Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Tôi đang mơ giấc mộng dài

Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Tấm ảnh của John Nguyễn
Đã 40 năm bài hát Imagine của John Lennon, bài hát ao ước đầy thơ mộng của con người về thế giới không hận thù và sẻ chia lại có dịp nhìn thấy chính mình qua sự kiện xung đột giữa dân chúng và cảnh sát ở Portland, Oregon, Mỹ.
Cuộc biểu tình đòi công bằng cho một thanh niên da đen Michael Brown tại Ferguson, sau khi anh này bị một cảnh sát viên da trắng Darren Wilson bắn chết và được miễn truy tố đã khiến bùng nở hàng loạt các cuộc tuần hành, thậm chí đã xảy ra nhiều cuộc xung đột. Tuy nhiên, vấn đề không phải là vụ án về công bằng cho một người da đen, mà chỉ là vết thương về chủng tộc chưa bao lành vẫn âm ỉ và rách toạc. Nhiều cuộc bạo động đã xảy ra, cảnh sát đã phải dùng đến hơi cay và bắt bớ hàng loạt để mong đem lại bình ổn trong thành phố.
Ngày 25/11, trong cuộc biểu tình ở Portland, Oregon, những người tuần hành cũng mang trong mình đủ mọi cảm giác: hận thù, tức giận, chia rẻ, sợ hãi và liều lĩnh… để xuống đường Một cậu bé da đen ôm tấm bảng Free Hugs với dòng nước mắt chảy dài sợ hãi khi thấy đám đông chung quanh mình cũng như những cảnh sát chống bạo động đã trở nên quá căng thẳng. Bất ngờ, một viên cảnh sát chống bạo động khi nhìn thấy hình ảnh đó, đã tiến tới gần và hỏi vì sao em khóc, và sau đó cả hai đứng ôm nhau giữa đám đông. Mọi thứ như bị ngừng lại, xao động trong tất cả mọi người, Khoảng khắc mà sự tức giận hay điên cuồng vụt mất, thay vào đó một cảm giác ấm áp và tự vấn lương tâm.

Câu bé da đen Devonte Hart, 12 tuổi và viên trung sĩ cảnh sát Bret Barnum đã làm nên sự kiện độc đáo của ngày hôm đó. Cuộc biểu tình đã dừng lại. Bức ảnh được nhà nhiếp ảnh trẻ người Việt, Johnny Nguyen, 20 tuổi, chụp được khoảng khắc ấy và gửi đến cho tờ The Oregonian, tờ báo được nhiều nhiều quan tâm nhất của bang. Chỉ vài giờ sau khi bài viết tường thuật và bức ảnh của John Nguyễn xuất hiện, đã có hơn 150.000 lượt chia sẻ. Mọi giới truyền thông ở Mỹ đều đưa lại bản tin này như một sự thức tỉnh bất ngờ. Elwood P. Suggins, một cư dân của Oregon nói rằng ông ta tiếc rằng mình không ở trong bang chấm giải Pulitzers để trao giải thưởng của năm cho John Nguyễn và nói rằng mọi người hãy đọc câu chuyện này mà đừng quên cầm sẳn khăn giấy, vì bạn có thể rơi nước mắt sau đó.
Chuyện kể rằng khi viên trung sĩ cảnh sát Bret Barnum tiến tới và hỏi Devonte Hart tại sao lại khóc, câu bé nói rằng cậu ta đang sợ hãi trước khung cảnh bạo lực đang diễn ra, và cậu nói rằng mình sợ cảnh sát sẽ dùng bạo lực với những đứa trẻ da đen đang tuần hàng như mình. Viên trung sĩ thở dài và nói “Phải rồi, chú hiểu, chú xin lỗi cháu”. Sau đó Bret Barnum hỏi rằng ông ta có thể ôm thật chặt Devonte Hart không.
Johnny Nguyễn kể rằng ngay hình ảnh đó diễn ra, một luồng cảm xúc kỳ lạ dâng lên trong đám đông. Anh nói rằng còn nhìn thấy một thiếu niên khác đang cầm tấm bảng Free Hugs tương tự như Devonte Hart, đứng từ xa nhìn lại với giòng nước mắt lăn dài trên mặt.
Câu chuyện này làm chấn động nước Mỹ, cũng như rất nhiều người đã có tuổi trẻ của mình đi qua cuộc chiến Việt Nam, thời kỳ hippy phản chiến. Giữa lúc súng đạn đi tìm con người, một thế hệ hippy đã chọn cách đi tìm sự hoang dại trẻ thơ để rũ bỏ hiện thực quá khắc nghiệt của mình. Và 40 năm trước, có lẽ một niềm tin trẻ thơ pha trộn tuyệt vọng của mình, John Lennon đã viết bài hát bất hủ Imagine, để lại một ước nguyện cho thế giới mai sau.
Nothing to kill or die for
And no religion too
Imagine all the people living life in peace…
Bài hát 40 tuổi lại được dịp ngân vang trong lòng mọi người. Nó nhắc rằng sẽ một ngày nào đó, sẽ không có ai vì nhân danh một lý tưởng, một nền chính trị nào đó để giết hại đồng loại của mình. Nó rằng cái cuối cùng mà con người tìm kiếm, vượt ra ngoài quyền lực, vượt ra ngoài chiếm đoạt và dối trá, chỉ là sự bình yên trong cuộc sống này.
John Lennon không sống đủ dài để thấy giấc mơ của mình ra sao. Nhưng ông đang trao giấc mơ đó cho rất nhiều người còn lại. Giấc mơ về lòng nhân ái sẽ còn dẫn đường cho con người đến tương lai, giấc mơ đó, có tôi và các bạn.
______________
(*) Free Hugs xuất phát từ ngày International Free Hugs Day, theo Wikipedia diễn giải, là một ngày hội được lập bởi nhiều tình nguyện viên tại hơn 80 quốc gia trên thế giới, vào ngày chủ nhật trong tuần thứ 3 của tháng 7. Đây là một dịp để mọi người nhận được những cái ôm thân tình từ những người khác nhằm gửi gắm thông điệp yêu thương, thân thiện giữa mọi người với nhau.
(*) tựa đề mượn ý từ một bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy
—————–

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"