Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Vấn đề Việt Nam - Những vấn đề nhức nhối của một xã hội có tiến trình dân chủ sơ khai với một hướng đi không bảo đảm (2)

Nguyễn Duy Vinh

2. Tham nhũng:

Các bài viết trong nước gần đây đưa ra những thông tin mới động trời. Từ vụ bầu Kiên bị bắt và bị tuyên án 30 năm tù vì đã gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng cho đến nhưng căn nhà nguy nga lộng lẫy của ông cựu Tổng Thanh Tra Chính Phủ, cựu Ủy Viên Trung Ương Đảng, cựu Bí Thư Ban Cán Sự Đảng, Trần Văn Truyền. Xin bấm vào cái link này để xem hình căn biệt thự tráng lệ đó.
Lương cán bộ cao cấp như lương ông Truyền chắc chỉ độ vài chục triệu đồng một tháng mà căn nhà ông này xây phải tốn kém cả trăm tỉ đồng. Người dân có quyền châu mày tặc lưỡi tự hỏi tiền đâu mà ông ấy có nhiều thế. Có người bảo rằng nhờ vào chức vụ quan trọng trong thời gian còn làm việc, chữ ký của ông ta đẻ ra vàng vì không có chữ ký đó, những dự án lớn đem lại lợi tức cao khó được phép khởi công. Phê chuẩn cho lên chức hoặc cho những chức mới trong các ngành chính phủ dưới quyền “sinh sát” của ông cũng phải có chữ ký của quan lớn Trần Văn Truyền.
Việc chưa ngả ngũ ra sao thì đùng một cái người dân lại khám phá thêm những tin tức mới rất thú vị. Trước tiên là căn biệt thự đồ sộ nhà nước cho ông Hoàng Văn Nghiên (cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội) ở Hà Nội thuê. Từ khi về hưu đến nay gần 8 năm nhà nước cho ông Nghiên thuê căn nhà 400 m2 có giá thị trường 120 tỉ đồng này với giá thuê chỉ vỏn vẹn 500 ngàn đồng VN một tháng (khoảng 25 đô la USD) ! Đây là một vụ lạm quyền trầm trọng.
Rồi đến một biệt thự nguy nga xây lén trong rừng của một ông tướng công an, cựu giám đốc công an tỉnh Quảng Nam, như bài báo này tường thuật.

Việc phanh phui này đang làm Ủy Ban lãnh đạo thành phố Đà Nẵng “nhức đầu” lắm vì tin tức cả nước cứ tiếp tục nhao nhao lên về vụ này. Đằng sau vụ xây cất này chắc chắn có bao che và những phong bì “bao trơn”.
Người dân hoang mang và đặt câu hỏi phải chăng còn những vụ lạm quyền và tham nhũng lớn nữa chưa được khám phá hoặc phanh phui. Bản án nhà nước dành cho một người lãnh đạo một ngân hàng lớn tiêu biểu như ông Nguyễn Ðức Kiên, tức bầu Kiên, cho thấy hệ thống ngân hàng Việt Nam có những lỗ hổng lớn. Muốn ổn định kinh tế, nhà nước Việt Nam phải làm sạch hệ thống ngân hàng mới mong gầy dựng lại sự tin tưởng nơi các vị giám đốc và chuyên gia các quỹ tiền tệ quốc tế như IMF hoặc World Bank để họ có thể tiếp tục cho Việt Nam vay tiền. Vụ bầu Kiên dù muốn dù không cũng làm cho những người có tiền ký thác tại ngân hàng ACB (nơi ông Kiên có cổ phần lớn) và tại nhiều ngân hàng khác trong nước đã vội vàng rút tiền của họ ra. Việc rút tiền này gây chấn động không nhỏ trong giới kinh doanh tại VN và nhà nước đã phải bơm cả chục ngàn tỉ đồng vào hệ thống ngân hàng để cứu ứng. Và chính hệ thống ngân hàng này cũng đang ôm một số lượng nợ xấu rất lớn mà hiện nay ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam vẫn chưa cho biết con số chắc chắn về nợ xấu này, và có thể họ sẽ không bao giờ tính được con số chính xác vì không có đủ dữ kiện. Xin bạn đọc xem thêm về nợ xấu qua blog của nhà kinh tế Alan Phan sau đây:
Đường đi kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn chông chênh lắm.

