Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Joshua Wong - một thế hệ ích kỷ?

Khải Đơng
Một người Hong Kong nói: “Mày hỏi tao về Joshua Wong? Tao nghĩ anh ta đại diện cho một thế hệ trẻ của Hong Kong chỉ biết và sẵn sàng làm những gì mình muốn mà không quan tâm tới bất kỳ ai khác cũng như hậu quả xảy ra cho những người khác. Đối với tao, đó là một thế hệ ích kỷ."
Hoặc như 1 người được phỏng vấn trên tờ Time nói: “Các bạn đã cho công chúng thấy một giọng nói, giờ thì hãy trả lại đường xá cho họ.”
Có quá nhiều suy nghĩ áp lên cậu bé 18 tuổi, Joshua Wong, khi cậu đứng trên bục cao và gọi mọi người xuống đường. Khi Benny Tai, Chan Kin Man, và Chu Yiu Ming kêu gọi mọi người biểu tình hãy về nhà vào ngày 2.12, Joshua Wong và vài người bạn bắt đầu tuyệt thực. Sự khác biệt ngày càng dày hơn, giữa những kiến trúc sư trưởng đã kiến tạo nên lý thuyết về Occupy Central và những đứa trẻ đứng bên ngoài và thực hiện lý thuyết đó.
Với tri thức, kinh nghiệm và sự hiểu biết, Benny Tai thừa hiểu sẽ có những nguy hiểm nhắm đến người biểu tình, hoặc vì một thỏa hiệp nào đó (mà công chúng chưa biết rõ), ông mở lời kêu gọi kết thúc mọi thứ.

