Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Sơn Tây ba chầu vái.

Phạm Thành
Nhân có Nhà văn Phạm Đình Trọng, Nhà văn đi đâu cũng có người kèm, từ Sài Gòn ra thăm nhà thơ Bành Thanh Bần ( hai anh trước đấy đều là bộ đội thuộc binh chủng Thông tin) tại thị xã Sơn Tây mà nhà dân chủ hàng đầu thời kỳ đổi mới Nguyễn Thanh Giang; Nhà báo Nguyễn Đình Ấm, người vừa lập chiến công trên công luận dẫn đến đất nước có “Lời giã biệt cho sân bay Long Thành”; Nhà giáo Vũ Mạnh Hùng và Phạm Thành tôi, người vừa đá bóng với CAHN ở tháng trước, được bám càng lên Sơn Tây thăm thú hồ Tiên Sa và du lịch vài địa danh ở thị xã Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội. Đặc biệt đoàn được nhà thơ Bành Thanh Bần là bạn của 5 chúng tôi cùng đi và sắm vai hướng dẫn viên du lịch cho cả đoàn.
1

Hồ Tiên Sa đẹp khỏi phải nói. Đồi núi trập trung, cây lá bốn mùa xanh tươi, nước hồ lúc nào cũng trong xanh, huyền ảo, kiêu sa. Dưới hồ luôn có cá nhiều loại, muốn ăn chỉ cần buông vài sợi câu là có mồi nhậu. Mùa Đông ở đây thì ấm áp, mùa Hè thì mát, nhiệt độ thường thấp hơn các khu vực lận cận tới vài độ C.
Sơn Tây sáng ngày 4. 12 trời đẹp. Buổi sáng có lất phất mấy giọt mưa lạnh đầu Đông, nhưng đến 9 giờ thì trời hửng nắng, lại được gió nhẹ heo may làm cho những con đường trong thị xã nhanh chóng khô giáo. Trời từ âm u, lãng mây đen trôi bỗng cao xanh hẳn lên.
Sáu người bệ đít trên hai chiếc xe con 4 chỗ màu tím đen bóng lộn, cùng hai tài xế trẻ măng, hào hoa thuộc Công ty du lịch Hồ Tiên Sa, thông thạo đường đất Sơn Tây, điều khiển đưa lối cho chúng tôi đến các điểm chầu.
Không gian của trời xanh, lá xanh chạy theo hai bên đường như cổ vũ reo vui, trải thảm cho lòng người đang háo hức hoài niệm về vùng đất cổ.

Chỉ một loáng đoàn đã có mặt tại khu Thành cổ Sơn Tây. Thành này được xây dựng từ thời nhà Nguyễn. Có bốn cửa chia về bốn hướng: Nam, Bắc Tây, Đông. Không có mấy khách du lịch đến thăm thành trong dịp này. Vì vậy mà đoàn thoải mái quan sát. Thấy trong thành cây cối râm rạp, có nhiều cây to, cao với độ tuổi hơn cả trăm năm, cành lá sum xuê tỏ bóng. Thành này có vị trí quan trọng chỉ sau Thành Thăng Long trong hệ thống thành bảo vệ Thành Thăng Long. Hoàng Kế Viên cùng Lưu Vĩnh Phúc thủ lĩnh quân Cờ đen đã đóng binh tại đây để chống quân Pháp trong những ngày đầu đánh chiếm Hà Nội. Quân Hoàng Kế Viêm và Lưu Vĩnh Phúc đã tổ chức mai phục tại Cầu Giấy và giết đại úy Pháp tại đây. Tay đại úy này sau này được Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến làm thơ điếu theo yêu cầu của Pháp có những câu thơ chửi Pháp thật tài tình: “Cúng ông, gà một con, trứng một ổ…”.