3. Tranh chấp biển Đông:

Việc Trung Quốc cưỡng chiếm toàn bộ vùng đảo Hoàng Sa thì đa số người Việt hải ngoại và người dân trong nước ai cũng biết hoặc nếu chưa biết thấu đáo thì có thể tìm đọc rất nhiều tài liệu trên mạng hoặc qua sách báo đã được xuất bản. Đặc biệt nhất là bài tường thuật của một binh sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã tham dự trận hải chiến năm 1974 và hiện nay ông này vẫn còn sống, qua liên kết sau (http://www1.rfi.fr/actuvi/articles/121/article_6540.asp).
Thật ra, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng đảo Phú Lâm (Woody Island) từ năm 1956. Năm 1974 thì quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng chống cự cuộc tấn công xâm lăng của hải quân Trung Quốc và Hoàng Sa đã thất thủ từ đấy.
Theo những góp nhặt đó đây của người viết. dựa trên những bài viết tìm được, vùng đảo Hoàng Sa (còn có tên là Paracel Islands) có khoảng 30 đảo và một số bãi san hô và đá ngầm. Diện tích đất lồi khi nước thủy triều thấp tính được xấp xỉ độ trên 10 km2 và dưới 15 km2 (các trang điện tử trong nước cho ra những con số khá lớn về diện tích đất lồi của vùng đảo Hoàng Sa với con số khoảng 300 km2, theo thiển ý người viết, là quá lớn). Riêng phúc trình khảo cứu mới đây nhất của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng cho ra một con số diện tích của cả 3 nhóm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (Spratly Islands)và Hoàng Nham (Scarborough Reef) là 13 km2 (trang 4 của tập nghiên cứu công phu và đứng đắn này).
Theo bài nghiên cứu có giá trị này, nhà nước Trung Quốc đã nộp cho ông Tổng Thư Ký LHQ là ông Ban Ki Moon hai văn thư vào tháng 5 năm 2009 trong đó Trung Quốc (TQ) chính thức loan báo cho cả thế giới biết yêu sách của họ về chủ quyền biển Đông (mà họ gọi là biển Nam Hoa). Đây là lần đầu tiên bản đồ biền Đông với con đường 9 đoạn (còn được là đường lưỡi bò) được TQ đem ra trình làng (LHQ). Văn thư TQ tuyên bố rất mạnh với những lời lẽ đanh thép và ngạo mạn:
… “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi trên các đảo trong vùng biển Nam Hoa và những vùng biển giáp cận, và TQ thừa hưởng chủ quyền và quyền tài phán trên vùng biển, vùng đáy biển và vùng lòng đất (lời người viết: đây chắc là TQ muốn nói thềm lục địa) của vùng biển này (xem bản đồ kèm trong văn thư). Thế đứng của TQ phù hợp với thế đứng nhất quán của nhà nước TQ, và thế đứng này đã được cộng đồng thế giới biết đến một cách rộng rãi”…
Bản đồ của TQ kèm theo văn thư có cả thảy 9 đoạn, bao gồm hầu hết những vùng biển, những đảo, và nhiều đặc trưng khác của vùng biển Nam Hải. Phải nói ở đây là TQ không có một văn kiện nào khác có tính cách pháp lý và chính thức về đường 9 đoạn (lưỡi bò) này. Nhìn vào xuất sứ và bối cảnh của lịch sử TQ, bài viết của chính phủ Hoa Kỳ có đề cập đến hai bản đồ, một về con đường “11 đoạn” từ thời Tưởng Giới Thạch năm 1947, và một bản đồ tương tự lập lại dưới thời Mao Trạch Đông. Mộng bành trướng của TQ đã có từ trước khi đảng cộng sản TQ nắm quyền. Bài viết của chính phủ Hoa Kỳ nói lên sự mập mờ (tức là thiếu tính cách chính xác, tỉ dụ như nộp bản đồ mà không có tọa độ con đường 9 khúc) và phi pháp (vì đi ngược với Công Ước LHQ về Luật Biển, tức là UNCLOS, http://www.un.org/depts/los/convention_agreements/texts/unclos/unclos_e.pdf) vì con đường 9 đoạn dẵm lên một cách trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của ít nhất 5 nước theo tính toán khoa học của bài khảo cứu trong đó có Việt Nam, Indonesia, Mã Lai, Phi Luật Tân và Brunei.
