Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Thư viết từ trại giam Xuyên Mộc: Thư 30 (phần 6)

Trần Huỳnh Duy Thức
Bạn có thể trả lời: "Vì sao mà ở những xã hội thiếu dân chủ thì sự giả dối và đạo đức giả rất phổ biến?"
Rất khó và cũng rất dễ trừ phi bạn hiểu được bản chất của vấn đề.
2/11/2014

Tóm lại, tất cả lập luận từ đầu đến giờ nhắm bảo vệ luận điểm: “QCN phải được bảo vệ trên hết, đầy đủ và bình đẳng để chân lý được bảo vệ hiệu quả bằng khoa học”. Có như vậy khoa học mới phát triển đúng và mạnh, làm cho các quy luật của Tạo hóa được tôn trọng và áp dụng rộng rãi để tạo nên các thành tựu phát triển cho xã hội một cách hiệu quả nhất. QCN được bảo vệ càng kém thì chân lý càng dễ bị xâm phạm (bị bóp méo, bị áp đặt sai trái) nên vì vậy mà khoa học càng kém phát triển và xã hội càng chậm tiến. Chân lý không chỉ là các quy luật mà còn là những sự thật – là sự chân xác đã xảy ra trong xã hội. QCN được bảo vệ cũng là để bảo vệ những sự thật này. Cậu sẽ có một chuyên đề khác để chứng minh điều này. Tụi con hãy quan sát và phân tích trước xem vì sao mà ở những xã hội thiếu dân chủ thì sự giả dối và đạo đức giả rất phổ biến? Và tình trạng bị kết án oan sai thì liên quan thế nào đến bảo vệ QCN?

Xã hội ngoài việc cần tôn trọng quy luật khách quan còn cần phải tôn trọng sự thật khách quan. Có vậy xã hội mới phát triển và lành mạnh. Cậu gọi những quy luật và sự thật này là LẼ PHẢI TUYỆT ĐỐI như tụi con thấy trong mô hình CƠ CHẾ XÃ HỘI KHOA HỌC. Bảo vệ LẼ PHẢI TUYỆT ĐỐI là chức năng quan trọng của cơ chế này. Gọi là tuyệt đối vì đó là những gì con người không thể thay đổi được: không ai thay sửa được các quy luật khách quan vì chúng là của Tạo hóa, dùng quyền lực để áp đặt những quan điểm sai trái cho là chân lý thì trước sau gì cũng sụp đổ; dùng cường quyền để buộc người ta nói dối thì sự việc đã diễn ra vẫn là sự thật mà không ai có thể sửa đổi được. Khi cậu chứng minh QCN được bảo vệ sẽ bảo vệ sự thật, tụi con sẽ thấy tồn tại một quy luật để dẫn đến sự thật và đưa nó ra ánh sáng. Tuyệt đối còn có nghĩa là tối thượng, tức là LẼ PHẢI TUYỆT ĐỐI phải được tôn trọng trên hết, không được nhân danh bất kỳ lý do gì kể cả đạo đức hay lợi ích chung để bóp méo sự thật, quy luật. Những lẽ phải này chỉ có thể bị hạn chế chứ không phải bóp méo. Ví dụ như tụi con thấy ở các nước tiến bộ có những luật cho phép chính phủ bảo mật một số thông tin về hoạt động của chính phủ trong một khoảng thời gian nhất định nào đó (chứ không phải mãi mãi) vì mục đích an ninh quốc gia, hoặc các luật cấm áp dụng nhân bản vô tính để tạo ra con người vì vấn đề đạo đức. Chúng ta đang đi đến khu vực LẼ PHẢI THỎA ƯỚC của CƠ CHẾ XÃ HỘI KHOA HỌC, tức là khu vực hạn chế bằng luật.
Khi QCN được bảo vệ trên hết thì LẼ PHẢI TUYỆT ĐỐI được tôn trọng. Nhưng đây cũng là tình trạng tự do không giới hạn. Người ta có quyền tự do nghiên cứu khoa học không giới hạn thì có thể dẫn đến việc dùng con người làm vật thí nghiệm. Tự do làm giàu và lập hội thì có thể hình thành những hội nhóm cấu kết nhau triệt tiêu đối thủ cạnh tranh và chèn ép khách hàng nếu họ không phải chịu một giới hạn nào cả. Tự do muốn biết sự thật thì có thể xâm phạm nghiêm trọng sự riêng tư của người khác. Tự do phát biểu thì có thể vu khống người khác mà không phải chịu sự trừng phạt nào nếu không có luật cấm bóp méo sự thật để gây tổn hại cho con người. Tự do tín ngưỡng thì có thể đi đầu quân chiến đấu cho đám khủng bố IS cực đoan nhằm chiếm đoạt con người thành nô lệ và giết hại họ, buộc họ từ bỏ tín ngưỡng của mình? Tự do không giới hạn dẫn đến tự do xâm phạm tự do của người khác. Chính điều này sẽ phá vỡ nguyên tắc: “QCN phải được bảo vệ trên hết cho từng người (phải bình đẳng)”. Do đó tình trạng tự do như vậy cũng không bảo vệ được LẼ PHẢI TUYỆT ĐỐI. Cho nên cần phải có một sự hạn chế nào đó ngăn cản được sự xâm phạm tự do của người khác nhưng vẫn bảo vệ được tự do của từng người. Trong tác phẩm nổi tiếng “Khế ước xã hội” J.J. Rousseau nói rằng mỗi công dân cần giảm bớt quyền của mình để trao nó cho nhà nước, nhà nước sẽ sử dụng quyền được trao đó để bảo vệ lại cho mình. Chính là ông đề cập đến sự hạn chế nói trên. Trong quá trình xây dựng các hạn chế, có những quan điểm dễ dàng đạt được sự đồng thuận của mọi người, mọi nhóm như không được giết người, không được xâm phạm riêng tư của người khác, không được hưởng trọn lợi nhuận mình làm ra (tức phải đóng thuế), không được cướp giật tài sản người khác, v.v… Nhưng cũng có nhiều quan điểm rất khác nhau mà không bao giờ đạt được sự đồng thuận như phải hạn chế hàng nhập khẩu, mức thuế phải đóng và sử dụng nó cho mục đích gì, cho phép nghe lén để bảo vệ an ninh quốc gia, chỉ được một chồng một vợ, v.v… Người thì cho rằng hạn chế nhập khẩu sẽ bảo hộ sản xuất trong nước và tạo công ăn việc làm, nhưng người khác thì thấy rằng làm như thế sẽ khiến doanh nghiệp trong nước ỷ lại mất tính cạnh tranh và người tiêu dùng trả giá cao. Người thì bảo cần thu thuế cao và giúp đỡ cho những người thất nghiệp nhưng người khác thì nói làm thế sẽ khiến con người mất ý chí phấn đấu và làm doanh nghiệp thiếu lợi nhuận để tái đầu tư tạo thêm việc làm. Người thì thấy nguy cơ khủng bố là rất nghiêm trọng rồi nên ủng hộ chính phủ nghe lén để ngăn chặn thiệt hại cho dân chúng nhưng nhiều người khác thì tin rằng đó chỉ là sự thổi phồng của cơ quan an ninh để tìm cách kiểm soát người dân. Nhân loại tiến bộ đã ủng hộ chế độ một vợ một chồng nhưng nhiều quốc gia Hồi giáo vẫn cho đàn ông có 4 vợ theo như kinh thánh của họ.
(hết phần 6)
Bản viết tay:



Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"