Điện Kinh Thiên phục dựng lại
Điện Kinh Thiên phục dựng lại
Trong tám mươi năm người Pháp cai trị Việt Nam, thành Sơn Tây vẫn còn nguyên vẹn với ba cơ cấu thành quách chính: bốn cửa thành: Nam – Bắc – Tây Đông, khu trại lính, Điện Kính Thiên và dinh Tổng Đốc Sơn Tây. Thành chịu kiếp nạn ở năm 1946 khi chính phủ của ông Hồ Chi Minh cướp được chính quyền từ chính phủ của ông Trần Trọng Kim và thực hiện “Tiểu thổ kháng chiến. Bốn cổng, khu trại lính, dinh tổng đốc và Điện Kính đã bị phá tan tành. Suốt một thời gian dài sau đó, Thành cổ Sơn Tây trở lên tan hoang, cỏ dại um tùm mọc, trâu bò quần thảo trở nên hoang phế, cho đến cách đây độ mười năm thì có chủ trương của nhà nước khôi phục lại, nhưng chỉ khôi phục được Điện Kính Thiên, ba cổng thành và cột cờ. Những hạng mục công trình khác nhà nước coi như vĩnh viễn không có.
“Tiểu thổ kháng chiến” là một chủ trương lớn của chính phủ ông Hồ Chí Minh. Ở bất kỳ địa phương nào cũng có hiện tượng này xảy ra. Ở Thanh Hóa, Hạc Thành có từ thời nhà Nguyễn với quy mô hoành tránh, bề thế, to lớn chỉ sau kinh thành Huế, cũng bị thiêu trụi, đập phá và san phẳng đến một viên gạch trồi trên mặt đất cũng không còn nhìn thấy trong chính sách tiêu thổ kháng chiến này. Các nhà nghiên cứu lịch sử ít công khai nói đến sự kiện tàn phá kinh thiên, động địa này. Nhưng, trong dân Thanh Hóa hiện vẫn có nhiều người nhớ và còn tiếc. Họ ngậm ngùi mà than rằng, giá Hạc Thành không bị “Tiêu thổ kháng chiến”, còn đến ngày nay, hẳn sẽ được thế giới công nhân là Di sản Văn hóa vật thể của thế giời vì sự đồ sộ, cổ kính, nguy nga của nó, vì  Hạc Thành ở mọi phương diện chỉ đứng sau kinh thành Huế.
Tôi cứ ngậm ngùi, ray rứt mãi trong lòng về chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến” này của ông Hồ Chí Minh. Không biết sự phá hoại các công trình có giá trị về văn hóa, kinh tế, quân sự này giúp được bao nhiêu phần trăm cho công cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược trở lại? Mà người Pháp đâu phải là một đội quân vô văn hóa, chỉ thích tàn phá? Người Pháp trong tám mười năm độ hộ, tôi chưa bao giờ nghe dân ta ta thán về họ trong hành sự vô văn hóa với các công trình văn hóa. Ông Hồ Chí Minh đã từng là đảng viên đảng Xã hội Pháp, học chữ Pháp, sống trong lòng nước Pháp, ăn bơ sữa của người Pháp, há lại không biết người Pháp luôn có thái độ trân trọng những công trình văn hóa, kiến trúc như thế nào sao? Một nghịch lý nữa, ông Hồ Chí Minh kêu gọi dân chúng ủng hộ vàng đem đút lót cho Tầu để quân Tàu vui vẻ rút về nước và nhất định chọn Pháp làm đối thủ trong cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm, sao ông ta lại còn đề ra chính sách “Tiêu thổ kháng chiến” kỳ quái này?
Với việc triệt hạ đến tận viên đá cuối cùng ở thành Hạc Thành – Thanh Hóa, Thành Cổ – Sơn Tây và những Công trình văn hóa, kiến trúc ở khắp đất nước trong chính sách “Tiêu thổ kháng chiến” của chính phủ ông Hồ Chí Minh, tôi lại thấy nó có gì đó giống với giặc Tầu mỗi khi xâm chiếm nước ta. Đó là triệt hạ những công trình có giá trị về quân sự đã đành mà chúng còn thường trực trong ý thức là phải tiêu diệt đến tận gốc rể những gì là văn hóa, liên quan đến văn hóa Việt, không chỉ ở những công trình kiến trúc bằng gạch, đất, đá, vôi vữa mà chúng còn săm soi, moi móc, đốt phá và tịch thu đem về Tàu Quốc những sách vở thơ văn, sách vở khoa học, tâm linh và cả những sách vở ghi những bài thuốc chữa bệnh. Mục đích của chúng là quyết tâm xóa bỏ văn hóa của người Việt, để người Việt mãi mãi chỉ là người man di không có văn hóa riêng của mình, để đến một ngày nào đó người Việt không con văn hóa của mình sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào văn hóa Tàu, thành công dân của Tầu.