Trung Quốc quả thật coi thường dư luận quốc tế với những yêu sách của mình. Hoặc là các nhà lãnh đạo TQ dốt và coi thường tính cách pháp lý về luật biển, hoặc là các nhà lãnh đạo này ỷ vào thế mạnh kinh tế và quân sự của TQ và họ nghĩ họ có thể dùng sức mạnh của mình để chiếm đoạt một vùng biển to lớn. Và vùng biển Đông này to lắm. Lấy Đài Loan và đảo Pratas ra khỏi con đường 9 đoạn, phần biển bao bọc còn lại bởi con đường 9 đoạn có một diện tích khoảng 2 triệu cây số vuông (viết cho rõ là 2,000,000 km2), tức là bằng 22% diện tích Trung Quốc hiện tại.
Ghê gớm lắm, chỉ với 13 cây số vuông đất lồi mà TQ đòi chủ quyền trên 3 vùng quần đảo của biển Đông, TQ muốn làm chủ luôn 2 triệu cây số vuông vùng trời mây sông nước trên đó có hơn 60 ngàn (60,000) tàu bè dân sự buôn bán qua lại mỗi năm. Đúng là một thái độ ngạo mạn với một yêu sách quỷ quyệt không có tính pháp lý rất khó chấp nhận và được chấp thuận. Nhà nước Việt Nam thì cứ chần chờ không dám đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Đã có rất nhiều buổi họp về tình hình biển Đông do viện nghiên cứu về biển Đông tổ chức trong nước từ nhiều năm qua nhưng không đưa đến những động thái cụ thể. Đã có những khuyến nghị quý báu của các học giả và những nhà nghiên cứu về biển Đông ở trong và ngoài nước nhưng nhà nước Việt Nam tiếp tục làm ngơ. Có một liên kết rất xúc tích mà người viết tìm ra được rất nhiều bài viết khác về biển Đông là liên kết của học giả Trương Nhân Tuấn với hai bài đặc sắc chép lại dưới đây:
Người đọc có thể tìm đọc những ý kiến của các luật sư và học giả khác như các ông Nguyên Lê Hà, Nguyễn Hồng Thao, Cao Huy Thuần, Dương Danh Huy, Tạ Quốc Tuấn, Phạm Hoàng Quân, Nguyễn Quang Ngọc, Phạm Thị Hoài (với talawas blog có rất nhiều bài viết rất công phu, blog này đã ngừng hoạt động nhưng vẫn còn “sống” nghĩa là người đọc vẫn còn vào blog được để tìm bài) và rất nhiều học giả khác. Người viết không dám tìm cách giải lý những ý kiến đã được đăng vì sự hiểu biết về luật còn yếu kém mà chỉ có một mục đích duy nhất là dẫn dắt người đọc đến những bài có giá trị để người đọc tự tìm hiểu về tình hình tranh chấp biển Đông hiện nay.
Với cái nhìn của người viết, tình hình tranh chấp biển Đông vừa phức tạp vừa khẩn cấp. Tình hình này đòi hỏi một sự sửa soạn lâu dài của nhà nước trong đó việc đoàn kết toàn dân Việt Nam phải là mục đích tối thượng. Lòng yêu nước của dân Việt phải được hun đúc. Đời sống người dân phải ngày càng được an toàn có công lý bao che. Các quan chức phải nhìn thấy họa mất nước mà tỉnh thức sống một đời sống lương thiện và đạo đức hơn. Và ngoài ra, nhà nước Việt Nam phải có thái độ rõ rệt và cứng rắn hơn. Phải tìm đồng minh mới. Phải tìm cách ra khỏi sự kềm tỏa (hay có thể gọi là nanh vuốt) của Trung Quốc. Ngồi ỳ ra như hiện nay thì trước sau Việt Nam cũng sẽ bị TQ tiếp tục lấn áp. Nhà nước phải thành thật chấp nhận những sai lầm trong quá khứ của ĐCSVN, tìm cách hàn gắn những vết thương của chiến tranh Nam Bắc và ngày càng cố gắng đi gần thêm với trào lưu tiến hóa của nhân loại, ngày càng cố gắng làm bạn thêm với cộng đồng quốc tế để có một hướng đi dân chủ có pháp luật nghiêm minh trong đó quyền con người và quyền sống của người dân được tôn trọng. Và đó là con đường chân chính nhất.
Không còn phương cứu chữa nào khác.
Nguyễn Duy Vinh (Yaoundé mùa mưa năm 2014)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"