Khoảng trên 200 người đã đến tham dự buổi tiếp tân dành cho nhà báo Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải vào chiều Chủ Nhật, 23-11-2014, vừa qua. Buổi tiếp tân này do Ban Biên Tập của Bản Tin Hoa Thịnh Đốn thuộc hệ thống truyền hình SBTN tổ chức tại Mason District Government Center thuộc thành phố Annandale, Virginia. Nhờ đó mà tôi và nhiều người Việt khác mới có dịp được
gặp gỡ Ô. Điếu Cầy, để cám ơn một người anh hùng đã can đảm đứng lên đòi quyền tự do báo chí và chống Tầu Cộng xâm lăng ngay ở trong một nước độc tài Cộng Sản Việt Nam.
gặp gỡ Ô. Điếu Cầy, để cám ơn một người anh hùng đã can đảm đứng lên đòi quyền tự do báo chí và chống Tầu Cộng xâm lăng ngay ở trong một nước độc tài Cộng Sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hải với bút hiệu là Điếu Cầy, là một blogger ở Việt Nam. Ông là một thành viên sáng lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do vào tháng 9, 2007. Nhân dịp Thế Vận Hội tại Bắc Kinh vào năm 2008, Ô. Điếu Cầy đã tham dự cũng như tường thuật về cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng lãnh hải ở Biển Đông của Việt Nam. Ông bị chính quyền Cộng Sản bắt giữ vào ngày 20-4-2008 tại Saigon và bị kết tội trốn thuế và lãnh án 30 tháng tù. Đáng lý ra, ông được trả tự do vào tháng 10, 2010, nhưng án tù của ông bị gia hạn một cách tùy tiện vì lý do chính quyền Cộng Sản muốn điều tra thêm về ông.
Vào tháng 9, 2012, Ô. Điếu Cầy bị mang ra tòa xét xử lần thứ hai về tội tuyên truyền chống nhà nước cùng với hai bloggers khác là Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải. Ô. Điếu Cầy bị một án nặng nề nhất với 12 năm tù. Vào tháng 3, 2012 cựu Dân Biểu Quốc Hội Hoa Kỳ Joseph Cao và BPSOS đã tung ra một chiến dịch vận động hành lang để đòi trả tự do cho một số tù nhân chính trị trong đó có Ông Điếu Cầy. Vào tháng 4, 2012, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền thả tự do cho Ông Điếu Cầy và những bloggers khác. Vào tháng 5, 2012, Tổng Thống Hoa Kỳ Obama tuyên bố rằng “Chúng ta không thể quên những nhà báo như blogger Điếu Cầy, mà việc bắt bớ ông trùng hợp với cuộc đàn áp tập thể báo chí quần chúng tại Việt Nam.”
Vào ngày 21-10-2014, Ông Điếu Cầy đã được trả tự do và lập tức bị tống xuất qua Mỹ sau 6 năm 6 tháng và 20 ngày trong 11 nhà tù của Cộng Sản.
Trước khi đến tham dự buổi tiếp tân này, tôi nghĩ hôm nay là một ngày vui cho anh Điếu Cầy, cho tôi và nhiều người khác. Nhưng sau đúng 20 phút đầu tiên, một vài kẻ chống cộng cực đoan, nhân danh dân chủ tự do bắt đầu quậy phá buổi tiếp tân thân mật này thành một cuộc hỏi cung nghi can của một cơ quan điều tra tội phạm.
Kẻ đầu tiên quậy phá đặt ra hai câu hỏi xem ra vô hại, (1) Anh nghĩ thế nào về cuộc chiến do CSBV phát động từ 8-12-1960 – 30-4-1975 và (2) Anh nghĩ gì về Hồ Chí Minh?
Anh Điếu Cầy đã trả lời rằng đa số những người ở trong nước bị bưng bít thông tin. Khả năng tiếp nhận thông tin rất giới hạn mà đưa ra những quyết định có thể sai lệch. Nên ở đây xin để cho lịch sử phán xét khi có đủ thông tin. Tôi xin miễn bình luận ở đây.
Vấn đề là hắn không cho anh Điếu Cầy tự do bầy tỏ ý kiến của anh mà cố tình ép anh Điếu Cầy phải thành khẩn chấp cung, Hắn lớn tiếng hỏi tiếp: Chúng tôi muốn biết ý kiến riêng của anh.