Người định ra chủ trương này liệu có biết điều này? Phải chăng, để che đậy nó, người ta đã dùng chiêu bài chống Pháp (ngăn bước tiến quân Pháp, không để lại gì cho quân Pháp, nhằm gây khó khăn cho quân Pháp…) là để che đậy mục đích làm cho người Việt mình không còn văn hóa Việt như người Tầu đều thực hiện trong bất kỳ cuộc xâm lược Việt Nam nào?
Một am thờ ở Hậu cung Chùa Mía.
Một am thờ ở Hậu cung Chùa Mía.
Đang tâm tư buồn nản, may mà được anh Bành đưa đến thăm một ngôi chùa, có tên gọi là Chùa Mía. Chùa nằm khuất nẻo về phía Bắc Thành Sơn Tây, vẫn còn nguyên vẹn, đủ đầy. Theo phả chùa, chùa này được xây dựng từ năm 1632 do một cung phi của triều đình về đây ở và dựng lên. Cột nhà, mái nhà và những tượng thờ còn nguyên từ thời đó. Nó có Chính điện, Hậu điện, Hành lang điện. Chính điện thờ Phật Thích ca mâu ni. Hậu điện thờ Phật Nam hải, Quan âm Thị Kính bồ tát và những Phật khác. Mỗi Phật có am riêng, cũng được dựng lên từ những năm 1632. Đặc biệt hai bên hành lang, từ Chính điện xuống Hậu điện, mỗi bên có 9 vị La hán béo tốt trong tư thế ngồi Phật thành hàng, dẫn lối xuống Hậu điện. Có thể nói, Chùa Mía còn la liệt Phật cổ trong Chùa, đủ hình mẫu cho những ai muốn bày tỏ tâm linh và về đây nghiên cứu văn hóa Việt.
Hàng quán trước cửa Chùa Mía
Hàng quán trước cửa Chùa Mía
Tiếc là một chùa cổ như vậy, nhưng phía mặt trước của chùa, đường xá còn lem nhen, nham nhở, người xe, quán xá …lộn nhộn làm cho sự trang nghiên của ngôi chùa cổ này như bị xúc phạm.
Đoàn thăm quan có chạnh buồn vì cái không gian phía trước chùa không trang nghiêm như vậy. Nhưng trong buồn lại vớt vát được nỗi vui vì nó vẫn còn nguyên vẹn, không bị xóa dấu vết như nhiều nhà chùa khác mà trong chính sách “Tiêu thổ kháng chiến”, trong chủ trương bài trừ văn hóa phong kiến thực dân của chính phủ ông Hồ Chí Minh đã thực hiện. Hoặc như các chùa triền mới xây dựng, Tàu- Tây- Ta lẩn lộn; Phật- Đời bát nháo xen canh.
Như thế là chúng tôi đã qua hai chầu vái.
Thắp hương trước mộ cụ Ngô Vương Quyền
Thắp hương trước mộ cụ Ngô Vương Quyền
Chầu vái thứ 3 là chầu vái cụ Ngô vương Quyền, người con rể của làng tôi (xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thành Hóa) đã thực hiện được ý nguyện của người cha vợ Dương Đình Nghệ, đánh đuổi được quân Nam Hán dựng nền độc lập tự chủ đầu tiên cho nước Việt ta (năm 938). Khi viên tịch, cụ Ngô Vương Quyền được quân dân nước Việt đem ông quàn tại chính mảnh đất riêng của nhà ông.
Nhà ông, một ngôi nhà gỗ ba gian xinh xinh, nơi ông ở, nay làm thành đền thờ cho chính ông, khiêm tốn, giản dị.
