Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Chơi Đẹp


Dân Luận: Chính quyền Hoa Kỳ "chơi đẹp" không hoàn toàn bởi vì họ muốn "chơi đẹp", hay tư cách đạo đức của họ cao hơn ở ta, mà là vì thể chế của họ có những thiết chế để chống lại sự chơi không đẹp. Ở Việt Nam việc "chơi đẹp" hay "không đẹp" mặc ý của nhà cầm quyền, không ai có thể phản đối hay ngăn cản họ, nên các blogger mới lâm nạn!
Chính quyền Việt Nam vẫn còn giam cầm môt số người chỉ vì tội "trung ngôn nghịch nhĩ". Một đám quan chức, trí thức Mỹ vẫn còn lằng nhằng biện hộ cho sự tra tấn tù nhân trước đây của CIA. Cả hai đều đưa ra những suy luận xà quành và lý do ba láp cho "cơ sở pháp lý" của những sự vi phạm nhân quyền này. Thật ra thì chẳng cần từ ngữ văn hoa, chẳng cần những khái niệm "nhân quyền", "tự do ngôn luận", "bất khả xâm phạm" gì để không chấp nhận những ngụy biện của họ. Ép buộc phải nói hay bịt miệng cấm nói bằng bạo lực như thế đều là những hành vi mà người có khí phách của mọi thời, ở mọi nơi, thuộc mọi phe đều không thèm làm. Đây là những hành động hèn của những kẻ chơi không đẹp, làm người ta khinh dù họ có ngựa xe, võng lọng, bằng cấp, địa vị gì đi nữa.

Chơi cho đẹp. Người xưa từng dạy không đánh người ngã ngựa. Ngày nay phim con nít vẫn thường có cảnh anh hùng quăng súng đánh tay đôi khi kẻ gian hết đạn. Thực tế thì chơi đẹp không phải là chuyện dễ, như ta đã thấy, vì phải thắng được những bản năng thấp hèn. Có lẽ vì thế mà xưa nay mọi người đều trọng sự chơi đẹp và nể người chơi đẹp. Ta dễ thấy bản sắc anh hùng khi người yếu thế đứng lên đối diện kẻ mạnh. Nhưng ta chỉ có thể biết được khí phách của kẻ mạnh qua cách chơi của họ. Người anh hùng không thèm giành ưu thế một cách bất công trong lúc giao tranh. Người anh hùng chỉ cần dùng trí tuệ và lời nói, thay vì tay chân, trong cuộc tranh cãi về tư tưởng, nhất là đối với kẻ yếu sức, cô thế hơn. Người anh hùng luôn luôn chơi đẹp. Không đẹp, không hùng.
Ở nước nào thì chính quyền cũng là thế lực mạnh nhất, những nhân vật đại diện chính quyền, nắm quyền lực trong tay cũng là những kẻ mạnh nhất. Tự do ngôn luận không chỉ là "quyền bất khả xâm phạm" của dân (thực tế thì rất dễ bị xâm phạm) mà còn là cách chơi đẹp của một chính quyền của những người có khí phách. Về điểm này thì dân Mỹ, chính quyền Mỹ rất hào hùng, chơi rất đẹp và đã khiến quyền tự do ngôn luận trong sách vở thật sự trở thành "bất khả xâm phạm" trong xã hội Mỹ.