Với tuổi trẻ, sự thiếu kinh nghiệm, những hiểu biết phần nhiều do học tập các lý thuyết, Joshua Wong dường như không lường được hậu quả gì có thể xảy ra (giống những người già đã từng thấy quân đội giết những người biểu tình ở Thiên An Môn ra sao). Cậu bé chỉ có 1 thứ - đó là cái ý tưởng mà cậu theo đuổi – ý tưởng đã khiến hàng ngàn người xuống đường, cầm dù, giơ điện thoại, và ăn hơi ga suốt hơn 1 tháng trời. Cậu chỉ là 1 đứa trẻ kiên định với ý tưởng mình yêu và chọn. Time trích dẫn một phỏng vấn Joshua: “Mọi người luôn bảo tôi, ồ, nếu bạn muốn thay đổi thế giới, đầu tiên bạn phải vào đại học, sau đó làm việc công chức trong chính phủ hoặc làm doanh nhân, sau đó bạn có thể tạo ra các chính sách. Không, để gây ảnh hưởng đến thế giới, bạn phải xuống đường.” – Đó là ý tưởng cậu bé theo đuổi – để yêu cầu 1 cuộc đối thoại với chính quyền và đòi cải cách bầu cử.
Những người khác có thể khó chịu với Joshua không? – Có, khi họ bị chặn đường đến công ty, xe bus không thể đi vào gần khu họ làm việc, xe hơi không thể đậu tại tòa nhà của họ....Họ có quyền giận dữ, bực bội, hoặc đơn giản là chống lại những người biểu tình.
Nếu người nào đó đang có doanh nghiệp hoạt động trong khu bị chiếm, mất 1 tháng công việc, hoặc toàn bộ doanh nghiệp bị đình trệ vì cuộc Occupy Central, họ hoàn toàn có quyền giận dữ. Chắc chắn, sẽ có cả những thương vụ bị trì hoãn vì lo ngại tình hình chính trị xấu đi, không tốt cho công việc đầu tư. Thiệt hại đó, bất cứ ai đang ở trong guồng máy kinh tế (hoặc đơn giản là làm việc ở tòa nhà gần khu chiếm đóng) đều cảm thấy rõ ràng và dễ dàng giận dữ.
Nhưng nếu gọi Joshua Wong là “đại diện cho một thế hệ trẻ của Hong Kong chỉ biết và sẵn sàng làm những gì mình muốn mà không quan tâm tới bất kỳ ai khác cũng như hậu quả xảy ra cho những người khác” – thì hẳn người trả lời phỏng vấn đó chỉ cần có một ốc đảo là cái cửa hàng của mình hoặc office của mình (ko bị chiếm đóng là tốt nhất). Họ sẽ không cần đến thành phố, di sản hay cả những người xung quanh đang tổn thương.
Cái thế hệ trẻ đó không phải là những đứa ích kỷ, họ xuống đường đòi một thứ mà cha mẹ họ (cùng với những kẻ cai trị Anh Quốc) đã xây dựng bằng sự sống, khát khao được thay đổi cũng như sức lao động – vì một tương lai tự do, giàu có và an toàn cho con cái họ. Họ xuống đường đòi một di sản và một ý tưởng tốt đẹp phải được thực thi và tôn trọng.
Nếu ích kỷ, họ sẽ học đại học, vào làm cho chính phủ hoặc doanh nhân, kiếm nhiều tiền, đi du lịch đâu đó để thoát khỏi cái cảm giác của một Hong Kong bị chi phối từ đại lục và 40,7 triệu người Đại Lục đang tràn qua và làm cho cuộc sống của chính cư dân Hong Kong bấp bênh hơn.
Nếu ích kỷ, họ đơn giản là phớt lờ những khu ổ chuột đang ngày càng nhiều hơn ở Hong Kong, nơi giá nhà ngày càng đắt đỏ vì người lao động từ Trung Quốc qua quá nhiều. Time viết, Katie Lo (21 tuổi, sinh viên) nói: “Chúng tôi không thấy được các mặt tốt của tương lai chúng tôi”. Vậy thì cách dễ nhất ở 1 nơi giàu có như Hong Kong là kiếm ra nhiều tiền rồi đi qua Đông Nam Á sống giàu có phủ phê (như người Singapore đang đi vòng vòng khắp thế giới vì chán) .
Nếu ích kỷ, Hong Kong là nơi có đủ mọi thứ để họ vun vén cho chính họ, những đứa trẻ có học thức, sinh ra trong các gia đình ổn định, được đến trường.
Họ không phớt lờ.
Những đứa trẻ ấy suy nghĩ nhiều hơn cho một di sản họ đang dần mất mát, nơi ý thức về tự do, dân chủ sẽ chỉ còn là truyện cổ tích cha mẹ già của họ (người đã trót sinh ra và kiến tạo thời đó) – sau đó chìm vào quên lãng. Đổi lại, họ sẽ có 1 Hong Kong giống hệt Trung Quốc, biết đâu sẽ không thể vào mạng xã hội, sẽ bắn chết dân làng để chiếm 1 khu đất ngon cho quan chức, hoặc bắt giam bất cứ ai nói điều khác với điều chính phủ nói, track mọi tài khoản Weibo và kiểm duyệt mọi từ khóa.
Các từ khóa, sự tự do, hay 1 cuộc bắn giết chẳng ảnh hưởng gì đến những đứa sinh viên này cả. Hầu hết chúng có thể tiếp tục lớn và thành đạt và lờ đại lục đi, dù sao đó chỉ là một thể chế chính trị. Còn mỗi con người là một tinh cầu bé nhỏ với đủ hỗn loạn xung quanh phải xử lý.
Nhưng ngoài tinh cầu, con người còn có một nhu cầu lớn hơn, là chiến đấu cho một ý tưởng họ tin. Ai sẽ bảo người đàn ông tank man đứng trong quảng trường Thiên An Môn – trước dàn xe tăng – là đồ ngu? – Anh ta có thể không khôn ngoan để vùi đầu ngủ ngon trong một giấc mộng an toàn không có xe tăng. Nhưng không vì sự chiến đấu mà anh ta thành đồ ngu. Ai sẽ thấy đáng thương hại cho những người đàn ông đã chết trong cuộc chiến tranh Việt Nam (đổi lại một hiện thực tham nhũng đen tối bây giờ)? – Những anh bộ đội đó đã chết cho một ý tưởng họ tin vào – điều đó chẳng có gì sai cả - bởi mục đích của ý tưởng mà họ theo đuổi là tự do cho những người cha mẹ, ông bà, con nhỏ mà họ gặp và thấy mỗi ngày. Ý tưởng đó thật tốt đẹp và cao thượng.
Joshua Wong hay những đứa trẻ đang tuyệt thực trên sân khấu chính trị ở Hong Kong cũng thế - chúng có thể không khôn ngoan vùi đầu vào bài giảng đạo đức của đại lục – dập đầu thờ kính những quan chức tham nhũng – nhưng chúng chắc chắn không phải là những đứa trẻ ích kỷ.
Nếu đám trẻ ấy ích kỷ, sẽ không có hàng ngàn người giơ cao điện thoại trong những đêm Occupy Central. Nếu họ ích kỷ, sẽ không có những người già mang theo thức ăn, nước uống, chế mặt nạ chống hơi cay và dành tặng chúng.
Nếu họ ích kỷ, họ không cần đến các ý tưởng (mà theo chúng là tốt đẹp hơn cho Hong Kong và di sản của cha mẹ chúng), họ sẽ lớn lên như cỏ cây, giàu có, ra đi, và phớt lờ cái thành phố bé nhỏ ra sao thì ra.
Nhưng những người trẻ nhất, đã đánh đổi nguy cơ bị cảnh sát dùng dùi cui tấn công, đánh đổi ngày tháng, thời gian, tuổi trẻ, sinh mệnh để ngồi vật vờ ngoài đường, để phát biểu, thể hiện, ngủ trên đường xá, và rồi tuyệt thực.
Những cây dù màu sặc sỡ của họ, có thể không khôn ngoan, kín đáo, sạch sẽ như những người có địa vị, người có “lô cốt”, người có sự bảo an từ chính quyền, nhưng chúng chứa đầy các hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho thành phố và di sản của cha mẹ họ.
Khi nhìn cậu bé Joshua Wong đứng đó, tôi thấy cậu chắc chắn không phải 1 lãnh tụ, một biểu tượng. Chỉ có người cộng sản mới cần lãnh tụ để dựa vào. Còn ở đây, cậu hay bạn bè, hay những cậu bé, cô bé khác, họ phát biểu và nói về mong mỏi CỦA CHÍNH HỌ - VỀ THÀNH PHỐ. Nó đơn giản là một ý tưởng.
Và như một câu nói trong V for Vendetta: “Chúng ta được dạy hãy ghi nhớ các ý tưởng, không phải một con người, bởi vì một người có thể gục ngã. Ông ta có thể bị bắt, ông có thể bị giết và quên lãng, như 400 năm sau, một ý tưởng vẫn có thể thay đổi thế giới. Tôi đã chứng kiến sức mạnh của những ý tưởng, tôi đã thấy người ta giết chóc nhân danh ý tưởng, và chết để bảo vệ một ý tưởng…. nhưng bạn không thể hôn một ý tưởng, không thể chạm vào hay ôm nó… những ý tưởng không chảy máu, chúng không cảm thấy đau, chúng không biết yêu…”
Joshua Wong, Lester Shum hay thế hệ của cậu không ích kỷ, họ chỉ đơn giản là quá nhiều mong ước...

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"