Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Việt Nam, Cuba vẫn như ta với mình?

Bùi Văn Phú
Đường phố thủ đô Cuba - ảnh của Bùi Văn Phú
Trưa hôm qua 17/12, cùng một lúc, Tổng thống Barack Obama từ Washington và Chủ tịch Raul Castro từ Havana đã loan báo quyết định tiến tới chỗ thiết lập quan hệ ngoại giao sau 53 năm coi nhau như thù nghịch.
Chính trường Mỹ sôi nổi lên những tiếng nói tán đồng và phản đối về quyết định của Tổng thống Obama.
Tại Little Havana ở Florida, nơi tập trung đông cư dân gốc Cuba kiên trì chống chế độ của Fidel Castro từ nửa thế kỉ qua, nhiều người lớn tuổi cho rằng Tổng thống Obama phản bội họ và bày tỏ sự bực tức cao độ. Còn người trẻ cho rằng đã đến lúc cần có quan hệ hai nước.
Nhớ lại thời điểm tháng 7-1995, khi Hoa Kỳ quyết định nối lại bang giao với Việt Nam, Little Saigon ở California cũng ồn ào chống đối như thế.
Lúc Tổng thống Bill Clinton công bố quyết định, đứng cạnh ông có các Thượng Nghị sĩ John McCain và John Kerry để biểu tỏ sự ủng hộ.

Phản đối mạnh mẽ là Thượng Nghị sĩ Bob Smith. Ông cho rằng Hà Nội chưa làm hết sức để giải quyết vấn đề POW-MIA với cả nghìn binh lính Mỹ còn được ghi nhận là mất tích trong thời chiến tranh Việt Nam.
Với quyết định mở ra quan hệ với Cuba, cực lực phản đối là Thượng Nghị sĩ Marco Rubio từ tiểu bang Florida, thủ phủ của người Mỹ gốc Cuba.
Ông chê Tổng thống Obama là một nhà ngoại giao tồi tệ nhất từ thời Tổng thống Jimmy Carter đến nay vì đã cho anh em Castro mọi thứ mà không đổi lấy được gì nhiều.
Tiến trình thảo luận để đi đến bang giao trong hơn một măm qua, nhờ cầu nối Vatican và Canada, đưa đến kết quả là một cuộc trao đổi tù binh và việc nối lại quan hệ hai nước.
Việt Nam và Cuba có như mình với ta?
Cuba phóng thích ông Alan Gross, một nhân viên của cơ quan USAID bị kết án tội gián điệp và giam tù từ 5 năm qua. Một người Cuba làm tình báo cho Mỹ bị giam hơn 20 năm cũng được phóng thích qua Mỹ. Havana cam kết sẽ thả 53 tù nhân chính trị theo yêu cầu của Hoa Kỳ.
Đổi lại, phía Hoa Kỳ trả cho Havana ba người bị kết tội hoạt động gián điệp. Họ nằm trong nhóm Cuba 5, hai người đã được Mỹ trả về trong những năm trước đây.
Những điều Thượng Nghị sĩ Rubio muốn ràng buộc vào tiến trình quan hệ hai nước là tự do cho dân Cuba, như tự do báo chí, tự do phát biểu và quyền tự do chính trị như lập hội và ứng cử.
Khi quyết định mở ra quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba được công bố, đã có những so sánh quan hệ của Mỹ với các nước cộng sản còn lại trên thế giới. Hoa Kỳ đã có bang giao với Trung Quốc và Việt Nam thì tại sao lại nói không với Cuba.

'Chuyện bình thường'