Anh Điếu Cầy điềm tĩnh lập lại câu trả lời trước: “Khi quý vị đưa ra một quyết định, một nhận xét về một vấn đề nào, nó tùy thuộc vào lượng thông tin tiếp nhận được. Cho nên quyết định đúng hay sai tùy thuộc vào lượng thông tin nhiều hay ít. Chúng ta đã có đủ thông tin chưa? Lịch sử sẽ phán xét. Một mình cá nhân tôi không thể phán xét.”
Vẫn không hài lòng về câu trả lời này hắn không buông tha cho anh Điếu Cầy và gay gắt đối chất lại như thể một quan tòa hỏi cung một nghi can ở tòa án : “Tôi không bảo anh phán xét. Tôi hỏi ý kiến của anh thôi. Tôi không muốn anh phê bình. Tôi muốn biết ý nghĩ của anh về cuộc chiến đó.”
Rõ ràng là tên quậy phá này đã đi quá trớn, trà đạp lên quyền tự do của người khác, nên một khán thính giả trong hội trường trước sự bất công đã phải can thiệp: “Tôi đề nghị với anh như thế này. Đây là một nước tự do. Báo chí tự do. Mọi người có quyền phát biểu ý kiến. Nếu người ta không muốn phát biểu ý kiến, anh đừng ép buộc người ta phát biểu ý kiến. Cái lối đó là lối Cộng Sản.”
Những tiếng vỗ tay đồng loạt ủng hộ trong hội trường vang lên đã giúp chấm dứt giọng điệu tra khảo diễn giả Điếu Cầy của tên phá rối đầu tiên.
Ngay sau đó một tên quậy phá thứ hai lên phát biểu. Hắn tự giới thiệu là một cựu sĩ quan Không Quân VNCH. Hắn đổ hết tội của CSVN lên đầu một anh binh nhì Bộ Đội bị cưỡng bách đi lính cho miền Bắc trong một cuộc đấu tố công khai trên một đất nước tự do Hoa Kỳ: “Tôi là nạn nhân của anh. Cách đây … (âm thanh không rõ) năm, khi anh đưa quân vào xâm lăng nước VNCH chúng tôi. Trở lại quá khứ, đất nước VNCH chúng tôi được công nhận bởi 112 nước trong thế giới tự do và là quan sát viên thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ và cũng là thanh viên của của Liên Hiệp Quốc Hội Âu Châu. Chúng tôi có chính nghĩa. Tôi nghĩ rằng ngày 30/4 anh cũng ở trong đoàn quân đó vào để gọi là giải phóng. Danh từ giải phóng và thống nhất của mấy anh 40 năm nay dồng bào ở trong nước và hải ngoại hiểu rõ rồi. Sau đó tôi cũng bị tù đầy. Ngày hôm nay tôi lưu vong qua đây, còn sống đây để gặp anh. Tôi chỉ hỏi một câu hỏi với cá nhân anh thôi, trong 40 năm nay, trong 10 năm, 15 năm, anh đã tỉnh ngộ được rằng chế độ Cộng Sản là sai trái và độc tài, cho nên anh mới trở thành một blogger báo chí tự do. Với tấm lòng trung thực của một người làm báo , tôi xin hỏi anh rằng cá nhân anh thôi, đối với tôi là một nạn nhân còn đây, có phải ngày đó là ngày một nước đi xâm lăng một nước hay không?”
Ô. Điếu Cầy đã điềm tình trả lời một cách đáng khâm phục: “Trong cuộc chiến này, chúng ta đều là người Việt Nam cả. Hãy đặt mình vào vị tri của tôi khi đặt câu hỏi đó. Lúc đó tôi cũng chỉ mới 18 tuổi. Tôi sinh ra và lớn lên trong xã hội Cộng Sản và anh biết rằng truyền thôn và giáo dục của họ như thế nào. Chính quyền nào công dân đó. Bởi vậy, nếu anh là tôi vào thời điểm ấy vào vị trí của tôi, anh sẽ quyết định như thế nào? Anh có nghĩ rằng tôi là người đi xâm chiếm anh không?
Chúng ta là người Việt Nam cả, nhưng chủ nghĩa này chủ nghĩa kia, học thuyết này học thuyết kia đã phân chia chúng ta thành hai phía và gây ra cuộc chiến giữa những người anh em với nhau. Mấy chục năm qua, nếu chúng ta không nói lên sự hàn gắn, dân tộc này, vết cắt đó mãi mãi không hàn gắn được. Nếu ngày hôm nay anh vẫn giữ ở trong lòng mối hận thù, tất cả những gì chúng tôi đấu tranh ở bên kia và sang đến đây, những hi sinh mà Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do và nhiều anh em trong nước đang nhìn sang các cộng đồng bên này khi tiếp đón chúng tôi, họ sẽ thấy như thế nào?”
