Công an của cơ quan điều tra (CQĐT), có thể thủ phạm là một trong những người quen biết của một trong hai nạn nhân. Qua một số phương pháp sàn lọc, điều tra thì CQĐT đã bắt tạm giam khẩn cấp đối với Hồ Duy Hải (sinh ngày 6-7-1985, ngụ ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Đến lúc này tôi thấy mừng vì suy nghĩ của mình đã đúng. Bằng một số biện pháp nghiệp vụ, CQĐT đã buộc bị cáo khai nhận về hành vi của mình.
Đến ngày 28-11-2008, Tòa án Long An quyết định đem vụ án Hồ Duy Hải ra xét xử. Tôi không thể bỏ qua cơ hội có thể chứng kiến phiên tòa xét xử này.

Khi Viện Kiểm Sát đọc bản cáo trạng về hành vi giết người của hung thủ, thì tôi mới biết “chính xác” diễn biến của vụ việc, nhưng tôi không bất ngờ vì cũng gần giống như lúc trước đây tôi nghe những lời đồn của quần chúng quanh khu vực xảy ra vụ án. Điều làm tôi bất ngờ và ngạc nhiên nhất chính là thái độ của Hồ Duy Hải lúc này, một hung thủ giết người khi đứng trước vành móng ngựa lại có thể “dửng dưng” đến thế. Không dừng lại ở đó, khi khai nhận về hành vi của mình, có lúc bị cáo nói ấp úng, không nói được diễn biến của vụ án làm tôi có cảm giác lạ. Những ai có mặt tại phiên tòa lúc này, có rất nhiều người có cảm giác giống như tôi.
Rồi đến khi bị cáo kêu oan và nói: “chỉ khai nhận tội giết người chứ không thực hiện hành vi giết người” và chỉ khai do nghe được lời đồn từ bên ngoài; lúc trước tòa chỉ khai theo bản cáo trạng, bản cáo trạng khai sao thì khai lại như vậy. Tôi nghĩ điều này cũng hợp lý vì mọi người lúc này hầu như ai cũng đều biết gần hết vụ việc xảy ra. Đến lúc này tất cả những người chứng kiến phiên xử đều ồ lên, một số cho rằng bị cáo vô tội, một số lại tức giận về hành vi “phản cung” của bị cáo.
Khi luật sư Đạt bào chữa cho bị cáo, tất cả những người tham dự phiên tòa gần như trầm lặng để nghe phần trình bày của ông. Luật sư Đạt đã đưa ra đến 41 điều và chi tiết sai phạm trong quá trình tố tụng và điều tra xét hỏi của CQĐT. (Ở đây tôi không nói về việc bị cáo có phải là hung thủ hay không).
Lúc này tôi gần như không thể tin được, một vụ án nghiêm trọng đến thế mà có thể tiến hành điều tra sơ sài như vậy. Không có vật chứng (con dao và tấm thớt gây án nguyên nhân dẫn đến tử vong của 2 nạn nhân, mẫu máu và tóc lại để tới 5 tháng sau đó mới xét nghiệm), cũng không có nhân chứng chứng minh bị cáo có mặt tại hiện trường trong thời gian này, đừng nói đến việc người ngồi trong bưu điện lúc đó có phải là bị cáo hay không và có cho đó là bị cáo thì có chắc là bị cáo giết hay không? Luật sư Đạt cho đây là “suy diễn” của CQĐT dựa vào hiện trường và “lời khai” của bị cáo.Về phần trả lời những “thắc mắc” của CQĐT cho luật sư Đạt, CQĐT chỉ đọc lại bản cáo trạng một lần nữa mà không giải đáp được một chi tiết nào trong 41 chi tiết sai phạm và những điều không hợp lý mà luật sư Đạt đã đưa ra.
Tôi nghĩ muốn buộc tội trong trường hợp này cần nhất thiết phải có nhân chứng và quan trọng nhất phải là vật chứng gây án. CQĐT không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào khác có thể buộc tội bị cáo ngoài lời khai nhận của bị cáo và cho là hợp với tình tiết xảy ra vụ án (được luật sư Đạt cho là hoàn toàn suy diễn chứ không có bằng chứng chứng minh). Tôi bỗng giật cả mình, nếu dựa vào 2 điều này mà kết tội giết người thì chắc tôi không thể ngồi ở đây mà nghe xét xử.
Kết thúc phiên xử buổi sáng, tôi đoán là bị cáo sẽ được phóng thích và quản thúc tại địa phương để tiến hành tiếp tục điều tra vì không có bằng chứng buộc tội bị cáo, nhiều người dân cũng có cùng nhận định như tôi.
Đến phiên xử buổi chiều tôi lại tiếp tục chứng kiến một bất ngờ khác là luật sư Quyết (luật sư chỉ định) không bào chữa cho bị cáo mà lại “xin nhận tội” và “xin được hưởng” án chung thân giùm bị cáo (điều này làm cho luật sư Đạt hoàn toàn sửng sốt).
Lần đầu tiên trong đời tôi có thể chứng kiến một việc lạ lùng đến vậy, không biết thân chủ mình thật sự có tội hay không mà nhận tội giùm lại không bào chữa cho thân chủ. Và có một điều làm cho tôi cảm giác như ở đất Long An dường như không xài luật pháp Việt Nam mà xài “luật rừng” khi tôi vô tình nghe được một luật sư nói với luật sư kia: “ông muốn nói gì thì nói, chứ tôi không thể nói gì được vì thấy ngại với anh em” và “phủ bên phủ huyện bên huyện”.
Lúc này tôi cảm giác như họ muốn kết thúc nhanh vụ án và đưa vụ án ra khỏi tầm tay của họ vì một lý do nào đó. Khi luật sư Đạt nói đến khi nào những chi tiết này chưa được làm sáng tỏ thì phải điều tra lại chứ không phải vụ án được quần chúng quan tâm nên kết thúc sớm; làm như vậy thì chính CQĐT mới là người xem thường mạng sống của nhân dân chứ không phải là ai khác, thì được đáp lại vỏn vẹn 1 câu là “không quan trọng”.
Rồi đến ngày tuyên án, tôi có thể đoán được phán quyết của Tòa, 1 là phóng thích, 2 là tử hình. Trong suốt 2 ngày trước khi tuyên án tôi luôn suy nghĩ, nhưng tôi cho rằng phương án thứ 2 chắc chắn sẽ xảy ra, vì nếu đã có sự không minh bạch trong điều tra (chỉnh sửa bản cáo trạng, vội vàng đem vụ án ra khởi tố khi không đủ bằng chứng,…), không minh bạch và công bằng trong xét xử (hành vi của 1 số người không tiện nói ra) thì không có lý do gì họ phải làm điều mà họ “không muốn” và “không được phép”. Rồi suy đoán của tôi cũng thành sự thật. Bản án tuyên tử hình của chủ tọa phiên tòa qua cái nhìn của tôi thì rất sơ sài, bản án được làm giống như quyển tập nháp của học sinh, trình tự tuyên án không đúng theo quy định của pháp luật, có nhiều chi tiết trong bản tuyên án không đúng với thực tế, không biết là lỗi sai do khâu “kỹ thuật” hay do chủ tọa “run quá” nên đọc sai, nhưng qua đó cho thấy những kết luận cũng như nhận xét của tôi về phiên tòa này là không sai.
Khi xem xong buổi tuyên án, tôi luôn có cảm giác hổ thẹn không hiểu vì lý do gì.
Trong trường chúng tôi được dạy là nghề báo là phải sống thật, viết thật, viết đúng; vậy mà những người đại diện cho pháp luật lại “như vậy”. Tôi nói “như vậy” vì tôi không biết dùng từ nào để diễn tả nữa. Đã có lúc tôi nghĩ mình không cần quan tâm làm gì và cũng không có ý định viết bài này; nhưng nghĩ lại những điều mình đã học ở trường và lương tâm của nhà báo nghiệp dư của tôi nên tôi đã viết.
Kết thúc phiên tòa sơ thẩm này, chỉ cần một người có một ít tri thức cơ bản về pháp luật cũng đủ hiểu là có quá nhiều điểm khả nghi và không minh bạch trong vụ án này mà được CQĐT cho là “KHÔNG QUAN TRỌNG”. Tôi không biết còn gì là quan trọng với CQĐT (người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân trên lý thuyết) nữa đây, hay là bắt đại một ai đó được CQĐT cho là nổi cộm và nhanh chóng kết thúc vụ án để “HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ”.