Trong diễn văn, Tổng thống Barack Obama cũng nhắc đến những quan hệ này và nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ là một nước lớn, có bang giao với các quốc gia trên thế giới là chuyện bình thường. Ông Obama, cũng như nhiều lãnh đạo Mỹ trước đây, lập luận rằng Hoa Kỳ cần can dự vào thì mới có thể đem đến những thay đổi.
Ông nói chính sách cấm vận từ hơn 50 năm qua đã không đem lại kết quả, nếu cứ tiếp tục như thế cũng sẽ không có kết quả, vì thế cần thay đổi chính sách.
Tuy nhiên, tiến trình phát triển quan hệ có những khác biệt giữa Hoa Kỳ với Việt Nam và giữa Hoa Kỳ với Cuba.
Đối với Việt Nam, Hoa Kỳ nới lỏng cấm vận từng phần trước.
Từ đầu thập niên 1990 đã cho phép công dân Mỹ du lịch, cho NGO vào Việt Nam, bỏ giới hạn chuyển tiền, cấp visa cho người Việt đến Mỹ theo diện nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, sinh hoạt tôn giáo.
Cuba hiện do chế độ của hai anh em nhà Castro thống trị
Năm 1994 Hoa Kỳ hoàn toàn bỏ cấm vận và đến năm 1995 mới chính thức nối lại bang giao.
Với Cuba, năm 2011 Tổng thống Obama ký sắc lệnh cho phép người Mỹ gốc Cuba được về thăm quê hương, được chuyển tiền về giúp thân nhân; cho công dân Mỹ đến Cuba trong các chương trình trao đổi văn hoá, giáo dục, tôn giáo nhưng phải có giấy phép của Bộ Ngân khố Mỹ.
Với chính sách mới, những nới lỏng ngay với lệnh cấm vận là cho công dân Mỹ tự do đến Cuba, các dịch vụ ngân hàng, tín dụng được mở ra. Du lịch sẽ phát triển nhanh, nhiều khách sạn và bãi biển đẹp sẽ đón khách Mỹ ào ạt sang chơi cuối tuần, nhảy samba, uống rượu rom, hút xì gà vì từ Miami qua Havana chỉ có 45 phút đường chim bay.
Thời gian tới, bộ ngoại giao Mỹ sẽ xúc tiến việc mở đại sứ quán và cử một đại sứ đến Havana.
Thượng Nghị sĩ Marco Rubio, thành viên của ủy ban ngoại giao và có thể là ứng viên tổng thống năm 2016, sẽ ngăn chặn việc phát triển quan hệ bằng cách đặt ra nhiều điều kiện trước khi gỡ bỏ cấm vận hoàn toàn, như sẽ không thông qua ngân sách xây dựng tòa đại sứ, không phê chuẩn việc bổ nhiệm đại sứ sang Havana.
Những dân cử phản đối quan hệ Việt-Mỹ đã làm như thế. Hai nước thiết lập quan hệ năm 1995 nhưng đến năm 1997 mới có đại sứ Mỹ đầu tiên ở Hà Nội.
Với sức mạnh chính trị của cộng đồng người Cuba tại Hoa Kỳ, với quốc hội sẽ do Đảng Cộng hòa nắm đa số vào đầu năm tới, việc phát triển quan hệ lên mức cao hơn sẽ còn nhiều trở ngại.
Cuba là nước cộng sản duy nhất ở tây bán cầu và nằm sát cạnh Hoa Kỳ. Với can dự của người Mỹ, qua tiến trình thiết lập bang giao, đưa Cuba hội nhập vào quốc tế, liệu tương lai có sẽ mau chóng đem lại dân chủ, nhân quyền cho đảo quốc này hay không?
Hay như quan hệ với Việt Nam, đến nay sau 20 năm, người dân ở đất nước này vẫn còn phải đối diện với những đàn áp, tù đày vì thiếu tự do báo chí, tự do phát biểu và hội họp.

Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn nắm độc quyền cai trị đất nước như ghi trong Điều 4 Hiến pháp.
Hiến pháp hiện thời của Cuba có Điều 5, cũng dành cho Đảng Cộng sản Cuba, tổ chức tiền phong của đất nước, quyền lãnh đạo tối cao dưới ánh sáng của tư tưởng José Marti và chủ nghĩa Mác-Lênin.
Việt Nam và Cuba có như mình với ta?
Dù có bang giao với Hoa Kỳ nhưng mãi mãi cương quyết bảo vệ thành trì xã hội chủ nghĩa.
Và xa hơn nữa là sẽ thay nhau canh giữ hòa bình thế giới như lãnh đạo Việt Nam đã phát biểu trong một lần ghé Havana mấy năm trước đây.
Tác giả là một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California, Hoa Kỳ.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"