Hội trường lại vang lên những tiếng vỗ tay tán thưởng khi anh Điếu Cầy chấm dứt phần giải đáp. Nhưng tiếp ngay sau đó một cựu quân nhân khác, một khuôn mặt quen thuôc trong sinh hoạt cộng đồng, đó là ông Nguyễn Kim Hùng đã lên phát biểu ý kiến. Một lần nữa ông này cũng lại đổ tội ác chiến tranh của CSVN lên đầu nhà báo Điếu Cầy: “Theo một cuộc hội luận của anh ở California, anh có nói lá cờ chỉ là biểu tượng. Biểu tượng có thể thay đổi. Chúng tôi tiếp nhận điều đó. Mục đích đấu tranh đem lại tự do dân chủ cho dân tộc Việt Nam ở quốc nội là mục đích chính và đó là mục đích không thay đổi. Tôi cũng chấp nhận chuyện đó. Tôi muốn hỏi bây giờ anh đã qua đây, đứng với chúng tôi tiếp tục đấu tranh, biểu tượng của anh là gì? “
“Câu hỏi thứ hai, trước kia anh là Bộ Đội của miền Bắc thì phải nói là các anh đã cưỡng chiếm miền Nam của chúng tôi. Dầu muốn dầu không, dầu ít dầu nhiều, anh cũng góp một phần nhỏ vào việc chiếm miền Nam của chúng tôi và hiện tại xã hội Việt Nam đã đưa dân tộc Việt Nam xuống tận cùng của đạo đức. Tất cả đều là tận cùng. Các công chuyện anh đã tham gia giải phóng, các anh nói giải phóng, nói chúng tôi là ngụy. Anh cho các chuyện đó là công hay là tội đối với cá nhân của anh. Anh đã là một trong những thành phần góp vô để cưỡng chế miền Nam chúng tôi.”
Ô. Điếu Cầy đã điềm tĩnh trả lời như sau: “Tôi muốn bà con hôm nay hiểu rằng chúng ta đến đây gặp nhau là tổ chức một cuộc hội luận. Những vấn đề được trao đổi với nhau trên tinh thần xây dựng một đất nước, chứ không phải hôm nay tới đây để một số người đưa ra đấu tố như năm 1956 của thế kỷ trước. Đó là một điều không phù hợp với giá trị dân chủ.”
“Khi chúng ta đấu tranh cho giá trị dân chủ, chúng ta phải hiểu rằng tất cả mọi người mọi nhóm trong xã hội đều có quyền biểu đạt ý kiến cá nhân, ý kiến nhóm của mình, và có quyền có biểu tượng riêng. Những nhóm khác nhau hay giống nhau đều tôn trọng biểu tượng của nhau, nhưng không áp đặt giá trị của mình lên người khác. Chúng tôi ngưỡng giá trị dân chủ đó cho nên chúng tôi đấu tranh để chống sự áp đặt của chính quyền CS lên người dân Việt Nam. Chúng tôi không thể tránh độc tài đỏ mà sang đây lại bị áp đặt một cái khác. Những người đã cho rằng cờ từ thời nhà Nguyễn để lại là lá cờ của tổ tiên đại diện cho giá trị tự do dân chủ, thì không sử dụng nó để áp đặt giá trị của mình lên người khác.”
Một lần nữa hội trường vang lên những tiếng vỗ tay ủng hộ lời giải đáp của anh Điếu Cầy. Rất may chỉ có ba nhân vật này đã công khai đánh phá anh Điếu Cầy. Thật tình đến bây giờ tôi cũng không thể hiểu được nguyên do nào khiến họ có ác cảm với người tù lương tâm với khi phách anh hùng như vậy. Căm thù một anh binh nhì Bộ Đội ư? Nếu thế thì đừng trách bọn VC đã bỏ họ vào những trại tù cải tạo. Ghen tức ư? Có thể vì anh Điếu Cầy được người Việt hải ngoại kính phục và được bao nhiêu giải thưởng quý trọng. Trong sáu năm qua Nhà Báo Điếu Cầy đã được trao một số giải thưởng về nhân quyền và tự do báo chí: Giải Nhân Quyền Việt Nam 2008, Hellman-Hammett Award 2009 của Human Rights Watch và International Press Freedom Award 2013 của Committee to Protect Journalists. Ngoài ra, Ông Điếu Cầy còn được Amnesty International vinh danh là một tù nhân lương tâm và Civil Rights Defender chỉ định Ô. Điếu Cầy là Human Rights Defender của tháng.