Một ngôi mộ quàn thân thể ông được xây dựng vừa đủ tôn nghiêm, nằm trên một vạt đồi thoai thoải xuôi theo hướng Nam. Quanh mộ ông có bốn mùa thoảng mát với những cây xanh. Xa hơn hơn một chút về phía Tây Bắc là dặng duối  ngìn tuổi uy nghiêm trùm bóng. Tương truyền hàng cây duối này được người anh hùng dân tộc Ngô Vương sử dụng để buộc ngựa, voi. Phía đỉnh mộ ông nằm là một khoảng trời cao xanh, đủ xa rộng cho mắt ông phóng vút tầm nhìn về phía Nam xa ngút. Không gian thoảng đảng, ấm áp, thỉnh thoảng nghe trong cây lá có tiếng lảnh lót hót của chim hay tiếng lao xạo truyền cành của chúng.
Đoàn có cảm giác như cụ Ngô Vương Quyền vẫn còn tươi nguyên ở trong mộ. Những cọc đóng trên sông Bạch Đằng vẫn còn mới và nhọn hoắt. Nhà thơ Bành Thanh Bần tâm sự, lần nào đến viếng mộ cụ Ngô Vương Quyền, hễ ông sờ vào cọc lim Bạch Đằng là người như thấy có điện từ cọc lan tỏa vào cơ thể ông, cứ như hào khí Bạch Đằng truyền sức mạnh cho ông vậy.
Chúng tôi, từng người, rồi cả đội xếp thành hàng thắp hương vái cụ. Mỗi người đều có những tâm sự riêng với cụ. Nhà giáo Vũ Mạnh Hùng, nhà báo Nguyễn Đình Ấm như không kìm nỗi xúc động nói lên thành lời: “Cụ ơi, cụ có biết non sông của cụ đã bị chúng nó dâng cho kẻ thù của cụ như thế nào không?”. Tôi cũng la lớn: “Cụ ơi, cụ hãy tỉnh dậy đi, nước Việt đang cơn nguy biến. Kẻ thù của cụ, của dân Việt đã vào tận nhà mình rồi”.
Nhà thơ cụ Ngô Vương Quyền
Nhà thơ cụ Ngô Vương Quyền
Nhà thơ Bành Thanh Bần có kể câu chuyện: Cụ Ngô Vương linh thiêng lắm. Những kẻ nuôi mộng bán nước  Việt cho Tàu, hễ đem cây đến vườn cụ trồng, các cây đó đều tự nhiên  héo cành, rụng lá và chết hết cả.  Cây chết, những cọc ghi tên người trồng đã phải nhổ đi, xếp thành một bó ở phía sau đền thờ cụ Ngô Vương.
Thật ấm lòng. Những kẻ nuôi mộng bán nước cho Tàu hãy đến đền thờ cụ Ngô Vương Quyền mà xem, để rồi bọn bay nhận ra một sự thật, các người có thể lừa được người sống chứ không thể lừa được thần linh nước Việt.
Ba chầu khấn vái, thành kính, trang nghiêm của đoàn chúng tôi kéo dài tới 11h30 thì kết thúc. Và để cho chuyến du lịch có hậu, nhà thơ Bành Thành Bần đưa chúng tôi vào làng cổ Đường Lâm ăn một bữa cơm với rau rền, cà pháo và uống rượu đựng trong bình cổ.
Tại đây, lần đầu được nghe, nhà dân chủ hang đầu trong thời kỳ mới TSKH Nguyễn Thanh Giang bộc bạch, ông đã có hàng chục lần bị công an tổ chức đến khám nhà, mấy chục lần, công an từ cấp phường đến cấp bộ triệu tập lấy khẩu cung và Tạp chí Tổ Quốc của ông vẫn còn xuất bản đều đều cả ngàn số mỗi kỳ.
Cảm ơn nhà thơ Bành Thành Bần, một hướng dẫn viên du lịch ngoại hạng, đã cho chúng tôi một tua du lịch thật bổ ích.
Mời các bạn xem một số hình ảnh khác:
Cổng thành cổ Sơn Tây
Cổng thành cổ Sơn Tây
An thơ Phật quan âm Thị Kính
An thơ Phật quan âm Thị Kính
TSKH Nguyên Thanh Giang trước đèn thờ cụ Ngô Vương Quyền
TSKH Nguyên Thanh Giang trước đền thờ cụ Ngô Vương Quyền
Nhà văn Phạm Thành thắp hương trước mộ cụ Ngô Vương Quyền
Nhà văn Phạm Thành thắp hương trước mộ cụ Ngô Vương Quyền
P.T

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"