Sinh mạng con người không ai được phép tùy tiện tước đi

Tôi viết bài này không phải là để kiếm tiền nhuận bút hay viết để giải trí; vì thứ nhất: tôi biết đất LONG AN nổi tiếng là XỬ OAN, thứ hai: có thể bị cáo không chịu được “các biện pháp nghiệp vụ” của CQĐT (tôi nói vậy chắc mọi người đã hiểu). Đó là những trường hợp phạt tù hay chung thân, còn ở đây là tử hình, vì thế việc sai sót cũng như thiếu sót để xảy ra án oan là không được phép xảy ra khi liên quan đến sinh mạng của một con người.
Trong văn bản pháp luật Việt Nam đã ghi rõ, sinh mạng của con người không ai được phép tùy tiện tước đi; tôi nói nếu vì xử oan mà tước đi sinh mạng của một công dân thì liệu CQĐT và tòa án có đền lại được không? Điều này thể hiện mức độ quan trọng và tính nghiêm minh của pháp luật, không để cho bất kỳ một ai tác động đến tính nghiêm minh, sự minh bạch và tính công bằng trong quá trình điều tra xét xử.
(Đây chỉ là bài viết cảm nhận của tôi trong suốt quá trình xảy ra vụ án cho đến giờ. Đây không chỉ là ý kiến riêng của tôi mà còn là ý kiến khách quan tổng hợp thu thập được của một bộ quần chúng nhân dân. Tôi không có ý công kích bất kỳ ai nhưng qua đây tôi chỉ mong các CQĐT và tòa án - những người nắm trong tay sinh mạng của nhân dân luôn thận trọng và có ý thức trách nhiệm cao trong công việc của mình.)
Bài đã đăng trên Pháp Luật tp Hồ Chí Minh, nhưng hiện nay đường link không còn truy cập được.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"