Thật sự tôi cũng không hiểu được vì lý do gì mà những người kẻ quá khích như thế lại chống Cộng Sản độc tài vì chính họ đã tỏ ra bản chất độc tài. Họ muốn Việt Nam thành một nước tự do dân chủ ư? Không chắc. Vì những hành động của họ đưa đến hậu quả nghiêm trọng là đẩy những người yêu chuộng tự do thực sự về phía độc tài. Trước khi có buổi tiếp tân, Cộng Đồng Việt Nam vùng Washington-DC, Maryland và Virginia đã quyết định không đón tiếp, không yểm trợ, và không tham dự buổi tiếp tân anh Điếu Cầy.
Đa số những người tham dự buổi tiếp tân đã nghĩ gì về anh Điếu Cầy và một thiểu số quậy phá? Tốt hơn hết là hãy nghe chính những người này nói gì.
Mở đầu cuộc hội luận, Ô. Trần Quang Duật, đã lên phát biểu rằng ông là một cựu Thiếu Tá TQLC-VNCH đã đi tù ở miền Bắc. Ông hân hoan chào đón Ô. Điếu Cầy, một cựu bình nhì của Bộ Đội CSVN, trở về với cộng đồng để cùng tranh đấu cho tự do và dân chủ.
GS Kim Oanh nhận xét rằng Ô. Điếu Cầy từ 2006 đã đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền và bảo vệ quê hương chống quân xâm lược Trung Quốc. Ô. Điếu Cầy đã kêu gọi chúng ta hãy cùng nhau đứng dưới một lá cờ để đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc và đất nước. Ông cũng đã xác nhận rằng lá cờ vàng có từ thời Nhà Nguyễn (Vua Thành Thái). Đó là lá cờ tổ quốc, đại diện cho tự do dân chủ. Ô. Điếu Cầy đã tuyên bố ông là một phần của chúng ta. GS Kim Oanh nhân dịp đã tặng cho Nhà Báo Điếu Cầy một chiếc khăn quàng cổ với hình lá cờ Vàng.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Giao, Chủ Tịch của Tiếng Nói của Người Mỹ Gốc Việt (Voice of Vietnamese Americans) nói rằng cô xin được tỏ lòng ngưỡng mộ Ô. Điếu Cầy, cám ơn Ô. Điếu Cầy và gia đình của ông và tất cả mọi người ở Việt Nam đã cùng với ông tranh đấu trong những năm qua. Cô rất vui mừng thấy ông mạnh khỏe, tinh thần minh mẫn, và rất là cương quyết dù sau nhiều năm trong tù.
Cô Phạm Quế Chi là một người trẻ đầu tiên phát biểu rằng Cô là một người Mỹ gốc Việt. Cô tôn trọng mọi người tiếng Mỹ gọi là có “gut”, nghĩa là có khí phách, giám đứng lên nói ra những gì mình thực sự tin. Cô nói Cô rất khâm phục Ô. Điếu Cầy cũng như những anh chị bloggers trẻ và lớn đã bị đánh đập, gia đình bị hại, mất việc vẫn giám đứng lên chống chế độ Cộng Sản. Ông Điếu Cầy ngồi đây ông vẫn bảo vệ ý tưởng riêng của mình. Ông không bị Cộng Sản chèn ép cũng như không bị cộng đồng Việt Nam chèn ép, buộc phải theo ý của họ. Cô đi Hướng Đạo, cô trọng lá cờ Hướng Đạo. Sống ở Mỹ, cô trọng lá cờ Mỹ. Là một phần của người Việt Nam ở Mỹ, cô trọng lá cờ của cộng đồng Việt Nam, nhưng đó là quyền của cô. Không ai có thể bắt buộc cô làm như vậy.
Một người trẻ khác: “Đầu tiên cháu cám ơn chú Điếu Cầy đã hiện diện ở đây và chia sẻ với cộng đồng hải ngoại một số suy nghĩ. Là một người trẻ Việt Nam qua Hoa Kỳ lúc 9 tuổi, cháu rất cảm phục tinh thần hi sinh của chú Điếu Cầy. Chú đã đứng lên để tranh đấu cho nhân quyền và tự do cho Việt Nam có tương lai lớn hơn. Cháu nghĩ là chú Điếu Cầy, các bác các chú ở đây cùng với cháu có một giấc mơ Việt Nam có dân tộc hơn, có nhân quyền hơn, cho tương lai của các con các cháu của con biết là Việt Nam vẫn còn tồn tại, chứ không bị CSVN hay Tầu tới xâm lược. Cháu muốn nói thêm là cháu rất bằng lòng với câu nhận xét của chú Điếu Cầy là mình là người Việt Nam hết, hãy nói lên những lời đoàn kết, chứ không phải là chia rẽ. Cháu nhận xét là phải có sự đoàn kết, nước Việt Nam mới có thể có một tương lai tốt hơn. Nếu có những ý kiến không hay hay không đoàn kết, cháu nghĩ là những người CSVN sẽ rất vui mừng vì họ đã đem lại sự chia rẽ trong cộng động Việt Nam ở hải ngoại.”