Xúc xiểm một người ăn mày bên đường ảnh hưởng đến chuyện xin tiền của y có thể bị y kiện và toà án làm khó dễ. Nhưng không có gì an toàn hơn là công khai lên tiếng đã kích nhân vật nhiều quyền hành nhất là tổng thống Mỹ. Ta tha hồ nhục mạ, đặt điều nói nói xấu, tung tin đồn nhảm, vu khống... từ chính sách cho đến đời tư của tổng thống mà chẳng hề sợ phải ngồi tù, miễn là ta đừng điên rồ hăm dọa dùng bạo lực. Tuy luật pháp Mỹ cho phép quan chức kiện kẻ nói xấu nếu họ rõ ràng là biết sai mà vẫn cố ý làm hại, thực tế thì rất khó mà có thể chứng tỏ dã tâm, thay vì chỉ là sự sai lầm "vô tội", của bị cáo trước tòa. Vì thế mà quan quyền Mỹ xưa nay nếu không cãi lại thì chỉ đành cười trừ. Những nhân vật nhiều quyền lực nhất nước, bộ máy chính quyền hùng hậu nhất thế giới cũng chỉ có thể đối phó với những lời công kích - bất kể sai lầm, hạ tiện thế nào - bằng ngôn từ. Súng đấu súng, lời đối lời. Cách chơi đẹp của những người có quyền lực, những xã hội anh hùng có tinh thần thượng võ. Ngược lại, ở Việt Nam thì có hiến pháp, luật lệ bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên sách vở, nhưng lại có những điều lệ vu vơ để chính quyền có thể tuỳ tiện bắt, tuỳ tiện giam những người lên tiếng phản biện mà không cần kê khai tội phạm cụ thể một cách minh bạch. Chơi xấu một cách thiếu phong độ.
Xã hội nào, chính quyền nào cũng có kẻ hèn, tìm cách chơi xấu. Vài ngày trước đây chính quyền Mỹ, tổng thống Mỹ đã công khai nhìn nhận nhân viên CIA đã có tra tấn tù nhân, đã làm trái với bản chất hào hùng của người Mỹ, "violated who we are as people". Nhưng những "trí thức vị tra tấn" ở Mỹ vẫn đang tìm mọi cách để biện minh cho hành động xấu xa này. Họ hiện đang lớn tiếng rằng phải tra tấn quân khủng bố để lấy tin tức ngăn chận những cuộc tấn công thảm sát dân lành của chúng. Tuy luận điệu này chỉ là một ngụy biện, phá sản về nhiều mặt khi xét nghiệm thấu đáo, ít ra nó cũng tạo ra được một vấn nạn lương tâm, một hoàn cảnh bất đắc dĩ phải chơi xấu vì sinh mạng dân lành. Nhưng còn bắt giam những người tay không tất sắt, không làm gì nhiều hơn là nói và viết thì sao? Lý do nào có thể biện minh cho trò chơi xấu hiện nay của chính quyền Việt Nam?
Trong số những người trí thức trói gà không chặt bị an ninh bắt giam là nhà văn Nguyễn Quang Lập. Ông bị liệt nửa người, sức khỏe rất kém nhưng vẫn bị giam cầm chỉ vì ông đã góp phần nói lên những điều mà lương tâm của ông cho là sự thật. SỰ THẬT của ông có thể không chính xác, có thể sai. Nhưng tại sao chính quyền không đưa vài cái loa ra phản biện lại? Đó cũng chỉ là cách chơi công bằng. Còn nếu muốn chơi đẹp thì hãy đài thọ tổ chức hội thảo, họp báo, mời ông cùng tranh luận công khai, đăng tải bài của ông cùng bài phản biện trong những tờ báo của chính quyền. Không, chẳng những không chơi đẹp, cũng không chơi đàng hoàng, chính quyền chọn cách chơi xấu. Sao lại hèn thế? Vì lý do gì?
Hiển nhiên là lời Bọ Lập không thể làm ai điếc tai, văn ông không thể làm ai mù mắt. Nếu chính quyền tin rằng ông đã chống phá bằng lời nói thì hãy phản công lại cũng bằng lời nói. Hay là chính quyền sợ SỰ THẬT của ông như giáo sĩ thời Trung Cổ sợ "tà đạo" nên phải bắt giam để cấm nói, cấm viết? Hèn và lạc hậu thế à?
Ai trong đời sống cá nhân cũng có lúc phải giao tiếp, làm việc với kẻ chơi không đẹp. Người có văn hoá vẫn giữ lịch sự, không để cảm xúc làm hỏng việc, nhưng trong lòng thì vẫn khinh khi kẻ chơi xấu. Ngoại giao quốc tế hẳn cũng thế. Người sang trọng hùng dũng là người chơi đẹp. Không biết có ai đã nói thế cho các ông Sang Trọng Hùng Dũng trong chính quyền Việt Nam chưa. Hãy trả tự do cho nhà văn Nguyễn Quang Lập và những người như ông. Hãy chơi đẹp.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"