Nhà Văn Phong Thu: “Anh là một nhân vật mà tôi đã viết trong sách của tôi xuất bản vào 2012. Anh là người tôi ngưỡng mộ là vì anh là người đầu tiên chống Tầu. Mà anh biết chống Tầu là chống ông cố nội của CSVN rồi. Như anh đã nói, chúng ta đổ tất cả những tội của Cộng Sản lên đầu anh Điếu Cầy thì cũng tội cho anh. Bởi vì như thế này. Tất cả chúng ta Nam và Bắc đều là nạn nhân của chế độ Cộng Sản. Tôi ở miền Nam, tôi phải theo chế độ của miền Nam vì ba của tôi đi theo Cộng Hòa lần đầu tiên mới thành lập. Ba tôi đã hi sinh trên chiên trường, nhưng tôi không nghĩ là anh Điếu Cầy đã bắn ba tôi chết, bởi vì anh cũng là nạn nhân của Cộng Sản.”
Một người trẻ tự giới thiệu là Chính: Cá nhân tôi rất khâm phục những anh em ở trong nước như anh Điếu Cầy và những anh em bloggers khác. Mỗi tối tôi lên máy tôi coi người nào bị đàn áp, người nao bị tù đầy. Lòng tôi đau cắt như vầy nhưng tôi không biết cách nào để giúp đỡ được anh em ở trong nước. Khi các anh ra đây bị những chuyện hiểu lầm, tôi rất là búc xúc. Tôi cũng rất lấy làm vui khi thấy các anh rất là chín chắn đối phó với …. (âm thanh nghe không rõ), chúng tôi rất là yên tâm. Tôi có một lo âu là không biết mấy anh chị ở trong nước thấy anh bị như vậy có nản lòng hay không, Do đó tôi muốn gửi một message (thông điệp) cho những anh em ở trong nước rằng có một số đông thầm lặng, có thể không ồn ào cho lắm, sẵn sàng góp công góp sức với quý anh. Chúng ta phải tích cực hơn trong việc nối kết với đám đông thầm lặng.
Không phải người cựu quân nhân nào cũng có một tư tưởng hẹp hòi. Ông Phạm Văn Tiền, cựu thiếu tá Quân Lực VNCH đã viết về anh Điếu Cầy và những kẻ chống cộng bằng mồm như sau:
“Niềm vui chưa được bao lâu thì những kẻ luôn chống cộng bằng mồm, những thành phần chống cộng cực đoan trong cộng đồng Người Việt tại hải ngoại, thay vì mở rộng vòng tay chào đón người anh hùng chống cộng để an ủi giúp đỡ, thì lại tìm mọi cách mọi phương tiện để cố tình hạ nhục giết chết tên tuổi Điếu Cày.”
“Chúng ta có nguyền rủa cộng sản 30 năm, 50 năm v.v… thì cộng sản vẫn là cộng sản không làm chúng suy yếu tí nào. Lật đổ được cộng sản hay không là do chính bàn tay của người dân trong nước mà đại diện là những nhà đấu tranh trong lòng chế độ như Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Lê Thị Công Nhân, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Văn Đài, Trần Huỳnh Duy Thức… Người Việt hải ngoại chỉ có khả năng tiếp sức, hỗ trợ và sức mạnh của chúng ta là sự kết hợp nhuần nhuyễn với nhau. Những tổ chức tự xưng là ủy ban nầy chính phủ nọ để rồi về giải phóng quê hương là những tổ chức mộng du không tưởng. Họ chỉ là những con rối dao to búa lớn chuyên phá hoại chẳng làm nên tích sự gì!”
“Hãy thông cảm và đón nhận những sự hy sinh phi thường của những người cộng sản phản tỉnh. Việc mở rộng vòng tay tiếp đón hỗ trợ Điếu Cày và nhiều nhà đấu tranh dân chủ khác tại quê nhà mới là điều cần thiết, nhất trong giai đoạn sống còn của đất nước hiện nay.”
Chí lý thay nhận xét của Ông Phạm Văn Tiền
Trần Quốc Nam (Tác giả gửi đăng)